Kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhạc sĩ Trần Kiết Tường: Tấm lòng miền Nam trên đất Bắc

Thứ Sáu, 29/11/2024, 21:17

Nhắc đến nhạc sĩ Trần Kiết Tường là nhắc đến tấm lòng son sắt của người con miền Nam trên đất Bắc. Dẫu viết về hy sinh gian khổ, dẫu viết về chia lìa cách biệt, nhưng nhạc phẩm của ông chẳng khi nào bi lụy mà đầy khoáng đạt, dịu dàng như con nước Cửu Long. Phù sa quê mẹ, ông gửi gắm vào đất Bắc thân yêu để ngân lên những nốt sol hồn hậu, kiên trung.

Năm 2024 đánh dấu cột mốc tròn 100 năm ngày sinh nhạc sĩ Trần Kiết Tường (1924 -1999). Sinh thời, nhạc sĩ tâm niệm: “Tôi sống lạc quan và yêu đời. Nghệ thuật thì vô cùng, đời người thì ngắn ngủi. Chẳng có ai hài lòng với những gì đã đạt được. Đó cũng là điều dễ hiểu. Bởi nếu ai đó hài lòng thì coi như đã hết. Cuộc sống sôi động và hấp dẫn. Do đó, nhạc sĩ không được sáng tác những gì mà chính anh không có cảm xúc”.

Chính vì tâm niệm như vậy nên từ ca khúc đầu tay “Vui gặp gỡ” cho đến loạt ca khúc nổi bật về sau như “Anh Ba Hưng”, “Hồ Chí Minh, đẹp nhất tên Người”, “Chiến sĩ vô danh”, “Áo bà ba”…, ông đều viết bằng cảm xúc chân thật, chan chứa tấm lòng của một người con miền Nam: mộc mạc, hiền hòa mà đầy mạnh mẽ, lạc quan.

1 ns tran kiet tuong.jpg -0
Nhạc sĩ Trần Kiết Tường.

Hồi mới tập tành sáng tác, Trần Kiết Tường chưng hửng vì bài “Vui gặp gỡ” chỉ có duy nhất cô em gái mình ái mộ. Hụt hẫng thật nhưng ông vẫn ôm mộng sáng tác, bởi “vạn sự khởi đầu nan” thì có hề hấn gì một bài hát đầu tay chỉ có một thính giả yêu thích. Cách mạng tháng Tám nổ ra rồi cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc khiến người thanh niên đôi mươi xứ “gạo trắng nước trong” hăm hở ôm đàn vào chiến trường. Ông tham gia Phòng Tuyên truyền huyện Ô Môn, Cần Thơ rồi sau đó chuyển về Châu Đốc. Câu hò, điệu lý quê hương cùng cây đàn mandolin theo ông đi khắp tiền tuyến, hát đàn cho chiến sĩ, đồng bào nghe.

Hào khí Nam Bộ kháng chiến thôi thúc chàng nhạc sĩ trẻ tiếp tục sáng tác. Trong một đêm tĩnh mịch năm 1948, ca khúc “Chiến sĩ vô danh”, phổ thơ của nhà thơ Dân Thanh ra đời bên bờ kinh Dương Văn Dương, Đồng Tháp. Bài hát phác họa hình ảnh người mẹ tiễn con ra trận, lặng lẽ nhưng sâu sắc, như chính tình yêu của người dân Nam Bộ dành cho quê hương. Ca khúc được ca sĩ Quốc Hương thể hiện, nhanh chóng lan tỏa trong cộng đồng chiến sĩ và nhân dân.

Thừa thắng xông lên, ông tiếp tục sáng tác nhiều ca khúc trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp như “Theo dấu Cụ Hồ”, “Thiếu sinh quân hành khúc”, “Anh Ba Hưng”… Trong đó, “Anh Ba Hưng” được bà con miền Nam vô cùng yêu mến bởi lời ca vui tươi, hóm hỉnh mang đậm sắc màu dân ca Nam Bộ.

Nhạc sĩ từng kể: hồi năm 1947, ông cùng đơn vị đến gặp gỡ người đánh giặc giỏi nhất ở tiểu đội do anh Ba Hưng (tên thật là Hóa Hòa Hưng) chỉ huy ở Bạc Liêu. Các anh em trong đơn vị đề cử Ba Hưng. Từ cuộc trò chuyện với người chiến sĩ ấy, năm 1950, ông viết nên bài hát “Anh Ba Hưng” mang nhiều âm hưởng của bài dân ca “Con chim manh manh”. Đến bây giờ, dù chiến tranh đã lùi xa nhưng khúc hát “Anh Ba Hưng” vẫn được mọi người ưa chuộng vì tinh thần lạc quan, yêu đời của người chiến sĩ lẫn đồng bào miền Nam trong những năm tháng chiến tranh gian khổ.

Tuy vậy, phải chờ đến năm 1954, khi nhạc sĩ Trần Kiết Tường tập kết ra Bắc, thì âm nhạc của ông mới thực sự phát tiết và đưa tên tuổi ông đến với đông đảo quần chúng nhân dân. Miền Bắc ấm tình đồng bào cùng nỗi nhớ xa quê, xa nhà đã trở thành nguồn cảm hứng bất tận để ông gieo nên những nhạc phẩm sống mãi với thời gian.

Bà Trần Thanh Thảo, con gái nhạc sĩ Trần Kiết Tường cho biết, nỗi nhớ gia đình luôn theo cha mình trong những năm tháng xa nhà. Ông gửi gắm nó vào vần thơ, ý nhạc. “Quê hương ơi, ta sẽ về” và “Áo bà ba” được xem là bản tình ca tác giả dành tặng cho mảnh đất Nam Bộ, con người Nam Bộ, trong đó có bóng hình người vợ thân yêu bên kia bờ vĩ tuyến. “Trời thanh thanh nắng tươi êm đềm/ Hồ Gươm vui sắc hoa tươi thắm/ Ngời ánh nắng áo tím áo xanh/ Thoáng qua, thoáng qua, thoáng qua, kìa áo bà ba…" (Áo bà ba).

“Từ khi ba má đoàn tụ năm 1958, những ngày ở Hà Nội cho tới khi sau này trở về miền Nam, sau mỗi ngày kết thúc công việc, ba lại lấy xe đạp đưa má đi dạo. Có lần hai ông bà ngồi ngoài công viên tâm sự say sưa đến nỗi bị người ta lấy mất đôi dép lúc nào không hay. Chúng tôi luôn chọc ông bà dầu qua bao năm mà vẫn cứ như vợ chồng mới cưới, đi đâu cũng có nhau” - bà Thảo tâm sự.

Ngoài những sáng tác dành cho quê hương, nhạc sĩ Trần Kiết Tường còn viết nhiều bài hát phản ánh cuộc sống lao động tại miền Bắc như “Đàn bò của tôi”, “Cánh tay miền Nam trên đất Bắc”, “Bánh xe lăn”... Những ca khúc này cho thấy ông không chỉ hòa mình vào cuộc sống mới, mà còn biết cách truyền cảm hứng và khơi dậy tinh thần lao động, chiến đấu của nhân dân trong công cuộc xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Nhiều công trường, nông trường, công trình tại miền Bắc ngày ấy in hằn mồ hôi, công sức của con em miền Nam như công trình Đại thủy lợi Bắc Hưng Hải, Nông trường Lam Sơn, công trình tu sửa Cầu Hàm Rồng…

2 chuong trinh.jpg -1
Chương trình nghệ thuật "Hồ Chí Minh, đẹp nhất tên Người" tưởng nhớ nhạc sĩ Trần Kiết Tường.

Và cũng chính tại miền Bắc thân yêu, Trần Kiết Tường viết nên ca khúc “Hồ Chí Minh, đẹp nhất tên Người”, tác phẩm được coi là đỉnh cao trong sự nghiệp của ông. Ca khúc ra đời năm 1962, được ông lấy cảm hứng từ hai câu thơ của Bảo Định Giang: “Tháp Mười đẹp nhất bông sen/ Việt Nam đẹp nhất có tên Cụ Hồ”. Vận dụng điệu hò Cần Thơ quê mình, bài hát mang giai điệu sâu lắng, thiết tha nhưng không kém phần hào hùng.

Sinh thời khi nói về cảm xúc của mình lúc sáng tác bài hát này, ông tâm sự: “Đang ở tại Hà Nội, tôi muốn góp phần nhỏ bé của mình vào cuộc chống Mỹ cứu nước ở miền Nam. Tôi nghĩ, miền Nam đau thương càng muốn sống và chiến đấu, khi nhớ tới Bác. Người là niềm tin yêu của nhân dân, đặc biệt là của nhân dân miền Nam. Tôi sáng tác bài hát này xuất phát từ trái tim mình. Ca ngợi Bác, chính là ca ngợi dân tộc Việt Nam anh hùng, vì Bác cũng từ nhân dân mà ra...”. Ca khúc đã được NSND Quốc Hương thể hiện lần đầu tiên và nhanh chóng trở thành một trong những tác phẩm tiêu biểu viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Nói về âm nhạc của Trần Kiết Tường, nhạc sĩ Dân Huyền nhận xét: Các tác phẩm của nhạc sĩ Trần Kiết Tường dù ở thể loại nào cũng đậm đà bản sắc dân tộc, lấy vốn cổ quý báu dân tộc làm điểm tựa song vẫn hòa quyện trong đó hơi thở của thời đại. Điển hình như các bài hát thuộc dòng nhạc trẻ mà Trần Kiết Tường sáng tác sau ngày thống nhất đất nước như “Mimoza”, “Người anh chưa quen”… cũng mang đậm đặc trưng ấy.

Và như đánh giá của nhạc sĩ Dân Huyền: “Với tôi, nhạc sĩ Trần Kiết Tường không chỉ giỏi vận dụng dân ca trong sáng tác ca khúc, trong soạn nhạc không lời, mà luôn nhiệt tình sưu tầm giới thiệu dân ca Nam Bộ quê hương ông. Những bản ghi âm của ông đã tạo điều kiện cho tôi tiếp cận với một vùng dân ca đầy màu sắc và chan chứa tình người mà tôi đã vận dụng nó trong ca khúc “Bên Lăng Bác Hồ”. Tôi còn nhớ những bản ghi âm của ông về các điệu lý khá trung thực so với nguyên gốc như Lý giao duyên, Lý con sáo, Lý cây bông, Lý bốn mùa… Đặc biệt là những bài dân ca mang tính chất đồng dao mà ông đã ghi âm và được phổ biến rộng rãi trên miền Bắc lúc đó như “Con chim manh manh”, “Bắc kim thang”…”.

Niềm say mê với âm nhạc dân tộc đã ươm mầm từ thuở Trần Kiết Tường nằm nôi. Ấu thơ, cậu bé Tường đã được câu hò, điệu lý của bà của mẹ đưa vào giấc ngủ. Cha cậu là người đam mê đờn ca tài tử. Trưa hè đứng bóng hay những đêm trăng thanh gió mát, ông lại ôm cây đàn kìm ngân nga cùng huynh đệ bằng hữu. Nhưng hôm như thế, Tường lân la lại gần chiếu, nghe cha chú hòa đàn. Thấy con mê nhạc, cha dạy cậu chơi nhạc cụ dân tộc. Tiếng đàn của cha và điệu hò quê hương đã nuôi lớn tâm hồn cậu bé Kiết Tường, để rồi trở thành suối nguồn luôn luôn chảy trong huyết quản mà đồng hành với ông trên chặng đường âm nhạc.

Cả cuộc đời nhạc sĩ Trần Kiết Tường đã sống và sáng tạo như một cây cầu nối giữa hai miền Nam - Bắc. Những làn điệu dân ca bên dòng Cửu Long đã theo Trần Kiết Tường len lỏi chảy giữa lòng miền Bắc, để tình non nước hai miền thêm gắn kết yêu thương và trở thành kho báu quý giá cho thế hệ mai sau.

Mai Quỳnh Nga
.
.