Kim ấn Hoàng đế chi bảo: Gian nan đường về cố quốc

Thứ Hai, 05/02/2024, 12:20

Sau hơn 1 năm kể từ khi phát hiện ấn quý Hoàng đế chi bảo được hãng đấu giá MILLON (Pháp) đấu giá với mức khởi điểm 2-3 triệu Euro, trải qua quá trình thương thảo - đàm phán phức tạp, ngày 18/11/2023, chiếc ấn quý đã có mặt ở quê nhà. Vậy là sau hơn 70 năm lưu lạc, hiện ấn vàng Hoàng đế chi bảo được trưng bày tại Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng - thuộc sở hữu của ông Nguyễn Thế Hồng tại Từ Sơn (Bắc Ninh).

Phiên đấu giá gay cấn

Thông tin nhà đấu giá MILLON đưa chiếc ấn vàng Hoàng đế chi bảo - vốn thuộc sở hữu của cựu hoàng Bảo Đại để thừa kế cho người vợ Pháp là bà Monique Baudot, (cũng đã qua đời) - được đưa lên sàn đấu giá vào ngày 31/10/2022 được dư luận trong nước và các nhà quản lý văn hóa đặc biệt quan tâm.

Với mong muốn huy động mọi nguồn lực để đưa được chiếc kim ấn quý giá nhất của triều Nguyễn về nước mà không đặt nặng vấn đề chiếc ấn sẽ thuộc sở hữu của nhà nước hay tư nhân, các cơ quan chuyên trách thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL), Bộ Ngoại giao phối hợp với doanh nhân Nguyễn Thế Hồng đứng ra cùng thương thảo với nhà đấu giá. Với các động thái tích cực, nhanh chóng của các cơ quan liên quan, nhà đấu giá MILLON đã 2 lần công bố dời lịch đấu giá và cuối cùng là ra thông báo hủy bỏ lịch đấu giá vào ngày 15/11/2022.

Trang 5 VN Tết:- Kim ấn Hoàng đế chi bảo: Gian nan đường về cố quốc -0
Ấn vàng Hoàng đế chi bảo.

Đến giữa tháng 1/2023, ông Hồng đã sang Paris chính thức ký hợp đồng với nhà đấu giá MILLON về việc mua ấn vàng Hoàng đế chi bảo. Giá chuyển nhượng bao gồm các khoản thuế, phí là 6,1 triệu Euro (khoảng hơn 153 tỉ đồng). Đến ngày 18/11/2023, chiếc ấn vàng đã có mặt tại Việt Nam và được trưng bày trong không gian Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng thuộc bộ sưu tập của doanh nhân Nguyễn Thế Hồng với các phương án bảo vệ nghiêm ngặt.

Cũng phải nói thêm rằng, không phải ngẫu nhiên mà ông Nguyễn Thế Hồng lại trở thành người sở hữu ấn vàng Hoàng đế chi bảo. Ông Hồng là một doanh nhân có tiếng, đồng thời là người sưu tập cổ vật lâu năm, hiện là Chủ tịch Hội cổ vật Bắc Ninh và là chủ nhân của Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng với khoảng 5.000 cổ vật các thời kỳ, trong đó có chiếc thạp đồng Đông Sơn đã được công nhận là Bảo vật quốc gia (đợt 11, năm 2022).

Vào thời điểm hãng đấu giá MILLON ra thông báo về việc đấu giá ấn vàng Hoàng đế chi bảo, ông Hồng đã đăng ký dự phiên đấu giá này với số tiền đặt cọc là 100.000 Euro (khoảng 2,5 tỉ đồng) và đã sang Paris để dự phiên đấu giá. Sau đó, với sự vào cuộc nhanh chóng của Bộ VHTT&DL, Bộ Ngoại giao, các bên đã đạt được thỏa thuận không đấu giá mà đi đến thương thảo để ông Hồng được mua theo giá thương lượng.

Đồng thời, để tránh những rắc rối sau này, một cam kết giữa Cục Di sản văn hóa và ông Nguyễn Thế Hồng đã được ký để đảm bảo ấn vàng Hoàng đế chi bảo về sau này sẽ chỉ được chuyển giao cho Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (khi ông Hồng không còn nhu cầu sở hữu) thông qua Bộ VHTT&DL trên cơ sở phù hợp với điều 43 của Luật Di sản văn hóa.

Theo thông tin từ ông Nguyễn Thế Hồng, hiện tại Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng đang xin ý kiến của các cơ quan văn hóa để tổ chức buổi lễ ra mắt chiếc ấn quý. Thời gian dự kiến là trước Tết Giáp Thìn 2024 - năm con rồng, cũng chính là con vật được tạo tác tinh xảo và đẹp như một tác phẩm nghệ thuật trên chiếc ấn. Chia sẻ với truyền thông, ông Hồng cho biết, ông đang cùng với các cơ quan về văn hóa di sản sẽ nhanh chóng xúc tiến việc lập hồ sơ đề nghị Nhà nước công nhận ấn vàng Hoàng đế chi bảo là bảo vật quốc gia và có chế độ bảo quản nghiêm ngặt.

Đến nay, trong số 265 hiện vật được công nhận là “bảo vật quốc gia” qua 12 đợt, đã có 3 ấn vàng thuộc về nhà Nguyễn được công nhận, đó là: ấn “Sắc mệnh chi bảo” (năm Minh Mệnh 8-1826), ấn “Đại Việt quốc Nguyễn chúa vĩnh trấn chi bảo” (năm Vĩnh Thịnh thứ 5 - 1709), ấn “Hoàng đế tôn thân chi bảo” (năm Minh Mệnh 9-1827). Nếu ấn vàng Hoàng đế chi bảo trở thành bảo vật quốc gia, sẽ trở thành chiếc ấn thứ 4 lọt vào danh mục này, trong đó có 3 ấn quý đều thuộc về triều vua Minh Mệnh.

Hành trình lưu lạc của ấn vàng

Theo các tài liệu lịch sử, trong 143 năm tồn tại với 13 triều vua, nhà Nguyễn đã cho đúc khoảng hơn 100 chiếc ấn thường được đúc bằng vàng, bạc (gọi là kim bảo), chế tác từ ngọc (gọi là ngọc tỉ). Trên các ấn thường được chế tác với hình con rồng uốn lượn - vốn là biểu tượng quyền lực tối cao của các triều đại quân chủ phong kiến phương Đông - với nhiều tư thế, hình dáng, kích thước. Hiện nay, bộ sưu tập kim bảo ngọc tỉ đang được lưu giữ tại Bảo tàng lịch sử Việt Nam có 85 kim bảo ngọc tỉ, trong đó có 2 kim bảo thuộc đời chúa Nguyễn Phúc, còn lại là của 9 đời vua và vương hậu triều Nguyễn.

Trước khi trở về cố quốc, kim ấn Hoàng đế chi bảo đã có một hành trình dài lưu lạc lênh đênh theo dòng lịch sử. Sau ngày toàn quốc kháng chiến, chính quyền Cách mạng phải di dời lên chiến khu Việt Bắc, bộ ấn kiếm được đem cất giấu, sau này đã rơi vào tay thực dân Pháp vào năm 1952, khi quân Pháp đào phá một ngôi nhà ở làng Nghĩa Đô (lúc đó là ngoại thành Hà Nội). Sau đó, bộ ấn kiếm được giao lại cho cựu hoàng Bảo Đại bằng một buổi lễ mà người nhận thay bà Đoan Huy Hoàng Thái hậu (Đức Từ Cung) và thứ phi Mộng Điệp vì lúc này cựu hoàng đang ở Pháp.

Trang 5 VN Tết:- Kim ấn Hoàng đế chi bảo: Gian nan đường về cố quốc -1
Vợ chồng ông Nguyễn Thế Hồng trong lễ bàn giao ấn vàng Hoàng đế chi bảo (Ảnh: Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng cung cấp)

Đã có nhiều thông tin khác nhau về hành trình lưu lạc của bộ ấn kiếm, song theo một ghi chép của nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Đắc Xuân đã công bố, ghi lại lời kể của thứ phi Mộng Điệp, thì chính bà Mộng Điệp đã đem ấn kiếm từ Việt Nam sang Pháp giao cho Hoàng hậu Nam Phương và Thái tử Bảo Long cất giữ vào năm 1953. Khi Hoàng hậu Nam Phương qua đời, bộ ấn kiếm được Thái tử Bảo Long bảo quản trong một ngân hàng.

Cũng theo lời kể của thứ phi Mộng Điệp, sau này, khi cựu hoàng ra cuốn hồi ký có tên “Le Dragon d'Annam” (Con rồng An Nam), ông muốn dùng kim ấn Hoàng đế chi bảo đóng vào sách để làm tăng giá trị cho cuốn sách, nhưng Thái tử Bảo Long không cho mượn. Cựu hoàng Bảo Đại rất bực tức, liền kiện con trai ra tòa để đòi lại ấn kiếm. Sau một quá trình tranh tụng lâu dài và phức tạp, cuối cùng tòa án ở Pháp đã phân xử cho cựu hoàng Bảo Đại được sở hữu kim ấn Hoàng đế chi bảo, còn cựu Thái tử Bảo Long giữ thanh bảo kiếm.

Năm 1972, cựu hoàng Bảo Đại kết hôn với bà Monique Baudot, người Pháp. Trước khi qua đời vào tháng 8/1997, cựu hoàng Bảo Đại để lại di chúc, trao quyền thừa kế toàn bộ tài sản của ông ở Pháp, trong đó có kim ấn Hoàng đế chi bảo cho bà Monique Baudot, người được cựu hoàng “ban” cho tước hiệu La Princesse Vinh Thuy. Sau đó bà Monique Baudot qua đời vào năm 2021, các di sản, trong đó có ấn Hoàng đế chi bảo thuộc về những người thừa kế. Kim ấn quý được đưa lên sàn đấu giá của hãng MILLON vào cuối năm 2022 và chắc hẳn công chúng sẽ được chiêm ngưỡng một “quý vật lịch sử” khi nó được trưng bày trong thời gian tới.

Ấn Hoàng đế chi bảo được đúc bằng vàng ròng, nặng 10,78kg vào ngày 4/2 năm Minh Mệnh thứ 4 (tức ngày 15/3/1823) và được coi là bảo ấn lớn nhất, đẹp nhất của triều Nguyễn. Theo quy định của triều Nguyễn, ấn Hoàng đế chi bảo được dùng trong các dịp “Gặp khánh tiết ban ơn, đại xá thiên hạ, các cáo dụ thân huân, đi tuần thú các nơi để xem xét các địa phương, mọi điển lễ long trọng ấy và ban sắc thư cho ngoại quốc...”.

Theo các chuyên gia nghiên cứu về văn hóa - di sản, ấn Hoàng đế chi bảo là một di sản văn hóa có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với tiến trình lịch sử dân tộc. Nó không chỉ là biểu trưng quyền lực cho một giai đoạn lịch sử của dân tộc Việt Nam mà còn có ý nghĩa quan trọng đối với sự chuyển giao quyền lực của nhà Nguyễn cho chế độ mới.

Khi tuyên bố thoái vị, cựu hoàng Bảo Đại đã chọn ấn Hoàng đế chi bảo - chiếc ấn to nhất, đẹp nhất cùng thanh bảo kiếm mà cha ông là vua Khải Định đã trao lại cho ông để bàn giao cho chính quyền Cách mạng. Khi đó, ông Trần Huy Liệu là người đã đại diện cho chính quyền cách mạng tiếp nhận bộ ấn kiếm này từ Huế rồi chuyển về Hà Nội ngay trước ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập tại quảng trường Ba Đình lịch sử.

Hà Anh
.
.