Mãi ngân vang “Một mùa xuân nho nhỏ”

Thứ Sáu, 17/01/2025, 08:56

Bài thơ “Một mùa xuân nho nhỏ” được nhà thơ Thanh Hải viết vào những năm tháng cuối đời trên giường bệnh tại Bệnh viện Trung ương Huế (cuối năm 1980). Bài thơ là niềm tâm sự, sự chiêm nghiệm và niềm tin về tương lai phía trước của một nhà thơ đã dâng trọn cuộc đời mình cho sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc.

Nhạc sĩ Trần Hoàn vào thăm bạn, đọc được bài thơ ấy trên giường bệnh của nhà thơ Thanh Hải, ông nói với nhà thơ sẽ về phổ nhạc bài thơ này. Giữ đúng lời hứa với bạn, nhạc sĩ Trần Hoàn đã phổ xong bài hát sau một tuần. Ông trở lại Huế để hát cho nhà thơ Thanh Hải là người nghe đầu tiên. Nhưng, nhà thơ Thanh Hải đã đi xa. Bài hát “Một mùa xuân nho nhỏ” như một giai điệu hát ru đưa nhà thơ an giấc ngàn thu...

nh%3fc si tr%3fn hoàn 1.jpg -0
Nhạc sĩ Trần Hoàn - nhà thơ Thanh Hải.

Tết Tân Dậu (1981), ca khúc “Một mùa xuân nho nhỏ” nhạc Trần Hoàn phổ thơ Thanh Hải đã được nghệ sĩ Kim Phúc thể hiện ngân vang trên sóng phát thanh của Đài Tiếng nói Việt Nam, đến với thính giả trong và ngoài nước.

Nhớ về những năm tháng khi lần đầu tiên được nghe ca khúc này trong chương trình ca nhạc chào xuân 1981 trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Trần Hoàng khi ấy còn là một anh lính bộ đội thông tin có một cảm xúc thật lạ, vừa nao nao một niềm phấn chấn lại vừa phảng phất chút trầm mặc, bùi ngùi: “Đầu những năm 1980, đất nước vừa thoát khỏi chiến tranh, nền kinh tế còn nhiều khó khăn, nhưng các tầng lớp nhân dân đều tin tưởng vào tương lai phía trước của đất nước. Bài hát “Một mùa xuân nho nhỏ” phát trên đài mang đến cho chúng tôi một niềm vui, một niềm phấn chấn. Cho đến nay đất nước chúng ta đã phát triển, bài hát đó như một dự báo tương lai về mùa xuân đất nước...”.

Cô giáo Nguyễn Thị Lan Anh, Phó phụ trách Khoa Thanh nhạc, Học viện Âm nhạc Huế chia sẻ kỷ niệm của mình về bài hát “Một mùa xuân nho nhỏ”, bài hát mà cô đã dạy cho nhiều thế hệ học trò: “Tôi xa nhà từ bé, vào Huế học ở Trường Cao đẳng nghệ thuật Huế. Hồi đó mới tầm 9-10 tuổi, tôi còn nhớ mãi cảm giác được nghe ca khúc “Một mùa xuân nho nhỏ” từ loa phát thanh treo ở cột điện trên đường đi học. Khi nghe những ca từ “Mọc giữa dòng sông xanh/ Một bông hoa tím biếc/ Ơi con chim chiền chiện/ Hót chi mà vang trời...”, nước mắt tôi cứ chực trào ra. Tôi đã đứng lại nghe hết bài hát rồi mới đi về phòng. Lúc đó tôi cứ ví mình như bông hoa, như con chim chiền chiện nhỏ bé muốn chạy về với ba mẹ, với gia đình... Tôi đã thuộc và yêu thích bài hát này từ lúc đó!”.

Có thể khẳng định, ca khúc “Một mùa xuân nho nhỏ” là một trong những ca khúc hay nhất viết về mùa xuân. Đây còn là ca khúc kết hợp nhuần nhuyễn giữa âm nhạc và thi ca. Trong bản thân lời thơ đã có nhạc tính và người nhạc sĩ đã tài tình bắt được cái hồn nhạc trong thơ để viết nên ca khúc bằng những giai điệu âm nhạc như chắp thêm đôi cánh cho bài thơ này bay cao, bay xa hơn. Hơn thế nữa, giai điệu của nhạc sĩ Trần Hoàn còn làm cho bài thơ gần với người dân Huế bởi cách khai thác âm nhạc rất huyền diệu của một nhạc sĩ am hiểu ca Huế rất sâu sắc.

Là một người dành tình cảm đặc biệt với ca khúc “Một mùa xuân nho nhỏ” - nhà báo, nhạc sĩ Nguyễn Việt phân tích: "Nhà thơ Thanh Hải đã viết nên bài thơ với tất cả các giác quan của con người. Đọc bài thơ lên, chúng ta như nhìn thấy mùa xuân (thị giác), nghe thấy (thính giác), thưởng thức được mùi hương (khứu giác), cảm nhận được sự ngọt ngào (vị giác), cảm nhận được cái ấm, cái mát (xúc giác)... 5 giác quan hội tụ đủ trong bài thơ và đặc biệt hơn nữa còn có giác quan thứ 6 (dự báo về tương lai đất nước) và chính nhạc sĩ Trần Hoàn đã nắm bắt được điều này để chắp cánh cho bài thơ trở thành một bài hát mùa xuân xứ Huế thật ngọt ngào, bay bổng!”.

“Một mùa xuân nho nhỏ” có lẽ là bài thơ hay nhất của Thanh Hải và cũng là một trong những ca khúc hay nhất về mùa xuân của nhạc sĩ Trần Hoàn. Khi bài hát vừa ra đời, ngay lập tức nhận được sự yêu thích từ những trái tim yêu âm nhạc, phủ sóng rộng rãi tại các chương trình văn nghệ mừng Đảng, mừng xuân trên khắp mọi miền Tổ quốc. Một điều thú vị nữa là chính ca khúc này gắn liền với rất nhiều thế hệ những người yêu mến Đài Phát thanh và Truyền hình Thừa Thiên Huế khi đây là nhạc hiệu chính của Đài Phát thanh và Truyền hình Huế.

Nhạc sĩ Nguyễn Việt nhớ lại: “Năm 1998, Đài Phát thanh Thừa Thiên Huế có thêm nhiệm vụ sản xuất và phát sóng truyền hình và đổi tên thành Đài Phát Thanh và Truyền hình Thừa Thiên Huế. Giám đốc Đài lúc đó là anh Hoàng Ngọc đã ngay lập tức đưa bài hát này ra Hà Nội gặp nhạc sĩ Trần Hoàn cho phối khí lại để làm nhạc hiệu cho Đài. Chính nhạc sĩ Trần Hoàn đã trực tiếp cùng với dàn nhạc của Đài Tiếng nói Việt Nam phối khí, thu âm lấy điệp khúc của bài hát “Mùa xuân, mùa xuân, một mùa xuân nho nhỏ” làm nhạc hiệu trên sóng truyền hình cùng sóng phát thanh của Đài...”.

Gần một nửa thế kỷ là quãng thời gian đủ để khẳng định giá trị bất hủ một tác phẩm nghệ thuật. Từ khi ra đời và được ngân vang trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam đến nay, mỗi mùa xuân về, lại có hàng chục bài hát mới ra đời nhưng mỗi dịp nghe “Một mùa xuân nho nhỏ”, người yêu âm nhạc vẫn thấy vẹn nguyên cảm giác nao nao, bồi hồi, xao xuyến như lần nghe đầu tiên. “Một mùa xuân nho nhỏ” của những năm 1980 thế kỷ trước. “Một mùa xuân nho nhỏ” nhưng hiệu quả cảm xúc, thẩm mỹ của ca khúc đã đem lại cho người nghe thì vô cùng mạnh mẽ, lớn lao.

Phi Tân - Lê Minh
.
.