Một tài năng ít được nhắc đến

Thứ Sáu, 09/09/2022, 11:58

Ở nước ta có một sự thực: Không ít người tài năng, cống hiến rất bình thường, không có gì đặc biệt lại nổi như cồn trong khi có người viết nên nhiều tác phẩm được công chúng yêu thích, truyền tụng thì lại rất ít được nhắc đến. Ở trường hợp trước, người ta biết tên tác giả mà không biết tác phẩm. Ngược lại, ở trường hợp thứ hai, công chúng thuộc lòng, truyền tụng tác phẩm mà ít biết tên tác giả. 

Nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ ở vào trường hợp thứ hai nói trên. Ngay từ những năm còn là sinh viên, bên cạnh nhiều bài hát hay thuộc dòng nhạc "đỏ", tôi còn rất thích một số bài gọi là "nhạc vàng", trong đó có bài "Những ngày xưa thân ái": Những ngày xưa thân ái/ Anh gửi lại cho ai?/ Gió mùa xuân êm đưa/ Rung hàng cau lưa thưa/ Tôi cùng anh lúc nhỏ/ Áo quần nhăn nếp ngủ/ Đi tìm chim sáo nở/ Bây giờ anh còn nhớ?…". Bài hát này nếu hát đúng với tinh thần của tác giả sẽ gợi lên một cảm giác bâng khuâng, nuối tiếc của một kỷ niệm tình bạn thật trong sáng chứ không lâm ly, ủy mị như một số ca sĩ Sài Gòn cũ cố tình nức nở, uốn éo, sướt mướt.

image001.jpg -0
Nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ (1930 -2009).

Bao nhiêu năm tôi vẫn nhớ và say sưa hát "Những ngày xưa thân ái" mà không biết tác giả. Cho mãi tới khoảng đầu thập niên 80 của thế kỷ trước, một lần đến Phòng Văn hóa - Thông tin quận 4, TP. Hồ Chí Minh tôi gặp nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ đang công tác ở đây, tôi mới biết ông chính là người viết nên nhiều bài hát mà mình và nhiều người ưa thích. Lần ấy, tôi và ông nhanh chóng trở nên đồng cảm, quý hóa và gần gũi.

Lúc này cũng đang rộ lên bài hát nghe rất cảm động có tên "Lê na Bê li cô va" của ông. Bài này ca ngợi tấm gương phản đối chiến tranh xâm lược Việt Nam (tháng 2 năm 1979) của một cô gái Nga có tên Lê na Bê li cô va. Trước đó, tôi còn biết và rất thích các bài hát khác như "Thuyền hoa", "Đường về hai thôn" có âm điệu rất dân tộc, gợi lên không khí của miền quê Nam bộ thật êm đềm, thơ mộng. Nghe hai bài này, ta không thể không xao xuyến trước cảnh sắc nông thôn và tình người dân Nam bộ.

Cũng ở lần gặp gỡ này, tôi mới biết hai bài vừa nhắc đều của Phạm Thế Mỹ. Lần ấy, nếu người ta không nói với tôi đó là tác giả nhiều bài hát nổi tiếng rất được công chúng ưa thích thì tôi không thể nghĩ đó là một nhạc sĩ tài hoa. Trông ông cực kỳ giản dị nếu không nói có phần sơ sài, đại khái về trang phục, chỉ thầm lặng hoàn tất phận sự trong công việc. Lần ấy thú thực là tôi không phải là khách mời của ông mà là "kẻ không được mời".

Số là khi đi qua một căn phòng nhỏ, tôi nhìn vào thấy một người đàn ông không có gì đáng chú ý đang cầm đàn ghi ta, không ra chơi một bài gì mà chỉ dạo, lướt trên các phím một cách ngẫu hứng. Nhưng tiếng đàn thì rất quyến rũ, có vẻ một người chơi lão luyện chứ không phải dân ngoại đạo. Tôi tò mò hỏi một cô nhân viên thì được biết đó là nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ - tác giả nhiều bài hát nổi tiếng.

Thế là tôi chủ động vào thăm ông. Sự xa lạ, có khoảng cách ban đầu nhanh chóng được xua tan khi ông biết tôi là đồng nghiệp, đang là nhà báo, đặc biệt hơn là tôi lại thuộc lòng nhiều bài hát của ông như đã nói. Ông mời tôi ra quán nhậu để có thể nói chuyện được nhiều và tự nhiên hơn. Tại cuộc gặp gỡ này, tôi đã hiểu được nhiều về cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của ông.

Phạm Thế Mỹ (1930 -2009) sinh ở Bình Định, là con út trong một gia đình có 11 anh, chị em. Hai người anh của ông về sau trở thành các nhà văn, nhà thơ nổi tiếng là Phạm Văn Ký (sống ở Pháp) và Phạm Hổ (sống ở Hà Nội). Ông có năng khiếu âm nhạc từ nhỏ, đặc biệt là mê thổi sáo và thổi rất hay tuy chỉ là tự học. Nhưng người cha không muốn con thổi sáo sẽ hại phổi nên đã mua cho ông chiếc đàn ghita.

Từ đó, cậu bé lao vào tập đàn này và nhanh chóng trở nên một tay đàn giỏi, nổi tiếng khắp vùng. Chẳng những thổi sáo hay, đánh đàn giỏi mà cậu còn sáng tác. Bài đầu tiên cậu viết năm 15 tuổi có tên "Nắng lên xóm nghèo" đã khá hay, được nhiều người ưa thích, có giai điệu truyền cảm và ca từ thật dễ thương. Nghe bài hát, không ai nghĩ tác giả là một cậu thiếu niên 15 tuổi: "Đây bóng dừa xanh xanh tôi mến thương/ Chim trắng về vui reo ngàn hướng/ Kìa cổng làng hàng cau nghiêng nắng xuống/ Đàn em bé đùa hát ca quên sầu thương…".

20 tuổi, Phạm Thế Mỹ tham gia cách mạng, làm công tác tuyên huấn và phóng viên Báo Quân đội nhân dân ở Liên khu 5. Sau năm 1954, tổ chức phân công ông ở lại hoạt động tại miền Nam mà không tập kết ra Bắc. Ông học tại Trường Quốc gia âm nhạc và kịch nghệ Sài Gòn. Ra trường đi dạy nhạc và văn ở nhiều trường phổ thông tại Đà Nẵng. Do tham gia phong trào đấu tranh của Phật giáo mà năm 1965, ông bị bắt giam. Trong tù, ông sáng tác nhiều bài phản chiến, dạt dào tinh thần yêu nước: "Hỡi hồn mẹ Việt Nam", "Mặt trời vừa thức dậy", "Hòa bình ơi! Hãy đến"…

image003.jpg -0
Ca sĩ Diệu Lý, người vợ sau của nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ.

Phạm Thế Mỹ là nhạc sĩ được nhiều ca sĩ tài danh tìm đến tác phẩm của mình. Bài nào của ông cũng có đến hàng chục ca sĩ nổi tiếng cùng hát: Ngoài các bài đã nhắc đến là "Những ngày xưa thân ái", "Thuyền hoa", "Đường về hai thôn" còn rất nhiều bài hay khác: "Thương quá Việt Nam", "Tóc mây", "Tàu về quê ngoại", "Rạng đông trên quê hương Việt Nam", "Hoa vẫn nở trên đường quê hương", "Buổi chiều quê hương", "Bóng mát", "Áo lụa vàng"… Đặc biệt là bài "Bông hồng cài áo" đã lấy đi nước mắt của nhiều ca sĩ và thính giả.

Bài này là một trong những bài hát hay, cảm động nhất viết về mẹ. Hầu như mọi ca sĩ sống ở miền Nam trước đây và bây giờ đều tìm đến bài này: "Mẹ, mẹ là dòng suối dịu hiền/ Mẹ, mẹ là bài hát thần tiên/ Là bóng mát trên cao/ Là mắt sáng trăng sao/ Là ánh đuốc trong đêm khi lạc lối…". Chỉ nghe tên những ca khúc của Phạm Thế Mỹ, ta cũng thấy toát lên tình yêu đất nước, quê hương xứ sở đằm thắm, giản dị mà tha thiết, sâu nặng. Âm nhạc của ông mạng đậm hồn dân tộc, thắm đượm hơi hướng của âm nhạc cổ truyền, rất gần gũi thân quen với lỗ tai của bất cứ người Việt Nam nào. Cũng bởi vậy mà những sáng tác của ông rất được bà con sống ở nước ngoài ưa chuộng.

Phạm Thế Mỹ là người có chiều sâu nội tâm. Bên trong cái vẻ có phần sơ sài về ngoại hình là một bầu tâm sự. Ông đã rất chân thành và tự nhiên kể về đời tư của mình với hai đời vợ và biết ơn cả hai người đã giúp mình tạo dựng sự nghiệp. Nghĩ có thể động chạm đến một điều gì đó trong sâu thẳm cõi lòng của ông mà tôi chỉ hỏi nhiều về người vợ hiện tại ông đang gắn bó.

Ông kể: Cô là ca sĩ Diệu Lý, từng là học trò của ông khi dạy ở Đại học Vạn Hạnh. Lúc đó, ông vừa là giáo viên, vừa là Trưởng ban Văn nghệ của trường này. Thấy Lý có giọng hát hay, ông mời tham gia vào Ban và đảm nhận việc hát đơn ca mỗi cuộc biểu diễn. Diệu Lý từng rất thích nhiều bài hát trước đó của người thầy, nay lại được học trực tiếp và được ông rất trân trọng nên nhanh chóng nảy sinh tình cảm khi biết rõ thầy đang độc thân.

Ngưỡng mộ tài năng và nhân cách của thầy, lại thấy thương người thầy đang không có ai chăm sóc đến mức luôn mặc chiếc áo rách nách, cô đã không kìm được lòng mình. Nhưng nhạc sĩ hơn cô những trên 20 tuổi nên mặc cảm, không dám bộc lộ tình yêu. Vậy thì cô sẽ tỏ tình trước bằng việc sáng tác một bài hát để ngầm gửi đến thầy lời thổ lộ chân thành của mình. Thế là họ chính thức xác lập tình yêu và về chung một mái ấm. Cuộc sống của họ sơ sài, đạm bạc nhưng luôn đầy ắp tiếng cười và tiếng hát.

Phạm Thế Mỹ được công chúng mến mộ qua nhiều tác phẩm như đã nói nhưng căn nhà ông sống cũng chật chội, sơ sài. Thiết nghĩ với tài năng như của ông, ông rất xứng đáng để được tổ chức một đêm nhạc giới thiệu gia tài sáng tác đồ sộ. Tập sách "Nhạc sĩ Việt Nam hiện đại" xuất bản năm 1997 giới thiệu đến 648 người, nói đến ông cũng khá sơ sài, số chữ dành cho ông còn ít hơn nhiều người vô danh khác.

Phạm Thế Mỹ vẫn sống mãi trong lòng công chúng và bạn bè đồng nghiệp. Phần thưởng vô giá này thì không phải ai cũng có được.

Nguyễn Đình San
.
.