Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025)

Ký ức tuổi thơ tôi

Thứ Năm, 01/05/2025, 13:02

Trong không khí cả nước tưng bừng kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, nhìn đoàn quân rầm rập tiến bước dưới quân kỳ, lòng tôi vô cùng xúc động, xen lẫn tự hào. Bởi những gì có được của ngày hôm nay, là sự hy sinh, mất mát của biết bao đồng bào, đồng chí, biết bao dòng họ, làng quê trên đất nước Việt Nam. Trong đó có gia đình tôi, bố mẹ và các anh chị em chúng tôi.

Trong niềm hạnh phúc của ngày hội non sông, ký ức tuổi thơ đong đầy kỷ niệm thời chiến tranh chống Mỹ hào hùng và đau thương như một cuốn phim quay chậm trở về.

Tôi sinh ra và lớn lên đúng vào thời kỳ đế quốc Mỹ thay chân thực dân Pháp xâm lược Việt Nam. Khi đó, tôi còn bé, lại ở miền Bắc, chỉ biết về cuộc chiến qua những đợt oanh kích bằng không quân của đế quốc Mỹ và cảnh những người thân lên đường ra trận.

z6516063902495_368a07dbf3c330fc39282273d697dff5.jpg -1
Anh hai Trần Đình Trường.

Thật không có lời văn nào tả nổi tấm lòng của những người cha, người mẹ khi phải dứt ruột tiễn đưa những người con ra trận.

- Ới Đoàn ơi. Ới con ơi!...

Đó là tiếng khóc xé lòng của bà thím trong một buổi sáng mùa Đông năm 1967, khi chia tay người con trai ra trận. Tiếng khóc tựa như bà làm “Ma sống” cho con trai, bởi bà biết rằng nơi chiến trường khốc liệt, có mấy người còn được trở về.

Nghe thấy tiếng gào khóc ở nhà bên, mẹ tôi vội ngó nhìn trong khe liếp, chứng kiến cảnh người đi kẻ ở. Bà gạt nước mắt, miệng càu nhàu như nói với chính mình: “Sao lại khóc con như vậy? Ai mà chẳng thương con, nhưng cũng phải giữ bình tĩnh mới giúp các con yên tâm đi làm nhiệm vụ!”.

Trong hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ, gia đình tôi có năm người tham gia lực lượng vũ trang. Anh hai tôi nhập ngũ năm 1953, tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, được tặng thưởng Huy chương Chiến thắng Hạng Nhì, rồi chuyển ngành sang cơ quan dân sự. Chín năm sau, anh thứ năm nhập ngũ. Năm 1968, trong một tháng, anh thứ sáu và thứ bảy cùng nhập ngũ (khi đó cả hai anh một người đang lao động ở nhà và một người học năm cuối, trường Trung cấp tài chính).

Chiến tranh ác liệt, sự hung hãn của kẻ thù khiến mẹ tôi vô cùng lo lắng, nhưng lúc chia tay, trên khóe miệng mẹ vẫn cố nở nụ cười, nói với các con: “Các con đi giữ gìn sức khỏe, hoàn thành nhiệm vụ và nhớ biên thư về nhà nhé!”. Đợi cho các anh tôi đi khuất, mẹ ôm mặt gục đầu vào tường, toàn thân thể run rẩy, khuỵu xuống... Mẹ tôi đã bao lần khóc thầm như vậy lúc chia tay, những buổi chiều tà và những đêm thâu. Năm đó, mẹ tôi bị một trận ốm thập tử nhất sinh. Từ đó, sức lực của mẹ không còn.

Tôi nhớ, vào một buổi chiều tà, tôi ngồi với mẹ trên chiếc giường tre. Tự nhiên mẹ trân trân nhìn tôi và hỏi: “Nếu không may mẹ mất thì con ở với ai?”. Tôi nhìn mẹ ngập ngừng, trả lời: “Mẹ mất thì con đến ở với ông ngoại!”. Tôi và mẹ nhìn nhau, bốn hàng nước mắt lăn dài trên má...

Trước bệnh tình của mẹ tôi và hoàn cảnh gia đình, chính quyền các cấp can thiệp, anh trai thứ sáu được xuất ngũ. Nhưng hai cuộc chiến tranh triền miên và tính mạng của những đứa con “treo trên đầu sợi tóc” như gánh nặng, hút hết nguồn sinh lực của mẹ. Ba năm sau, mẹ tôi về cõi vĩnh hằng, mang theo cả nỗi nhớ thương và những lo âu cho tính mạng của những đứa con trai nơi tiền tuyến.

Theo chân các anh, năm 1972, tôi xung phong vào lực lượng Công an nhân dân và được tuyển sinh vào trường Cảnh sát. Năm đó, tôi mới 16 tuổi.

Hình ảnh người mẹ trong chiến tranh là nỗi khắc khoải tâm trí tôi, nên mỗi lần nghe những ca từ: “Ba lần tiễn con đi, hai lần khóc thầm lặng lẽ...” của bài hát “Đất nước” cất lên, là nước mắt tôi lại rưng rưng, thương nhớ khôn nguôi người mẹ yêu quý của mình.

Thiệt thòi nhất là những lớp người thời đó. May mắn sống sót trở về thì phần lớn lại: “Con trâu đi trước, cái cày theo sau”. Cuộc chiến đã cướp mất cơ hội và những ước mơ của họ. Ví như anh trai thứ năm của tôi, là những người hiếm hoi tốt nghiệp cấp 3 năm 1964. Lẽ ra, anh vào học đại học, nhưng có lệnh lên đường nhập ngũ. Hơn 20 năm trong quân ngũ, chiến đấu từ miền Bắc đến miền Trung, tham gia giải phóng Campuchia khỏi tập đoàn Pol Pot. Anh về nghỉ hưu với quân hàm Thiếu tá, Phó ban bảo vệ Sư đoàn. Trong khi đó, cùng lứa với anh, họ vào đại học, nhiều người giữ những trọng trách cao.

z6516063900191_0c4274be23a806d5453509691a9050d7.jpg -0
Cả ba anh em trai đều là lính Cụ Hồ, cống hiến cả cuộc đời cho cách mạng.

Nhưng gia đình tôi may mắn và hạnh phúc hơn nhiều gia đình khác là sau chiến tranh, các con của mẹ còn nguyên vẹn trở về. Nhiều gia đình hy sinh tới hai, ba người; có gia đình hy sinh người con trai duy nhất, đó là những tổn thất không thể đong đếm được.

Không chỉ nơi chiến trường mà ngay trên quê hương tôi, nhiều người cũng không thoát nổi bàn tay tội ác của kẻ thù. Ông Trần Văn Thụ, 70 tuổi, nghẹn ngào kể lại trận bom Mỹ giết hại 3 người thân: “Hôm đó là ngày 4/6/1967. Mẹ tôi đi chợ, còn lại ông nội, bố và 7 anh em tôi ở nhà. Vừa mới sáng ra, đã nghe tiếng kẻng báo động và tiếng máy bay ầm ì từ xa vọng lại. Bố bảo anh em tôi vào hầm trú ẩn, nhưng tôi không muốn nên đã cùng một đứa em trốn ra ngoài chơi. Mẹ tôi đi chợ về bắt gặp, đưa chúng tôi về.

Vừa tới sân thì nghe có tiếng rít của bom và những tiếng nổ chát chúa. Tôi và đứa em bị bom nổ hất văng xuống ao. Lúc bò lên, trước mắt tôi là cảnh hoang tàn đổ nát, bố mẹ tôi gào thét và cào bới, tìm vị trí căn hầm trú ấn bị đất đá vùi kín. Bà con chòm xóm và những người đang làm đồng gần đó chạy tới giúp sức… Trận bom đó, người anh cả và hai đứa em tôi đã chết; may là hầm chữ A, nên hai đứa em ở trong ngách thoát nạn. Nhà cửa không còn, mọi người đưa 3 thi thể tới sân kho hợp tác xã để làm tang lễ...!”.

Lặng đi một chút, ông nói tiếp: “Tôi nghĩ, trong hoàn cảnh nào thì các nhà lãnh đạo cũng không nên để xảy ra chiến tranh. Vì chiến tranh, nạn nhân không ai khác là những người dân lành vô tội”.

Kỳ lạ ở đất nước mình là mọi người nhanh chóng quen dần với chiến tranh. Địch bắn phá ban ngày thì chuyển lao động sản xuất vào ban đêm. Chúng tấn công khi phát hiện nguồn sáng thì mọi nhà che chắn “Kín cổng cao tường”. Giặc dã và lũ lụt nên nhà ai kinh tế cũng khó khăn, nhiều nhà thiếu ăn, đứt bữa vào những ngày giáp hạt.

Nhưng trên cánh đồng, khí thế lao động vẫn hăng say; hình ảnh người phụ nữ chắc tay súng, vững tay cày trông rất oai phong; những lời ca, tiếng hát vang lên ngay trên cánh đồng: “Từ ngày anh đi ở nhà em đảm đang, ruộng cấy chăng dây, cây lúa thẳng hàng…” cùng tiếng cười, tiếng nói không ngớt. Đồng lòng phấn đấu: “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người. Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng giặc Mỹ xâm lược!”.

Những năm tháng đó, để có ánh sáng hoạt động ngoài trời hoặc soi đường, trừ những đêm trăng, tôi phải đi bắt những con đom đóm cho vào chai thủy tinh, tuy có nhập nhòe và lờ mờ, nhưng cũng đỡ phải mày mò. Chúng tôi luôn phải đội chiếc mũ được bện bằng rơm trên đầu để đề phòng mảnh đạn; chiếc mũ rất nặng, tựa như sức nặng của cuộc chiến đã khoác lên lũ trẻ chúng tôi.

Phòng học là chiếc hầm lớn, được kết nối với tuyến hào chạy đến nơi trú ẩn. Nếu ai đã được chui vào hầm chữ A, chắc cũng sẽ không thể quên mùi hơi đất, mùi ẩm mốc pha trộn với hơi người; nhiều hôm mưa gió lội bì bõm trong nước, không chỉ bị đàn muỗi tấn công, sơ sẩy là bị rắn rết cắn.

Mặc dù rất sợ, nhưng mỗi khi nghe tiếng kẻng báo động, lũ trẻ chúng tôi vẫn tò mò chạy ra tuyến đê quai ở bìa làng, chui xuống hầm “hố 1” xem cảnh máy bay Mỹ bắn phá cầu Đa Phúc. Có những tên sau khi cắt bom, còn cho máy bay dẫn bom lao xuống sát mặt cầu mới lao lên. Một lần, chúng tôi ngước lên bầu trời tìm máy bay thì bất ngờ nhìn thấy chúng thả những vật giống hình lá tre lao vun vút xuống. Tất cả bỏ chạy thục mạng. Sau này mới biết, những vật rơi đó là những thùng dầu phụ…

Buổi tối, đoàn thanh niên tổ chức cho chúng tôi đi cổ động, hô vang những khẩu hiệu thể hiện tinh thần yêu nước, quyết tâm chiến thắng giặc Mỹ xâm lược... đến tận đêm khuya mới về.

Cuộc chiến đã lùi xa, nhưng những ký ức đau thương và hào hùng vẫn còn sống mãi trong tôi. Nhân “Ngày hội của non sông”, tôi viết những dòng này không có ý gieo rắc lòng hận thù, mà để tri ân những người đã ngã xuống, để tôn vinh tinh thần bất khuất của dân tộc và để nhắc nhở các thế hệ mai sau hiểu được giá trị của hòa bình mà trân trọng, nâng niu và gìn giữ.

Trần Chín
.
.