Lão họa sĩ mê... xé quần jeans

Thứ Năm, 28/10/2021, 15:10

Đang cầm cọ, ông nổi hứng chuyển sang cầm dao. Từ đôi tay tài hoa, chiếc dao rọc giấy biến những chiếc quần jeans sờn cũ trở nên độc lạ, mang phong cách thời trang bụi bặm mà đầy chất nghệ thuật. Mới đầu làm chơi, vậy mà thấm thoắt, ông đã gắn bó với nghề này hơn 30 năm.

Gần 60 tuổi, tóc đã bạc màu, nhưng ông Trương Tấn Viễn luôn khiến người đối diện ngạc nhiên vì vẻ trẻ trung, năng động. Càng ngạc nhiên hơn nữa khi 30 năm nay, ông chính là người duy nhất ở TP Hồ Chí Minh theo cái nghề độc đáo: xé quần jeans tạo kiểu.

Thời trai trẻ, ông Viễn là họa sĩ có phong cách phóng khoáng với tranh phong cảnh, chân dung. Mê vẽ từ thuở nhỏ nên lớn lên ông quyết tâm thi vào trường mỹ thuật, lấy cây cọ thỏa chí đời trai. Nhưng đời trai chưa thỏa thì nợ áo cơm đã chất chồng lưng áo với vợ dại con thơ. Ông bảo thời của mình hội họa chưa thịnh. Người dân vẫn chưa có thú mua tranh sáng tác về treo. Họ chỉ chuộng tranh chép các tác phẩm nổi tiếng. Ông sáng tác nhiều nhưng mang tác phẩm ra phòng tranh nhờ bán thì lại chẳng được bao nhiêu. Có bức ký gửi ở phòng tranh cả năm trời mà không bán được. Vì miếng cơm manh áo, ông phải bớt thời gian sáng tác để chuyển sang chép tranh. Mộng tung hoành ngày nào nén lại trong tiếng thở dài bên màn toan…

1 ong truong tan vien.jpg -0
Ông Trương Tấn Viễn là người duy nhất ở TP Hồ Chí Minh theo nghề xé quần jeans tạo kiểu.

 Đến khi tiền bán tranh chép cũng chẳng đủ ăn, ông Viễn làm thêm nghề bán quần áo cũ trên đường Hồ Xuân Hương, quận 3. Mới đầu buôn quần áo trẻ em, đồ bình dân…, sau chuyển sang quần áo jeans vì mặt hàng này hút khách hơn. Coi tivi, thấy ban nhạc rock phương Tây cá tính với những chiếc quần jeans rách siêu ngầu, ông khoái lắm. Vậy là sẵn đồ của tiệm, ông mày mò tự làm rách để mặc thử. Bốn chiếc quần đầu tiên đành phải vứt bỏ vì không còn hình hài chiếc quần. Đến chiếc thứ năm thì mới tạm thành công. "Thời đó, không ai gọi kiểu quần jeans xé là thời trang hết, người ta coi là giẻ rách thì có. Tôi thích thì làm chơi chơi. Dư ra vài cái thì treo lên cửa tiệm cho vui. Vậy mà được vài bữa, có mấy bạn trẻ đến nhìn thích quá, mua hết veo mấy cái quần xé. Tôi thử xé tiếp vài cái nữa. Cũng hết veo. Có người sẵn mấy cái quần jeans cũ ra nhờ tôi "tân trang" lại bằng kiểu xé này, tôi nhận làm luôn rồi gắn bó với nghề này đến giờ" - ông hóm hỉnh kể.

 Theo ông Viễn, nói là xé nhưng không phải bạ đâu xé đấy. Làm vậy chỉ tổ hư chiếc quần. Tùy theo hình dáng, màu sắc của quần jeans mà ông lựa chọn các kiểu xé, cứa khác nhau. Xé có các kiểu xé tua, xé mạng, xé vá, xé đắp, xé thủng… Với quần jeans màu đen, ông thường khuyên khách chỉ nên cứa ngang vài đường thì quần sẽ trông "chất" hơn là xé rách. Riêng quần jeans trắng và xanh, các kiểu xé, xước luôn làm cho người mặc thể hiện cá tính, bụi phủi và phong trần.  

 Nghề xé quần jeans tạo kiểu đòi hỏi người thực hiện phải có óc sáng tạo, con mắt mỹ thuật và đôi tay kỹ thuật. Là họa sĩ nên khi chuyển sang gắn bó với nghề này, ông coi như một sự may mắn. "Cái nghề đến với tôi ngẫu nhiên mà lại cho tôi được thỏa chí vẫy vùng sáng tác như hồi trẻ. Xé xong một chiếc quần, tôi coi nó như một tác phẩm nghệ thuật. Với hội họa, mình cầm cọ sáng tác trên màn toan thì nghề này mình cầm dao sáng tác trên mặt vải. Những mảng xé là những khối hình lập thể. Nó chẳng khác gì hội họa"- ông tâm sự.

 Ông Viễn được coi là người xé quần jeans tạo kiểu độc nhất của Sài Thành. Bởi như ông thú thật, hơn 30 năm làm nghề nhưng bản thân chưa hề gặp gỡ hay nghe ai nói đến người nào làm công việc như mình. Thập niên 90 đến đầu những năm 2000, quần jeans xé trở thành mốt "làm mưa làm gió" trong giới trẻ thành phố. Dạng quần jeans xé công nghiệp vẫn chưa sản xuất đại trà nên nghề của ông Viễn phất lên như diều gặp gió. Đến nay, kiểu xé thủ công của ông vẫn được khách yêu thời trang ưa chuộng bởi tính nghệ thuật, sự độc lạ, không đụng hàng. Các vết xé đều chứa cái tâm và sự dụng công của người nghệ sĩ chứ không vô hồn, nhẵn mịn như kiểu xé rách công nghiệp.

Khách hàng quen thuộc của ông thường là người trẻ, nhanh nhạy với các xu hướng thời trang và ưa chuộng những mẫu quần áo phóng khoáng, bụi bặm. Khách tìm đến ông có cả ca sĩ, diễn viên, người mẫu nổi tiếng. Ông từng làm nhiều chiếc quần có giá lên tới cả hai, ba chục triệu. Trong số khách hàng, ông ấn tượng nhất với vận động viên Nguyễn Tiểu Phương. "Nữ hoàng điền kinh" vốn là tín đồ của jeans nên chị rất mê những vết rách ngẫu hứng, ngầu ngầu. Ở nhà, Tiểu Phương cũng tự mày mò thử tạo các vết rách. Nhưng từ khi biết đến ông Viễn, mỗi khi có bộ jeans nào mới, chị lại đem ra cho ông phù phép vì sản phẩm nào lão họa sĩ này thực hiện cũng rất đẹp, hợp thời trang. Lần gần nhất, Tiểu Phương mang chiếc áo có giá hơn 35 triệu ra nhờ ông xé.

Một vị khách nọ cũng đem chiếc áo khoác đắt tiền ra nhờ ông xé với yêu cầu duy nhất: "Càng te tua, càng tốt". Lần đầu tiên ông bối rối trước yêu cầu của khách bởi không rõ khách muốn te tua đến cỡ nào. Xé tan nát chiếc áo, không khéo lại no đòn. Để thăm dò ý khách, ông kết bạn Facebook với họ rồi vừa làm vừa đăng hình lên cho họ xem. Đến khi khách tỏ ra hài lòng với vài ba mảng rách ban đầu, ông mới mạnh tay xé te tua chiếc áo. Anh Phạm Thắng, một khách hàng quen của ông Viễn cho hay: "Tôi biết đến chú khi tìm kiếm những chiếc quần jeans nghệ thuật. Vì là nghệ thuật nên tiệm may không thể làm đúng ý mình được nên tôi mới tìm đến chú. Quả thật, nhận chiếc quần chú làm xong mới thấy nó "đã" làm sao".

Mỗi mảng xé ông lấy thù lao từ 20 đến 40 ngàn đồng, tùy vào độ lớn nhỏ, đơn giản hay phức tạp. Khách nào nhờ ông vẽ tranh trên quần áo bằng các mảng rách, ông càng khoái ti tỉ. Độ khó tăng lên thử thách lòng yêu nghề của người nghệ sĩ. Đóa hoa hồng, chiếc xe đạp hay dòng chữ nghệ thuật lạ lẫm ra đời từ những thử thách như thế. Ngoài xé quần jeans, lão họa sĩ còn mày mò tự thiết kế mũ nón, túi xách, ba lô… bằng cách tái chế quần áo jeans cũ. Những sản phẩm này đều được làm thủ công nên mang nét độc đáo, thú vị riêng.

Buông cọ đã lâu nhưng tình yêu hội họa vẫn được ông ký gửi vào từng vết dao trên vải. Từ khi gắn bó với nghề xé quần, ông còn có thêm niềm đam mê thời trang. Khách ghé thăm, nếu chẳng mua hàng thì có thể ngồi xuống với ông mà "tám" chuyện thời trang cả ngày không biết chán. Trong cuộc trò chuyện nào, ông cũng nói đến ước nguyện: mình không còn là người duy nhất Sài Thành gắn bó với nghề này. "Nghề xé jeans nghệ thuật không quá khó. Chỉ cần có tâm hồn nghệ sĩ và đam mê là sẽ làm được. Tôi còn sức thì còn theo nghề đến cuối đời. Nhưng mình cũng lớn tuổi rồi, nếu có ai đam mê giống như mình thì tôi sẵn sàng truyền nghề"- ông Viễn bộc bạch.

Mai Quỳnh Nga
.
.