Mùa thu cách mạng - mùa thu âm nhạc
Nếu như mùa Thu năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập đã khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) thì mốc son ấy cũng đã "khai sinh" ra một mùa Thu khác, đó là chính là mùa Thu trong âm nhạc. Suốt 76 năm qua, mỗi độ Thu về lòng người lại chan chứa niềm tự hào, biết ơn khi được sống trong "quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc"; lại rạo rực, bồi hồi khi được thưởng thức những giai điệu, lời ca hòa cùng sông núi đất trời.
Có ai đó nói rằng, nhạc sĩ là người chép sử bằng âm nhạc thì ca khúc "Mười chín tháng Tám" của nhạc sĩ Xuân Oanh và "Ba Đình nắng" của nhạc sĩ Bùi Công Kỳ chính là những cuốn tư liệu lịch sử vô giá. Bởi ở đó bằng tài năng, trí tuệ của mình, hai nhạc sĩ đã "vẽ" nên một không khí mà hàng triệu người dân Việt Nam vỡ òa trong niềm vui sướng, hạnh phúc sau suốt hơn 80 năm mòn mỏi, đợi chờ, đã phải hy sinh biết bao máu xương.
Nếu như ca khúc "Mười chín tháng Tám" được người nhạc sĩ đất mỏ sáng tác ngay trong lúc đang cùng dòng người tham gia đoàn biểu tình ngày 19-8-1945 tại Hà Nội thì ca khúc "Ba Đình nắng" lại sáng tác hướng đến kỷ niệm Quốc Khánh lần thứ 3 (tức vào năm 1947) khi nhạc sĩ Bùi Công Kỳ đang công tác tại Ty Thông tin tỉnh Phú Thọ. Bản thân nhạc sĩ Bùi Công Kỳ không có mặt ở Quảng trường Ba Đình ngày 2-9-1945 nhưng ông đã "mượn" lời thơ từ bài thơ cùng tên của nhà thơ Vũ Hoàng Địch để sáng tác lên một trong những bản hùng ca của dân tộc thế kỷ XX.
Những ngày này đi làm qua Lăng Bác, tôi lại nghe đâu đây như vọng về câu nói ấm áp, đời thường, rất đỗi bình dị của Bác Hồ kính yêu: "Tôi nói đồng bào nghe rõ không". Điều đặc biệt câu nói ấy lại chính là lời trong bài hát "Ba Đình nắng" mà nhạc sĩ Bùi Công Kỳ đã khéo léo lồng ghép vào khuông nhạc không bị khô cứng, gò ép mà trái lại rất uyển chuyển, tự nhiên. Câu nói ấy đã gắn liền với Người - một vị lãnh tụ luôn gần dân, hiểu dân và khi được hát lên cũng thật dung dị, dễ nghe. Đi giữa Ba Đình lộng gió, tôi lại cảm nhận được tiết nhạc "Gió vút lên" ở âm khu cao tưởng tượng ra tiếng gió mùa thu ào ạt, mạnh mẽ làm lá cờ đỏ sao vàng tung bay phấp phới đầy tự hào, kiêu hãnh rồi "cơn gió" ấy đã "vút lên đây bao nguồn sống mới dạt dào".
Đúng như vậy, trong lịch sử dân tộc chỉ trong một thời gian ngắn từ ngày Cách mạng Tháng Tám thành công đến ngày Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, dân tộc ta đã đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác và quả thực nhân dân ta đã có một nguồn sống mới thật dạt dào, tràn đầy niềm tin yêu và hy vọng về cuộc sống mới ấm no, hạnh phúc và đủ đầy. Hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng đã nhuộm thắm cả một không gian bao la, rộng lớn, rực rỡ cả đất trời Thủ đô qua câu hát: "Ba mươi sáu phố phường hôm ấy là những nhánh sông đỏ bóng cờ/ Chói lọi sao vàng hoa vĩ đại/ Năm cánh xòe trên năm cửa ô". Chỉ có người dân ở một đất nước vừa thoát khỏi ách nô lệ được ngẩng cao đầu hít thở bầu không khí tự do mới có thể có được cảm xúc đặc biệt như vậy.
Sau cái mốc son lịch sử chói lọi ấy, giới âm nhạc và công chúng đều ghi nhận các nhạc sĩ thế hệ kế tiếp đã sáng tác rất nhiều về mùa Thu, đặc biệt là mùa Thu Hà Nội. Chưa có một thống kê đầy đủ nhưng có thể khẳng định Hà Nội vào Thu là nguồn cảm hứng bất tận, dồi dào nhất cho các nhạc sĩ đưa cảm xúc của mình "nhảy múa", "bay lượn" vào trong khuông nhạc. Giới âm nhạc đã dùng danh xưng "nhạc sĩ của mùa Thu Hà Nội" cho nhạc sĩ Đoàn Chuẩn với "Thu quyến rũ", "Gửi gió cho mây ngàn bay"… Và sau này nhiều người lại đặt nó cho nhạc sĩ Phú Quang với "Em ơi, Hà Nội phố" (thơ Phan Vũ), "Đâu phải bởi mùa thu" (thơ Giáng Vân), "Khúc mùa thu" (thơ Hồng Thanh Quang)… nao lòng người nghe.
Và không chỉ có nhạc sĩ Đoàn Chuẩn, Phú Quang mà các nhạc sĩ nổi tiếng khác cũng đã góp tên mình trong những ca khúc về mùa Thu Hà Nội ghi dấu ấn trong lòng người nghe. Có thể kể đến như nhạc sĩ Trịnh Công Sơn với "Nhớ mùa Thu Hà Nội", nhạc sĩ Trần Quang Lộc với "Có phải em là mùa thu Hà Nội" (thơ Tô Như Châu), nhạc sĩ Hồng Đăng với "Hoa sữa", nhạc sĩ Vũ Thanh với "Hà Nội mùa Thu"... Trong số họ, nhạc sĩ Trần Quang Lộc là trường hợp khá đặc biệt. Người nhạc sĩ gốc Quảng Trị sáng tác về Hà Nội khi chưa được ra Thủ đô lần nào, ông khát khao đến cháy bỏng được đặt chân đến những địa danh nổi tiếng của Thủ đô, được cảm nhận tiết trời thu nhè nhẹ, man mát của những mùi hoa sữa, hoa ngọc lan, của những se sắt gió heo may và sương mờ bảng lảng… nhưng ước nguyện ấy của ông đã mãi mãi không thể thực hiện được nữa rồi.
Là người có hơn 10 năm sinh sống, gắn bó với Thủ đô, tôi có cảm nhận rằng, cùng với những mối "ràng buộc" khác thì âm nhạc cũng chính mối "ràng buộc" của những vị khách với thành phố này. Nhiều người cũng đã khẳng định, không phân biệt có là người con của mảnh đất Kinh Kỳ hay không, có làm việc, sinh sống ở nơi này hay không thì mỗi khi lời ca và giai điệu của Hà Nội và nhất là về mùa Thu vang lên như một "sợi dây vô hình" kết nối hàng triệu con tim chung nhịp đập với thành phố nghìn năm tuổi bên bờ sông Hồng đỏ nặng phù sa. Những lời ca và giai điệu quen thuộc ấy đã làm cho người đất khách thêm yêu hơn, thêm gắn bó sâu đậm hơn với thành phố nơi có "đường lộng gió thênh thang năm cửa ô".
Dù không muốn nhắc đến nhưng chúng ta cũng phải thừa nhận một thực tế rằng, người dân Thủ đô đang trải qua một mùa Thu đặc biệt khi mà lòng người ẩn đi sự lãng mạn, mộng mơ vốn có mà thay vào đó là những nỗi niềm về dịch bệnh bao trùm lên tất cả. Nhiều người nghĩ rằng, khoảng thời gian này phải áo quần xúng xính hòa cùng dòng người trên những phố phường tấp nập, hòa vào không khí mùa thu đang ngập tràn khắp nơi nơi, thế nhưng tất thảy những dự liệu đó chưa thể thực hiện được bởi lúc này tinh thần "ai ở đâu thì ở yên đó" và "ở nhà là yêu nước" là điều cần thiết nhất với mỗi người. Có thể hiểu Thủ đô yêu dấu như đang dồn lại, đang nén lại như một chiếc lò xo khổng lồ mà chỉ đợi có cơ hội, có thời cơ chín muồi là sẽ bật lên, sẽ tung ra với sức mạnh vô song, với tinh thần và quyết tâm lớn gấp bội.
Một Hà Nội đang "gồng mình" trong đại dịch COVID-19, mọi con phố, ngõ ngách đều có những chốt kiểm soát dịch bệnh chặt chẽ, những công viên chăng dây tạm không cho người ra vào… nhưng Thu vẫn sang theo lẽ tự nhiên, "Hoa sữa vẫn nồng nàn đầu phố đêm đêm". Một "Hà Nội linh thiêng, hào hoa" (Lê Mây), một "Hà Nội, niềm tin và hy vọng" (Phan Nhân) - đó là những gì mà người dân Thủ đô đang lấy làm "điểm tựa tinh thần", là tương lai để hướng đến với những gì tốt đẹp nhất, hoàn mỹ nhất.
Và không chỉ "trái tim của cả nước" đang gồng mình chống dịch mà ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước "cuộc chiến" căng thẳng vẫn đang diễn ra. Nhưng mà khi ở đâu đó có những sự lo lắng, bất an thì những ca khúc về mùa Thu lịch sử, mùa Thu cách mạng và cả những bản tình ca lãng mạn, bay bổng về mùa thu Hà Nội vang lên như "thắp lửa" niềm tin và tràn đầy hy vọng về ngày chiến thắng không xa, để rồi dòng người lại ùa về Quảng trường Ba Đình lịch sử để "mừng chiến thắng" theo cách của thế kỷ XXI.