Nhân giỗ đầu nhà văn Lê Lựu

Lê Lựu - Tài và tình

Thứ Sáu, 15/09/2023, 15:33

Trong cuốn "Nhà văn Việt Nam hiện đại" (2020) và mấy cuốn trước đó đều ghi ông sinh năm 1942. Các báo đều viết như thế. Và ông vẫn gọi tôi là "bác" xưng em. "Yêu mến tặng Bác Sơn, chị và các cháu!" là lời đề tặng "Thời xa vắng".

Chiều ông ra đi. Tối, sau khi báo tin, cháu Hoài - Chánh văn phòng Trung tâm Văn hóa Doanh nhân lại gửi tin buồn mới biết, ông thọ 85 tuổi, hơn mình tới 4 tuổi! Gọi ngay nhà văn Trần Huy Quang đang ở quê. Được nhắn lại "Nhờ cụ" lo toan mọi chuyện nha!". Không về quê ông chịu tang được. Sáng sau, tôi đành đến Hội, gửi đồ phúng viếng.

Văn tài ông, đến lúc này dư luận mới có dịp ôn lại những suy tôn ông là "nhà văn lớn"; là "cánh chim báo bão" trước thời kỳ đổi mới. Ông nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật ngay từ đợt đầu, cách nay đã hơn 20 năm. Nguyên Trưởng ban Văn xuôi Báo Văn nghệ. Trần Huy Quang nhắn tin: "Hội Nhà văn còn nợ Lê Lựu việc đề cử ông nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh".

Lê Lựu - Tài và tình -0
Nhà văn Lê Lựu.

Huy Quang hàm ơn ông nhiều. Tôi mang nợ ông còn nhiều hơn. Bởi hai người đã giới thiệu tôi vào Hội đúng 20 năm trước. Có lần, cửa hàng sách của vợ Huy Quang bị Sở Văn hóa Thông tin tịch thu một bao bì sách to tướng. Đang là Trưởng phòng Quản lý Báo chí, Xuất bản, Bản quyền Sở. Để lời đề nghị thêm trọng lượng, phải nhờ nhà văn Lê Lựu cùng đến, nói khó với phòng thanh tra mới được việc.

Tên tuổi ông là niềm tự hào của tỉnh nên có việc làm việc với một lãnh đạo tỉnh, tôi cũng phải nhờ ông về cùng. Về dạy ở Trường Sư phạm cấp 2 Hưng Yên từ năm 1962. Giáo sinh ở khắp tỉnh, trong đó có một người là cháu họ ông. Mười năm dạy lại làm rể đất nhãn lồng nên ông coi tôi là một người bạn thân thiết. Nhạc mẫu tôi - Mẹ Việt Nam anh hùng mất, ông lên tận nhà ở đường Lạc Long Quân chia buồn. Thỉnh thoảng ba người lại ngồi với nhau nâng lên đặt xuống. Một quán cơm bình dân, lấn cả ra vỉa hè. Ông gọi món dưa muối. Tất nhiên là không có. Tôi phải nói nhỏ với cháu chạy bàn: "Tác giả "Sóng ở đáy sông" đang chiếu trên VTV1 đấy. Vui lòng khách đến vừa lòng khách đi chứ. Mà đựng vào bát, để lấy cả nước nhé!". Vẫn nhớ, bạn mình không chỉ thích món ấy mà còn húp mấy ngụm nước dưa mà!

Thế đấy, dù đã sang Liên Xô, sang Mỹ, nhưng nết ăn nết ở vẫn mang căn tính nông dân thuần túy ở xứ sở "Oai oái như phủ Khoái xin tương" vậy đấy. Một lần khác. Ăn xong, ông bảo cháu chạy bàn lấy cho một túi nilon rồi trút nốt cơm thừa, thức ăn khô vào. Thấy tôi cười, liền giải thích: "Em mang về cho con chó...". Ngập ngừng một tí rồi cũng nói nốt: ... "Nhà em, chỉ em thương nó. Mà cũng chỉ có nó thương em thôi!". Đau thắt ruột!

Sau này, biết những bi kịch gia đình riêng của ông, càng thấm thía câu nói chia sẻ đứt ruột ngày nào. Thì các cụ đã nói rồi: "Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh". Và, bây giờ, phải thêm: "Nỗi đau khổ không phải của riêng ai!".

Thời ấy, anh vẫn có một phòng làm việc ở số 4 Lý Nam Đế do Tạp chí Văn nghệ Quân đội phân cho nên vẫn đi về nhà riêng ở khu tập thể gần cơ quan. Sáng kiến thành lập Trung tâm Văn hóa Doanh nhân của anh thật độc đáo. Đúng là trúng lắm. Nhưng ở mãi đường Tam Trinh quận Hoàng Mai nên ông về ở hẳn đấy. Huy Quang và tôi vẫn xuống thăm. Anh rủ Huy Quang, cả tôi đã nghỉ hưu và bạn bè về làm việc. Sau này còn thành lập Quỹ nhà văn Lê Lựu nữa. Nhiều người đều vui vẻ, hào hứng đến. Nhưng chỉ được một thời gian, một số lại lặng lẽ rút lui. Song, dù sao cả hai Trung tâm và Quỹ vẫn duy trì hoạt động được.

Vì sao có chuyện ấy? Chơi với nhau thì được. Rất được. Nhưng làm việc với nhau trong một tổ chức có người quản lí và người chịu quản lí thì... Khó quá. Thôi thì đi mới giữ được quan hệ bạn bè. Ai thân thiết như "quả đôi" Huy Cận - Xuân Diệu? Nhưng chỉ là bạn thôi mới giữ được quan hệ đến lúc Xuân Diệu phải đi trước. "Mà không phải cứ thân thiết như hai quả chuối tiêu sinh đôi là có thể nói hết với nhau được đâu" - Huy Cận đã có lần trò chuyện với tác giả khi ông nhờ một việc liên quan đến quyền thừa kế bản quyền di sản của Xuân Diệu cho con trai đẻ mình - là con nuôi của Xuân Diệu - vì bạn mình không có con. Nên tác giả mới có loạt bốn bài liền trên Tiền phong Chủ nhật (từ số 26 đến số 29 năm 1998). Lê Lựu có nhiều tiểu thuyết được dư luận chú ý: "Mở rừng" (1976), "Ranh giới" (1977), "Chuyện làng Cuội" (1991), "Sóng ở đáy sông" (1994)… nhưng gây tiếng vang lớn trong dư luận là "Thời xa vắng", sau này có thêm "Hai nhà" (1986).

Giang Minh Sài, nhân vật trung tâm trong "Thời xa vắng" có bóng dáng của tác giả, đóng đinh vào lịch sử tiểu thuyết đương đại, bi kịch của một bản ngã được sống thật với chính mình. Bởi ông đã tự bạch: "Toàn bộ những trang viết của mình tôi chỉ theo đuổi một nguyên tắc là thật. Tôi không thể viết được nếu không bám vào sự thật. Tôi chỉ là người chép truyện. "Có gì viết nấy".

Quan niệm sáng tác ấy của ông rất gần với suy nghĩ của tác giả. Viết hay về quá khứ (tiểu thuyết lịch sử), về tương lai (kiểu tiểu thuyết giả tưởng) đều khó. Song, tôi nghĩ, viết hay về ngày hôm nay, cái ngày hôm nay bất định vô cùng, khó đoán định vô cùng là khó hơn cả. Vì nó sờ sờ ra đấy, ai chẳng biết. Ai chẳng hằng ngày mổ xẻ phân tích?

Chỉ với căn tính nông dân thật thà ông mới dám bộc bạch thế này: "Tôi là người ít học, ít đọc."

Tính đến năm 2020 có 1.596 nhà văn Việt Nam đương đại. Kể cả hơn 1.000 còn khỏe, hơn 500 người đã mất, bù sự thật có nhiều người như ông, nhưng không một ai có đủ can đảm viết ra như thế. Cái cách ông khen bạn mình cũng đặc mùi quê kiểng nông dân: "Cuốn Lửa đắng" viết hấp dẫn. Câu chữ cho thấy nhà văn có suy nghĩ tìm tòi chứ không đều đều trơn tuột. Văn Nguyễn Bắc Sơn có đặc sắc riêng, như cây tre, cây sậy có mấu có đốt". Cây sậy vốn bạt ngàn ở quê ông từ khởi nghĩa Bãi Sậy thuở nào.

Giám khảo văn học nghệ thuật công minh nhất là bạn đọc và thời gian. Chính xác là bạn đọc qua thời gian. Gần bốn mươi năm tuổi đời, "Thời xa vắng" của nhà văn lớn Lê Lựu, tôi nghĩ sẽ còn mãi với thời gian khắc nghiệt.

Nguyễn Bắc Sơn
.
.