Kinh thành Thăng Long và những viên quan đứng đầu

Thứ Ba, 13/02/2024, 12:18

Trải qua các triều đại phong kiến: Lý, Trần, Hồ, Lê sơ, Mạc, Lê Trung Hưng, Thăng Long luôn là trung tâm chính trị, kinh tế, quốc phòng, ngoại giao, văn hóa... của cả nước; là thành trì, bản doanh của chính quyền trung ương; là một đơn vị hành chính lớn, đặc biệt, có vị trí trọng yếu liên quan đến sự hưng vong của quốc gia.

Vì thế, triều đại nào cũng đặc biệt quan tâm đến việc tiến cử, tuyển cử người đứng đầu lãnh đạo mọi việc của Kinh đô. Do chiến tranh, tao loạn, sách xưa nói về họ đến nay phần lớn đã bị thất lạc, hư nát, chúng tôi chỉ dựa vào một số bộ sử liệu mà trong đó cũng chỉ nói về một số người đứng đầu kinh đô với số chữ rất khiêm tốn hầu bạn đọc.

Kinh thành Thăng Long và những viên quan đứng đầu -1
Tổng đốc Hoàng Diệu.

Ngay từ buổi đầu khi Lý Công Uẩn dời kinh đô từ Hoa Lư ra Thăng Long, triều Lý đã lập ra một cơ quan để trông coi công việc hành chính, dân sự, trị an... ở Kinh đô mà người đứng đầu gọi là "Bình bạc ty". Đến triều Trần, niên hiệu Thiệu Long 8 đổi là "Đại an phủ sứ". Đến năm Khai Hựu 13 (1341) đổi lại là "Đại doãn kinh sư", sau đó đổi thành "Trung đô tổng quản". Đến triều nhà Hồ, chuyển Kinh đô vào Thanh Hóa thì người đứng đầu thành Thăng Long đổi thành "An phủ sứ Đông Đô". Sang triều Lê sơ, kinh đô trở lại Thăng Long, niên hiệu Hồng Đức (1470) trở về sau lập thành phủ Phụng Thiên thì người đứng đầu cai quản Kinh đô gọi là "Phủ doãn Phụng Thiên", cũng có khi gọi là "Tri phủ Phụng Thiên".

Những người được tiến cử làm Đại an phủ sứ, Kinh sư đại doãn hay Đại doãn phủ Phụng Thiên... hầu hết là các bậc đại khoa, đang làm quan tại triều, tài cao đức trọng, cương trực, liêm khiết, rất có uy tín. Nguyễn Trung Ngạn là một ví dụ. Ông đỗ Hoàng Giáp khoa Giáp Thìn, triều vua Trần Anh Tông khi mới 16 tuổi. Ông là một người suốt đời toàn tâm toàn ý phụng sự đất nước, nhân dân. Thời kỳ ông giữ vị trí đứng đầu Kinh đô Thăng Long thì tài năng và đức độ của ông càng tỏa sáng. Vì thế, sau khi ông mất, nhân dân Thăng Long đời đời tưởng nhớ công ơn. Đến nay, sau gần 7 thế kỷ, ở Hà Nội vẫn còn 7 nơi thờ phụng ông.

Người viết bài này chỉ xin kể một chuyện để thấy rõ phẩm cách của ông: Năm Nhâm Tý (1312), Nguyễn Trung Ngạn được giao giữ chức Gián quan. Gián quan là người có quyền can gián vua, đàn hặc (giám sát) các quan, nên các triều đại phong kiến thường chọn những viên quan có học thức cao, có tuổi đời già dặn, kiến văn uyên bác. Nguyễn Trung Ngạn mới 24 tuổi mà được giao chức vụ này, chứng tỏ ông là người tài năng đức độ tỏa sáng rất sớm.

Chính sử còn ghi: năm 1317, Thượng hoàng Trần Anh Tông ngự ở cung Trùng Quang có ý muốn xuất gia theo cửa Phật, điều đó được thể hiện trong bài thơ "Chiêu ẩn" ngài mới viết. Viết xong, ngài đưa bài thơ ấy tặng Nguyễn Trung Ngạn. Nguyễn Trung Ngạn xem xong thì từ chối không nhận. Dưới chế độ phong kiến bất cứ ai từ chối ân sủng vua ban thì bị khép vào tội "khi quân", sẽ bị trừng trị rất nặng. Nguyễn Trung Ngạn biết thế, nhưng khi ấy ông nhận thức rằng, đất nước vừa trải qua ba cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông hao người tốn của, đất nước hãy còn ngổn ngang đổ nát, biên cương từ Bắc chí Nam vẫn chưa yên hàn mà thượng hoàng lại bỏ đi tu thì rõ ràng là không hợp đạo lý với một quân vương. Thật may, Thượng hoàng nhận thấy sự can gián của Nguyễn Trung Ngạn là đúng đắn nên ngài không trị tội và ngài dừng lại việc đi tu..

Kinh thành Thăng Long và những viên quan đứng đầu -2
Tổng đốc Nguyễn Tri Phương.

Một viên quan đứng đầu Kinh thành Thăng Long thứ hai mà tôi muốn nói đến là Trương Đỗ. Ông quê ở huyện Thanh Miện, Hải Dương, sau lên Nghi Tàm, Thăng Long định cư. Trương Đỗ cũng là người học cao hiểu rộng, thi đỗ Thái học sinh dưới triều hậu Trần, nghĩa là tương đương Đệ tam giáp tiến sĩ của các triều đại phong kiến sau này.

Đời vua Trần Duệ Tông (1337 - 1377), Trương Đỗ được cử giữ chức Ngự sử đại phu, trong giai đoạn đất nước ta rơi vào tình trạnh rối ren loạn lạc. Nội bộ hoàng tộc nhà Trần xảy ra tranh giành ngôi báu, giết hại lẫn nhau. Năm 1371, quân Chiêm Thành thừa cơ kéo sang cướp phá đến tận Kinh đô Thăng Long, thiêu trụi cung điện, nhà cửa, sổ sách, thư tịch... của triều đình. Vua Trần Duệ Tông đã nhìn ra tài năng và đức độ của Trương Đỗ nên cử ông giữ chức Trung đô phủ tổng quản (người đứng đầu Thăng Long), mang trọng trách khắc phục những đổ nát sau cuộc cướp phá, mang lại sự bình yên cho trong thành cũng như ngoài nội.

Nhưng sự bình yên cũng chỉ kéo dài được một thời gian. Năm 1376, vua Chiêm là Chế Bồng Nga lại đem quân ra cướp phá vùng đất Hóa Châu, thuộc các tỉnh Quảng Nam, Thừa Thiên, Quảng Trị bây giờ. Vua Trần Duệ Tông sai Hành thiện Đỗ Tử Bình vào trấn giữ. Chế Bồng Nga đem 10 mâm vàng dâng tiến nhưng Tử Bình đã ỉm đi làm của riêng, rồi tâu với vua rằng Chế Bồng Nga ngạo mạn, vô lễ, cần phải đem quân trị tội. Duệ Tông cả tin, nổi giận, tự mình chỉ huy quân sĩ hành quân chinh phạt.

Vốn biết tính vua hồ đồ, thường làm theo ý chủ quan của mình, Trương Đỗ với trọng trách Ngự sử đại phu đã dùng lời lẽ chí tình can gián: "Chiêm Thành chống lệnh, tội chết cũng chưa xứng. Nhưng nó ở cõi phía Tây xa xôi, núi sông hiểm trở, nay bệ hạ mới lên ngôi, chính hóa chưa thấm đến nơi xa, nên sửa sang văn đức để họ tự đến. Nếu họ không theo thì sai tướng đi đánh cũng chưa muộn".

Duệ Tông không nghe. Trương Đỗ tiếp tục khuyên can lần thứ hai rồi lần thứ ba, với hy vọng vua sẽ dần đổi ý. Nhưng Duệ Tông vẫn một mực làm theo ý mình. Trương Đỗ bèn cởi mũ áo từ quan, tự khép mình vào tội giữ chức Ngự sử đài, có nhiệm vụ can gián vua mà không làm tròn bổn phận. Năm Đinh Tỵ (1377), Trần Duệ Tông kéo quân vào nước Chiêm. Chế Bồng Nga bày mưu lừa được Duệ Tông. Kết cục đội quân của triều đình bị quân Chiêm đánh bại. Duệ Tông và nhiều tướng lĩnh tử trận.

Một vị quan đứng đầu thành Thăng Long thứ ba mà tôi muốn nhắc đến, đó là Phủ doãn Bùi Tất Thắng, quê huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình. Ông đỗ Hội nguyên Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Qúy Sửu, niên hiệu Hoàng Định 14 (1613) đời vua Lê Kính Tông. Khoa thi này có hơn 200 sĩ tử dự thi, chỉ có bảy người đỗ, Bùi Tất Thắng đứng đầu bảng. Ông được bổ nhiệm Phủ doãn phủ Phụng Thiên, tức là người phụ trách Kinh thành Thăng Long, đúng vào thời kì Kinh đô Thăng Long rơi vào thảm trạng vô cùng rối ren.

Kinh thành Thăng Long và những viên quan đứng đầu -0
Đền thờ Nguyễn Trung Ngạn ở xã Thổ Hoàng, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên.

Với vai trò làm quan đứng đầu kinh thành Thăng Long, Bùi Tất Thắng đã góp phần mang lại sự bình ổn cho kinh thành. Không những thế, ông còn làm bao việc lớn lao, hữu ích được nhân dân kinh đô ghi nhận. Bằng chứng là ngay trong năm Vĩnh Tộ thứ 4 (1622) ông cùng với những viên quan trong triều đình tổ chức khoa thi Hương và năm sau là khoa thi Hội đạt kết quả tốt đẹp, đỗ được 7 tiến sĩ. Hàng loạt đền chùa ở kinh đô bị đốt phá và hư nát cũng được ông cho trùng tu xây mới như quán Huyền Thiên, chùa Hưng Hà, chùa Long Quang, đền Mục Thận, chùa Đồng Môn... Trong năm Vĩnh Tộ 5, Bùi Tất Thắng lại được triều đình cho phép tổ chức khảo sát các cống sĩ để chọn người có tài đức sử dụng, đặc biệt là tổ chức đoàn sứ bộ sang Trung Quốc, củng cố thêm sự đoàn kết lân bang, giữ được bình yên cho đất nước...

Còn có thể nói thêm về những người đứng đầu Kinh đô Thăng Long được sử sách lưu lại với những tài năng phẩm hạnh cao vời như Đại doãn kinh sư Lê Giốc, khi giặc chiếm kinh đô, chẳng may sa vào tay chúng thì đã nêu cao khí phách anh hùng, chịu chết chứ không cúi mình khuất phục kẻ địch. Như Phủ doãn Phụng thiên Nguyễn Hoàn có con trai tên là Trác và một người trong họ tên là Châu; trong khoa thi Hương năm Giáp Ngọ (1774), hai người này đã gặp các quan trường nói rằng Bồi tụng Nguyễn Hoàn nhờ họ chấm bài cho hai người được đỗ. Tin đồn loang đến tai Nguyễn Hoàn. Ông lập tức cho gọi con trai đến mắng: "Mày nhác học, bất tài, không xứng thi đỗ, lại còn lên mặt kiêu căng, không biết xấu hổ sao?". Rồi ông dâng khải xin chúa Trịnh Sâm cho Trác, Châu phải thi lại ngay giữa phủ đường và đánh hỏng cả hai...

Sang triều Nguyễn, Kinh đô chuyển vào Huế, thành Thăng Long sáp nhập với một số địa phương lân cận, gọi là tỉnh Hà Ninh, người đứng đầu gọi là Tổng đốc. Tuy Thăng Long không còn là Kinh đô nhưng vẫn giữ một vị trí trọng yếu của đất nước. Đặc biệt sang triều vua Tự Đức, khi mà từng phần lãnh thổ rơi vào tay giặc Pháp, bản thân vua cũng đứng về phía "chủ hòa" nhưng một số viên quan được bổ ra làm Tổng đốc Hà Nội lại thuộc phe "chủ chiến", như Nguyễn Tri Phương, Hoàng Diệu. Họ thực sự là những anh hùng dân tộc. Họ chỉ huy quân sĩ chiến đấu với quân Pháp đến viên đạn cuối cùng. Họ đã hy sinh anh dũng. Tên của họ xứng đáng được đặt tên cho hai con đường đẹp nhất hai mặt hoàng thành Thăng Long - Hà Nội hôm nay.

Lê Hoài Nam
.
.