Kể nốt chuyện về Hồng Hà nữ sĩ
Câu chuyện chừng như đã vãn nhưng thấy tôi bày tỏ muốn tìm hiểu thêm về đời tư của Hồng Hà nữ sĩ, ông Đoàn Doãn Nam, hậu duệ đời thứ 17 dòng họ Đoàn làng Giai Phạm (huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên) bèn nhắc ông Đoàn Doãn Lực, hậu duệ đời thứ 18 và là trưởng tộc của dòng họ Đoàn, vào nhà thờ cụ Đoàn Doãn Nghi để mang ra cho tôi xem cuốn gia phả dòng họ Đoàn.
Đó là cuốn gia phả được viết bằng chữ Việt có tựa đề “Đoàn Thị thực lục diễn ca. Tự lực văn chương truyền thế kỷ. Lê tiên Đoàn hậu ký thần tiên”. Tựa đề này đã chứng tỏ cuốn gia phả dành nhiều nội dung để nói về nữ sĩ Đoàn Thị Điểm. Ông Đoàn Xuân Mai, hậu duệ soạn thảo từ nguyên văn chữ Hán tự sang chữ nôm, quốc ngữ Việt Nam thời kỳ đó vào năm Kỷ Sửu (1949). Điều lý thú là ông Đoàn Xuân Mai đã viết gia phả theo thể thơ song thất lục bát, một thể thơ của người Việt và chính thể thơ này Hồng Hà nữ sĩ Đoàn Thị Điểm đã dịch “Chinh phụ ngâm khúc” được Đặng Trần Côn viết bằng chữ Hán sang chữ Nôm (Chữ của người Việt).
Phần viết về Đoàn Thị Điểm ông Đặng Xuân Mai đã viết: “Lại sinh một gái má đào/ Hoa cười ngọc nói khác nào thần tiên”. Câu thơ ấy đã khái quát khá rõ ràng về người con gái họ Đoàn lừng danh chữ nghĩa.
Lần theo từng trang gia phả tôi không khỏi ngỡ ngàng và trân kính người con gái họ Đoàn mang tên Đoàn Thị Điểm. Theo đó sau khi người cha là cụ Đoàn Doãn Nghi qua đời rồi vài năm sau người anh trai Đoàn Doãn Luân cũng vì bệnh nặng mất sớm. Bà Đoàn Thị Điểm đã gác chuyện riêng tư để chăm lo cho người chị dâu bị tàn tật và lo ăn học cho hai người cháu mồ côi cha.
Cô gái trẻ tài hoa đang độ xuân thì khi đó vừa dạy học, vừa tiếp nghề bốc thuốc nam của người cha truyền lại và như căng sức mình ra để lo chuyện nhà. Cô Đoàn Thị Điểm lúc đó được Quan Thượng thư Lê Anh Tuấn, vốn quen biết Hương cống Đoàn Doãn Nghi, lại mến tài văn chương và đức hạnh của Đoàn Thị Điểm nên đã nhận bà làm con nuôi.
Bà được đón về ở nhà của dưỡng phụ (cha nuôi) tại Trường Bích Câu, Kinh thành Thăng Long. Đây là thời gian bà đọc được rất nhiều sách quý trong kho sách của quan Thượng thư, nên vốn kiến thức được mở rộng, lại tiếp xúc với nhiều người danh gia, khoa bảng vì vậy tiếng tăm về tài ứng đối văn chương, về hoa tay khéo léo của tài nữ họ Đoàn càng lan xa.
Thời gian này Đoàn Thị Điểm cũng bỏ công sức ra để viết tập sách “Truyền kỳ tân phả” bằng chữ Hán và viết nối tiếp “Truyền kỳ mạn lục” mà Nguyễn Dữ viết còn dang dở. Tác phẩm này bà viết khá công phu về những người phụ nữ tài giỏi và tiết liệt.
Những tưởng những ngày tháng êm đẹp đó sẽ “nâng cánh” cho cô gái trẻ nhưng những biến cố trong gia đình đã làm cô phải thay đổi suy nghĩ và việc làm của mình.
Tôi ngừng đọc cuốn gia phả để hỏi ông Nam và ông Lực: “Vì sao bà Đoàn Thị Điểm lại lấy chồng muộn thế?”. Cả hai ông cùng im lặng vài giây rồi ông Lực cho hay: “Phần vì việc nhà khi đó muôn khó. Phần vì cụ Điểm chưa tìm được ý trung nhân”. Phần việc nhà muôn khó thì đã rõ rồi còn phần vì “chưa tìm được ý trung nhân” là điều tôi còn thắc mắc.
Lại nói về câu chuyện cậu Hương cống 15 tuổi Đặng Trần Côn do quá mến tài văn chương của người con gái Đoàn Thị Điểm hơn cậu 2 tuổi nên đã có lần cậu Hương cống trẻ “đánh tiếng”. Đó là những lần cô gái Đoàn Thị Điểm được cha nuôi dẫn đi thăm thú những người bạn văn chương trên đất Thăng Long. Và một trong những lần đó cậu Hương cống trẻ Đặng Trần Côn đã gặp cô gái Đoàn Thị Điểm.
Đôi trẻ gặp nhau và thực sự mến tài học, tài thơ văn và tài ứng xử của nhau nên họ mau chóng nên thân. Cậu Hương cống Đặng Trần Côn lúc đó đã mến nhan sắc của cô Điểm, nên sau một thời gian quen nhau cậu Đặng Trần Côn đã không giấu được tình cảm của mình với người con gái tài sắc, cậu đã làm thơ và gửi đến Đoàn Thị Điểm. Nội dung bài thơ là bày tỏ nỗi niềm, bày tỏ yêu thương. Nói cách khác là cậu Hương cống Đặng Trần Côn ngỏ ý cầu hôn. Ông Đoàn Doãn Lực cười cho hay: “Người đời đồn đại về câu chuyện tình đầu non trẻ giữa hai người”.
Đoàn Thị Điểm nhận được bài thơ “tỏ tình” của cậu Đặng Trần Côn không viết thư trả lời nhưng có lần nói đùa với mấy chị em bạn bè: “Cái ông Cống miệng còn hơi sữa, làm thơ chưa xong mà lại đi nói chuyện vợ chồng”. Không ngờ câu nói đùa ấy lọt đến tai cậu Đặng Trần Côn, cậu tức lắm nhưng cậu không nói lại mà từ đó cậu chăm chỉ đèn sách, miệt mài học hành nhưng lại thi rớt ở kỳ thi Hội.
Tôi lại hỏi thêm: “Lý do gì mà sau này bà Đoàn Thị Điểm lại nhận lời làm vợ thứ ba của tiến sĩ Nguyễn Kiều?”. Cả hai ông lại cùng im lặng hồi lâu.
Thì ra giữa Đoàn Thị Điểm và tiến sĩ kiêm thi sĩ Nguyễn Kiều (Đỗ tiến sĩ năm 21 tuổi) cũng đã quen biết nhau khá lâu. Hai người cũng có cảm mến tài hoa của nhau, đặc biệt là cô Đoàn Thị Điểm cũng thấy trong lòng rất thương mến Nguyễn Kiều. Nhưng oái oăm thay, tiến sĩ Nguyễn Kiều lại “hướng con tim tình yêu” của mình về người con gái khác.
Ông tiến sĩ người làng Phú Xã, huyện Hoài Đức (nay thuộc Hà Nội), sống rất thanh cao, giản dị. Chính vì văn võ toàn tài mà ông được nhiều đại thần yêu quý, gả con gái cho. Ông lấy người vợ đầu là cô Lê Thị Hằng, con gái của Thượng thư Lê Anh Tuấn và cũng là chị em nuôi với Đoàn Thị Điểm. Không may cô Hằng mất sớm và hai người chưa có con với nhau. Tiến sĩ Nguyễn Kiều lấy người vợ thứ hai là cô Nguyễn Thị Đoan, cô Đoan là con gái quan Tham tục (Thượng thư) Nguyễn Quý Đức. Hai người có với nhau 2 người con trai và 1 người con gái.
Chẳng may cô Đoan lại mất khi vừa tròn 30 tuổi. Tiến sĩ Nguyễn Kiều vẫn nuôi ý tục huyền. Theo sách “Đoàn thị thực lục” thì một hôm cô Điểm đang giảng bài cho học trò thì từ ngoài có người vén rèm bước vào, theo sau có mấy người đầy tớ mang quả sơn son thếp vàng, trong quả có một phong thơ dán kín. Bức thơ này là của quan thị lang tiến sĩ Nguyễn Kiều. Nhận phong thơ xong cô Điểm đã thốt lên: “Lúc ta còn trẻ mong được người này cầu hôn. Trải qua 20 năm ta không bao giờ nghĩ đến nữa”.
Cô Điểm không trả lời ngay, sau 10 ngày thì tiến sĩ Nguyễn Kiều lại sai người mang tiếp một phong thơ nữa. Trong phong thơ này có lời lẽ hết sức khẩn thiết chân thành: “Tôi nghĩ rằng cô cùng nội trợ tôi vốn trước có tình nghĩa chị em, nếu cô vui lòng đùm bọc nội trợ tôi thì thật là may mắn cho cả nhà tôi”. Được biết tiến sĩ Nguyễn Kiều hơn cô Điểm đúng 10 tuổi.
Ông Đoàn Doãn Nam cho biết thêm: “Đọc những dòng chân thành của tiến sĩ Nguyễn Kiều trong lòng cô Điểm cũng thấy cảm động nhưng chưa muốn đem mình vào cuộc hôn nhân muộn màng nhưng người mẹ già của cô và cả gia đình đều muốn nên cô Đoàn Thị Điểm đã chấp nhận kết hôn làm người vợ kế thứ ba của tiến sĩ Nguyễn Kiều.
Vậy mà cuộc hôn nhân chưa đầy một tháng thì tiến sĩ Nguyễn Kiều được lệnh vua đi làm Chàng sứ sang triều cống nhà Thanh. Đường đi sứ xa xôi cách trở kéo dài những 3 năm đã khiến lòng người vợ mới khôn nguôi nhung nhớ, nhất là vào những ngày Tết đến xuân về, Đoàn Thị Điểm đã bộc bạch: “Tứ thơ niềm khách bên đèn mộng/ Tiếng pháo hò xe rộn ngõ ngoài”.
Cuối cùng thì ngày hội ngộ cũng đã đến. Tiến sĩ Nguyễn Kiều đi sứ trở về. Bà Đoàn Thị Điểm đem bản dịch “Chinh phụ ngâm” ra cho chồng xem, tiến sĩ Nguyễn Kiều đọc xong thấy cảm kích và kính phục tài năng của vợ.
Lại oái oăm thay Tiến sĩ Nguyễn Kiều được bổ làm quan Tham thị ở Nghệ An. Lần này ông muốn vợ đi cùng, sau hồi suy nghĩ cân nhắc thì Đoàn Thị Điểm nhận lời đi cùng chồng vào xứ Nghệ. Lúc thuyền đến bến Đền Sòng thờ Công chúa Liễu Hạnh thì bà bị cảm rất nặng. Biết mình không qua khỏi nên bà cố dặn chồng: “Chàng cố gắng lo tròn việc nước”.
Trối xong thì Đoàn Thị Điểm qua đời, lúc đó là ngày 11 tháng 9 năm Đinh Mão (1748 - có tài liệu nói bà mất ngày mùng 6 tháng 6 cùng năm 1749), hưởng dương 44 tuổi, bà chưa có con với tiến sĩ Nguyễn Kiều. Ông Đoàn Doãn Lực ngậm ngùi: “Tiến sĩ Nguyễn Kiều quàn quan tài của vợ ở xứ Nghệ một tháng thì đưa linh cữu về quê nhà của bà để an táng. Đứng trước mộ vợ, tiến sĩ Nguyễn Kiều đã than: “Ô hô. Hỡi nàng. Huệ tốt lan thơm/ Phong tư lộng lẫy, cử chỉ đoan trang/ Nữ đức trọn vẹn, tài học ngỡ ngàng”. Và ông đã khóc: “Đào chưa tươi đã khô/ Quế đang thơm đã rũ/ Rừng sâu bể rộng nàng hỡi đi đâu/ Ngọc nát châu chìm lòng tôi quặn nhớ”.
Cả hai ông Nam và Lực đều bùi ngùi: “Cuộc đời của cụ Đoàn Thị Điểm đúng như câu thơ mở đầu "Chinh phụ ngâm": “Khách má hồng nhiều nỗi truân chuyên”.