Kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý: Trăm năm một cõi dư âm

Thứ Sáu, 20/12/2024, 10:22

Thuở sinh thời, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý vẫn nhận mình sinh năm 1924, tức năm Giáp Tý, chứ không phải năm 1923 hay 1925 như nhiều người lầm tưởng. Vậy nên hai cụ song thân mới đặt tên cho ông là Tý. Có lẽ trong số nhạc sĩ nổi tiếng, chỉ có ông mang cái tên giản dị và quê kiểng đến thế. Như cái tên mộc mạc, âm nhạc Nguyễn Văn Tý luôn thấm đậm phong vị “nhà quê” từ mỗi nơi người nhạc sĩ tài hoa đặt chân đến.

Gắn liền với hàng loạt tuyệt phẩm như: “Mẹ yêu con”, “Dáng đứng Bến Tre”, “Dư âm”, “Tấm áo chiến sĩ mẹ vá năm xưa”, “Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh”, “Bài ca năm tấn”..., nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý được coi là một trong những cây đại thụ của nền tân nhạc Việt Nam. Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý sinh ra tại Vinh, Nghệ An. Thuở nhỏ, ông mê mẩn tiếng trống chèo, nhịp phách, câu hát văn của cha. Đó là cái nôi đầu tiên đưa ông đến với âm nhạc.

Ông tiếp xúc với âm nhạc Tây phương trong những năm tháng theo học Trường Quốc học Vinh. Năm 1945,Nguyễn Văn Tý tham gia phong trào Việt Minh, sáng lập và xây dựng đoàn kịch thơ, kịch nói của Thanh niên Cứu quốc Nghệ An. Sự nghiệp sáng tác của Nguyễn Văn Tý bắt đầu năm 1947 khi ông là Trưởng phòng Thông tin tuyên truyền huyện Thanh Chương. Sau đó, ông nhận nhiệm vụ đi xây dựng Đoàn Văn công của Sư đoàn 304.

ns nguyen van ty.jpg -0
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý.

Thời gian này, Nguyễn Văn Tý nổi lên như một hiện tượng khi bản “Dư âm” ra đời. Đó là năm 1950, đang làm Trưởng đoàn Văn công Sư đoàn 304, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý được một người bạn giới thiệu tìm hiểu một người con gái khác ở Thanh Chương để ông đỡ cô đơn với cảnh “gà trống nuôi con” khi vợ đầu mất đã ba năm. Ông đang trò chuyện với người con gái do bạn giới thiệu thì một cô bé chạy ra, gác đầu lên vai chị ngắm anh chàng nhạc sĩ lạ lẫm. Đôi mắt đen láy hồn nhiên cười với ông. Bằng ánh mắt nhìn nhau ngại ngùng lần đầu gặp gỡ, nàng cảm nhận được tình cảm mà chàng nhạc sĩ dành cho mình. Chẳng lẽ tình chị, duyên em? Nỗi buồn từ đó thêm thăm thẳm, mịt mùng trong hai tâm hồn thơ trẻ.

Đêm không ngủ, chàng ra ngõ ngắm trăng. Bên kia, trên ngạch cửa, nàng ôm đàn dìu dặt phím loan. Hình ảnh nàng thiếu nữ huyễn hoặc dưới ánh trăng đã khiến ông không thể cầm lòng để viết nên bản “Dư âm” ngay trong đêm ấy. Đến tận bây giờ, bản nhạc đó vẫn làm đắm say bao người bởi lời ca ảo diệu, đẹp đến vô ngần: “Đêm qua mơ dáng em đang ôm đàn dìu muôn tiếng tơ/ Không gian trầm lắng như âu yếm ru ai trong giấc mơ/ Mái tóc nhẹ rung, trăng vờn làn gió/ Yêu ai anh nắn cung đàn đầy vơi đôi mắt xa vời…”.

“Dư âm” trở thành ca khúc nhạc tiền chiến nổi bật và hiếm hoi của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý bởi sau này, ông chuyển hẳn sang phong cách khác. Đó là dòng nhạc cách mạng mang đậm hơi thở cuộc chiến đấu và xây dựng đất nước của nhân dân cần lao. Khác với nét yểu điệu, thùy mị của “Dư âm”, những bài hát về sau như “Cô đi nuôi dạy trẻ”, “Em đi làm tín dụng”, “Bài ca năm tấn”, “Chim hót trên cánh đồng đay”, “Người đi xây hồ Kẻ Gỗ”… đều mộc mạc, giản dị. Nhưng cái chất trữ tình, đằm thắm và tinh tế từ “Dư âm” vẫn không ngừng len lỏi trong đoạn đường sáng tác tiếp theo của ông.

Là đạo diễn chương trình nghệ thuật tưởng niệm 100 năm ngày sinh nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý mang chủ đề “Dư âm còn lại” sắp diễn ra tại TP Hồ Chí Minh, NSND Lê Thụy cho biết ông rất nể phục nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý bởi cái tài nghệ thuật hóa các vấn đề thời sự - chính luận, đưa những bài hát ca ngợi cuộc sống bình dân đương thời đi vào lòng người.

Đạo diễn Lê Thụy phân tích: “Lúc bấy giờ rất nhiều nhạc sĩ cũng viết đề tài này. Thế nhưng không nhiều người “thắng”. Cụ Tý là nhạc sĩ hiếm hoi có nhiều tác phẩm như thế để đời. Vì sao vậy? Vì chất dân ca vùng miền thấm đẫm trong mỗi ca khúc của cụ. Không chỉ bám sát tính thời sự, cụ còn đi nhiều, sống gần gũi chan hòa với bà con nông dân nên dễ dàng tiếp cận ngôn ngữ, âm điệu dân gian từng vùng miền để đưa vào tác phẩm. Hiếm ai dám đưa cả nồi cám lợn (Người giỏi chăn nuôi) hay phân tro (Bài ca năm tấn) vào âm nhạc mà hát lên vẫn tự nhiên, thuận miệng chứ không bị thô thiển, khiên cưỡng như cụ. Có cảm giác âm nhạc cụ Tý là âm nhạc của một anh nhà quê chân đất, áo vải nhưng vô cùng tài hoa. Bởi có tài hoa, cụ gieo vần rất xuất sắc, các bài hát đều không bị cưỡng âm”.

Nếu “Tiếng hát bản Mèo” mang đậm phong vị vùng cao Tây Bắc thì khi hòa mình vào đời sống cần lao của người nông dân quê lúa Hưng Yên, Thái Bình, ông tìm cho mình chất liệu sáng tác phong phú để làm nên “Chim hót trên đồng đay” (1963),“Dòng nước quê hương”(1963), “Tiễn anh lên đường” (1964), “Bài ca năm tấn” (1967). Viết về phương Nam, ông cũng có nhiều tác phẩm nổi tiếng. Và trong số ca khúc đó không thể không nhắc đến nhạc phẩm “Dáng đứng Bến Tre” hay “Gương mặt Kiên Giang”. Chẳng ai ngờ đó là sáng tác của một người miền Trung vì các nhạc phẩm đều rặt Nam Bộ. Để làm được như thế, ông đã mất 5 năm học làm người Nam. Học từ cách ăn, cách nói, cách nghĩ và cả … cách nhậu!

Hà Tĩnh là mảnh đất nhiều duyên nợ với nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý. Nơi đây, ông có nhiều bài hát để đời. “Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh” (sáng tác năm 1974) từ lâu đã được mặc định là “tỉnh ca” của Hà Tĩnh. Nghe những câu hát như: “(Chứ) Đi mô rồi cũng nhớ về Hà Tĩnh/ Nhớ núi Hồng Lĩnh, nhớ dòng sông La/ Nhớ biển rộng (mà) quê ta ớ ơ ơ ơ…”, vị chủ tịch tỉnh khi ấy cứ khen Nguyễn Văn Tý mãi. Một bài hát về Hà Tĩnh thuộc dạng “đặt hàng” nhưng cũng làm lay động bao người con núi Hồng, sông Lam đó là “Người đi xây hồ Kẻ Gỗ”.

Năm 1976, gặp ông, lãnh đạo tỉnh than thở: “Hiện giờ tỉnh chưa có bài hát nào ca ngợi về xây dựng, thủy lợi cả. Hồ Kẻ Gỗ đang xây, anh xem có sáng tác được bài nào không?”. Vậy là ca khúc ra đời nhưng không hề gượng ép và đầy chất thơ quyện trong không khí lao động hăng say của những chàng trai cô gái. Cả hai bài hát trên đều phảng phất làn điệu dân ca ví, giặm xứ Nghệ. “Cũng vì tôi không phải là người Hà Tĩnh mà viết hay như người Hà Tĩnh chính hiệu nên các vị lãnh đạo và nhân dân nghiễm nhiên phong tôi là “công dân danh dự” của tỉnh” - nhạc sĩ nhớ lại.

Viết tỉnh ca, ngành ca xuất sắc như vậy nên đi đến tỉnh nào, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý cũng được lãnh đạo, nhân dân địa phương đó vô cùng quý mến. Năm 2006, ông đến Quy Nhơn - Bình Định dự cuộc thi sáng tác ca khúc của tỉnh. Một buổi sáng chủ nhật, thấy hai bàn chân nhạc sĩ sưng to, ông bí thư thành ủy hốt hoảng đưa ông đến bệnh viện. Dù là ngày nghỉ và ca của nhạc sĩ không thuộc dạng cấp cứu, nhưng tập thể y bác sĩ hết lòng thăm khám. Rốt cuộc nhạc sĩ chẳng bị sao cả, chỉ vì ngồi nhiều nên chân mới sưng.

Nhưng chính sự săn sóc, tiếp đón ân cần ấy đã khiến nhạc sĩ rất cảm động. Chỉ trong vòng 20 ngày, ông sáng tác xong hai ca khúc mà bình thường chưa chắc hai tháng đã viết xong: “Yến hót tạ ơn Quy Nhơn - Bình Định” và “Đây thôn Vĩ Dạ” (phổ thơ Hàn Mặc Tử). Bài thơ nổi tiếng của Hàn Mặc Tử dù nhiều nhạc sĩ đã phổ nhạc nhưng ông vẫn thấy hình như khúc thức nhìn chung còn thiếu ít nhiều cái chất Huế. “Tôi phổ bài này không phải để hơn kém những bài khác đã phổ, mà chủ yếu để có một bài rất Huế tặng vợ tôi”.

Dự cuộc thi, ông nhận thấy khi viết “tỉnh ca”, các nhạc sĩ vẫn còn ngại kể ra nhiều địa danh nên gương mặt quê hương chưa thật rõ. Là bậc tiền bối giàu kinh nghiệm, ngoài chất dân ca mỗi vùng miền, ông cho biết: “Trong cách vẽ nên gương mặt quê hương, ta không nên ngại dùng nhiều địa danh mà chủ yếu phải khái quát thế nào cho lời ca vẫn trôi chảy tự nhiên và tương đối đủ. Đó chính là tính trung thực trong văn nghệ không thể thiếu”.

Hồi ông còn tại thế, tôi vẫn thường hay ghé thăm. Trong căn nhà nằm cuối con hẻm yên tĩnh trên đường Trần Khắc Chân, quận 1, TP Hồ Chí Minh, lúc nào cũng có một ông già đầu tóc bạc phơ, áo mũ chỉnh tề, ngồi trên xe lăn ngóng ra cửa sổ. Ông chờ người đến thăm, chờ một cái bắt tay, chờ một câu trò chuyện. Dẫu hôm ấy, chẳng có ai hẹn. Lão nhạc sĩ thèm tiếng người đến nỗi chiếc tivi lúc nào cũng mở hết công suất. Bấu víu vào mớ âm thanh ồn ã ấy, ông mới thấy đời mình vơi bớt quạnh quẽ khi hai cơn tai biến không cho ông đi đâu được nữa.

Nói về tuổi mình, ông tự trào bằng câu ca dao: “Trai ngồi chữ Giáp có tài/ Gái ngồi chữ Giáp phải hai lần đò”. Cái tài thì đã rõ, nhưng tình duyên của ông cũng khác gì phận nhi nữ. Hai người vợ đều sớm bỏ ông về thế giới bên kia, để cuối đời ông sống thui thủi một mình. Tình yêu, nỗi đau, mất mát… quyện vào tài hoa để nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý phát tiết nên gia tài âm nhạc đồ sộ, mà muôn kiếp sau dư âm tiếng tơ còn ngân vọng mãi…

Mai Quỳnh Nga
.
.