Lặng lẽ tỏa sáng
Tuy sáng tác không nhiều, nhưng ngay từ khi mới xuất hiện thơ của thi sĩ Trần Huyền Trân đã "lọt mắt xanh" nhà phê bình Hoài Thanh. Trần Huyền Trân đã được đưa vào "Thi nhân Việt Nam" với lời đánh giá: "Viết đến đây tôi đã định khép cửa lại, dẫu có thiên tài đến gõ cũng không mở. Thế mà lại phải mở cửa để đón một nhà thơ nữa! Trần Huyền Trân... Tôi đã tìm thấy ở đây cái thú của người đi đổi gió".
Khác với nhiều thi sĩ theo đuổi đến tận cùng thi nghiệp của mình, trong 76 năm hiện diện trên dương thế, Trần Huyền Trân (1913-1989) chỉ dành cho thơ độ bảy, tám năm, chủ yếu là từ 1939 đến 1946. Sau này, tuy thỉnh thoảng ông có viết một đôi bài thơ, nhưng sự nghiệp chính của ông từ 1945 trở đi, có lẽ gắn với lĩnh vực sân khấu nhiều hơn. Ông là một trong những nhà thơ có bản sắc trong phong trào Thơ Mới nói riêng và trong thơ ca Việt Nam hiện đại nói chung. Đọc thơ Trần Huyền Trân, ta hay gặp những tâm trạng cảm khái:
Nhớ nhau vảy bút làm mưa gió
Cho đống xương đời được nở hương. (Lưu biệt)
Bút dầm biển mực chưa thành sóng
Đã phải cắm lòng khúc tráng ca. (Đôi ta)
Nhớ người, nhạt thếch rượu đời
Tay vo chỏm tóc, ta ngồi ta ca
Khóc nhau, ném chén tan tành...
Nghe vang vỡ cái bất bình thành thơ! (Độc hành ca)
Sẽ là một thiếu sót, nếu như nói đến Trần Huyền Trân mà không nhắc đến bà Hạc Đính - người vợ thủy chung, gắn bó. Người phụ nữ lặng lẽ tỏa sáng suốt đời hy sinh vì ông.
Ngày nhà thơ Trần Huyền Trân qua đời, vợ ông - bà Hạc Đính đã làm bài thơ "Khóc chồng". Những dòng thơ thấm đẫm tình yêu thương, nhớ tiếc:
Anh đi còn đó rau Tần
Tiếng thương hạc gọi trên đầm lẻ đôi.
...
Đêm đêm xa gửi mây trời
Đinh ninh trân trọng lời lời anh trao
Anh đi trăm núi ngàn đèo
Ngàn sương nội khói sớm chiều em thương.
Nhiều chục năm là người "nâng khăn sửa túi" cho thi sĩ, bà Hạc Đính cũng đã ảnh hưởng được ở ông một giọng thơ trữ tình hoài cổ, đầy khí phách.
Bà Hạc Đính tên thật là Bùi Thị Đĩnh, sinh ra và lớn lên tại Hà Nội. Bà là con gái yêu của cụ Nam Hương Bùi Huy Cường - một nhà thơ ngụ ngôn nổi tiếng đất Hà Thành từ thời Pháp thuộc. Là một cô gái tài sắc vẹn toàn lại khá tân tiến, từ thời trước cách mạng, vượt qua những quan niệm phong kiến lạc hậu của xã hội lúc đó, bà đã bước lên sân khấu, thủ vai chính trong những vở kịch như "Lệ Chi Viên" (Vi Huyền Đắc), "Nửa chừng xuân" (Mạnh Phú Tư).
Cách mạng tháng Tám thành công, Trần Huyền Trân phụ trách Ban kịch Tháng Tám. Ông cùng Thâm Tâm viết vở kịch 19/8. Bà được mời đóng vai nữ chính của vở. Gần gũi nhau trong công việc, lại là trai tài gái sắc, bà bị nhà thơ Trần Huyền Trân "hút hồn" và mau chóng trở thành vợ của ông. Cưới nhau được nửa năm, vợ chồng bà cùng đoàn kịch đi theo kháng chiến. 9 năm gian khổ ở Việt Bắc, bà Hạc Đính từ người con gái liễu yếu đào tơ, gia cảnh tiểu thư nơi phố thị nhưng vì tình yêu và sự ngưỡng mộ tài năng của chồng, cùng với sự nặng lòng với kháng chiến của dân tộc, bà đã lăn lộn cùng chồng sống một đời sống hi sinh mình để hoạt động cách mạng gian khó. Bà tập trồng khoai, trồng sắn, đánh vật với mưa rừng gió núi, với bom rơi đạn nổ... để nuôi nấng con cái, làm yên lòng chồng đi công tác biền biệt với một niềm tin ông sẽ toàn thắng trở về.
Hòa bình trở về Hà Nội, bà lại được quay lại với ánh đèn sân khấu, được là chính mình, một diễn viên kịch nghệ tài năng, được hết mình đắm say với những vai diễn. Bà đảm nhận nhiều vai nữ chính của Đoàn Kịch Hà Nội; Tham gia các vở kịch như "Giờ quyết định" (Nguyễn Bắc), "Cái máy chém" (Trúc Đường), "Lam Sơn tụ nghĩa" (Nguyễn Xuân Trâm).
Gia đình bà sống trong căn nhà lợp toàn bằng tre nứa trong một ngõ nhỏ phía sau nhà thờ Nam Đồng. Cuộc sống nghèo, nhưng đầm ấm và hạnh phúc. Nhưng rồi tai họa liên tiếp ập đến đã vùi dập cuộc sống của vợ chồng bà một cách không thương tiếc. Ngôi nhà của bà trong một lần gặp nạn bị lửa thiêu cháy rụi. Nhưng đau đớn khủng khiếp hơn cả là cô con gái yêu thương của vợ chồng bà bị tai nạn mất khi đang du học ở nước ngoài. Nước mắt đầu bạc khóc đầu xanh, và đau nhất là con mất nơi tha hương nên nỗi đau của ông bà thêm cùng cực. Gia cảnh bà đã nghèo, giờ lại càng thêm khốn khó, bất hạnh. Những năm cuối đời, nhà thơ Trần Huyền Trân lại mắc bệnh hiểm nghèo. Ông nằm tiều tụy nhỏ thó trên giường bệnh, nhưng đôi mắt tinh anh sắc sảo vẫn dành cho bà ánh nhìn chan chứa yêu thương và thấm đẫm lòng biết ơn sâu nặng.
Suốt đời mình bà đã gánh đỡ cùng ông những kiếp nạn của một đời nghệ sĩ tài hoa và bất hạnh. Không chỉ tôn trọng công việc mà bà còn tôn trọng sự tự do và những niềm đam mê khác của ông. Thi sĩ vốn nổi tiếng là người đào hoa, đa tình. Tác giả của nhiều câu thơ tình tứ, đẹp đến nao lòng: "Xa nhau gió ít lạnh nhiều/ Lửa khuya tàn chậm mưa chiều đổ nhanh"; "Người ơi sênh phách hay hồn đấy/ Tay yếu gieo lòng xuống chiếu hoa". Những năm chung sống cùng nhau, biết được những "án tích" của chồng, bà cho qua hết. Nhất là từ sau năm 1954, ông chuyển hẳn sang hoạt động sân khấu, môi trường làm việc toàn với các diễn viên trẻ đẹp. Bà suy nghĩ rất thoáng rằng đã là nghệ sĩ mà không lãng mạn bay bổng thì lấy đâu ra cảm hứng sáng tạo.
Nhà thơ Trần Huyền Trân cũng đã từng có lần "thú nhận": "Đàn ông năm bảy lá gan/ Lá ở cùng vợ lá toan cùng người".
Biết vậy nên đôi khi có "nhân chứng vật chứng" trong thơ cũng như trong đời ông bà đều "đại xá". Hơn ai hết bà hiểu rằng, dù có những lúc xao lòng nào đó thì cuối cùng bao giờ ông cũng hướng về bà - "Vợ cái con cột", người đã yêu thương, tận tụy một đời vì ông.