Người hiền của văn chương Nam Bộ

Chủ Nhật, 12/01/2025, 14:57

Ông Võ Phạm Lê - con trai nhà văn Trang Thế Hy bật mí: “Cha tui nấu ăn rất ngon. Nhưng cái ngon của ông không đơn thuần ở chỗ nêm nếm điệu nghệ mà còn ở chỗ khẩu phần ông nấu rất kiệm. Đổ bánh xèo, ông chỉ đổ đúng hai cái cho một người hay làm ốc bươu hấp sả, ông nấu làm sao mỗi người chỉ được ba con. Ông biểu ăn ít thì mới thòm thèm, mới nhớ lâu”.

Văn chương Trang Thế Hy nào có khác món ăn ông nấu: khiêm tốn mà ăm ắp trăn trở, suy tư để thế nhân mai sau mãi chiêm nghiệm...

Giải Cống hiến thuộc Giải thưởng văn học của Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh năm 2024 được truy tặng cho cố nhà văn Trang Thế Hy (1924 - 2015) vì những đóng góp xuất sắc của ông cho nền văn học nước nhà. Buổi lễ trao giải sẽ diễn ra vào ngày 15/1 tới đây. Trước thềm lễ trao giải, ngày 3/1, Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh phối hợp với Hội Văn học nghệ thuật Nguyễn Đình Chiểu (Bến Tre) tổ chức tọa đàm “Cuộc đời và sự nghiệp nhà văn Trang Thế Hy” nhân dịp tưởng niệm 100 năm ngày sinh của “người hiền” xứ dừa Bến Tre.

Nhà văn Trang Thế Hy tên thật là Võ Trọng Cảnh, được coi như một biểu tượng lớn của văn chương Nam Bộ. Thạc sĩ Đoàn Thị Nhung cho biết nhà văn Phạm Quang Trung gọi ông là "Kỳ lão", Ngô Thảo gọi ông là "Cây cổ thụ của văn học Nam Bộ"... Các tên gọi ấy cho thấy trong đánh giá của một số người, đóng góp của Trang Thế Hy cho vùng văn học Nam Bộ là khá đáng kể.

1 toa dam.jpg -0
Tọa đàm “Cuộc đời và sự nghiệp nhà văn Trang Thế Hy”.

Theo nhà văn Trịnh Bích Ngân, Chủ tịch Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh, Trang Thế Hy không phải là người thành đạt sớm trong văn chương. Bút danh Trang Thế Hy chỉ xuất hiện sau cột mốc 1975, còn trước đó ông dùng các bút danh Song Diệp, Phạm Võ, Văn Phụng Mỹ, Triều Phong… Tác phẩm đầu tay của Trang Thế Hy là trường ca “Thanh gươm tháng Tám” in trên Báo Nhân dân Nam Bộ vào giai đoạn cuối cuộc kháng chiến chống Pháp. Ông chuyển sang thể loại văn xuôi trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, với các truyện ngắn “Bên miệng hố bom đìa”, “Hột bụi”, “Quê hương thứ hai của người du kích”, “Vui nhỏ trên đường dây”, “Áo lụa giồng”, “Nắng đẹp miền quê ngoại”…

Trong đó, đáng chú ý nhất là truyện ngắn “Anh Thơm râu rồng” được trao Giải thưởng văn học Nguyễn Đình Chiểu của Hội Văn nghệ Giải phóng miền Nam Việt Nam năm 1965. Khoảng 15 năm sau ngày đất nước thống nhất là khoảng thời gian chín muồi của hành trình sáng tạo Trang Thế Hy, với một loạt truyện ngắn tạo được ấn tượng mạnh mẽ như “Mưa ấm”, “Nợ nước mắt”, “Nghệ thuật làm bố dượng”, “Về nhà trước cơn mưa”, “Tiếng hát và tiếng khóc”, “Vết thương thứ 13”…

Nhà văn Trang Thế Hy viết không nhiều. Cả sự nghiệp của ông chỉ có khoảng 50 truyện ngắn, 20 bài thơ và 4 tiểu thuyết. Nhưng mỗi tác phẩm là một hạt ngọc được tác giả chắt chiu từ cuộc sống, lay động cõi người. Là cây bút cẩn trọng và trung thực, Trang Thế Hy đã chọn cho mình một phong cách viết mộc mạc, thong dong nhưng giàu nội lực và sâu sắc. Chất Nam Bộ thể hiện rất rõ trong từng tác phẩm của ông từ ngôn ngữ đến cảnh sắc, con người... Từng lời, từng chữ rặt chất miền Tây như “cười thúi đầu”, “tầm xàm tầm đế” hay “tròn vo như thùng nước lèo” khi đưa vào tác phẩm đều được ông lựa chọn, cân nhắc kỹ càng.

Cái đáng quý nhất chính là ngòi bút triết lý mà giản dị của ông luôn hướng về những số phận lam lũ và yếu thế để tìm ra vẻ đẹp ẩn giấu bên trong những mảnh đời rất đỗi bình dị. Ông không phán xét mà chiêm nghiệm, bao dung như tấm lòng hào sảng, hồn hậu của người miệt vườn miền Tây. Nói như TS Hà Thanh Vân: Văn chương Trang Thế Hy rất gần với triết lý wabi-sabi của Nhật Bản. Đó là triết lý về cái đẹp trong sự bất toàn.

Với thi ca, tuy ông viết không nhiều (chỉ khoảng 13 bài sáng tác và 10 bài dịch từ thơ Tagore, thơ phương Tây) nhưng tinh thần wabi-sabi vẫn phảng phất. Điển hình nhất là bài thơ “Tấm vé số và những thiên đường có sẵn”. Nhà thơ Ngô Thị Hạnh cho rằng thơ Trang Thế Hy đậm đặc “ý tưởng” thơ - tứ thơ và sự bất ngờ. Thơ ông khác lạ so những nhà thơ đương thời và những nhà thơ khác bởi sự quan sát tỉ mỉ, tinh tế rất… văn, trong văn ông có thơ và trong thơ ông có văn. Sự kết hợp hiếm hoi này đã khiến thơ ông như kể cho người khác, cho nhân gian chứ không phải cho riêng mình.

Để chú Tư Sâm (tên thân mật của nhà văn Trang Thế Hy) chịu in tập thơ “Đắng và Ngọt” - tập thơ duy nhất trong sự nghiệp của ông, nhà thơ Ngô Thị Hạnh phải dùng “chiêu”. Chị kể: “Năm 2009, tôi cùng nhà thơ Chim Trắng thường xuyên đến thăm chú. Hồi ấy tôi hỏi chú có làm thơ không thì chú cười hiền “chú đâu có làm thơ, cũng chỉ là những ghi chép ngắn của người làm văn mà thôi”.

Một lần, do con hẻm vào nhà chú lúc đó đang sửa nên xe hơi của nhà thơ Chim Trắng phải đỗ ngoài lộ. Chú Tư dắt xe đạp ra đón. Trên tay chú còn cầm theo một nhành hoa. Nhà thơ Chim Trắng bèn ghẹo: “Hôm nay điệu quá, dắt xe đạp cầm hoa?”. Chú Tư chỉ giải thích “Hôm nay có nhỏ Hạnh mà”, rồi chú đưa cho tôi cành hoa mà chú vừa hái ở vườn nhà cho tôi.

Nhưng tôi vẫn thắc mắc sao chú lại dắt xe đạp, từ hẻm ra đây đâu có xa? Sau tôi mới biết, do thời điểm đó chân chú khá yếu, đi phải chống gậy, thay vì chống gậy ra đón chúng tôi thì chú dắt xe đạp, trông sẽ thơ hơn. Thấy vậy, tôi chắc mẩm con người này là “người thơ” rồi. Về sau lục được vài bài thơ dịch của chú, tôi bèn giục chú sáng tác thêm. Nhưng chú đưa ít lắm, lâu lâu chỉ đưa một bài. Gom dần tôi cũng đủ 13 bài với vài bài thơ dịch là được tập bản thảo để xuất bản. Tập thơ đầu tay và duy nhất của chú được in khi chú đã gần 90 tuổi”.

Trở lại với mảng văn xuôi, nhà thơ - nhà phê bình Lê Thiếu Nhơn đánh giá: Trang Thế Hy là mảnh ghép cuối cùng trong bộ tứ Nguyễn Quang Sáng - Anh Đức- Lê Văn Thảo - Trang Thế Hy để làm nên diện mạo của văn chương cách mạng Nam Bộ thế kỷ 20. So với ba bạn văn, Trang Thế Hy bổ khuyết thêm mảng màu về nhân vật trí thức nghèo ở xã hội miền Nam, đặc biệt là ý thức phản biện xã hội đậm đặc trong tác phẩm của ông mà ba người trên ít viết.

2 truyen ngan trang the hy.jpg -1
“Tuyển tập truyện ngắn Trang Thế Hy” do NXB Trẻ ấn hành nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông.

So với các nhà văn Nam Bộ cùng thời, văn chương Trang Thế Hy còn khác biệt ở chỗ ông trăn trở nhiều về trách nhiệm của người cầm bút. Đây cũng là một trong những lý do mà Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh truy tặng giải Cống hiến năm nay cho nhà văn Trang Thế Hy. Nhà văn Trịnh Bích Ngân cho biết: “Sinh thời, nhà văn Trang Thế Hy luôn đau đáu về chữ nghĩa, về sự lương thiện của người cầm bút. Ông quan niệm “trong cao hứng phóng bút, phải nghiêm cẩn tự dặn dò mình đừng bao giờ tùy tiện bịa đặt”. Trong truyện ngắn “Chút hào quang từ mảnh vỡ của một ngôi sao buồn”, ông đã xây dựng hình ảnh nhân vật Tư Chơi “tuổi già của tôi lạnh lẽo thật, nhưng tôi không muốn sưởi ấm bằng hào quang của người khác” để gửi gắm thông điệp: “Khi nào biết mình viết hết được rồi thì phải đi chỗ khác chơi, đừng bẹo hình bẹo dạng ở chỗ trường văn trận bút và tuyệt đối đừng để những người hâm mộ mình đọc những câu lếu láo”.

Văn ông viết như cách ông sống. Về già, 20 năm không còn cầm bút, ông “đi chỗ khác chơi” thiệt. Trở lại quê nhà, ông sống ẩn dật giữa rừng dừa êm ả. Nhưng 20 năm ấy, nỗi đau đáu chữ nghĩa có khi nào tắt. Hễ có bạn văn đến chơi hay cây bút trẻ nào đến xin ông cho ý kiến về bản thảo, ông già “ốm nhách như cọng hành” ấy vẫn điềm đạm góp vài ý nhỏ. Chỉ góp ý, chỉ băn khoăn đôi chút về câu chữ thôi, còn anh nhà văn trẻ ấy có tiếp thu hay muốn viết lại thế nào thì viết, ông không lấy danh của bậc cha chú mà ép.

Về thăm Trang Thế Hy đôi lần giữa vườn dừa xanh um, nhà văn Trần Quốc Toàn nhận định: “Nhìn rộng ra toàn cảnh văn nghiệp Trang Thế Hy mới thấy tay viết gạo cội này đã đọc kĩ lại còn viết chậm! Sống thật rồi mới hư cấu, mới sáng tạo văn chương”.

Tinh thần trách nhiệm, sự trung thực và tính triết lý của hồn văn đậm chất Nam Bộ đã làm nên một di sản văn học khó quên. Tròn 10 năm ông “đi chỗ khác chơi” mãi mãi, di sản văn học ông để lại vẫn là “liều thuốc giảm đau” quý giá cho độc giả, cho cộng đồng như ông từng tâm niệm: “Trong y học, khi thuốc giảm đau gây tác hại thì đó là lỗi của người sử dụng thuốc chứ không phải lỗi của người bào chế thuốc. Trong nghệ thuật, người nghệ sĩ phải chịu trách nhiệm về bào chế tác phẩm của mình”.

Mai Quỳnh Nga
.
.