Lặng lẽ một nốt trầm

Thứ Năm, 16/02/2023, 10:39

40 năm trước, tôi đã từng được biết anh - nhà thơ Phạm Quốc Ca, một con người hiền lành, dễ gần. Anh sinh ra trên mảnh đất quê nghèo Diễn Kỷ, Diễn Châu, Nghệ An. Tuổi thơ anh đã hai lần giành giải Nhất học sinh giỏi văn của tỉnh Nghệ An (1964 và 1970), từng được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng huy hiệu (1965).

Giã biệt xóm Bùng ra đi

Sau khi giành giải Nhất văn lớp 10 toàn tỉnh Nghệ An, thay vì bước chân vào trường Đại học, ngày 21/4/1970, anh đã giã biệt xóm Bùng làm đơn tình nguyện lên đường nhập ngũ, được bổ sung vào Tiểu đoàn 28 đặc công, Sư đoàn 9, chiến đấu ở Campuchia và Đông Nam bộ. Anh tham gia Chiến dịch Nguyễn Huệ (Bình Long) và Chiến dịch Hồ Chí Minh…

Đất nước thống nhất anh về với đời thường, vào Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Ra trường, anh lên cao nguyên Lâm Viên làm giảng viên, thành Trưởng khoa Ngữ văn Đại học Đà Lạt. Cuối năm 2012, anh được Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Lâm Đồng bầu làm Chủ tịch Hội.

nhà-thơ-phạm-quốc-ca-(ảnh-tư-liệu-tnt).jpg -0
Nhà thơ Phạm Quốc Ca (1952 - 2023).

Anh biết làm thơ khi còn trong quân ngũ. Người đọc dễ nhận thấy những trăn trở của anh về sự tồn vong của đất nước, về những người thân yêu đã ra đi để đất nước trường tồn; về những người mẹ nằm hầm che chắn cho những đứa con đêm ngày không tiếc máu xương mình vì Tổ quốc. Là người lính từng trải chiến trường, anh hiểu tận cùng sự hy sinh to lớn ấy.

Anh nhớ về người anh trai của mình là Phạm Văn Cừ đã nằm xuống trên chiến trường Tây Ninh: “Em đã tìm anh suốt những cánh rừng/ Chi chít dòng tên khắc vào thớ gỗ/ Anh nằm lại nơi đâu?/ Bốn phương trời khói lửa/ Tiếng bom nào như cũng dội nơi anh”. Bài thơ “Viết trong ngày giỗ anh” của anh đã đoạt Giải Nhất trong Cuộc thi thơ về đề tài Thương binh, liệt sĩ của Hội Văn nghệ TP Hồ Chí Minh năm 1984. Những câu thơ như oằn lên trong trái tim người đọc: “Em đã lớn lên trên tấm lưng anh/ Ngày cha mất anh nhường em đến lớp”; là “Giờ có đêm mẹ mơ thấy anh về/ Rồi choàng dậy bàng hoàng bật khóc/ Em cứ đợi điều không có được/ Một đêm kia tiếng gõ cửa anh về…”. Thật là xa xót, thật là quặn đau.

Nghĩ về người chị, thơ của anh vẫn đằm thắm tình yêu thương tha thiết, có gì đó nghèn nghẹn, thao thiết: “Chị lấy chồng phía mặt trời gác núi/ Đường lên xa ngái dốc cùng truông/ Nhớ tuổi thơ những chiều mây sấm động/ Em lại thương trên ấy mưa nguồn/ Sáu năm xa nhà đi đánh giặc/ Ngày về cháu nhỏ bám đầy vai/ Bát cơm ăn lẫn mừng với tủi/ Ngọt bùi những sắn cùng khoai/ Tấm áo len em mua cho mẹ/ Mẹ nhường cho chị, chị nhường con/ Sáu cháu nhỏ tình thương che không kín/ Cuộc đời vương lại nét buồn” (Thăm chị).

Nghĩ về mẹ - người đã phải thay cha làm những việc của đàn ông, chỉ cầu mong cho con lớn lên thành người. Những câu thơ đọng nhiều nườc mắt: “Cha mất ngày chúng con bé lau tau/ Cấy hái, cày bừa mẹ làm tất cả/ Lo toan đi vào cơn mơ giấc ngủ/ Mưa nắng lặn vào cơn đau khớp mùa đông/ Quanh năm tấm áo nâu sờn/ Rấm bếp trấu giữ gìn ngọn mửa/ Ai cho một miếng trầu cũng nhớ/ Mẹ là miền Trung khô cằn, vất vả/ Vẫn ngọt lành câu ví thương nhau” (Bình minh con sẽ lên đường).

Chị Hằng - vợ anh, là người phụ nữ hiền lành, chân chất. Anh đã đưa chị lên Đà Lạt, vợ chồng hôm sớm có nhau: “Anh đưa em về Đà Lạt … Đầu hè chim thức bình minh/ Ta đón hoa về chung ở/ Vườn xanh rau cải, rau dền …/ Đất nước vượt lên nghèo khổ/ Anh vui sống giữa đời thường/ Lòng riêng chín thầm hạnh phúc…” (Đà Lạt có em).

Những năm tháng bao cấp khó khăn, anh chị phải làm thêm nhiều việc nuôi gia đình có 6 miệng ăn. Anh chị mua dây kẽm về giăng làm giàn lưới cho su su đậu quả. Chiều chiều anh lại gồng mình đẩy hơn cả hai tạ quả su su trên xe đạp ra chợ Đà Lạt bán. Các con trai của anh chị rồi cũng khôn lớn.

Là giảng viên, anh luôn đau đáu việc truyền đạt kiến thức cho các em sinh viên: “Mỗi cuộc đời riêng có thể đi vòng/ Lịch sử vặn mình tìm đường đi thẳng/ Rồi đất nước sẽ có ngày tươi sáng/ Các em nói được gì với những lứa em sau/ Như sáng nay tôi lên lớp buổi đầu” (Với các em tôi)

Thơ của anh dung dị, gần gũi, đằm thắm như những trai làng xứ Nghệ. Về sau, thơ anh ngắn gọn, súc tích, cô đọng hơn như những gì anh muốn gửi gắm, thổ lộ.

Nhà thơ Thanh Thảo trong lời giới thiệu ngắn trên tập “Tiếng trầm” xuất bản lần đầu của nhà thơ Phạm Quốc Ca từng ghi: “…Thơ Phạm Quốc Ca chọn những màu đậm, những nét thanh. Những bài thơ có mức độ thành công khác nhau nhưng đều là sự giao tiếp chân tình, là lời thủ thỉ…”.

Những kỷ niệm khó quên

Ngày gia đình tôi còn ở Thị trấn Nam Ban - Vùng kinh tế mới Hà Nội tại Lâm Đồng, anh Phạm Quốc Ca nhiều lần xuống chơi, qua lại rất thân tình. Trong một đêm ngủ ở nhà một người bạn mới quen, anh đã viết nên bài thơ có những câu thơ rất gợi: “Nhà bạn tằm đang ăn rỗi/ Dâu xanh lả lướt sau vườn/ Bữa cơm đãi người Đà Lạt/ Rượu nồng, đĩa nhộng vàng thơm/…” (Nam Ban nhà bạn)

ừ-trái-sang-nhà-thơ-phạm-quốc-ca-(-thứ-hai-tại-nhà-sáng-tác-đại-lải-5.jpg -0
Nhà thơ Phạm Quốc Ca (thứ hai từ trái sang) cùng các bạn văn tại Nhà sáng tác Đại Lải 5/1996.

Năm 1987, tôi chuyển công tác về Ban Biên tập Báo Tuổi Trẻ Lâm Đồng, rồi phụ trách chương trình văn nghệ trên sóng phát thanh của Đài Phát thanh truyền hình Lâm Đồng, thì chúng tôi có dịp gặp nhau thường xuyên. Cũng năm này, nhà thơ Phạm Quốc Ca lần đầu tiên in tập thơ riêng “Tiếng trầm” do Sở Văn hoá thông tinh cấp giấy phép. Ba năm sau, năm 1990, tôi là người thứ hai ở Đà Lạt - Lâm Đồng có tập thơ in riêng “Hoa trinh nữ” do Nhà xuất bản Văn nghệ TP Hồ Chí Minh xuất bản. Nhà thơ Phạm Quốc Ca là người đầu tiên đã viết cảm nghĩ về tập thơ này, nhan đề: “Trước những chùm hoa lặng lẽ”. Tôi rất may mắn là vẫn giữ được bản thảo với bút tích của anh.

Anh tâm sự: “Tập thơ đã làm nhiều người làm thơ phải phát ghen lên vì hình thức trang nhã, sang trọng của nó. Trong khi ở phía tiêu cực của cuộc đời, người ta đang “đồ vật hóa” những cô con gái, thì trong thơ anh người yêu vẫn mang vẻ đẹp vĩnh hằng và như một đối tượng phải đạt tới bằng khát khao, mong ước. Thơ Trần Ngọc Trác nói nhiều đến tâm trạng chờ và đợi. Và ở đó, anh gặp gỡ với tâm trạng của nhiều người. Trong nỗi cô đơn muôn thuở của đợi, chờ anh tìm đến sự cảm thông của cỏ cây, hoa lá: “Chỉ có em thôi, chỉ có em thôi/ Bên thác Cam Ly lặng lẽ ngồi/ Ơi hoa trinh nữ bên bờ suối/ Có biết rằng ta đợi một người?” (Hoa trinh nữ).

Nhưng anh cũng chẳng chỉ nể nang mà thuần khen. Đánh giá của anh nghiêm khắc, thấu đáo, như gửi cả kỳ vọng: “Người xưa nói đại ý: “Người làm thơ nên bắt đầu bằng sự trong trẻo, tươi non, sau đó tiến dần tới sự già dặn”. Thơ Trần Ngọc Trác đã đi đúng quy luật đó. Dĩ nhiên, tập thơ còn có điều cần bàn đến. Anh còn trẻ. Lòng say mê và lao động nghệ thuật sẽ dần dần tạo cho anh tài năng, kỹ xảo. Bất cứ người làm thơ chân chính nào cũng có trong mình một nhà phê bình. Tôi biết chắc chắn rằng, nếu được biên tập lại, anh sẽ rút bớt một số bài. Nhiều câu chữ sẽ phải thay đổi v.v… Dẫu còn có điều chưa ưng ý, tôi mừng cho bạn mình đã “trình làng” đứa con tinh thần sau rất nhiều phấn đấu. Chúc Trần Ngọc Trác trên cái đà phấn khởi này, viết tiếp những bài thơ phản ánh trung thành con người và cuộc sống của anh vốn được nhiều người yêu quý.

Đà Lạt tháng 7 năm 1991”.

Năm 2007, tôi làm Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Lâm Đồng khoá IV, nhà thơ Phạm Quốc Ca là Phó chủ tịch. Nhiệm kỳ sau, anh giữ vai trò Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Lâm Đồng khoá V. Đó những năm tháng bào mòn sức khỏe của anh ghê gớm. Ai đó, cứ nghĩ công tác Hội văn nghệ tưởng rằng nhàn nhã, nhưng không, anh phải đối mặt với rất nhiều vấn đề. Về hưu, anh làm được một nhiệm kỳ thì nghỉ. Những ngày tháng trên giường bệnh ròng rã hơn hai năm trời, anh phải chống chọi với bệnh tật và trút hơi thở cuối cùng vào lúc 3 giờ 30 sáng thứ ba ngày 7/2/2023, nhằm ngày 17 tháng giêng Quý Mão.

Cả cuộc đời anh đã tận hiến cho thơ ca, như một nốt trầm xao xuyến mà anh để lại cho đời.

Trần Ngọc Trác
.
.