Họa sĩ Trịnh Lữ: Vẽ bằng niềm đam mê
Trịnh Lữ xuất hiện trong đời sống văn nghệ bằng nhiều định danh khác nhau, nhà báo, dịch giả, nhà văn hóa. Nhưng có một định danh mà ít người, hoặc chỉ những người thân của ông biết, đó là họa sĩ. Hơn 60 năm cầm cọ lặng lẽ, với bút pháp hiện thực không thay đổi, ông đã có một gia tài tranh dày dặn. Với ông, vẽ là cách ông di dưỡng tinh thần, để đi qua những biến động đời sống với một tâm thế bình an, vẽ bằng niềm hạnh phúc của một người may mắn được cầm cọ.
1. Những ngày đầu năm, trong một không gian nhỏ ở phố Tràng Tiền, Hà Nội, The Muse art, họa sĩ Trịnh Lữ có một triển lãm cá nhân riêng, giới thiệu những bức tranh ông vẽ trong suốt hành trình 60 năm qua. Một triển lãm giản dị, ấm cúng và gần gụi như chính con người ông vậy.
Trong không gian nhỏ ấy, chúng ta còn ngạc nhiên hơn khi ngắm nhìn các tác phẩm của ông được in trong cuốn sách "Vẽ gì cũng là tự họa", được làm cẩn thận, công phu. Ngạc nhiên bởi, ông lặng lẽ vẽ trong suốt 60 năm qua nhưng dường như con người dịch giả, nhà báo đã lấn át con người hội họa của ông. Những bức tranh, như những người bạn, được ông gìn giữ cẩn thận trong nhiều năm cuộc đời, trải qua nhiều biến thiên của thời cuộc.
Và cũng lạ là trong suốt 60 năm lặng lẽ vẽ ấy, bút pháp của ông không thay đổi, hay nói cách khác, ông định hình cách vẽ của mình ngay từ đầu. Họa sĩ Trịnh Tú, em trai của ông từng thắc mắc, tại sao anh cứ vẽ mãi một kiểu không thay đổi. Ông trả lời em rằng: "Anh vẽ vì thấy hạnh phúc". "Đó là một bài học lớn đối với người nghệ sĩ, họ vẽ tình yêu của mình và câu nói "vẽ gì cũng là tự họa" đã thâu tóm cuộc đời, quan niệm và thái độ sống của người nghệ sĩ là anh tôi". Họa sĩ Trịnh Tú chia sẻ.
Họa sĩ Trịnh Lữ cầm cọ từ những ngày mới 8 -9 tuổi, theo mẹ đi vẽ và đến bây giờ, ở ngưỡng cửa 70 tuổi, khi những bộn bề cuộc sống đã gác lại, ông lại tiếp tục vẽ, thong dong như một cuộc dạo chơi.
Ngắm nhìn thế giới tranh của họa sĩ Trịnh Lữ thấy ấm áp, gần gụi. Dù ông vẽ người, tĩnh vật hay phong cách thì tranh của ông luôn chứa đựng tình yêu tha thiết, trìu mến với cuộc sống. Ở mảng tranh chân dung, ông vẽ tất cả những người thân yêu của mình, những người bạn, hay giản dị là một cậu bé đánh giày đầu ngõ. Chân dung của Trịnh Lữ trìu mến, nồng ấm như con người ông vậy. Phong cảnh, tĩnh vật trong tranh của Trịnh Lữ đều lưu dấu vết con người.
"Tôi vẽ những đồ vật trong nhà mình vì thấy chúng thân thuộc, biết lắng nghe và giao đãi với mình. Khi đặt chúng ngồi cùng với hoa lá, những tuyệt phẩm của thiên nhiên thì bố cục tĩnh vật ấy như có ma lực bắt tôi phải vẽ nó ngay lập tức. Và 4 - 5 tiếng mải mê vẽ ấy trôi qua như một thoáng ảo mộng, không biết ta là nó hay nó là ta. Vẽ tĩnh vật là một cách nhập đồng với những tạo tác vật thể của người trong mối giao đãi với tạo tác của thiên nhiên. Vẽ xong rồi, mỗi khi nhìn lại tranh, phát hiện thêm những biểu tượng kín đáo về mọi sự ở đời. Một lạc thú đầy bất ngờ". Vì thế, dù vẽ gì, với ông, cũng là vẽ chính mình, từ tình yêu của mình.
Tranh phong cảnh của ông không rực rỡ mà bảng lảng sương khói của thời gian, ngắm phong cảnh, tĩnh vật, dù ông vẽ ở Việt Nam hay phong cảnh ở nước Mỹ xa xôi vẫn nhận ra hồn cốt Việt. Ông có thói quen vẽ những thứ xung quanh mình, từng cành cây, ngọn cỏ, phong cảnh mùa xuân, mùa hạ, khiến người xem xúc động như được gặp lại cố nhân.
Đặc biệt, Trịnh Lữ có một series về hoa sen rất ấn tượng, nhưng tiếc thay trong triển lãm chỉ còn giữ lại được một bức vì đã "bán hết rồi". Sen lúc nở, lúc tàn, sen trắng, sen hồng, những bông sen còn ngậm sương mới cắt từ đầm về, mỗi bức sen đều lưu dấu một kỷ niệm của ông. "Tôi tin rằng anh linh của những bông sen ấy vẫn dõi nhìn những lúc tôi vẽ chúng, nay đã tản mác nhiều nơi, thành một nét điểm xuyết trong cuộc sống của nhiều người yêu sen, yêu cái đẹp chân thực, giản dị. Tôi đã không nỡ lấy sen làm môtíp, làm cái cớ để vẽ những riêng tư phần lớn là những khát khao hoặc thắc mắc của mình. Tôi vẽ sen chỉ để ghi lại tình yêu sen đã có từ thửa bé nhờ những bức tranh của mẹ, của cha. Và để tự nhủ rằng, cuộc đời luôn đẹp đẽ, an lạc...".
2. Họa sĩ Trịnh Lữ sinh ra trong một gia đình trí thức lớn ở Hà Nội. Bố ông là họa sĩ Đông Dương - Trịnh Hữu Ngọc, thuở bé, ông đã được đi vẽ cùng mẹ. Cả gia đình ông, ai cũng học hội họa, âm nhạc. Cuộc đời ông cũng có nhiều khúc quanh do thời đoạn lịch sử. Ngày đó, vì lý lịch gia đình mà ông không được vào học trường Mỹ thuật Công nghiệp. Một người bạn thân của gia đình đã lo cho Trịnh Lữ "suất" vào Đại học Mỏ.
Nhưng rồi, chàng trai hăm hở, nhiệt thành với đời sống ấy không thấy hào hứng với công việc của một kỹ sư mỏ, ông đầu quân cho Đài Tiếng nói Việt Nam, kênh tiếng Anh và cũng từ công việc làm báo đó, đã đưa ông sang Mỹ, sống hơn 20 năm ở Mỹ, làm truyền thông, dự án, rồi vẽ tranh, dịch sách, triển lãm, đơn giản cũng chỉ để kiếm sống như bao người lao động khác cho đến bây giờ, khi đã ngoài 70. Ông vẫn sống như thế, nhẹ nhàng, bình thản với cuộc đời, không tranh đoạt, bon chen.
"Nếu không có một công việc để yêu thì hãy yêu công việc mình làm và hết lòng với nó để vượt qua những day dứt cõi lòng. Ông chia sẻ trong buổi giao lưu với độc giả nhân dịp ra mắt cuốn sách "Vẽ gì cũng là tự họa" của mình.
Nhưng hội họa có một ý nghĩa đặc biệt trong cuộc đời ông, ông trân trọng và nâng niu từng bức tranh của mình. Đối với ông, mỗi bức tranh như một người bạn, nên khi có người hỏi rằng, ông yêu bức vẽ nào nhất, ông nói: "Với tôi, bức vẽ nào cũng có một tình cảm riêng, nhìn lại những bức từ thuở bé theo mẹ đi vẽ ở những nơi xa xôi, tôi rất xúc động, như gặp lại một phần đời của mình. Tôi may mắn không phải đi tìm bản thân mình mà ngay từ đầu đã là mình rồi. Tôi cho rằng, làm gì cũng là mình, cả đời tôi vẽ không bao giờ nghĩ rằng mình sẽ thành họa sĩ, sẽ triển lãm".
Nhà phê bình mỹ thuật Phan Cẩm Thượng chia sẻ: "Trịnh Lữ là một người phương Đông điển hình, một khối kinh nghiệm sống được tích tụ dưới vẻ ngoài điềm đạm, thư nhàn và có vẻ hơi lười biếng một cách khôn ngoan như người ta thường nói về các bậc trí giả xưa, pha một chút Lão Trang rồi vẫn cần cù như một nhà Nho với viết lách, ngâm vịnh, khảo cứu".
Ông lặng lẽ vẽ trong 60 năm qua. Với ông, hội họa thực sự có ý nghĩa, nó giúp ông đi qua những vất vả, nhọc nhằn của cuộc sống mà vẫn giữ được cho mình một tâm hồn đẹp, bình thản với cuộc đời. "Tôi luôn cảm ơn bố mẹ đã nuôi dưỡng tình yêu vẽ để di dưỡng tinh thần, để không đánh mất bản thân mình trước thời cuộc, để có dịp nhìn lại cuộc đời mình với tâm bình thản" - ông nói.
Họa sĩ Thành Chương, một người em thân thiết với gia đình ông chia sẻ: "Khi tôi mở cuốn sách "Vẽ gì cũng là tự họa" của anh Trịnh Lữ, tôi rất bất ngờ, tôi không nghĩ ông có một sự nghiệp dày dặn đến thế, vẽ một cách chuyên nghiệp và có một bề dày đáng nể. Đáng nể hơn đó là ý thức của một người làm nghệ thuật có tri thức".
"Vẽ gì cũng là tự họa", với Trịnh Lữ giản dị đó chính là nơi ông bộc lộ mình, tình yêu thiên nhiên, yêu con người, tha thiết với đời sống. "Khi vẽ, cũng có lúc tôi quên đi cái ngã của mình lúc vẽ phong cảnh, tĩnh vật, cái ngã của mình nhập vào cái ngã của thiên nhiên, hòa làm một cùng cỏ cây, hoa lá, cái ngã của mình quá bé nhỏ so với cái ngã của thiên nhiên, vũ trụ. Bất kỳ cái gì mình vẽ ra đều rất quý vì mình để tâm tưởng của mình vào bức tranh, không muốn xa rời nó".
Ông vẫn tiếp tục vẽ, như cách ông đang dạo chơi trong đời sống. Còn công chúng hội họa, nếu có cơ duyên được bắt gặp thế giới của ông sẽ cảm thấy nhẹ nhõm, bình an giữa đời sống nhiều biến động và bất an này.