Ký ức về nghệ sĩ Huy Hùng
Nói đến những giọng ca nam hay của Đài Tiếng nói Việt Nam, bên cạnh những Trần Khánh, Trần Thụ, Tiến Thành, Hữu Nội, không thể không nhắc đến NSƯT Huy Hùng - giọng nam cao nhẹ có âm sắc giữa cao và trung (còn gọi là deuseme ténor).
Huy Hùng có lối hát nhẹ nhàng, hát mà như nói chuyện tâm tình, ngay cả khi anh thể hiện những bài giàu yếu tố kịch tính, hoặc lên âm khu cao đòi hỏi phải tăng cường âm lượng. Giọng anh ấm, truyền cảm, hát từ trái tim chứ không hời hợt ở cổ họng như một vài ca sĩ đã mắc.
Trong gần 200 bài anh đã thu thanh ở Đài Tiếng nói Việt Nam, tôi đặc biệt thích hai bài “Nếu em tới thăm đảo” (Trọng Loan) và “Hải Phòng tuổi thơ tôi” (Hoàng Lương). Những năm đầu thế kỷ này, xuất hiện một bộ phim truyền hình khá hay có tên “Sóng ở đáy sông” chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Lê Lựu. Không nói về bộ phim ở đây mà chỉ nói về hai bài hát trong phim này. Một trong hai bài đó là “Hải Phòng tuổi thơ tôi” của nhạc sĩ Hoàng Lương - người làm phần âm nhạc cho phim.
Bài hát do Huy Hùng thể hiện thật xúc động, ra đúng được chất Hải Phòng, nghe rất bồi hồi, xao xuyến. Cả những người không quê ở đây cũng thấy yêu thêm thành phố này qua sự thể hiện của Huy Hùng: “Miền nhớ quê tôi Hải Phòng/ Dịu ngọt tuổi thơ ơi, dẫu đã xa rồi/ Năm tháng lớn lên từ buồn thương/ Câu hát đắng cay lòng mẹ…”. Một nỗi nhớ thành phố thật da diết được ca sĩ thể hiện qua giọng hát ấm áp, truyền cảm đã chạm được vào trái tim người nghe.
NSƯT Huy Hùng sinh năm 1946, có quê gốc ở Hải Dương nhưng được sinh ra và lớn lên ở Hải Phòng. Hết cấp 3, anh không có điều kiện học lên mà đi làm ở nhà máy Toa xe Hải Phòng. Nhưng chính cái hoàn cảnh này lại là sự may mắn, tạo bước ngoặt cho Huy Hùng khi nhà máy có một đội văn nghệ rất mạnh với tốp ca nam hay nhất trong phong trào ca hát quần chúng, không kém gì chuyên nghiệp.
Vốn dĩ hay hát và hát hay từ nhỏ, gặp được mảnh đất văn nghệ, Huy Hùng như cá gặp nước, đã vẫy vùng thỏa sức ở nhà máy mình làm việc. Khi đó, nhạc sĩ Trần Chung phụ trách chương trình “Khắp nơi ca hát” của Đài Tiếng nói Việt Nam, trong một lần về dự hội diễn văn nghệ quần chúng ở Hải Phòng đã phát hiện ra anh. Và vị nhạc sĩ này bèn giới thiệu anh lên làm việc ở Đài. Thế là từ đó (năm 1969), anh trở thành ca sĩ của CP 90 tức Đài phát thanh Giải phóng.
Sau năm 1975, Đài này giải thể. Tất cả các cán bộ, nhân viên trong đó có các văn nghệ sĩ trở về làm việc ở Đài Tiếng nói Việt Nam. Huy Hùng chính thức trở thành một trong những giọng đơn ca nam chủ chốt tại Đài quốc gia. Về sau, anh được bổ nhiệm làm Đội trưởng đội ca mới rồi phó Trưởng đoàn ca nhạc của Đài.
Ngày 22/2/2007, Huy Hùng qua đời, hưởng thọ 61 tuổi. Không ai có thể nghĩ anh ra đi sớm như vậy khi trước đó còn khỏe mạnh với phong cách lúc nào cũng tràn trề phong độ, nhanh nhẹn, tháo vát, luôn sung mãn năng lượng. Tuy nhiên, anh cũng bị huyết áp cao như nhiều người cao tuổi. Lần đó, anh phải vào khám ở bệnh viện do viêm họng nặng. Trong lúc chờ, bỗng trời đất quay cuồng trước mặt. Anh lập tức được cấp cứu nhưng đột tử.
Anh ra đi quá đột ngột, gây bàng hoàng cho tất cả mọi người. Thời nay, 61 tuổi mà qua đời là sớm. Không thiếu người ở tuổi này mới khẳng định sự nghiệp. Vậy nên tất thảy đồng nghiệp, bè bạn và những người hâm mộ giọng hát của anh đều vô cùng tiếc thương người ca sĩ tốt bụng, luôn hòa đồng, vui vẻ, cháy hết mình trong ca hát... Càng thương hơn khi biết anh ra đi khi vừa mới có quyết định nghỉ hưu theo chế độ và còn chưa kịp nhận sổ.
Do thi thoảng có ca khúc được thu thanh mà tôi hay lui tới đoàn ca nhạc Đài. Vậy nên tôi đã trở nên quen biết rồi khá thân thiết với Huy Hùng. Anh có tính cách tếu táo, hay trêu đùa mọi người, luôn là trung tâm của mọi cuộc vui vẻ, bông phèng. Gặp tôi ở đâu, bao giờ anh cũng rất xởi lởi hỏi câu đầu tiên: “Thế nào? Hồi này làm ăn ra sao? Có bài nào mới không?”. Nếu gặp nhau cuối buổi sáng, thể nào anh cũng lại rủ tôi đi ăn trưa ở chợ Đuổi, nơi có quán lòng lợn, tiết canh nổi tiếng, ai sành ẩm thực ở Hà Nội cũng biết.
Mọi cuộc gặp mặt, liên hoan ở bất cứ đâu mà thiếu Huy Hùng thì kể như kém hẳn không khí, bớt vui. Anh còn có tài hòa giải. Ở đâu mà có sự hiểu nhầm nhau, dẫn tới xích mích, thường Huy Hùng xuất hiện, bằng sự vui, tếu của mình, anh khiến cả hai bên phải bật cười và rồi nhanh chóng trở lại hết giận, cảm thông với nhau. Có lần tôi nói với anh: “Khi nào cậu về hưu, hãy đảm nhận vai trò Trưởng ban hòa giải ở khu phố cho mọi người được nhờ”. Tôi không có ý đùa mà hoàn toàn nói thật, vì thấy ở chỗ tôi cư trú có một vị giữ vai trò này được bà con rất quý mến do có công hòa giải được nhiều người từng mất đoàn kết trở lại cảm thông nhau. Nhưng Huy Hùng đã không kịp phát huy khả năng này thì qua đời.
Luôn tếu táo, hài hước nhưng trong công việc thì Huy Hùng lại rất nghiêm cẩn. Khi ca sĩ nào tập một bài mới, với tư cách làm “sếp” của đội ca, anh nhìn bản nhạc, soát xét từng nốt rất cẩn thận để tránh tình trạng hát sai ý tác giả dù chỉ một chi tiết nhỏ. Phát hiện thấy sai, anh yêu cầu ca sĩ tập lại thật chính xác. Có lần thu thanh một bài của tôi, một chỗ ca sĩ hát sai nhưng tôi thấy không đáng kể, hiệu quả cuối cùng không mất đi nhiều nên do nể mọi người mà đã chấp nhận, vì ngày ấy nếu thu lại sẽ rất phiền hà, phải làm từ đầu chứ không như bây giờ, hỏng chỗ nào thì “vá” chỗ đó. Nhưng Huy Hùng yêu cầu phải thu lại đúng như văn bản và phê bình tôi là dễ tính, không thể nể nang như vậy. Tôi rất cảm kích biểu hiện này của anh.
Không chỉ hát, Huy Hùng còn sáng tác ca khúc. Anh từng theo học hệ tại chức sáng tác và chỉ huy ở Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam). Có lần anh rủ tôi cùng đi sáng tác, dàn dựng cho một trại chăn nuôi ở Hà Tây (cũ). Do không có ô tô đón nên chúng tôi phải tự lo phương tiện đến. Anh nói đi 2 xe máy chứ không đèo nhau vì nơi mời không trả thù lao bằng tiền mà sẽ tặng hiện vật. Vậy nên đi mỗi người một xe để còn chở quà về. Đúng như vậy. Lần ấy thay vì trả tiền công, họ tặng mỗi người hai yến gạo nếp, hai chục quả trứng và một đôi gà. Nếu đèo nhau quả là chúng tôi sẽ không biết mang về như thế nào.
Sau khi sáng tác xong, anh chỉ dựng bài của tôi. Hỏi thì anh nói bài của anh chưa hiệu quả mà lại không thích sửa. Quan điểm của anh là sáng tác phải có chất lượng ngay. Nếu không thì bỏ, viết bài khác chứ không sửa, sẽ chỉ nát bài, cuối cùng khó đạt yêu cầu như mong muốn. Anh tự sổ toẹt bài của mình để rất hào hứng dựng bài của tôi. Quả là không dễ có người sáng tác xử sự như vậy. Tôi càng quý, nể anh thêm sau lần đó. Tôi tranh thủ chấm bè để hai người song ca trong buổi báo cáo tác phẩm. Anh hát bè giai điệu. Tôi hát bè phụ. Không cần vỡ bài lâu, nhìn bản nhạc, anh có thể hát ngay chính xác.
Thấy anh có nhiều khả năng (hát, sáng tác, dàn dựng, chỉ huy, lại cả làm thơ tuy không công bố ở đâu), có lần tôi nói với anh: “Huy Hùng tài vừa thôi, đừng có mà lấy hết của người khác. Và phải cẩn thận đấy. Ở Đài này, cứ nam mà có nhiều tài, nhất là hát hay thì không thọ lâu. Đấy, hãy xem, chỉ trừ Trần Thụ, còn thì Trần Khánh, Tiến Thành, Ngọc Tân, Hữu Nội, Hoàng Lương toàn qua đời khi chưa đến 60 tuổi”. Tôi nhớ nói với anh câu ấy khi anh cho biết còn 1 - 2 năm nữa là về hưu. Vậy mà chỉ một thời gian ngắn sau, đến tuổi nhưng chưa kịp nhận sổ hưu, anh đã vĩnh biệt tất cả để về cõi thiên thu. Rõ là quá gở cái câu nói vô tư của tôi! Mong hương hồn anh nơi chín suối hãy đại xá.