Họa sĩ Victor Tardieu - Người bạn lớn của Việt Nam

Thứ Năm, 23/06/2022, 15:40

Victor Tardieu đến thăm Đông Dương năm 1921 với tư cách là người đoạt Giải thưởng Đông Dương về hội họa (Le Prix de l'Indochine). Ông nói về tình cảm của mình: "Tôi rất yêu mến người An Nam (Việt Nam). Tôi muốn giúp họ tìm lại diện mạo thực sự của họ". Ông đã đề xuất với chính quyền Pháp tại Đông Dương thành lập Trường Mỹ thuật Đông Dương, đồng thời cũng là Hiệu trưởng đầu tiên của ngôi trường này cho tới khi ông qua đời vào năm 1937.

Khi viết về những sinh viên xuất sắc của Đại học Đông Dương, bên những tên tuổi lớn của nhiều lĩnh vực khoa học tự nhiên và xã hội, người ta không thể không nhắc đến tên tuổi của Tô Ngọc Vân, Nguyễn Gia Trí, Lê Phổ, Nguyễn Phan Chánh, Nguyễn Cát Tường, Trịnh Hữu Ngọc, Nguyễn Cao Luyện, Hoàng Như Tiếp, Huỳnh Tấn Phát… đại diện cho một thế hệ tinh hoa mới của Việt Nam. Và người góp phần kiến tạo nên thế hệ tinh hoa đó chính là họa sĩ Victor Tardieu (1870-1937) đến từ nước Pháp. Từ một chuyến đi sáng tác tại xứ Đông Dương xa xôi, ông đã phải lòng "Việt Nam xinh đẹp' và gắn bó cuộc đời mình ở đây.

Victor Tardieu đến thăm Đông Dương năm 1921 với tư cách là người đoạt Giải thưởng Đông Dương về hội họa (Le Prix de l'Indochine). Ông nói về tình cảm của mình: "Tôi rất yêu mến người An Nam (Việt Nam). Tôi muốn giúp họ tìm lại diện mạo thực sự của họ". Ông đã đề xuất với chính quyền Pháp tại Đông Dương thành lập Trường Mỹ thuật Đông Dương, đồng thời cũng là Hiệu trưởng đầu tiên của ngôi trường này cho tới khi ông qua đời vào năm 1937. Đây là ngôi trường mà trong "Việt Nam Văn hóa Sử cương" (1938), học giả Đào Duy Anh đánh giá: "Trong nghệ thuật sử nước ta, trường ấy có cái địa vị rất trọng yếu là làm trung tâm cho một cuộc cải tạo lớn".

họa sĩ victor tardieu.jpg -0

Trường Mỹ thuật Đông Dương thành lập ngày 27/10/1924, với tinh thần đa ngành, liên văn hoá và khai phóng, tận dụng các giáo sư có trình độ và các nghệ sĩ đạt giải thưởng Đông Dương làm giáo viên thỉnh giảng.

Victor Tardieu yêu và thẩm thấu văn hóa Phương Đông. Ông muốn giúp các nghệ sĩ phát huy tối đa sự sáng tạo trên nền tảng của văn hóa bản địa. Vì thế, theo ông, mỹ thuật Đông Dương không tách rời thủ công mỹ nghệ, đó là nét đặt biệt của Phương Đông. Ông cũng là người sớm nghĩ đến phát huy truyền thống và hiện đại, đào tạo những sinh viên xuất sắc không chỉ có học thức, lý tưởng mà còn hiểu được sứ mệnh cao cả của nghệ sĩ trong xã hội.

Victor Tardieu không chỉ sáng lập ra trường Mỹ thuật Đông Dương mà còn đặt Trường Mỹ thuật này vào trong một hệ sinh thái sáng tạo. Trường Mỹ thuật Đông Dương nằm trong hệ thống Đại học Đông Dương theo triết lý giáo dục khai phóng khác biệt với tất các các trường mỹ thuật ở Đông Dương lúc đó và cũng không giống với những trường đại học mỹ thuật hiện nay ở Việt Nam. Cạnh trường là khu triển lãm đấu xảo - Hội chợ quốc tế, tạo nên một hệ sinh thái sáng tạo để các họa sĩ có cơ hội giao lưu, gặp gỡ những nghệ nhân hàng đầu của Đông Dương thời đó, tiếp xúc với những sản phẩm thủ công mỹ nghệ tinh xảo.

Với hướng đào tạo đúng, chỉ trong mấy năm, một số tác phẩm đặc sắc mang diện mạo Việt Nam đã xuất hiện: Tranh sơn mài "Bờ ao" của Trần Quang Trân, tranh khắc gỗ màu "Bến sông Hồng" của An Sơn Đỗ Đức Thuận, tranh lụa "Chơi ô ăn quan" của Nguyễn Phan Chánh… Tại Hội chợ đấu xảo thuộc địa Paris năm 1931, đích thân Hiệu trưởng Victor Tardieu mang tranh tượng của các họa sĩ Đông Dương vừa tốt nghiệp "trình làng" công chúng Pháp. Những tác phẩm đầu tay của các sinh viên Việt Nam mang bản sắc dân tộc với các chất liệu lụa, sơn mài thuần túy phương Đông, đã thu hút sự chú ý đặc biệt của giới mỹ thuật Paris.

Sự ra đời của trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương đã làm thay đổi quan niệm sáng tác và cống hiến của một thế hệ họa sĩ tiên phong cho nền mỹ thuật Việt Nam. Họa sĩ Tô Ngọc Vân, Hiệu trưởng đầu tiên của trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam - kế tiếp từ Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, đã nói: "Nếu không có Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương thì chúng ta sẽ bị lạc vào tà đạo hết".

Trong quá trình tồn tại (1924 - 1945), Trường Mỹ thuật Đông Dương đã đào tạo được những nghệ sĩ, kiến trúc sư có tài năng và danh tiếng. Tiếp theo sáu vị đầu tiên được nhận bằng tốt nghiệp vào năm 1930, những năm học sau đó, trường đã tiếp tục đào tạo và cho ra trường những nghệ sĩ mỹ thuật khác, trong số đó có những nghệ sĩ mà tên tuổi đã đi vào lịch sử mỹ thuật Việt Nam như Vũ Cao Đàm, Tô Ngọc Vân, Lê Thị Lựu, Nguyễn Tường Lân, Đan Hoài Ngọc, Nguyễn Gia Trí, Trần Văn Cẩn, Lương Xuân Nhị, Trịnh Hữu Ngọc, Hoàng Lập Ngôn… Nguyễn Tư Nghiêm, Bùi Xuân Phái, Phan Kế An, Dương Bích Liên, Mai Văn Hiến, Văn Cao, Nguyễn Sáng, Tạ Thúc Bình… Ngoài ra, trường cũng đào tạo ra những kiến trúc sư thuộc vào những thế hệ đầu của các kiến trúc sư Việt Nam như kiến trúc sư Nguyễn Cao Luyện, Nguyễn Gia Đức, Hoàng Như Tiếp, Tạ Mỹ Duật… Vì thế, ngôi trường này, họa sĩ Tardieu, cùng các giáo sư giảng dạy tại đây có một vị trí đặc biệt trong lịch sử mỹ thuật và kiến trúc Việt Nam.

Tại tọa đàm "Victor Tardieu - Tầm nhìn và thế hệ tinh hoa mới ở Việt Nam", tiến sĩ Phạm Long chia sẻ: "Với triết lý giáo dục nghệ thuật đa ngành, liên văn hóa mang tính khai phóng của cụ Victor Tardieu đã mở đường cho mỹ thuật hiện đại Việt Nam. Ông có những đóng góp cho đời sống văn hóa và kinh tế qua các sản phẩm nghệ thuật. Và điều quan trọng nhất, đó là ông đã xây dựng một chương trình giáo dục tiến bộ, tạo dựng những lớp người tinh hoa mới có nhiều đóng góp và ảnh hưởng trong sự phát triển của đất nước trong gần một thế kỷ qua. Trường Mỹ thuật Đông Dương đã đào tạo ra nhiều sinh viên nổi tiếng, đại diện cho thế hệ tinh hoa mới của Việt Nam thế kỷ 20 như Mai Trung Thứ, Lê Phổ, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Phan Chánh, Bùi Xuân Phái, Văn Cao, Thế Lữ... Họa sĩ Victor Tardieu với tầm nhìn kiệt xuất đã góp phần kiến tạo nên một thế hệ tinh hoa mới với những tên tuổi lừng lẫy không chỉ trong lĩnh vực hội họa, đồ họa, điêu khắc mà còn cả kiến trúc, âm nhạc, văn học".

tran lụa của họa sĩ nguyễn phan chánh- đại diện cho thế hệ tinh hoa của mỹ thuật đông dương.jpg -0
Tranh lụa của họa sĩ Nguyễn Phan Chánh - đại diện cho thế hệ tinh hoa của Mỹ thuật Đông Dương.

Nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế cũng khẳng định: "Trường Mỹ thuật Đông Dương đã góp phần đào tạo ra những trí thức làm nghệ thuật - những người chở khát vọng tạo ra những sản phẩm làm thay đổi văn hóa nghệ thuật của một cộng đồng, thậm chí một dân tộc. Đó là lý do vì sao khi nhìn áo dài Cát Tường, hay những sản phẩm đồ mộc của cụ Trịnh Hữu Ngọc (đều là học trò của Trường Mỹ thuật Đông Dương), ta nhận ra ngay sự khác biệt. Rõ ràng, đó là cả một tư duy và triết lý văn hóa. Cũng là một cuộc đối thoại sòng phẳng. Tardieu đã giúp chúng ta có cơ hội chiêm ngưỡng sự hoàn hảo, sự thích hợp đến tài tình giữa truyền thống và nhu cầu thay đổi của thời đại. Ông đã đến xứ sở này, kiến thiết nên một ngôi trường có tính lịch sử".

Với những đóng góp quan trọng của Victor Tadieu cho nền mỹ thuật nước nhà, những ngày tháng 6 này, có rất nhiều hội thảo thảo luận về di sản giáo dục tầm nhìn, tinh thần khai phóng trong giáo dục của ông để lại. Đó là những giá trị đã trở thành di sản của Việt Nam trên con đường hội nhập. Giới mỹ thuật một lần nữa lên tiếng về việc cần có một con đường mang tên Victor Tardieu ở Hà Nội.

"Nếu làm được điều đó, câu chuyện không chỉ thể hiện tầm nhìn của Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung trong vấn đề bảo vệ di sản văn hóa, mà còn góp phần cho thấy người Việt chúng ta biết ghi nhận những giá trị mang tính quốc tế, phổ quát, thể hiện quá trình giao lưu văn hóa Đông - Tây, Việt - Pháp" - tiến sĩ Phạm Long chia sẻ.

Bởi Victor Tardieu không chỉ là người đầu tiên thành lập nên một trường đại học mỹ thuật ở Việt Nam mà chính những quan điểm về giáo dục khai phóng của ông đã tạo tiền đề cho sự phát triển của một lớp tinh hoa đầu thế kỷ. Đến bây giờ, những giá trị mà thế hệ tinh hoa đó để lại đã trở thành di sản của văn hóa Việt. l

Victor Tardieu sinh tại Lyon, từ năm 1887 đên 1889 ông theo học Trường Mỹ thuật của thành phố Lyon, sau đó tiếp tục theo học tại Trường Mỹ thuật Paris, rồi xưởng vẽ Bonnat năm 1889 đến 1891. Trong Chiến tranh thế giới thứ nhất, Tardieu tham gia trên chiến trường phía Bắc nước Pháp. Năm 1920, ông giành giải thưởng Indochine và phần thưởng là chuyến du lịch Đông Dương trong vòng một năm, năm 1921.

Ngày 2/2/1921, Victor Tardieu đặt chân tới Sài Gòn, sau đó ra Hà Nội. Tại đây, ông đã nhận lời vẽ một bức tranh khổ lớn (180m2) cho giảng đường chính của Viện Đại học Đông Dương đang được xây dựng. Đó là một công trình kiến trúc đẹp của trường đại học lớn nhất xứ Đông Dương vừa mới hồi phục và phát triển nhờ chương trình cải  cách giáo dục của Toàn quyền Đông Dương Albert Saraut. Tardieu đã mất 6 năm làm việc để hoàn thành bức tranh đó. Ngoài ra, ông còn vẽ trang trí trên tường tiền sảnh và mái vòm của tòa nhà, tổng cộng gần 270m. Victor Tardieu mất tại Hà Nội năm 1937.

Linh Nguyễn
.
.