Người phụ nữ thành đạt tuổi Dần trong làng văn

Thứ Tư, 26/01/2022, 10:09

Đầu năm Nhâm Dần, khi mùa xuân bắt đầu buông những giọt mưa liu riu, hoa xuân muôn sắc khoe màu, làng văn chương Việt Nam có thêm nhiều câu chuyện mới, tôi bỗng nhớ một người đàn bà đẹp tuổi Dần mang chữ Canh, năm nay 72 tuổi nhưng sức làm việc vẫn rất dồi dào. Đó là Phó Giáo sư, Tiến sỹ - Đào Tuấn Ảnh, tốt nghiệp Viện Phương Đông thuộc Đại học Tổng hợp Moskva mang tên Lomonosov.

Khi chưa nghỉ hưu, bà làm việc tại Ban Văn học nước ngoài của Viện Văn học Việt Nam. Với người đàn bà tuổi Canh Dần này, tuổi tác không quan trọng đối với sức làm việc và sáng tạo dồi dào. Tuổi 72, bà vẫn làm việc như ngày nào. Không chỉ những bài viết nghiên cứu, phê bình văn học hay thảo luận trong các hội thảo khoa học về văn hóa nghệ thuật như những người trẻ thời đại số, viết cho các tạp chí danh tiếng hay viết trên không gian mạng, chữ nghĩa của bà vẫn vô cùng sắc bén.

Tôi biết đến bà, ban đầu không vì những gì bà đã viết, đã làm (vì tôi vốn thành kiến với những nhà phê bình hàn lâm), mà tôi bị phong thái, nhan sắc, vẻ sang trọng đằm thắm của bà thuyết phục tôi ngay từ đầu khi gặp bà ở Viện Văn học, 20 Lý Thái Tổ, Hà Nội. Vẻ đẹp của bà làm tôi ngạc nhiên vì trong Hội thảo người ta giới thiệu bà là: Phó Giáo sư, Tiến sỹ, Tốt nghiệp Viện Phương Đông thuộc Đại học Tổng hợp Lomonosov, Tiến sĩ Ngữ văn… mà xưa nay, ngay kể cả L.Tolxtoi cũng đã nói đại ý "là phụ nữ đã đẹp thì não ngắn".

Từ đó tôi để tâm đến bà, đọc những gì bà viết và ngày càng ngạc nhiên hơn khi thấy bà là một trong những nhà phê bình văn học Nga hiếm hoi hiện nay. Được biết, ban đầu sang Nga bà học 5 năm ở khoa Ả rập học, lấy bằng tốt nghiệp ở đó nhưng bà không chỉ hiểu biết sâu sắc "Một nghìn đêm lẻ" mà còn âm thầm chìm đắm vào văn học Nga với tất cả tình yêu và sự đam mê.

Người phụ nữ thành đạt tuổi Dần trong làng văn -0
PGS-TS Đào Tuấn Ảnh.

Người đàn bà đẹp có học vị PGS-TS ấy còn khiến tôi nể trọng ở chỗ, bà không "dựa vào" hay "ăn sẵn" những gì đã có trong sách vở, trong thư viện. Công tác phê bình của bà là thích soi chiếu những cái đó trong thực tế và không quản ngại các chuyến đi. Vì nghiên cứu văn học Nga, từ năm 1990 đến nay, hầu như cách năm bà đều sang Nga một lần. Chỉ đôi ba lần đi bằng tiền Nhà nước, vì làm phiên dịch cho các đoàn công tác, còn lại hoàn toàn bỏ tiền túi. Bà muốn cập nhật những vấn đề mới của nền văn học mình nghiên cứu, mắt thấy tai nghe các vấn đề chính trị, xã hội, văn hoá của đất nước sinh ra nền văn học ấy, và cho rằng chỉ có thế nghiên cứu của mình mới thực sự có chất lượng...

Nói đến Đào Tuấn Ảnh, tôi rất muốn nhắc đến những bài nghiên cứu của bà như: cuối những năm 1990 là những bài "Chekhov và Nam Cao -  kiểu sáng tác hiện thực mới", "Puskin và Gogol - hai kiểu sáng tác trong văn học Nga". Từ năm 2000 đến nay, hàng loạt các bài viết về các đề tài khác nhau của văn học Nga đăng tải trên tạp chí nghiên cứu văn học và các báo, tạp chí chuyên ngành khác mà tôi chỉ có thể kể ra đây một số bài tiêu biểu, chẳng hạn "Anna Akhmatova", "Ở nước Nga nhà thơ còn lớn hơn nhà thơ - trường hợp Iu. Brodsky"; "Sáng tác của V. Pelevin và chủ nghĩa hậu hiện đại Nga"; "Những yếu tố của chủ nghĩa hậu hiện đại trong sáng tác của các nhà văn Nga và Việt Nam - cái nhìn so sánh"; "S. Esenin và thế kỉ Bạc trong văn học Nga"; "Solzenitsyn và một ngày của Ivan Desisovich"; "Văn học Nga hậu Xô Viết: Nhìn từ ngoài và cách thức tiếp nhận "; "Lời ai điếu cho nền Văn học Xô Viết; "Một thế kỷ truyện ngắn Nga " và gần đây nhất là bài "Phạm Vĩnh Cư và di sản Bakhtin ở Việt Nam" (in trong sách Phạm Vĩnh Cư - giảng đường và trang viết), năm 2021 và "Kịch Nga giao thời thế kỉ XX-XXI" in  trên tạp chí Sân khấu và điện ảnh năm 2021, số 3 và 4 … 

Những ai quan tâm tới sự thay đổi quan niệm sáng tác, đổi mới sáng tạo của văn học Việt Nam, theo tôi, nên tham khảo bài viết khá bề thế: "Văn học Nga hậu Xô Viết: Nhìn từ ngoài và cách thức tiếp nhận" với 3 phần: Ảnh hưởng của Cải tổ đối với văn học;  Bức tranh toàn cảnh văn học hậu Xô Viết; Tiếp nhận văn học hậu Xô Viết ở Việt Nam. Và nếu chúng ta có một câu hỏi rằng tại sao trong lịch sử nghệ thuật nói chung, văn học nói riêng, các trường phái thường chối bỏ cái trước nó, miệt thị cái khác mình (ông này bà này cũng tài, tác phẩm cũng hay mà lại ghét ông kia bà kia) thì hãy đọc bài "Puskin và Gogol - hai kiểu sáng tác trong văn học Nga". Ở đó, bà cho độc giả thấy rõ hơn về sự trọng thị của Gogol với Puskin…

Đọc những bài viết khác của bà về những tác giả Việt Nam, sau khi bà tiếp cận các văn bản của họ tôi thấy chính bà cũng ảnh hưởng cái tinh thần liên tài, tôn trọng sự khác biệt của Gogol. Bà nhận xét đánh giá một cách khách quan, chính xác và thẳng thắn, điều mà một người nghiên cứu, một nhà phê bình chân chính rất khó có và giữ được trong thời buổi hiện nay. Thời buổi người ta không thích sự thẳng thắn, chỉ thích bề nổi, chỉ thích khen…

Một mảng công việc quan trọng khác của Đào Tuấn Ảnh, đó là dịch thuật. Bà nói, ở Việt Nam. đội ngũ các nhà Nga học giờ mỏng lắm, nên bắt buộc phải làm việc theo kiểu 2 trong 1: vừa nghiên cứu vừa dịch. Tuy có vất vả, song cách thức làm việc này lại đáp ứng  nguyên tắc 3 trong 1 của dịch thuật: dịch giả đồng thời phải là nhà văn, nhà nghiên cứu!

Ngoài những bản dịch các công trình nghiên cứu của các học giả Nga (lớn nhất là cuốn "Lí luận văn học" của V. Khalizev), bà còn dịch sáng tác của các nhà văn, nhà thơ nổi tiếng của Nga, từ thế kỉ Vàng, thế kỉ Bạc cho tới hiện nay. Đồ sộ nhất là "Cuộc đấu súng - tuyển sáng tác của A, Chekhov"  (những tác phẩm của đại văn hào Nga mới dịch lần đầu) và tiểu thuyết không tưởng của nhà văn Nga nổi tiếng đầu thế kỉ XX Zamiatin "Chúng tôi" được quỹ V. Putin in cách đây 4 năm, (hiện vẫn đang mắc kẹt bên Nga do không có tiền chuyên chở về Việt Nam!).

Trong tác phẩm dịch thuật của mình, Đào Tuấn Ảnh không chỉ thực hiện nguyên tắc "vàng" là trung thành với tác phẩm gốc nguyên tác nhưng vẫn là một tác phẩm thứ hai (không sao chép máy móc), vừa truyền được văn phong nguyên tác, đồng thời lại "có giọng" riêng của dịch giả. Bà thích cái quan niệm của Octavio Paz, coi dịch thuật là một hành động làm thay đổi cái chính nó chuyển tải; dịch nghĩa là đưa vào tác phẩm gốc nhân tố lạ: một ngôn ngữ khác hẳn. Một ngôn ngữ khác là một cái nhìn khác về thế giới. Một bản dịch lý tưởng cần kết hợp hai cái dường như không thể kết hợp: tín và nhã.

 Vừa là dịch giả, vừa là nhà nghiên cứu văn học, Đào Tuấn Ảnh không chỉ thành công trong các bản dịch, bà còn chọn được tác phẩm hay để dịch, vừa có thể viết bài giúp cho độc giả tiếp nhận dịch phẩm.

Sáng tác văn học Nga tập trung chủ yếu ở cuốn "Truyện ngắn đương đại Nga" và "Ngữ pháp tình yêu" (bà chủ biên và dịch các tác phẩm văn học Nga đương đại). Những tác phẩm dịch lí luận và sáng tác văn học Nga ở mọi thời kì cho thấy sự bươn chải không biết mệt của bà trên cánh đồng văn học Nga mênh mông. Bà là một trong những người am hiểu sâu sắc văn học Nga hiếm hoi tại Việt Nam.    

Phụ nữ khi có tuổi thường tăng cân không thể kiểm soát, nhưng Đào Tuấn Ảnh vẫn giữ được vóc dáng thon gọn. Mới gần đây thôi, trong một sớm mùa đông, nhìn thấy bà trong chiếc măng- tô và tấm khăn voan nhẹ, tại nhà vườn ngoại ô, những người dự tiệc vẫn ngạc nhiên và không thể đoán ra tuổi bà. Những người biết bà thì nói rằng, để có được hôm nay trong cái vẻ thư nhàn chứa đựng cả một biển kiến thức ấy, Đào Tuấn Ảnh cũng đã phải trải qua nhiều ngày gian khổ như những người kiếm tiền mưu sinh trên đất Nga. 

Giờ đây, bà rời cuộc sống ồn ào của một con phố nhỏ trung tâm Hà Nội về ở khu chung cư gần ngoại ô. Mạnh mẽ, quyết liệt và sung sức trong sáng tạo nghệ thuật,  nhưng trong người đàn bà tuổi Canh Dần này vẫn chứa đựng vẻ dịu hiền và có chút gì đó như là buông bỏ trong ứng xử với đời, một tính cách đặc trưng của người tuổi hổ.

Trần Thị Trường
.
.