Nghệ sĩ Ưu tú Văn Vượng: Những thanh âm còn mãi
Ông ra đi vào một ngày mùa đông giá lạnh, nhưng có lẽ, tâm hồn, trái tim người nghệ sĩ già ấy vẫn còn mãi, cùng tiếng đàn ghi ta say đắm của ông. Cuộc đời đã lấy đi của ông đôi mắt nhưng để lại cho NSƯT Văn Vượng cả một di sản, âm nhạc và tình yêu Hà Nội.
1. Những ngày này, nhiều người nhắc đến nghệ sĩ ghi ta Văn Vượng và bộ phim “Hà Nội trong mắt ai” của đạo diễn Trần Văn Thủy. Ngoài sự nghiệp âm nhạc, ông còn được biết đến khi ông là nhân vật xuất hiện trong đoạn mở đầu và kết thúc phim “Hà Nội trong mắt ai” của đạo diễn Trần Văn Thủy.
Năm 1982, đạo diễn Trần Văn Thủy có duyên gặp nghệ sĩ Văn Vượng, ông ấn tượng với khát vọng mãnh liệt của Văn Vượng muốn một ngày được nhìn thấy Hà Nội, để biết Hà Nội đẹp như thế nào. Đó cũng là cảm hứng và cái tứ cho đạo diễn Trần Văn Thủy làm “Hà Nội trong mắt ai”. Bộ phim kết thúc ấn tượng với hình ảnh nghệ sĩ Văn Vượng lang thang trên phố cùng bản nhạc “Hà Nội trong mắt ai” do ông sáng tác và biểu diễn.
Nhưng NSƯT Văn Vượng còn được biết đến nhiều hơn thế. Ông đã để lại một gia tài lớn với hàng trăm tác phẩm chuyển soạn cho cây đàn ghi ta, hơn 8.000 buổi biểu diễn và 7 album, khiến nhiều nhạc công chuyên nghiệp vị nể sức làm việc, sự bền bỉ và đam mê của ông.
Ông vốn quê ở Hải Dương, bị mù từ năm lên 4 tuổi do bệnh đậu mùa. Tưởng như cuộc sống của ông sẽ mãi mãi chìm trong bóng tối. Nhưng âm nhạc đã đến, làm cầu nối giúp ông nhìn thấy cuộc đời để được sống một cuộc đời ý nghĩa. Đó là khi ông khoảng 6, 7 tuổi, một lần đi qua một gánh hàng rong, ông dừng lại mải mê nghe hát.
Mẹ biết ông thích nhạc, nhưng ngày đó nhà nghèo quá, không mua đàn hay cho ông đi học nhạc. Một người quen của gia đình đã tặng ông cây đàn ghi ta. Cứ thế, cậu bé ôm đàn, lần mò từng giai điệu qua truyền khẩu, truyền tay, chơi những bản nhạc đầu tiên. 13 tuổi, ông được học chữ nổi và lần mò từng nốt nhạc trên giấy. Chỉ 3 buổi, ông đã thuộc hết ký hiệu nhạc nổi. Miệt mài tự học đến năm 16 tuổi, Văn Vượng tự thấy mình cần lên Hà Nội, tìm thầy học đạo. Và ông có duyên may mắn được gặp những nhạc sĩ lớn như Văn Cao, nhạc sĩ Tạ Tấn.
Sinh thời, nhạc sĩ Văn Cao rất quý trọng một con người trong sáng, đam mê âm nhạc và có những khát vọng đẹp đẽ như Văn Vượng. 18 tuổi, ông đã được lên sân khấu biểu diễn, với bài “Trống Cơm” của danh cầm Tạ Tấn, được nhiều người ủng hộ. Văn Vượng rơi nước mắt xúc động. Rồi Đài Tiếng nói Việt Nam về Hải Dương thu một số bản nhạc của Văn Vượng, tiếng đàn của ông cứ thế vang xa. Ông quyết định lên hẳn Hà Nội để tiếp tục theo đuổi đam mê của mình.
Tôi may mắn có nhiều lần trò chuyện với ông, ngày đó ông còn khỏe và nhiều dự định. Tôi và ông cũng đã trò chuyện nhiều lần về ước mơ mang âm nhạc đến các trại giam, chơi đàn phạm nhân nghe. Ông tin, âm nhạc, với những giá trị thiện lương của nó sẽ góp phần mạnh mẽ vào việc giáo dục những người phạm tội. Giấc mơ và kế hoạch chưa kịp thực hiện thì ông bị tai biến và không thể chơi đàn được nữa.
Nhưng âm nhạc của ông thì vẫn còn lại mãi với thời gian. Ông được biết đến là một nghệ sĩ chuyển soạn nhiều tác phẩm nổi tiếng như “For Elise” của Beethoven, “Chiều” của Schubert, “Phiên chợ Ba Tư” của Ambecatenbey hay “Diễm xưa”, “Cát bụi” của Trịnh Công Sơn…
Ông có khoảng 8.000 buổi biểu diễn khắp mọi miền đất nước. Vào khoảng những năm 1968-1978, Cung Văn hóa Hữu nghị luôn chật kín người xem nghệ sĩ Văn Vượng biểu diễn. Với những đóng góp của âm nhạc, ông đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú vào ngày 3/2/1997.
2. Là một người dân ngụ cư ở Hà Nội, chưa từng một ngày được nhìn thấy Hà Nội nhưng Văn Vượng lại rất yêu mảnh đất này. Hà Nội với ông là những vẻ đẹp mang trầm tích của thời gian. Sinh thời, ông chia sẻ, ông thích lang thang trên những con phố vắng của Hà Nội, cảm Hà Nội theo cách riêng của mình. Ông chuyển soạn khá nhiều ca khúc nổi tiếng về Hà Nội như “Người Hà Nội” của Nguyễn Đình Thi, “Hà Nội mùa thu” của Trịnh Công Sơn... Một Hà Nội hào hoa, thanh lịch được thể hiện bằng âm thanh của cây đàn ghi ta của ông. Rồi cả những trường ca như “Trường ca sông Lô” của nhạc sĩ Văn Cao, “Du kích sông Thao” của nhạc sĩ Đỗ Nhuận đều được ông chuyển soạn và cuốn hút người nghe.
Năm ông tròn 70 tuổi cũng là năm đáng nhớ trong cuộc đời khi ông được nhận giải thưởng “Bùi Xuân Phái vì tình yêu Hà Nội”. Lần đó, ông xúc động rơi nước mắt. Cả đời theo đuổi đam mê, coi âm nhạc như cuộc sống của mình nhưng ông chưa từng nghĩ đến một ngày ông lại được vinh danh.
Nhà thơ Bằng Việt phát biểu về ông rằng: “Đây là một con người đặc biệt, ông bị bệnh đậu mùa cướp đi đôi mắt tinh anh từ năm lên 4 tuổi. Nhưng với ý chí và nghị lực phi thường, với lòng yêu đời và yêu người sâu đậm, ông đã thật sự thành danh với tư cách một nghệ sĩ dân gian gắn bó với Hà Nội từ hơn 40 năm nay. Có lẽ chỉ cần nhắc đến tên Văn Vượng là đã đủ trở thành một phẩm chất yêu nghệ thuật đặc trưng mà không người Hà Nội nào là không biết…”.
Ở tuổi 70, tiếng đàn ông vẫn vang lên tha thiết. Ông cũng là thu nhập chính của gia đình, để nuôi vợ và con trai. Nhưng năm 2015, tai họa ập xuống, ông ngã quỵ do cơn tai biến, từ đó ông không còn đàn được nữa. Cây đàn ghi ta, vật bất ly thân của ông treo ở một góc nhà, phủ bụi thời gian. Ông buồn lắm. Mọi sinh hoạt cá nhân đều dựa vào người vợ tảo tần mà ông may mắn gặp trong cuộc đời.
Thời trẻ, ông nổi tiếng hào hoa, nhiều người phụ nữ yêu tiếng đàn của ông nhưng không vượt qua được những rào cản về bệnh tật, họ yêu rồi lại rời xa. Đến khi ông 40 tuổi, bà đã đến. Bà cũng là một học trò của ông, thuận tình làm vợ của ông. Hạnh phúc muộn mằn nhưng ấm áp. 10 năm sau, cậu con trai ra đời trong niềm mong chờ mỏi mòn của ông và vợ. Âu cũng là sự bù đắp của số phận cho một người lãng tử đã đến và rong chơi trong cuộc đời này. Nhưng cuộc sống và sự vất vả, khốn khó vẫn cứ đeo bám cho đến khi ông trút hơi thở cuối cùng.
Tôi nhớ, khi còn sống và khỏe mạnh, ông từng có một ước mơ rất mãnh liệt rằng, một ngày nào đó, có một phương thuốc diệu kỳ nào có thể chữa cho đôi mắt ông sáng lại để được nhìn thấy vợ con, thấy Hà Nội xinh đẹp của ông. Càng sống, càng yêu cuộc đời, ông càng khao khát tìm nguồn sáng cho đôi mắt của mình. Ông từng thổ lộ niềm mong ước duy nhất một cách đắng cay: "Nếu trước khi chết mà có một điều ước, tôi ước có đôi mắt sáng để được nhìn thấy khuôn mặt vợ con, những người thân yêu của tôi, nhìn thấy Tổ quốc xinh đẹp của tôi".
Ngày đó, ông kể rằng, có một bác sĩ người Nga có thể chữa lành cho đôi mắt của ông, với số tiền hơn 50 ngàn đô la. Nhưng số tiền quá lớn với đời nghệ sĩ nghèo như ông nên đành chịu. Và mãi mãi, ông sống trong bóng tối cho đến khi ông trút hơi thở cuối cùng. Nhưng tôi nghĩ, ông đã nhìn thấy những gì ông muốn, bằng trái tim và khát khao sống của mình.
Tang lễ ông tại Hà Nội diễn ra vào những ngày trời Hà Nội cũng thật u buồn, nồm ẩm. Trong cuốn sổ tang, đạo diễn Trần Văn Thủy viết rằng: “Cầu chúc anh thanh thản nơi vĩnh hằng. Rất nhớ thương những ngày cùng anh làm “Hà Nội trong mắt ai”. Rất cảm thán về cuộc đời trong sáng nhưng thiệt thòi của anh”. Còn nhạc sĩ Lân Cường viết những lời cuối cho ông: “Tiếng đàn của nghệ sĩ Văn Vượng sẽ còn để lại mãi trong lòng anh, chị, em nhạc sĩ của Hội Nhạc sĩ Hà Nội”. Còn tôi, tôi tin rằng, tiếng đàn của người nghệ sĩ tài hoa có số phận đặc biệt đã tận hiến cuộc đời cho âm nhạc ấy sẽ còn mãi trong trái tim những người yêu nhạc, nó giúp ta biết sống một cuộc đời có ý nghĩa hơn, cho mình và cho người.