Nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Vượng: Khép lại một ký ức về Hà Nội

Thứ Năm, 28/10/2021, 14:37

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Vượng vừa qua đời ngày 21-10-2021, khép lại cuộc đời trải dài hơn một thế kỷ. Ông để lại di sản là hàng trăm ngàn tấm ảnh tư liệu quý về văn hóa, mỹ thuật, phong cảnh đất nước, con người Việt Nam. Sự ra đi của ông cũng là khép lại một vùng ký ức sâu đậm về Hà Nội, bởi trong suốt gần 80 năm cầm máy của mình, ông đã trở thành người thượng thọ "cổ lai hi" lưu giữ ký ức sâu đậm về Hà Nội bằng hình ảnh, bằng trái tim tha thiết...

Năm 2016, giải thưởng "Bùi Xuân Phải - Vì tình yêu Hà Nội" - một giải thưởng thường niên do Báo Thể thao & Văn hóa tổ chức đã được trao cho nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Vượng - người đã dành cả cuộc đời mình để chụp ảnh về Hà Nội với một tình yêu sâu lắng. Khi đó, tôi có dịp đến trò chuyện và viết bài về ông. Thật ngạc nhiên, dù đã 99 tuổi ta (ông sinh năm 1918), nhưng ông vẫn còn khá minh mẫn, lịch thiệp. Vào năm 2017, ông vinh dự trở thành "Công dân ưu tú Thủ đô" vì những thành tựu và cống hiến cho Hà Nội trong suốt cuộc đời mình. Năm 2018, ông được Chủ tịch nước gửi Thư mừng thọ nhân dịp tròn 100 tuổi. Có lẽ, ông đã lập kỷ lục trở thành nhiếp ảnh gia cầm máy khi cao tuổi nhất, đồng thời có tuổi nghề nhiều nhất.

1.jpg -0
Cố nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Vượng.

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Vượng làm quen với nghề ảnh từ năm 17 tuổi (1935) khi người cậu ruột mua lại hiệu ảnh Khánh Ký nổi tiếng nhất Hà Nội. Ngày đó, ảnh còn là một nghề mới mẻ, có rất ít người hiểu biết và chơi ảnh là thú chơi xa xỉ bậc nhất, bởi một chiếc máy ảnh lúc đó có giá trị bằng một căn nhà ở hàng phố. Năm 18 tuổi, với chiếc máy ảnh và chiếc ô tô vừa được gia đình tậu cho, "cậu ấm" Lê Vượng (cháu nội quan đại thần khâm sai Lê Hoan) đã thực hiện chuyến đi khám phá xuyên Việt, xuyên Đông Dương đầu tiên của đời mình kéo dài mấy tháng trời, vừa đi đường vừa chụp ảnh. Tuy nhiên, nhiều sản phẩm ảnh của chuyến đi thực địa này đã không có được thành công như mong đợi, nhưng đã cho ông nhiều trải nghiệm quý giá.

Vốn là người cần mẫn, chăm chỉ, ham học hỏi và cầu thị nên tay nghề của ông khá lên từng ngày. Có lần ông tâm sự rằng, càng đi nhiều ông lại càng thấy đất nước mình quá đẹp và ông không thể ngừng chụp ảnh, không thể rời chiếc máy ảnh được. Trong cuộc đời mình, ông đã đặt chân lên đủ 63 tỉnh, thành trên cả nước để ghi lại những hình ảnh về thiên nhiên, văn hóa, mỹ thuật đình chùa, cuộc sống con người Việt Nam. Cho đến tận khi "chân chùn gối mỏi" chỉ đi lại loanh quanh trong nhà, chiếc máy ảnh đối với ông vẫn như hình với bóng, như một người bạn tri kỷ đã cùng ông chia sẻ buồn vui qua bao nhiêu năm tháng thăng trầm và nhiều lặng im trong cuộc đời.

Theo một số liệu đã được công bố, nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Vượng có tới 8 vạn bức ảnh tư liệu về mỹ thuật ở đình chùa, văn hóa các dân tộc... Ảnh của ông được in vào nhiều cuốn sách báo, tạp chí trong và ngoài nước. Ông từng được Liên đoàn Nhiếp ảnh nghệ thuật quốc tế (FIAP) tặng tước hiệu A-FIAP và đoạt nhiều giải thưởng nhiếp ảnh quốc tế như Giải thưởng Bifota của Đức năm 1967, giải ACCU của Nhật Bản năm 1984... Ông cũng là người tham gia biên soạn nhiều tập sách ảnh giới thiệu về Việt Nam đất nước, con người do UNESCO ấn hành như: "Huế giữa chúng ta", "Nghề gốm mỹ nghệ Việt Nam" in tại Pháp năm 1983, "Việt Nam - đất nước của Bác Hồ" in tại Liên Xô 1985...

Theo chia sẻ của chị Lê Thiếu Ngân - con gái của cố nghệ sĩ: "Năm 2014, nhân kỷ niệm 40 năm quan hệ ngoại giao Việt - Pháp, cha tôi có vinh dự được trình bày một bộ ảnh "Sắc màu dân tộc" và "Cảnh đẹp của Việt Nam" tại tòa nhà của Thượng viện Pháp ở thủ đô Paris. Ông Chủ tịch Thượng viện khi đó đã đến dự, đọc diễn văn chúc mừng và ở lại xem triển lãm, trò chuyện với gia đình tôi và công chúng tới gần 2 tiếng đồng hồ - một việc rất hiếm thấy, vì thường thì những nhân vật quan trọng như vậy chỉ đến đọc diễn văn, xem qua đôi chút, chào hỏi rồi ra về...".

Trước đó, ông từng có tác phẩm "Thông sử Hà Nội" (1995), một số ảnh trong cuốn "Văn hóa dân gian Hà Nội" (1991). Năm 2012, ông đã hoàn thành tâm nguyện in được một cuốn sách ảnh chọn lọc hơn 200 tác phẩm đặc sắc nhất có tên "Những khoảnh khắc". Trong lời tựa cuốn sách, nhà nghiên cứu Hữu Ngọc viết: "Lê Vượng không chạy theo một trường phái nào cả. Ảnh của ông tìm cái đẹp cổ điển, chân phương, rất gần với hội họa do bố cục, đường nét, màu sắc. Đặc biệt về màu sắc, ảnh của ông gần với hội họa Việt Nam vốn chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa ấn tượng...".

2.jpg -0
Một tác phẩm của nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Vượng.

Anh Lê Cường - người con trai thứ của cụ Lê Vượng cho biết, tư duy hội họa trong nghệ thuật nhiếp ảnh mà cha anh có được là ảnh hưởng từ người chú ruột là họa sĩ tài danh Lê Phổ. Ngoài ra, do có nhiều năm công tác tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam nên cha anh hay gặp gỡ, kết bạn với nhiều văn nghệ sĩ, họa sĩ lớn của Hà Nội cùng thời. Không chỉ đơn thuần là vì công việc mà là sự chia sẻ tâm đắc về nghệ thuật, về cuộc sống, họ cũng chính là những người luôn trăn trở với Hà Nội, với những vẻ đẹp có thể sẽ vĩnh viễn mất đi với thời gian.

Hiện tại, gia đình còn lưu giữ nhiều kỷ niệm của ông với những người bạn nghệ sĩ lớn như nhạc sĩ Văn Cao, nhà văn Nguyễn Tuân, các họa sĩ Nguyễn Sáng, Trần Văn Cẩn, Nguyễn Tư Nghiêm, Bùi Xuân Phái, các trí giả như Nguyễn Đỗ Cung, Hữu Ngọc, Trần Quốc Vượng, Nguyễn Khắc Viện...

Những món quà kỷ niệm về tình bằng hữu của họ vẫn được lưu giữ trang trọng đó là: 3 bức tranh vẽ "Bà Vượng" - người bạn đời của nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Vượng (bà đã mất năm 1977), tranh của Nguyễn Tư Nghiêm, bức họa chân dung Lê Vượng của họa sĩ Bùi Xuân Phái... Đặc biệt, gia đình còn lưu giữ được một bức tranh quý của danh họa Lê Phổ, là chú ruột đồng thời cũng là "người thầy đầu tiên" trong nghệ thuật của cụ Lê Vượng. Nhờ những "tiếp nhận bằng thị giác" từ hội họa và những kiến thức về hội họa do chú Lê Phổ truyền dạy nên trong suốt 80 năm cầm máy của ông sau này, nhiều bức ảnh của Lê Vượng có chiều sâu của hội họa, bố cục vô cùng chặt chẽ, với nhiều lớp không gian, chủ đề và mảng miếng rất rõ ràng.

Ảnh chụp về Hà Nội của lão nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Vượng không chỉ là những khoảnh khắc ông chứng kiến, thu nhận được mà chất chứa tình cảm, hiểu biết sâu đậm của ông về Hà Nội. Những bức "Xuân về", "Sáng sớm", "Hoa gạo đầu thôn"… làm nên một phong cách "ảnh hội họa về Hà Nội" không trộn lẫn của Lê Vượng. Từ năm 1936 khi bắt đầu cầm máy đến nay, ông đã sáng tác khối lượng tác phẩm đồ sộ với hàng nghìn bức ảnh về Hà Nội xưa và nay, ghi lại từng bước đổi thay, phát triển của Thủ đô.

Với Hà Nội, có lẽ dấu chân của nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Vượng đã in dấu trên mọi phố phường. Dường như ngày nào ông cũng xách xe đạp ra đường, đi và chụp không ngừng nghỉ, bất chấp thời tiết, tuổi tác. Những bức ảnh của nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Vượng đã ghi lại trong suốt gần 80 năm cầm máy của mình đã trở thành những ký ức thật đẹp đẽ, dịu êm và là nguồn tư liệu di sản vô cùng quý giá về Hà Nội. Đó là bóng cầu Thê Húc có cây phượng già nghiêng nghiêng in bóng xuống mặt hồ phẳng lặng; đó là bóng Tháp Rùa với những ghế đá rêu phong, là cổng chùa Trấn Quốc giản dị trầm mặc bên hồ Tây sương khói, là phố cổ Hà Nội mái ngói vảy cá lô xô, là cầu Long Biên sừng sững vắt ngang sông Hồng...

Hà Nội trong ảnh của ông không chỉ hào hoa thanh lịch, với nhiều công trình kiến trúc văn hóa nên thơ trong ống kính của ông, mà có những phận người như bác xích lô mệt mỏi ngủ gật đợi khách, có những người thợ cắt tóc bên đường, có những bà, những cô hàng xén, có những đứa trẻ bám đu tàu điện, nô đùa chạy đuổi... vô cùng sinh động và thân thương. Có lẽ, đó chính là lý do những tác phẩm nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Vượng chụp về Hà Nội có sức sống bền bỉ, in sâu vào tâm trí người xem và dần trở thành một phần ký ức về một Hà Nội xưa cũ đối với nhiều người...

Nguyệt Hà
.
.