Ngọn lửa Đoàn Xuân Hòa

Thứ Bảy, 27/11/2021, 20:50

Chất miền Trung thấm sâu trong từng tế bào, ăn sóng nói gió, mãnh liệt và sâu sắc, thẳng thắn và hết mình, tình sâu, nghĩa nặng trong Hòa như gấp đôi. Dù hoàn cảnh nào, trong Hòa vẫn nét, vẫn vẹn nguyên một tâm hồn khoáng đạt. Hòa như ngọn lửa ấm, luôn luôn cháy sáng. Không phải ngẫu nhiên trong thơ Hòa có nhiều ngọn lửa.

Anh bỗng sợ ngày

tín phiếu tình yêu kẻ mạo danh nào cuỗm mất”.

Trong thơ Đoàn Xuân Hòa như có dự báo xa mà không ai nghĩ tới. Giờ thì “kẻ mạo danh” đã “cuỗm mất” “tín phiếu tình yêu” của Hòa thật rồi. Nó cuỗm mất vào lúc 16 giờ 29 phút ngày 19 – 11 - 2021, khi ở tuổi 68. “Kẻ mạo danh” ấy đã làm những người bạn quen và “cả những người không quen biết” của Hòa biệt nhau mãi mãi.

Nhà thơ Đoàn Xuân Hòa sinh năm 1954 tại Đô Lương, tỉnh Nghệ An. Nhưng quê cha đất tổ của Hòa ở Thôn Vĩnh Lại, xã Triệu Phước, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Một nhà thơ bừng nhiệt, kết hợp hồn cốt của quê cha Quảng Trị với mảnh đất Đô Lương, Nghệ An, bên bờ sông Lam nơi Hòa sinh ra, đã nuôi dưỡng tâm hồn phù sa thi sĩ. Đoàn Xuân Hòa có hai quê đều ở miền Trung, gió Lào và nắng lửa với núi cao, sông sâu cuộn chảy.

Ngọn lửa Đoàn Xuân Hòa -0

Chất miền Trung thấm sâu trong từng tế bào, ăn sóng nói gió, mãnh liệt và sâu sắc, thẳng thắn và hết mình, tình sâu, nghĩa nặng trong Hòa như gấp đôi. Dù hoàn cảnh nào, trong Hòa vẫn nét, vẫn vẹn nguyên một tâm hồn khoáng đạt. Hòa như ngọn lửa ấm, luôn luôn cháy sáng. Không phải ngẫu nhiên trong thơ Hòa có nhiều ngọn lửa.

- Tác phẩm thơ Hòa in cùng một nhà xuất bản Hội nhà văn: “Lửa không cần trang phục”; “Phù sa lắng” và “Bơi cùng sóng bạc đầu”. Thơ chọn, in chung với nhà thơ Vương Cường, 2018. Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.

- Giải thưởng thơ báo Văn Nghệ các năm: 1989-1990; 1994-1995; 1999-2000.

Tin nhắn cuối cùng Hòa gửi: “Anh Cường ơi, thèm gặp nhau lắm!”. Đúng, thèm lắm Hòa ạ. Nhưng vì con Cô vít, lẽ ra ta đã gặp nhau trước khi Hòa đi viện. Lẽ ra đã nói được với nhau những lời chia tay, đọc cho nhau nghe những câu thơ cuối cùng trước khi Hòa đi xa.

Nhưng Hòa ơi, “kẻ mạo danh” dù đã “cuỗm mất tín phiếu tình yêu” của Hòa nhưng không thể ngăn cản được tấm lòng của bạn bè, đồng đội khi Hòa đi xa. Vẫn yêu thương ngọn lửa mà Hòa đã nhen nhóm từ đất trời, sông biển miền Trung, từ máu đồng đội và của chính mình trong lòng bè bạn.

Ngọn lửa Hòa nhen lên những chiều theo gió từ sông Lam vọng về câu ví dặm. Từ những tiếng ru con, tiếng chim, hương hoa trái trong xóm mạc, trong những nếp nhà tranh, sau lũy tre xanh. Nó cháy lên trong những mùa lam lũ. Từ trong lòng cậu bé đội mũ rơm cùng bạn bè đến trường và ngồi thản nhiên học dưới hầm ở Đô Lương và Tân Kỳ thời Mỹ ném bom miền Bắc.

Ngọn lửa đó từng được nhen lên trong những ngày chạy tránh bom giặc dội. Ngọn lửa đó lây từ mệnh lệnh của khẩu đội trưởng và mắt các pháo thủ hướng lên trời bắn rụng máy bay giặc. Từng cháy lên ở Trường đại học Bách Khoa trong mắt của một sinh viên đặc biệt giỏi toán. Từng cháy lên trên những bước gập ghềnh trên dãy Trường Sơn khi lắng nghe tiếng rúc rích trong khe đá của con suối tinh nghịch và òa ra thanh thản như một mảnh ao làng.

Từ sinh viên năm nhất của Trường Đại học Công nghiệp nhẹ, Hòa trở thành chiến sỹ tuyến đầu ngày 27 – 5 – 1972. Chỉ sau hai tháng luyện tập đã thẳng tiến vào chiến trường Quảng Trị đúng vào giữa chiến dịch 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ thành cổ. Năm ấy Hòa chưa tròn 18 tuổi.

Những thử thách gian khổ, giữa sống và chết bắt đầu từ tuổi 18. Trên vai cậu sinh viên trẻ măng tơ ấy là 40kg ba lô, súng đạn cùng con dốc Trường Sơn dựng ngược giữa mịt mù bom đạn. Hòa đã cùng đồng đôi mình hoà vào đoàn quân hăm hở hướng ra chiến trường. Những giọt mưa rơi lộp bộp trên mái tăng giữa đêm trên đỉnh rừng già. Hòa ra chiến trường rạo rực bởi lòng yêu quê hương đất nước và tình yêu thơ bẩm sinh cũng dần thức dậy.

Trong cuộc chiến bảo vệ thành cổ và nhiều trận chiến giữ đất và chốt ở Quảng Trị, là một y tá, trên tay Hòa từng bế bồng hàng trăm đồng đội vừa hi sinh vừa bị thương. Đôi tay ấy từng nhặt từng mẩu xương, thịt đồng đội ở bãi cát Cửa Việt trước khi hiệp định Paris có hiệu lực. Hòa đã nhặt từng mảnh của ngọn lửa tình đồng đội và tiếp tục thắp sáng lên trên chính tay mình.

Ngọn lửa từ lòng Hòa đã hòa trộn với ngọn lửa từ những “miền lửa khói” mà đồng đội góp với Hòa để tạo thành ngọn lửa vĩnh cửu. Hòa không chỉ nhen nhóm lên ngọn lửa mà còn mang ngọn lửa ấy đến với thơ, qua thơ đến với mọi người. Hòa thấm hơn ai hết từng mét vuông đất máu ở thành cổ. Khi thăm lại chiến trường xưa, thành cổ Quảng trị, tháng 5-2004, Hòa đã đặt một câu hỏi nhói lòng:

“Thưa các nhà tỷ phú bất động sản

ai vô đấu giá đất này?”.

Dù đi thăm hay chỉ là cuộc về quê, lúc nào trong trái tim thơ, Hòa đều dành trước hết cho đồng đội đã ngã xuống ở dải đất miền Trung, “Trời thừa, đất thiếu”:

“Ôi miền Trung, miền Trung cát bỏng gió Lào

Tôi lớn dậy dưới trời cong rộp ấy

Thân như củi một thời đen nhẻm cháy

Vũng ao lầy từng mát thịt da tôi".

“Ôi miền Trung

Đồng đội tôi gửi thịt xương mình…”

Đêm ngủ ở Đông Hà sau 30 năm chiến tranh kết thúc, hình ảnh đồng đội trở về lay thức, ngủ làm sao được:

“Hình như ai gọi tên mình

Bóng lay phay nhành lá

Thằng Dũng Nghệ An, thằng Lê Thanh Hóa

Thằng Tháng Thái Bình, thằng Sơn Hà Tây…”.

Nhiều lắm trong thơ Hòa, viết ở thời hậu chiến dù ngót nửa thế kỷ chiến tranh đã kết thúc nhưng dòng chính vẫn là tình thương yêu, tôn thờ những hi sinh của đồng đội mình. Chưa bao giờ Hòa và thơ ra khỏi cuộc chiến tranh máu và nước mắt. Trong thơ Hòa còn là một cuộc chiến khác về lòng tự hào và sự cảm thương của những người còn sống về những gì họ và đồng đội đã hi sinh, đã trải qua. Khi đi trên những con đường, Hòa lại nhớ về ký ức những năm hào hùng “cả dân tộc đi đòi tự do”:

“Cuộc đời thành gạch nối giữa còn và mất/ Bài ca cất lên giữa mất và còn”.

Hòa từng kể cho tôi nghe về cô gái đẹp hát “dìu dặt lời “thương cởi áo trao nhau” chỉ mấy ngày sau em đã hi sinh “dọc đường đuổi giặc”. Nửa thế kỷ qua rồi mà mắt Hòa còn hoen lệ. Tâm hồn ấy làm sao mà không thơ được? Thơ Hòa tinh tế lắm. Chỉ một làn hương ổi của thời thiếu cơm nên “ổi là gạo tám thơm”, kỷ niệm đều ghi nhớ một thời giặc giã.

“Biết bao người bạn gái/ ngấm ngâu hết tuổi lỡ thì”. Nhà thơ không muốn những đứa trẻ phải chứng kiến sự đau khổ của chiến tranh. Đó cũng như là hệ quả tất nhiên của người từng trong cuộc chiến. Từ câu chuyện tưởng như rất riêng của nhà mình, Hòa vẫn nhớ và cầu mong cho những đứa trẻ đang hát ngoài sân kia “chúng đừng biết, hòa bình rình chiến tranh”.

“Sống sót qua chiến tranh/ Với cha là đã lãi/ Bao bạn bè nằm lại/ Thay cha làm cỏ xanh”. Đúng như Mac Arthur từng nói: “Người lính là người cầu nguyện cho hòa bình nhiều hơn bất cứ ai, bởi chính người lính là người phải chịu đựng và mang những vết thương chiến tranh nặng nề nhất”. Yêu ghét trong thơ Hòa mang thông điệp rõ ràng. Hòa không né tránh trong thơ những gì như phản bội với sự hi sinh.

Nhiều bài thơ không gợi cuộc chiến mà mô tả đời thường cũng ám ảnh sâu sắc: “Người đàn bà đội nước”; “Lời rao than tổ ong”; “Đêm Mỵ Châu”… Đó cũng là một ngọn lửa khác nhưng có nguồn gốc từ những ngọn lửa tình yêu quê hương đất nước.

 Khi nghe tin Hòa ra đi, các bạn thân, đồng đội đều sửng sốt, đau đớn, rụng rời không muốn chấp nhận sự thật. “Vô cùng thương tiếc! Vĩnh biệt Đoàn Xuân Hòa, người bạn, người đồng đội, một ngọn lửa luôn rực cháy đột ngột ngừng nhưng lửa thì vẫn còn sáng mãi”. Là một cựu chiến binh cùng trung đoàn với Hòa thời máu lửa, là người từng in chung tập Thơ chọn với Hòa, tôi tin rằng, Hòa đã để lại cho đời và cho thơ một ngọn lửa. Mọi người sẽ lưu giữ ngọn lửa của Hòa gửi lại…

Hà Nội 20-11-2021

Đoàn Xuân Hòa

LỜI RAO THAN TỔ ONG

Ai mua than tổ ong đây!

Anh thồ một góc địa đàng đi ngược gió

Nham nhám lời rao cào vào ngõ phố…

Ai mua than tổ ong đây!

Anh thồ cả ngũ hành hết nhào lại đóng

Mắt vợ, mắt chồng đơm vào lỗ than mong ngóng…

Ai mua than tổ ong đây!

Anh thồ cả những giấc mơ bén bên ngọn lửa

Những đồng tiền nhỏ nhoi xập xòe nhảy múa…

Ai mua than tổ ong đây!

Ai mua than tổ ong đây!

Ai mua than tổ ong đây!

Những tổ ong không mật

Lời rao cong dáng lưng gò gập

Bánh xe lăn nghiêng ngả thị thành.

Vương Cường
.
.