"Món quà" tuổi xế chiều của nhạc sĩ Hồng Đăng
Những ngày cuối Thu, đầu Đông khi "hoa sữa vẫn ngọt ngào đầu phố đêm đêm" thì "cha đẻ" của những ca từ nổi tiếng ấy - nhạc sĩ Hồng Đăng lại nhận được "món quà" đầy bất ngờ, đó là Giải thưởng Lớn - giải thưởng "Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội". Sở dĩ nói bất ngờ là vì đây là giải thưởng mà gia đình không làm hồ sơ xét trình, mọi thứ đều diễn ra hết sức tự nhiên như lời của bà Lê Anh Thúy, vợ của nhạc sĩ "khi phóng viên đến xin quay hình để làm phóng sự, gia đình mới biết tin có giải thưởng".
Quán cà phê Thúy và sự hiếu khách của gia đình
Mấy hôm nay, trong căn nhà trên phố Hồng Hà (Hà Nội), nơi gia đình nhạc sĩ Hồng Đăng sinh sống luôn đầy ắp tiếng cười. Bạn bè gần xa đến chúc mừng người nhạc sĩ xứ Nghệ mới vinh dự được nhận Giải thưởng Lớn giải thưởng "Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội". Mặc dù sức khỏe đã yếu, lời nói còn khó khăn nhưng gương mặt ông vẫn thật rạng ngời, lấp lánh niềm hạnh phúc thật khó diễn tả hết bằng lời.
Thực ra, không phải thời điểm này, căn nhà của nhạc sĩ mới đông vui như vậy mà dạo trước (khi dịch COVID-19 được kiểm soát), cứ vài hôm gia đình lại có bạn bè đến ăn trưa, chuyện trò vui nhộn. Hơn nữa, khoảng 1 năm nay, vợ của nhạc sĩ đã mở một quán cà phê ngay tại tầng 1 của ngôi nhà. Tên quán là "Cà phê Thúy" gây thắc mắc cho nhiều người vì ai cũng hỏi vui: Sao không đặt là "Hoa sữa"?.
Với câu hỏi này, vợ nhạc sĩ thường đáp: "Cái món "ăn uống" không nên đụng đến danh tính và cái thần âm nhạc của ông ấy. Hơn nữa, ông ấy vốn dĩ chỉ biết làm âm nhạc. Ông không biết nấu ăn, không biết pha cà phê. Vợ cho gì ăn nấy, không đòi hỏi. Vì thế tên quán dứt khoát phải là tên vợ". Việc mở quán cà phê với vợ chồng ông còn có một nguyên do khác, đó là gần đây sức khỏe của ông có phần giảm sút, việc đi lại khó khăn hơn. Vốn là người thích giao du nên vợ chồng ông muốn đây sẽ là nơi gặp gỡ bạn bè. Không gian nhà ông không phải rộng rãi nhưng cũng vừa đủ cho trên dưới chục người quây quần bên nhau nhâm nhi ly cà phê nóng, cùng nhau ăn một bữa cơm giản đơn để chuyện trò về đời sống âm nhạc, về đời sống thường ngày của mỗi người.
Nhạc sĩ Hồng Đăng đã bước vào tuổi 85, sức khỏe cũng không còn được tốt như xưa. Ông mang nhiều bệnh, như: Suy tim, gout, tiểu đường… Việc đi lại cũng cần sự giúp đỡ của khung đỡ hoặc người dìu. Theo chia sẻ của vợ nhạc sĩ thì những hôm có khách đến chơi, ông thường tỉnh táo hơn, vui vẻ hơn, mặc dù có thể cuộc trò chuyện ấy ông không nói được câu nào mà chỉ trao nhau ánh mắt trìu mến và cái nắm tay thật chặt…
"Hà Nội là tình yêu lớn của chồng tôi"
Có lẽ đã từ rất lâu rồi, khi nhắc đến mùa Thu Hà Nội thì không thể thiếu hương hoa sữa và với bài hát "Hoa sữa" nhạc sĩ Hồng Đăng được coi là người "định vị" trong lòng người Hà Nội một loài hoa tượng trưng cho tình yêu trong sáng, đẹp đẽ, ngọt ngào. Bài hát "Hoa sữa" đã nhiều người nói, nhiều người bàn bởi nó gắn bó cả một thời thương nhớ của những người sinh sống, gắn bó với Hà Nội. Còn với riêng nhạc sĩ Hồng Đăng thì "Hoa sữa" còn như chiếc "đồng hồ báo thức" khi ông bước vào cái tuổi "nhớ nhớ quên quên". Có một câu chuyện mà vợ nhạc sĩ kể: "Một hôm, nhà báo Nguyễn Mạnh Hà và ca sĩ Vũ Thắng Lợi đến thăm, lúc ấy ông vẫn đang ngủ. Chào hỏi chán chê, ông vẫn ngơ ngác dường như chưa biết ai với ai, ca sĩ Vũ Thắng Lợi bèn ngồi vào đàn và hát bài "Hoa sữa". Được nửa bài thì nhạc sĩ ngồi dậy, tươi tỉnh mời mọi người ngồi…".
Sinh sống ở Thủ đô đã hơn nửa thế kỷ nên với nhạc sĩ Hồng Đăng, mảnh đất này luôn nặng tình, nặng nghĩa. Với trách nhiệm của một người nhạc sĩ, ông đã sáng tác nhiều ca khúc để ca ngợi về mảnh đất, con người và văn hóa nơi đây. Đặc biệt, ông đã có 4 ca khúc về 4 mùa đặc trưng của Hà Nội. Với mùa thu ông có bài "Hoa sữa", mùa hè là "Kỷ niệm thành phố tuổi thơ", mùa xuân là bài "Mưa bụi" và mùa đông là "Ký ức đêm". Cùng với bài hát "Hoa sữa" thì "Kỷ niệm thành phố tuổi thơ" là 2 ca khúc nằm trong chùm 5 tác phẩm của nhạc sĩ Hồng Đăng được trao Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật. Nếu ai nhớ đến "Hoa sữa" thì hẳn cũng nhớ đến "Kỷ niệm thành phố tuổi thơ", đó là bài hát thể hiện tinh thần lạc quan, hào sảng của thế hệ sinh viên Hà thành "xếp bút nghiên lên đường ra trận" vào những năm 70 của thế kỷ trước.
Lý giải về tình yêu Hà Nội của nhạc sĩ Hồng Đăng, người vợ hiền của ông cho biết: "Năm 1954, chồng tôi về Hà Nội, hồi đó ông ấy còn rất trẻ, mới 18 tuổi. Hà Nội gây ấn tượng mạnh với một tâm hồn nghệ sĩ nhạy cảm như ông. Cách đây 12 năm, ông từng viết một bài ký đăng trên báo Tết mà ở đó chồng tôi có diễn tả tâm trạng háo hức của mình trong những ngày Tết xa xưa, chàng trai trẻ Hồng Đăng cứ đạp xe vòng quanh Bờ Hồ, thấy đời đẹp lắm. Về mặt tính cách, ông cũng có nhiều nét của người Tràng An, đó là sự hiền lành, tử tế, lịch lãm... Có lẽ sự lịch sự, lịch lãm có được là do ông vốn là người học tiếng Pháp từ nhỏ, văn hóa Pháp đã "ngấm" vào ông tự lúc nào không biết. Có thể nói, Hà Nội là tình yêu lớn của chồng tôi".
Trong lịch sử giải thưởng "Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội" thì Hồng Đăng là nhạc sĩ thứ 2 (nhạc sĩ Phú Quang được vinh danh năm 2020) được vinh danh ở hạng mục Giải thưởng Lớn - hạng mục quan trọng nhất của giải thưởng này. Điều đặc biệt là nếu nhạc sĩ Phú Quang là người con của Hà Nội thì nhạc sĩ Hồng Đăng lại là "vị khách" của mảnh đất này. Trong cuốn hồi ký của nhạc sĩ Phú Quang, tác giả của "Em ơi! Hà Nội phố" tâm sự rằng ông có hai người thầy dạy sáng tác nhạc, đó là nhạc sĩ Hoàng Vân và nhạc sĩ Hồng Đăng. Phú Quang vốn là người học kèn cor, tuy nhiên vì say mê sáng tác nên ông thường thập thò ngoài cửa nghe lỏm nhạc sĩ Hồng Đăng giảng bài cho lớp sáng tác. Tác giả "Hoa sữa" sau đó đã "mời" nhạc sĩ tương lai vào học chính thức tại lớp học của mình.
Hạnh phúc khổng lồ
Nhiều người đến thăm nhạc sĩ Hồng Đăng đều có chung nhận xét ông là người may mắn vì có được người vợ giỏi quán xuyến công việc gia đình, chăm chút cho ông từng ly từng tý một, thậm chí bà còn như một "bác sĩ" riêng của ông. Ông từng không giấu nổi niềm hạnh phúc khi chia sẻ: "Được sinh ra trong đời là đã hạnh phúc rồi. Với người nghệ sĩ, có được tác phẩm mà công chúng yêu thích là niềm hạnh phúc lớn. Chúng ta ngồi với nhau ở đây là hạnh phúc nhỏ mà có thật. Còn vợ con là hạnh phúc khổng lồ". Ai cũng hiểu ông dành lời "có cánh" ấy cho vợ không chỉ để ca ngợi việc bà chăm sóc ông mà còn là "chăm sóc" cho những tác phẩm của ông, hiểu âm nhạc của ông như một "nhà Hồng Đăng học".
Ít ai biết rằng, trước khi đến với nhạc sĩ Hồng Đăng, bà Thúy còn chưa có nhiều kiến thức về âm nhạc. Là chỗ thân tình với gia đình nhạc sĩ, có lần vợ của ông kể: "Lần đầu quen chồng, tôi bảo ông ấy rằng: Em rất thích bài hát có câu "Cao cao bên cửa sổ/ có hai người hôn nhau" của anh. Chồng tôi nhẹ nhàng đáp: "Bài đó của nhạc sĩ Xuân Hồng, chứ đâu phải của anh". Điều gì đã khiến bà thay đổi? Tôi cứ băn khoăn tự hỏi rồi tự trả lời: "Đó không là tình yêu lớn dành cho chồng, dành cho nghề mà chồng theo đuổi suốt cuộc đời thì là điều gì?".