Lại Đà - quê hương nghĩa nặng tình sâu
Những tia nắng vàng trong trẻo buổi sớm mai rớt xuống ngọn cau trong khuôn viên ngôi nhà ông - người con ưu tú làng Lại Đà. Sau mấy ngày mưa, bầu trời chợt xanh ngắt.
Cây gạo, hàng mít, rặng tre đầu làng như rủ nhau nằm im lìm. Tôi nhẹ bước trên đường làng, qua mỗi ngõ xóm đều bắt gặp những người dân lặng lẽ cầm chổi quét dọn quang quẻ, sạch sẽ. Họ rưng rưng nói chuyện về vị Tổng Bí thư vừa đi xa với sự kính trọng và lòng tự hào. Những câu nói chợt lạc giọng, nghẹn ngào trong sự thương tiếc khôn nguôi.
Vị lãnh đạo đất nước đã sinh ra và lớn lên ở nơi này, bình dị như ngôi làng cổ nằm khiêm nhường bên bờ sông Đuống. Ngôi làng ấy, dòng sông ấy đã nuôi dưỡng tâm hồn một con người giản dị với lý tưởng cao đẹp suốt một đời nguyện vì nước, vì dân.
Một tấm lòng trong những tấm lòng
Mấy hôm nay, nhà văn hóa thôn Lại Đà sáng đèn cả đêm. Bà con dân làng tập trung bày tỏ sự tiếc thương người con ưu tú của quê hương vừa về với thế giới người hiền. Ban thờ được lập để chuẩn bị đón người dân khắp nơi về viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ngước nhìn lên, tán bồ đề trăm tuổi xòa bóng xuống sân đình như chứng nhân cho sự thăng trầm của làng, sự ra đi và trở về của những người con sinh ra từ mảnh đất này.
Ông Nguyễn Phú Việt, Bí thư Chi bộ thôn Lại Đà, Trưởng họ Nguyễn Phú xúc động cho biết, cách đây tròn nửa tháng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về thăm nhà, thắp hương tổ tiên, ngắm lại ngôi nhà mới sửa sang. Đây là lần cuối cùng ông về thăm quê hương...
Ngồi trầm ngâm bên chén trà, các bậc cao niên hồi tưởng ký ức về vị Tổng Bí thư với lòng kính trọng, tiếc thương. Đó là câu chuyện về một người lãnh đạo cao nhất đất nước, song luôn cư xử khiêm nhường, giản dị, gần gũi, thân tình. Bà con chia sẻ cho nhau xem những bức ảnh được chụp mỗi dịp ông về quê. Đó là hình ảnh vị Tổng Bí thư tản bộ trên đường làng, gặp gỡ, hỏi chuyện từng người dân mà ông gặp. Đó là hình ảnh ông cùng các bậc cao niên trong lễ mừng thọ dịp đầu năm mới. Hay, đó còn là bức hình các bạn trẻ hồn nhiên tạo dáng, đứng quây quần bên ông... Tất cả như vừa mới hôm qua.
Anh Nguyễn Văn Dư là một người con xa quê, làm ăn sinh sống trong TP Hồ Chí Minh đã nhiều năm, ngậm ngùi tâm sự: "Tôi tự hào vì được sinh ra và lớn lên ở quê nhà Lại Đà. Tôi cũng có được kỷ niệm về bác trong những lần về quê. Và, tôi ấn tượng với câu nói của bác: "Tôi luôn mang ơn nghĩa nặng tình sâu của quê hương! Đi đâu tôi cũng nghĩ mình là dân Đông Anh, dân Đông Hội, dân Lại Đà". Ông nhấn mạnh mình là người con của Lại Đà, đó là tư tưởng luôn nhớ về nguồn cội, thật đáng quý! Suốt chiều dài thời gian từ khi ông làm Bí thư Thành ủy, rồi Chủ tịch Quốc hội, Tổng Bí thư và Chủ tịch nước, tôi được biết cách ứng xử của người lãnh đạo có tâm, có tầm, đó là những bài học quý báu cho tôi".
Bài học đầu tiên mà anh Dư nhắc tới đó là lấy quê làm gốc để soi rọi mình, nhớ những ngày khốn khó để làm tốt hơn công việc hiện tại. Qua điện thoại, anh Dư cho biết anh đang rất nhớ nhà, nhớ quê và tới đây sẽ về thăm quê và thắp hương tưởng nhớ ông.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã để lại cho người dân Lại Đà nhiều giá trị tinh thần vô giá. Tấm gương bình dị, liêm khiết, đạo đức, sự khiêm nhường của ông, người Lại Đà thấu hiểu. Bởi thế, ai cũng bày tỏ sự kính trọng ông, tự hào vì được sống trong ngôi làng có truyền thống văn hóa và lịch sử, nơi có vị lãnh đạo mang tầm vóc lớn. Đó cũng là ngôi làng mà vị Tổng Bí thư đáng kính đã có một tình yêu thủy chung, sâu sắc với cô gái hàng xóm mà sau này là phu nhân của ông.
Không gian văn hóa nuôi dưỡng người con cách mạng
Lại Đà là một làng cổ. Thời Trần làng thuộc tỉnh Bắc Giang, huyện Đông Ngàn; sang thời Lê, sau năm 1469, thuộc trấn Kinh Bắc, phủ Từ Sơn, huyện Đông Ngàn; từ năm 1961 đến nay thuộc xã Đông Hội, huyện Đông Anh, TP Hà Nội. Lại Đà nằm trong vùng đất lịch sử nổi tiếng, cách kinh đô Cổ Loa khoảng 3 km, cách trung tâm Thủ đô 10 km.
Ngôi làng mang đầy đủ dáng dấp của một làng quê Bắc bộ. Trước đây, làng có lũy tre, hào sâu và đầm nước bao quanh. Làng được xây dựng theo mô hình chiếc lược chải tóc (xưa gọi là hình răng bừa), trục đường chính lát gạch nghiêng chạy từ đầu đến cuối làng với 15 ngõ xóm giống như những chiếc răng lược. Mỗi xóm đều có cổng, tiện cho việc giữ gìn an ninh, trật tự. Ngoài ra, còn có 2 khu trại, gọi là xóm Tây Sơn và Nam Sơn. Xóm đầu làng thành lập sau được gọi là xóm Bắc Sơn. Trước đây, làng có nhiều công trình tôn giáo, công sở, văn hóa như đình, chùa, miếu, nghè, văn chỉ, đàn tiên lão, điếm thờ, điếm tuần... Trải qua thời gian, chiến tranh, một số công trình đã không còn nữa. Năm 1989 đình, chùa, miếu Lại Đà được xếp hạng là cụm di tích lịch sử - văn hóa.
Theo sách "Lại Đà xưa và nay" của tác giả Nguyễn Phú Sơn (NXB Lao động - 2004), làng có nhiều người con ưu tú, như cụ Vương Khắc Thuật đỗ Thám hoa năm 1472, hai lần đi sứ sang nhà Minh và làm đến chức Tham chính. Cụ Ngô Tuấn được xếp vào bậc danh thần trấn Kinh Bắc, từng làm quan dưới thời Lê. Cụ Ngô Quý Vọng (1685-1766) nổi tiếng nghề y, được vời vào vương phủ chữa bệnh và được ban hàm Thiếu khanh...
Những năm kháng chiến chống thực dân và đế quốc, cả làng tham gia kháng chiến. Nhiều thiếu niên ở Lại Đà tham gia "Đội Nhi đồng cứu vong" do đồng chí Hoàng Quốc Việt thành lập ở Đình Bảng. Hiện, dân làng vẫn còn nhớ từng địa chỉ các cơ sở cách mạng của tổ chức Việt Minh từ năm 1942. Thời gian này, đồng chí Nguyễn Lương Bằng cũng về hoạt động tại Lại Đà và ở nhà ông Ngô Bá An. Các đoàn thể cách mạng lần lượt ra đời vào đầu năm 1944 như: Phụ nữ cứu quốc, Thanh niên cứu quốc, Thiếu niên cứu quốc... Để chuẩn bị cho tổng khởi nghĩa, một số thanh niên trung kiên trong làng đã được chọn học Trường Quân chính kháng Nhật tại Việt Bắc.
Tháng 5/1945, hoạt động Việt Minh đã gần như chuyển ra công khai. Tổ chức Việt Minh lập ra một thư viện giữa làng, qua đó truyền bá sách báo, tài liệu để tuyên truyền; lập ra tổ chức làm nòng cốt cho tự vệ cách mạng sau này. Ngày 20/8 Ủy ban Cách mạng lâm thời thôn được thành lập. Ở một làng quê "bùn lầy nước đọng", thư viện Lại Đà thực sự là một luồng ánh sáng do cách mạng mang đến.
Qua hai cuộc kháng chiến, người Lại Đà một lòng trung kiên với Đảng, với cách mạng, hết lòng chi viện cho tiền tuyến thời kỳ chống Mỹ. 80 người con thân yêu của làng đã ngã xuống trong các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc trên khắp mọi miền đất nước.
Trải qua thăng trầm của thời gian, làng bảo tồn nguyên vẹn không gian văn hóa gồm đình thờ Nguyễn Hiền, trạng nguyên đầu tiên dưới triều Trần (1247), miếu thờ Thánh Mẫu Tiên Dung, người trợ giúp Nguyễn Hiền và ngôi chùa mang tên Cảnh Phúc. Đặc biệt, ngoài những giá trị vật chất được bảo tồn từ nhiều năm trước, người Lại Đà vẫn giữ cho mình những giá trị tinh thần đặc sắc, đậm nét truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Điều đó được thể hiện rõ trong bản "Hương ước", "Quy ước làng văn hóa" và được duy trì trong nếp sống hằng ngày của bà con dân làng với tinh thần: "Phàm những mỹ tục mà tiền nhân để lại, thời ta phải bảo thủ. Còn những hủ tục, thời nên bỏ đi. Mục đích làm cho gia tộc thịnh giàu, dân làng có trật tự, sau sẽ phải trình lại tiến hóa, mà cải sửa thêm" (trích trong “Hương ước làng Lại Đà”).
Không chỉ người dân sinh sống tại làng, những người con đi làm ăn xa vẫn mang trong mình những giá trị, tinh thần văn hóa được truyền lại từ thế hệ trước, tôn vinh đạo học, ứng xử chân thành, hiền lành, thân thiện... Giờ đây, người con ưu tú của làng đã về với tổ tiên. Người làng nhớ thương ông - vị Tổng Bí thư tài đức vẹn toàn - nguyện học tập tinh thần đạo đức của ông để giữ gìn văn hóa làng quê, phát huy truyền thống cội nguồn, xây dựng quê hương, đất nước giàu đẹp, thanh bình.