Người viết nhạc giao hưởng đầu tiên ở Việt Nam

Thứ Năm, 27/10/2022, 15:45

Đó là nhạc sĩ Vĩnh Cát với tác phẩm giao hưởng đầu tiên là tổ khúc giao hưởng và thanh nhạc cho kịch múa "Hái hoa dâng Bác" được sáng tác năm 1960 để kỷ niệm lần thứ 70 sinh nhật Bác Hồ.

Vừa xuất hiện, đã được giới chuyên môn đánh giá cao và công chúng hào hứng đón nhận. Bây giờ thì đã có nhiều người viết giao hưởng với biên chế dàn nhạc và hiệu quả trình diễn hoành tráng hơn. Nhưng khi ấy - 1960 - vừa mới hòa bình được dăm năm, Dàn nhạc Giao hưởng quốc gia và Trường múa Việt Nam cũng vừa được thành lập, mọi thứ còn rất bỡ ngỡ thì "Hái hoa dâng Bác" với sự kết hợp của nhạc, múa và hát, có cả các em thiếu nhi cùng biểu diễn thì không thể không ghi nhận tài năng đáng kể của những người tạo nên tác phẩm, trong đó không thể không nhắc đến người đầu tiên viết nhạc giao hưởng của Việt Nam là Vĩnh Cát. Lúc này, ông chưa đến tuổi 26. Nếu có ý kỷ niệm ngày ra đời của ngành giao hưởng Việt Nam thì phải nhắc tới Vĩnh Cát là người đặt viên gạch đầu tiên cho thể loại  âm nhạc bác học lớn nhất này.

Người viết nhạc giao hưởng đầu tiên ở Việt Nam -0
Nhạc sĩ Vĩnh Cát.

Vĩnh Cát còn là tác giả những bài hát nổi tiếng từ lâu mà hôm nay nhiều bạn còn thuộc và ca hát: "Bạn ơi lắng nghe Bến Hải tâm tình", "Vườn nhãn quê hương", "Sa-pa thành phố trong sương", "Ngôi sao Hà Nội", "Sông Đà nhịp điệu mùa xuân"…Và nhiều tác phẩm khí nhạc là những bản sônát, côngxéctô giá trị. Ông là người nằm trong số hiếm hoi các nhạc sĩ ở Việt Nam đi cả hai chân vững vàng, hài hòa là khí nhạc và thanh nhạc (nhạc đàn và nhạc hát). Ngoài ra ông cũng có nhiều bài tham luận, bài viết đăng báo về lý luận, giảng dạy âm nhạc. Là người thầy đào tạo nên nhiều nhạc sĩ tên tuổi và là nhà quản lý văn hóa khi có thời gian dài cuối đời công chức làm Giám đốc Sở Văn hóa Hà Nội, có học hàm Phó Giáo sư.

Vĩnh Cát ra đời cuối tháng 12/1934 ở huyện Ân Thi (Hưng Yên), trong một gia đình có học. Ông có người anh trai và em trai đều là nhạc sĩ. Người em - nhạc sĩ Vĩnh Bảo - sớm trở thành anh hùng, liệt sĩ trong kháng chiến chống Mỹ. Hồi thiếu nhi, Vĩnh Cát tham gia đội thiếu nhi nghệ thuật do nhạc sĩ Lưu Hữu Phước đứng đầu. Một chuyện khá thú vị là năm 1948, ở tuổi 14, khi đang là thành viên Đội này, Vĩnh Cát đã sáng tác một bài hát hay có tên "Việt Bắc" phổ biến trên Đài Tiếng nói Việt Nam, được nhiều người ưa thích, có sức lan tỏa rộng.

Nhiều người không tin, cho rằng cậu bé nhờ ai sáng tác hộ khiến ông Trần Duy Hưng khi ấy phải thử lại khả năng của Vĩnh Cát bằng cách tập trung toàn bộ đội viên Đội Thiếu nhi nghệ thuật này và ra đề là hãy sáng tác một bài hát về Hà Nội (tại chỗ, không ai được rời). Nhiều bạn không làm được. Vĩnh Cát đã viết được bài "Gửi bạn Thủ đô". Đến lúc này, mọi người mới tin.

Chỉ 8 năm sau - năm 1956, ở tuổi 22 - ông viết tiếp bài hát về đề tài thống nhất "Bạn ơi! Lắng nghe Bến Hải tâm tình" nổi đình đám. Trong số hàng trăm bài hát viết về chủ đề đấu tranhh thống nhất đất nước khi ấy, người ta thuộc và nhớ được tới ngày hôm nay chỉ mấy bài: "Câu hò bên bờ Hiền Lương" (Hoàng Hiệp - Đằng Giao), "Hà Nội - Huế - Sài Gòn" (Hoàng Vân), "Dòng sông" (Trần Viết Bính), "Tình ca" (Hoàng Việt), "Giữ trọn tình quê" (Văn Cận), "Nhớ về quê mẹ" (Vân Đông) và "Bạn ơi! Lắng nghe Bến Hải tâm tình" của Vĩnh Cát.

Chỉ sau bài này một thời gian ngắn, ông có tiếp bài hát "Vườn nhãn quê hương" viết về quê Hưng Yên của mình thật đáng yêu: "Ở nơi ấy, làng tôi uốn quanh bên bờ sông. Rộng mênh mông cánh đồng cò bay thẳng cánh. Ở nơi ấy có người bạn tôi mến thương, mắt đen đen như hạt nhãn lồng…". Bài này tác giả viết để hưởng ứng phong trào Chính phủ kêu gọi người dân, đặc biệt là thanhh niên miền xuôi đi xây dựng kinh tế, văn hóa miền núi.

Có một chi tiết hài hước: Lãnh đạo tỉnh Hưng Yên khi ấy đã cho rằng bài hát này động viên mọi người lên miền núi mà nghe thấy rất yêu, rất nhớ quê Hưng Yên. Thế thì còn ai muốn đi nữa, sẽ níu chân người ta ở lại. Và đề nghị không phổ biến. Đúng là một thời quá ấu trĩ trong quan niệm về chức năng của văn nghệ!

Người viết nhạc giao hưởng đầu tiên ở Việt Nam -0
Nhạc sĩ Vĩnh Cát và phu nhân.

Là người được đào tạo bài bản, chính quy ở trường nhạc từ trung cấp, qua đại học rồi học thêm ở nước ngoài, lại kinh qua nhiều năm giảng dạy, Vĩnh Cát đã phát huy hết thế mạnh của mình trong sáng tác. Đó là các tác phẩm của ông luôn mẫu mực về mọi phương diện. Đặc biệt, ca khúc đã pha trộn được cả 3 phong cách là thính phòng (académique), dân gian (fonklore), nhạc nhẹ (extrade).

Điều này có thể thấy rõ ở các bài "Ngôi sao Hà Nội", "Sông Đà nhịp điệu mùa xuân", "Sapa thành phố trong sương". Ở bài viết về Sapa, ta thấy tác giả để lộ một bút pháp rất tinh tế trong việc kết hợp hài hòa giữa hai phong cách thính phòng và nhạc nhẹ để tạo nên một ca khúc thật đặc sắc. Thông thường, khi bắt đầu bài hát, người sáng tác thường gieo các nốt nhạc ở âm khu thấp hoặc trung. Nhưng "Sapa…" thì lại vút ngay lên âm khu cao ứng với ca từ: "Anh chỉ nghe em hát vang lên giữa trời mây. Anh chỉ nghe tiếng cười vang lên giữa ngàn cây. Mà người đâu chẳng thấy…". Bởi vì em đứng giữa "trời mây" và "ngàn cây" thì hẳn nhiên là phải ở một vị trí rất cao và nếu không như vậy thì tiếng hát của em không thể vang xa khiến anh có thể nghe thấy.

Ai cũng nghĩ đây là một ca khúc nói về cảnh đẹp, nên thơ của Sapa - địa điểm du lịch nổi tiếng - nên thật thú vị khi biết tác giả viết theo "đơn đặt hàng" của Tổng công ty rau quả. Nếu nghe kỹ ca từ sẽ thấy lộ ra điều này ở câu: "Anh tặng em một cành mận tím. Gửi ra tiền phương hạt giống rau em trồng" và "Đây là quê hương những hạt giống quý". Quả là tác giả đã rất khéo léo trong việc chuyển tải nội dung cần nói. Có lẽ vì giai điệu bài này quá hay, quá ướt át, lãng mạn nên người nghe không để ý đến nội dung trên mà nghĩ là một bản tình ca, một ca khúc du lịch.

Bài "Sông Đà nhịp điệu mùa xuân" cũng là một sáng tạo đặc biệt của Vĩnh Cát. Chất liệu ca trù được ông khai thác nhưng chỉ loáng thoáng. Để nói đến một công trình lớn, mang tầm thế kỷ trong lĩnh vực công nghiệp nặng, ông đã tạo cho ca khúc của mình một dáng vẻ rất hiện đại. Bài này nghe thì sướng tai nhưng hát không dễ bởi có nhiều ly điệu để tạo sự mới mẻ cho phần âm nhạc. Còn bài "Ngôi sao Hà Nội" thì từ chất liệu đến tổ chức giai điệu hoàn toàn mới mẻ, trẻ trung phù hợp với một bài tình ca dành cho tuổi trẻ. Ca khúc này để lộ sáng tác tình ca cũng là một sở trường của Vĩnh Cát. Tuy nhiên, do gần như cả đời làm công tác quản lý, hết Bí thư Đảng ủy, Phó hiệu trưởng Nhạc viện Hà Nội lại đến Giám đốc Sở Văn hóa Hà Nội mà sở trường này đã không được phát huy,

Vĩnh Cát tuổi Tuất. Tuổi này được mặc định có đời sống tình cảm phong phú, phức tạp. Đàn ông thì vướng nhiều vào vòng trai gái, có số đào hoa. Rất nhiều bậc mày râu ở tuổi này đều "viết truyện 2 tập", đi hai lần đò trở lên mới đậu được bến bình yên. Nhưng Vĩnh Cát thì không. Đời ông chỉ có một ý trung nhân duy nhất cho đến phút này khi cả hai đều đã ở phía bên kia dốc của cuộc đời. Ông có một tình yêu thật đẹp với bà, có vẻ như tình yêu của họ vẫn mãi thuở ban đầu. Khởi thủy mối tình của họ cũng khá độc đáo.

Ngày ấy, Vĩnh Cát đang là một giảng viên trẻ của Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam), đã cùng với người đồng nghiệp cũng là một nhạc sĩ rủ nhau đến dàn dựng văn nghệ cho một nhà máy. Tại đây, một nàng con gái người Huế có vẻ đẹp kín đáo, thùy mị, nết na đã khiến người bạn của Vĩnh Cát "say nắng". Nhưng chàng này "cưa" mãi mà không "đổ", bèn bàn giao "cưa" và khích lệ Vĩnh Cát: "Tớ với nàng không có duyên với nhau. Cậu tiếp tục "sự nghiệp" xem sao. Để sổng đám này thì phí quá". Đương nhiên là Vĩnh Cát cũng rất thích cô nàng. Thế là chàng lao vào và cuối cùng thành công.

Sau bao năm chung sống, nàng đã hết lòng lo liệu, thu vén mọi việc để Vĩnh Cát rảnh tay tập trung cho công tác và sáng tác. Có thể nói 50% sự nghiệp của ông thuộc về vợ. Không có bà, hẳn là ông không thể có những gì như đã có. Ông là một trong những người thành đạt chứng minh rất rõ một câu nói nhiều người đã biết: "Phía sau sự thành đạt của một người đàn ông, luôn có bóng dáng một người phụ nữ".

Cũng nhờ bà mà năm nay ông đã sát tuổi 90 nhưng vẫn khỏe mạnh, minh mẫn như một người ít hơn cả chục tuổi. Và xem ra ngọn lửa đam mê, sáng tạo vẫn chưa tắt trong trái tim rất nhạy cảm của người nhạc sĩ tài năng này.

Nguyễn Đình San
.
.