Người Châu Á đầu tiên đoạt giải Nobel Văn học: Thầy học vĩ đại
Kể từ khi Nobel xướng tên ông đến nay, trải qua hơn một thế kỷ, 110 năm và có lẽ hơn thế nữa, mãi mãi, thơ của ông vẫn sẽ nằm trong trái tim những người yêu thơ, yêu những cái đẹp bình dị đến từ đời sống nhiệm màu. Người đàn ông vĩ đại ấy chính là Rabindranath Tagore (1861-1941).
Năm 1913, lần đầu tiên Giải Nobel Văn chương thuộc về một nhà thơ châu Á. Những vần thơ kỳ tích của ông không chỉ chinh phục hội đồng chấm giải Nobel mà còn chinh phục độc giả trên toàn thế giới. Kể từ khi Nobel xướng tên ông đến nay, trải qua hơn một thế kỷ, 110 năm và có lẽ hơn thế nữa, mãi mãi, thơ của ông vẫn sẽ nằm trong trái tim những người yêu thơ, yêu những cái đẹp bình dị đến từ đời sống nhiệm màu. Người đàn ông vĩ đại ấy chính là Rabindranath Tagore (1861-1941).
Tagore hay Rabindranath Tagore có tên khai sinh là Rabindranath Thakur. Ông là nhà thơ người Bengal, triết gia Bà La Môn và nhà dân tộc học chủ nghĩa người Ấn Độ. Ông nổi tiếng thế giới là nhà thơ vĩ đại, nhà văn hóa kiệt xuất của nhân loại. Tagore viết nhiều thể loại, từ thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết, kịch, âm nhạc… Năm 1913, ông nhận giải Nobel văn chương cho tập thơ “Gitanjali” (theo tiếng Bengal là Lời dâng) mang những vần thơ tuyệt diệu, là chiếc cầu nối văn hóa Đông-Tây. Đây là tập thơ gồm nhiều bài về đời thường, tôn giáo, triết học, nhưng dễ hiểu, dễ gần, dễ cảm, dễ rung động. Tập thơ khi đó được đánh giá là “một biểu tượng vĩ đại phối hợp trong mình hai nguồn tinh túy Á - Âu”, là “kỳ công thứ hai của tạo hóa sau Kalidasa”. Kalidasa được coi là nhà thơ lớn của Ấn Độ thế kỷ thứ V. Như vậy, đương thời, mọi vinh danh cao nhất, Tagore đều nhận được.
Rabindranath Tagore sinh ra và lớn lên trong gia đình trí thức, tại Kolkata, Tây Bengal, Ấn Độ. Tagore làm thơ và dịch thuật từ rất sớm, khi mới 8 tuổi với bút danh Bhânusiha "Sư tử Mặt trời". Những vần thơ của ông toát lên một vẻ đẹp của thiên tài, sau này cống hiến không chỉ cho Ấn Độ mà cho cả nhân loại. Mặc dù xuất thân từ gia đình có nề nếp, chịu ảnh hưởng sâu sắc từ văn hóa đa sắc màu của Ấn Độ, nhưng trong nghệ thuật, Tagore tự vượt qua lối cổ điển, bắt đầu nhìn nhận một cảm thức mới trong thi ca. Cách nhìn của ông về con người, về Thượng đế khác hẳn cách nhìn của nhiều thế hệ trước, nhiều thi sĩ trước.
Được xem là thần đồng thơ ca, lúc 13 tuổi, Tagore cho thấy sự thông minh và tài năng khi có thể sáng tác thơ, nhạc, họa, đọc sách cổ bằng tiếng Phạn (Pahli) và dịch kịch bản của đại thi hào người Anh William Shakespeare (1564-1616). Năm 17 tuổi, Tagore du học bên Anh rồi trở về Ấn Độ vào năm 1880 và bắt đầu sáng tác nhiều tập thơ, truyện ngắn, kịch bản.
Khi nói về cuộc đời của Tagore, ông Ranjit Rae, Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam nói rằng: “Tagore là một công dân toàn cầu. Ông không tin vào chủ nghĩa quốc gia hạn hẹp… Ông không muốn thế giới này bị chia rẽ thành những mảnh ghép vụn vặt bởi bức tường nội địa. Người ta nhớ đến Tagore không chỉ bởi những bài ca dâng hiến hay vì những di sản vĩ đại trong nghệ thuật, âm nhạc, kịch, hội họa. Trên hết ông được nhớ tới bởi những tư tưởng và sáng kiến mà ngày nay vẫn tiếp tục có ảnh hưởng vĩnh cửu trong thế giới”.
Tagore được ví như là gạch nối giữa văn hóa phương Đông và văn hóa phương Tây. Ở Tagore, không gì có thể làm con người khuất phục. Trong thơ, vừa mơ ảo, vừa hiện thực, Tagore đã đưa tâm hồn con người đi từ cách nhìn đời vào cách nhìn linh thiêng, để từ đó, biết yêu thương con người, biết bảo vệ cái đẹp, cái thiện lương.
Rabindranath Tagore không những được biết đến là con người của nghệ thuật, ông còn được biết đến là một nhà giáo dục, một nhà thuyết pháp. Sinh thời, ông đã đến nói chuyện ở tới hơn 30 quốc gia trên năm lục địa. Năm 1924, đến Sài Gòn ông luôn đề cao con người, con người như là trung tâm của sự sống, của vũ trụ. Nhận thức của ông về khoa học, hay tâm linh, thì luôn đưa con người vào giữa, như là sự cân đối, hài hòa.
Ông đã nói những lời này sau trong chuyến thăm Albert Einstein: “Chẳng thể có nhận thức nào khác. Thế giới này là thế giới của con người - cái nhìn mang tính khoa học về nó cũng là cái nhìn của con người khoa học. Có những tiêu chuẩn về lý tính và xúc cảm để nó trở thành chân lý, là tiêu chuẩn của Con người Vĩnh hằng, trải nghiệm của Con người Vĩnh hằng chính là thông qua trải nghiệm của chúng ta”. Tất cả nhìn nhận, đánh giá về thế giới thực, thế giới tâm linh, đều thông qua cái nhìn của con người, đó là thông qua trải nghiệm của chúng ta.
Trong di sản thơ của mình, Rabindranath Tagore để lại cho đời hơn 1.000 bài với 50 tập thơ. Thơ Tagore luôn mang lại vẻ đẹp lấp lánh, vừa giản dị, vừa kiêu sa. Thơ ông không phân biệt độc giả, hầu như ở lứa tuổi nào đều cảm được. Và qua những bài thơ ấy, người đọc được chìm vào một không gian khác, thật an lành và vui tươi. Sinh thời, Tagore được lãnh tụ phong trào giải phóng Ấn Độ Mahatma Gandhi đã gọi là “người thầy học vĩ đại”, để thấy rằng, sự vĩ đại của Tagore đối với nhân dân Ấn Độ lớn lao thế nào.
Thơ của Tagore giàu tinh thần nhân ái, yêu cuộc sống, thiên nhiên, yêu chuộng hòa bình và chống chiến tranh. Không những thế, Tagore còn được biết đến là nhà tư tưởng, nhà triết học, họa sĩ, nhạc sĩ... xuất sắc. Ông để lại cho hậu thế một khối lượng tác phẩm đồ sộ, có giá trị về nhiều mặt. Bao gồm: 52 tập thơ với khoảng một nghìn bài thơ, 42 vở kịch, 14 tiểu thuyết loại truyện dài, 12 tác phẩm văn xuôi, hàng trăm truyện ngắn, bút ký, tiểu luận, diễn văn, hồi ức, thư tín cùng hàng ngàn ca khúc và tranh vẽ vô giá, là kho tàng văn hóa Bengal ở cả hai khu vực bờ Tây là Ấn Độ và Đông là Bangladesh. Trong đó, ca khúc “Chúa là linh hồn tất cả chúng sinh” ông sáng tác năm 1911 đã trở thành Quốc ca Ấn Độ từ năm 1950.
Trong các nhà thơ đoạt giải Nobel Văn học, Rabindranath Tagore là một trong những tác giả có tác phẩm được dịch sang tiếng Việt nhiều nhất và sớm nhất. Năm 1910, Tagore cho xuất bản bằng tiếng Bengali tập “Lời dâng”, rồi đích thân dịch tập thơ sang tiếng Anh và cho xuất bản ở London năm 1912. Tập thơ nhanh chóng gây tiếng vang lớn ở châu Âu, để rồi một năm sau đó, tác giả của nó được trao giải Nobel. Tập thơ này gồm 103 bài thơ nhỏ không đề.
Ví dụ, một bài thơ trong tập thơ đoạt giải qua bản dịch Đỗ Khánh Hoan: “Bạn đọc, bạn là ai, người trăm năm về sau, đang đọc thơ tôi ?/ Tôi chẳng thể gửi đến bạn bông hoa duy nhất trong sắc Xuân đầy/ ánh vàng độc nhất từ lớp mây đàng kia/ Xin mở toang cửa, nhìn bốn phương trời/ Và thu nhặt ngay trong vườn nhà mình hoa nở rộ/ những kỷ niệm ngát hương của bông hoa trăm năm về trước đã tàn phai/ Tim dạt dào nguồn vui, có thể bạn sẽ cảm thấy hân hoan/ niềm hân hoan sinh thú ca vang một sớm mùa Xuân/ gửi qua trăm năm tiếng nói yêu đời...”. Tagore đã dành toàn bộ số tiền thưởng giải Nobel của mình để xây trường học tại quê hương - miền Tây Bengal (Ấn Độ).
Sau giải Nobel văn chương đầu tiên thuộc về Tagore, châu Á tiếp tục được vinh danh Nobel văn chương bởi những cái tên như: Shmuel Yosef Agnon (Israel); Kawabata Yasunari, Oe Kenzaburo (Nhật Bản); Orhan Pamuk (Thổ Nhĩ Kỳ) và Mạc Ngôn (Trung Quốc).
Mây và sóng
Mẹ ơi, kìa ai đang gọi con trên mây cao.
Họ bảo: “Chúng ta vui chơi từ tinh mơ đến hết ngày
Chúng ta giỡn với sớm vàng rồi lại đùa cùng trăng bạc”
Con hỏi: “Nhưng mà làm thế nào tôi lên trên ấy được?
Họ trả lời: “Con hãy đi đến hết cõi đất, rồi giơ tay lên trời con sẽ bay bổng lên mây”.
Nhưng con nói: “Mẹ tôi đợi tôi ở nhà, tôi có lòng nào bỏ được mẹ tôi”
Họ bèn mỉm cười, và lơ lửng họ bay đi mất
Nhưng con biết trò chơi còn hay hơn của họ
Con làm mây nhé, mẹ làm mặt trăng,
Hai tay con ôm mặt mẹ, còn mái nhà ta là trời xanh
Mẹ ơi, kìa những ai đang gọi con dưới sóng rì rào
“Chúng ta ca hát sớm chiều, chúng ta đi mãi mãi, không biết là đi qua những đâu”
Con hỏi: “Nhưng làm thế nào tôi đuổi được theo bây giờ?”
Họ bảo: “Cứ đi, con cứ đi đến bờ biển, đứng im, con nhắm mắt lại, sóng sẽ cuốn con đi”
Con trả lời: “Nhưng đến tối mẹ tôi nhớ thì sao? Tôi làm thế nào mà rời mẹ tôi được?”
Họ bèn mỉm cười, và nhảy nhót, họ dần đi xa
Nhưng con biết trò chơi còn hay hơn của họ
Con làm sóng nhé, mẹ làm mặt biển,
Con lăn, lăn như làn sóng vỗ, tiếng con cười giòn tan vào gối mẹ
Và không ai trên đời này biết được là mẹ con ta đang ở đâu!Bài số 28
Đôi mắt băn khoăn của em buồn,
Đôi mắt em muốn nhìn vào tâm tưởng anh
Như trăng kia muốn vào sâu biển cả.
Anh đã để cuộc đời anh trần trụi dưới mắt em.
Anh không giấu em một điều gì,
Chính vì thế mà em không biết gì tất cả về anh.
Nếu đời anh chỉ là viên ngọc,
Anh sẽ đập nó ra làm trăm mảnh
Và xâu thành một chuỗi
Quàng vào cổ em.
Nếu đời anh chỉ là một đoá hoa
Tròn trịa, dịu dàng và bé bỏng,
Anh sẽ hái nó ra để đặt lên mái tóc em.
Nhưng em ơi! Đời anh là một trái tim,
Nào ai biết chiều sâu và bến bờ của nó.
Em là nữ hoàng của vương quốc đó,
Ấy thế mà em có biết gì biên giới của nó đâu.
Nếu trái tim anh chỉ là những phút giây lạc thú,
Nó sẽ nở ra thành nụ cười nhẹ nhõm
Và em thấu suốt rất nhanh
Nếu trái tim anh chỉ là khổ đau,
Nó sẽ tan ra thành lệ trong|
Và lặng im phản chiếu nỗi niềm u ẩn.
Nhưng em ơi, trái tim anh lại là tình yêu
Nỗi vui sướng, khổ đau của nó là vô biên,
Những đòi hỏi và sự giàu sang của nó là trường cửu.
Trái tim anh ở gần em như chính đời em vậy,
Nhưng chẳng bao giờ em biết trọn nó đâu.
Thơ Tagore