Người từ phố rừng

Thứ Năm, 01/09/2022, 16:39

Lâu rồi mới gặp nhà thơ Từ Ngàn Phố, bữa nay tới chơi thăm, thấy “ông lão bảy mươi” đang hào hứng, ông “khoe” ngay với tôi bài hát “Bến thu” mà ông vừa phổ nhạc từ thơ của nhà thơ Hoàng Xuân Tuyền.

Nhà thơ Từ Ngàn Phố được biết đến với những bài thơ được Giải thưởng Cuộc thi thơ Tạp chí Văn nghệ Quân đội năm 1984, năm 1986 và Cuộc thi thơ Báo Văn nghệ 1998 - 2000. Ông làm thơ từ khi còn học ở Trường cấp 3 Trùng Khánh, Cao Bằng, đầu những năm bảy mươi của thế kỷ trước. Thơ ông viết không nhiều nhưng ông cứ “mê mải” hơn 50 năm với “Em tặng anh/ một nỗi buồn thăm thẳm như đêm/ một tình yêu thác lũ” (Quà tặng), ngỡ chẳng biết khi nào mới dứt.

Nhưng “cái tên Từ Ngàn Phố” đã được biết đến từ cuối năm 1979, cũng trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội qua bài thơ “Ngựa Gióng lại về”. Nhà thơ Từ Ngàn Phố cho hay “Khi ấy tôi đang là sinh viên khoa Ngữ văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội. Bài thơ in ra được mấy hôm thì nhà thơ Anh Ngọc, biên tập viên của tạp chí, có nhắn tôi đến. Tôi vừa tới nơi đã bị hỏi luôn: Bài “Ngựa Gióng lại về” đã in ở Báo Văn nghệ TP Hồ Chí Minh với tên tác giả là Nguyễn Tuấn. Vậy ở đây, Từ Ngàn Phố đạo thơ Nguyễn Tuấn hay ngược lại? Nghe hỏi thế tôi vội trả lời: Dạ vẫn là một mình em thôi ạ”.

1.jpg -0
Nhà thơ Từ Ngàn Phố phổ nhạc cho một tác phẩm thơ.

Nhà thơ Từ Ngàn Phố tên thật là Nguyễn Tuấn, ông tuổi Quý Tỵ. Hồi xưa cha ông từ huyện Tứ Kỳ, Hải Dương đã “lặn lội” lên Cao Bằng làm ăn rồi ông cụ bén duyên với một thôn nữ người Tày. Nguyễn Tuấn ra đời và lớn lên với mảnh đất biên cương. Ông đã nhận mình là người Tày Trùng Khánh bởi những gắn bó “Ơi cố hương, ơi cố nhân/ cối gạo nước nện từng chày nuôi ta khôn lớn” (Cao Bằng nhớ).

Có một câu chuyện lý thú là, dưới chân núi Phja Phủ, huyện Trùng Khánh có “ba chàng ngự lâm”, họ cùng sinh ra và lớn lên ở đây và cùng nhau học chung lớp suốt những năm cấp 2 rồi cấp 3. Hồi trước thị trấn Trùng Khánh còn nhỏ nhoi thưa vắng, trường cấp 3 huyện cũng ít học sinh, vậy mà nơi đây đã “sản sinh ra ba chàng ngự lâm” tên tuổi. Đó là Hứa Vĩnh Sước (nhà thơ Y Phương), là nhà văn Cao Duy Sơn và Nguyễn Tuấn (nhà thơ Từ Ngàn Phố).

Bài thơ đầu tiên được “in báo” là bài “Tre tuổi thơ” in năm 1973 trên Báo Văn nghệ, do đích thân nhà thơ Xuân Quỳnh biên tập. Dạo ấy Nguyễn Tuấn đang tại ngũ, đơn vị đóng quân ở Vĩnh Phú. Phải nói là khi biết thơ mình “được in trên Báo Văn nghệ hẳn hoi” chàng lính trẻ Nguyễn Tuấn đã mừng đến mất ngủ mấy đêm và đó cũng là “cơ hội” mở ra với nhà thơ tương lai.

Ông nhập ngũ năm 1971, ngay sau khi thi đỗ vào Khoa Toán Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Giấy gọi vào đại học được “gác” lại để cậu học trò vừa tốt nghiệp phổ thông lên đường thành anh bộ đội. Nguyễn Tuấn được chọn đi học lái xe tăng, cùng “kíp” với nhà văn Nguyễn Thế Tường. Sau những tháng ngày luyện tập vất vả trên thao trường thì Nguyễn Tuấn được Bộ tư lệnh Tăng thiết giáp gọi đi học lớp viết văn do Binh chủng mở. Có lẽ việc “được gọi” xuất phát từ bài thơ in Báo Văn nghệ và bài thơ “Ngôi nhà mái thép” in ở Bản tin Thiết giáp.

Anh lính tăng trẻ măng, da trắng hồng như da con gái, cùng các học viên được nhà văn Xuân Thiều trực tiếp “chỉ giáo”. Với “vốn” nhiều năm là học sinh giỏi văn, giỏi toán của Trường Trùng Khánh nên Nguyễn Tuấn đã nhanh chóng bộc lộ khả năng. Kết thúc khoá học “viết văn” Nguyễn Tuấn lại lần nữa “được chọn”.

Anh được Binh chủng chọn vào Tổ viết văn của Binh chủng, tổ do Trung úy Nguyễn Hữu Thỉnh (nhà thơ Hữu Thỉnh) phụ trách. Và Tổ viết văn đó được đi thực tế ở Quảng Trị (năm 1974) để phản ánh nhiều hơn không khí chiến trường, nhất là với bộ đội xe tăng. Bài bút ký “Nghiền nát cửa phía Tây” của Nguyễn Tuấn ra đời ngay tại mặt trận và sau này được đưa vào tập sách “Theo vết xích xe tăng” của Bộ tư lệnh Tăng thiết giáp.

untitled-2.jpg -0
Một số ca khúc do nhà thơ Từ Ngàn Phố phổ nhạc.

Chuyến đi thực tế hoàn thành, Nguyễn Tuấn được điều về Bản tin Thiết giáp. Anh làm báo ở đó cho đến khi được ra quân. Rời quân ngũ là ngay lập tức Nguyễn Tuấn trở lại với ước mơ giảng đường đại học. Chỉ có khác là anh không vào học Khoa Toán như đã thi đỗ mà anh lại “học lại” để “thi lại đại học”. Mùa thu năm 1976, Nguyễn Tuấn đỗ vào Khoa Ngữ văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội. Tôi nghe kể thế thì “hơi giật mình” mà nói vui “Mất một nhà toán học nhưng lại được một nhà thơ. Và bây giờ thêm một nhạc sĩ”.

Ông Nguyễn Tuấn cười rất vui, vui đến ngỡ mái tóc dài trắng cước của ông chực tuột khỏi vòng dây buộc túm. Bút danh Từ Ngàn Phố như đã nói, xuất hiện lần đầu cuối năm 1979 trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Và từ đó tới nay người yêu thơ cả nước nhớ đến “cái tên” này. Một cái tên thoạt nghe cứ nghĩ rằng người mang tên ấy đích thị “quê Hà Tĩnh”, vì mảnh đất miền Trung nắng lửa ấy có dòng Ngàn Phố, có sông Ngàn Sâu?

Nhà thơ Từ Ngàn Phố cho hay “Tôi chọn bút danh là Từ Ngàn Phố là có hai lý do. Thứ nhất là tôi sinh ra và lớn lên ở thị trấn Trùng Khánh. Huyện Trùng Khánh nói riêng và tỉnh Cao Bằng nói chung cây lá ngút ngàn, núi non điệp trùng như bức tường thành che chở một vùng biên ải, “Từ Ngàn Phố” có nghĩa là “từ phố của rừng xuống”, vì “ngàn” là rừng mà”.

Sau lời giải thích nhà thơ Từ Ngàn Phố với tay lấy cây đàn ghi ta dựng ngay bên ghế, ông trầm ngâm cúi đầu giây lát rồi vừa gẩy đàn vừa cất tiếng hát “Có nơi đâu như nơi này/ Núi mọc chen nhau như cây rừng chen mọc/ Sông núi như triều dâng trùng trùng điệp điệp” (Chương 1: Có nơi đâu như nơi đây. Tổ khúc bốn chương mang tên “Người khai sinh bài ca”, lời thơ Y Phương và Từ Ngàn Phố, nhạc Từ Ngàn Phố). Lời hát lúc ngân lên da diết, khi rủ rỉ ngọt ngào, tôi lắng nghe mà tưởng như đang được cùng tác giả “đi trẩy nước non Cao Bằng” vậy.

“Vậy căn nguyên nào “đưa đẩy” bác đến với âm nhạc, cụ thể là sáng tác ca khúc?”. Nhà thơ Từ Ngàn Phố sau khi cẩn thận dựng cây ghita lại chỗ cũ mới thong thả nói “Khi bài thơ “Ngôi nhà mái thép” của tôi được nhạc sĩ Quang Dũng phổ nhạc và được biểu diễn, lính tăng rất thích. Đó là động lực để tôi đến với âm nhạc, nhất là khi bài thơ “Lời nhắn gửi từ những đài hương” tôi đã gửi cho một nhạc sĩ để anh ấy phổ nhạc nhưng anh ấy còn nhiều băn khoăn mà chưa phổ được. Chờ đợi mãi nên tôi đánh liều tự phổ lấy thành bài hát”. Nghe nói mà sao thấy dễ thế. Chắc cái nhà ông này phải có gì từa tựa như là “được học” rồi ấy?

Thì ra từ hồi năm 1973 xa xôi, hồi Bộ tư lệnh Tăng thiếp giáp mở lớp viết văn, song hành cùng đó là lớp sáng tác ca khúc. Lớp này do nhạc sĩ Trọng Loan hướng dẫn. Hai lớp bên cạnh nhau và học viên lớp sáng tác ca khúc thường “nhờ” học viên lớp viết văn “làm cho cái phần lời”. Nguyễn Tuấn đôi lần viết lời giúp và chàng được nhạc sĩ Trọng Loan nhiều bận gặp gỡ trao đổi. Ông nhạc sĩ có con mắt tinh đời đã gợi ý: Nếu chiến tranh kết thúc thì Tuấn nên theo học âm nhạc. Được lời như cởi tấm lòng nên Nguyễn Tuấn thường tranh thủ sang lớp sáng tác ca khúc để nghe ké, để học lỏm, rồi tự học góp thành “vốn” đợi đến mấy năm gần đây mới “bung lụa” và cho ra đời những hơn 30 bài hát và chắc sẽ còn nữa.

Tâm sự với tôi, nhà thơ Từ Ngàn Phố cho hay “Thơ là tâm hồn nên cảm xúc của thơ là ẩn sâu vào trong. Còn ca khúc thì cảm xúc phải được bộc lộ ra ngoài thông qua giai điệu và người hát. Do đó, khi phổ thơ tôi phải làm được hai điều: Giữ được cái hồn của thơ và biểu đạt cảm xúc qua lời hát”.

Các ca khúc phổ thơ như: "Bài hát ru hoa sen" – thơ Trần Hoà Bình; "Ta lại về tắm nước sông La" - thơ Đinh Sỹ Minh; "Chiều mơ thu" - thơ Vương Cương; "Bóng quê hương" - thơ Bế Thành Long; "Tìm em giữa miền thổ cẩm" - thơ Võ Sa Hà… Và các bài hát mà nhạc và lời Từ Ngàn Phố, như: "Thác Bản Giốc cây đàn trời tặng"; "Người ơi về Cao Bằng"… Nhà thơ Từ Ngàn Phố cho biết thêm “Thơ của tôi cũng được các nhạc sĩ phổ nhạc, chẳng hạn như bài: "Lửa mẹ cho" - nhạc Vũ Tuấn Hội; "Anh về với mẹ" - nhạc Lê Trung Tín… 

Tôi đế thêm: “Còn những bài hát đã nói trước đó nữa chứ”. Nhà thơ Từ Ngàn Phố không trả lời, ông chợt nghiêng đầu sang phải, mắt lim dim, bàn tay phải áp vào má, bàn tay trái nâng khuỷu tay phải. Rồi ông khe khẽ hát điệu hát Hà Lều của người Tày miền Đông Cao Bằng, lời ca đại ý: “Em ơi. Mặt trời đã xuống núi rồi nhưng anh đưa tay vẫy khăn thì mặt trời sẽ trở lại”. Câu hát nỉ non như lời kèn lá, hát rủ rê đầu bản đêm trăng.

Nguyễn Trọng Văn
.
.