Họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc: Di sản đặc biệt của Mỹ thuật Đông Dương

Thứ Sáu, 21/07/2023, 17:39

Tiến sĩ Trần Hậu Yên Thế chia sẻ rằng, không phải ngẫu nhiên mà khi chọn 4 họa sĩ nổi tiếng đầu thế kỷ 20, một nhà nghiên cứu mỹ thuật Nhật Bản chọn Nguyễn Gia Trí, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Cát Tường và Trịnh Hữu Ngọc và gọi họ là bộ tứ huyền thoại của hội họa Việt Nam. Trong đó, họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc đã sống một cuộc đời lặng lẽ nhưng để lại một di sản tinh thần to lớn cho nền Mỹ thuật Việt Nam.

Một cuộc đời thầm lặng

Họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc sinh ra ở Bắc Giang, thuở nhỏ cụ được mẹ nuôi dạy ở nhà cùng với hai em gái và một em trai, học tiếng Pháp và chữ quốc ngữ ở Trường tiểu học Bắc Giang. Lớn lên, cụ được thầy Nam Sơn Nguyễn Văn Thọ cho làm chân giúp việc trong xưởng vẽ phố Halais, rồi nhận làm học trò trong lớp dự bị luyện thi vào Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Cụ cũng là những lứa học sinh đầu tiên của Khoa Hội họa trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Cụ chọn sơn dầu làm chất liệu chính nhưng vẫn dự nhiều lớp sơn mài, kiến trúc...

họa sĩ trịnh hữu ngọc.jpg -1
Họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc.

Có thể nói, họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc là người chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của hai thầy, Victor Tacdieu và Joseph Inguimberty - kết hợp các tiêu chuẩn mỹ học cổ điển Hy Lạp và cách nhìn của các bậc thầy ấn tượng Pháp. Vì thế, họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc đã vận dụng kiến thức và sức sáng tạo cá nhân vào không chỉ cách vẽ tranh, nghiên cứu làm ra sơn ta theo kỹ thuật riêng mà cả các lĩnh vực mỹ thuật khác, gặt hái được những thành công như xưởng gỗ MÉMO Ébénisterie, minh họa Sách Hoa xuân, Báo Tri tân... Sự nghiệp của Trịnh Hữu Ngọc gắn bó chặt chẽ với mỹ thuật ứng dụng, giúp làm giàu cho đời sống thiết thực của người dân Việt bằng những ý tưởng và đóng góp từ tài năng Việt.

Cụ đã sống một cuộc đời thầm lặng, lặng lẽ làm việc và cống hiến với những tư tưởng đổi mới và quan niệm nghệ thuật vị nhân sinh. Suốt cuộc đời nhiều biến động của mình, cụ vẫn giữ một tâm thế sống tự do, tự tại và không ngừng sáng tạo. Xưởng gỗ MÉMO rất nổi tiếng thời đó của cụ bị đóng cửa dưới chế độ mới như mọi doanh nghiệp tư nhân khác. Gia đình cụ chuyển về số nhà 108 Quán Thánh sống và mở lớp dạy vẽ, nhưng rồi lớp học bị đóng cửa vì luật thời đó cấm trường tư.

Thời gian đó, những năm 1960, cụ nhận làm phụ trách thiết kế các mặt hàng đồ gỗ sản xuất tại nhà máy gỗ Phú Yên, Hà Nội. Cụ cũng chính là người làm nội thất cho phòng khánh tiết và văn phòng thị trưởng tại Ủy ban Hành chính thành phố Hà Nội, hoàn thành bộ sơn khắc “Tiếp quản Thủ đô” thể hiện phong cách sơn khắc truyền thống, treo tại phòng khánh tiết của UBND thành phố. Rất tiếc, sau những biến động của lịch sử, tác phẩm này bị lãng quên 26 năm và giờ đã hư hỏng nhiều.

Ngôi nhà 108 Quán Thánh bị bom Mỹ phá hủy, tất cả tranh sơn dầu khổ lớn, hầu hết tranh sơn mài ở giai đoạn thử nghiệm khác nhau và sách vở nghiên cứu bị thiêu cháy. Thành phố cấp cho cụ 250 mét vuông ở đầu làng phủ Tây Hồ, cụ bèn nhặt nhạnh gỗ lạt còn dùng được ở ngôi nhà đổ nát 108 Quán Thánh, buộc thành bè, nổi bằng mấy thùng phuy đi mượn, chèo chống sang bán đảo Phủ Tây Hồ dựng túp nhà sàn tự thiết kế, sau này được gọi là “Lều Vịt ở Hồ Tây”, rồi một mình nương náu ở đó, đọc, vẽ, dịch, thực hành Yoga.

Khi còn sống, họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc chỉ có một triển lãm tranh duy nhất, từ ngày 7 đến 27/4/1988 tại 16 Ngô Quyền, Hà Nội. Trong phòng triển lãm đặt một chiếc kỷ còn lại của nhà MÉMO, trên đó bày bức tượng đồng chân dung Victor Tardieu, một bức ảnh chân dung Nam Sơn và một ảnh chân dung Hồ Chí Minh, ông nói: “Tôi thành họa sĩ là nhờ hai thầy Tardieu và Nam Sơn, còn Cụ Hồ là người chấp nhận tôi là họa sĩ...”. Đó là lần đầu tiên ở Việt Nam, một cựu sinh viên Mỹ thuật Đông Dương công khai bày tỏ lòng biết ơn tới hai bậc thầy đã có vai trò cực kỳ quan trọng trong lịch sử Mỹ thuật Việt Nam. Cụ bắt đầu được gọi là Nghệ sĩ Thiền họa Tây Hồ”. (Họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc - di sản đặc biệt của Mỹ thuật Đông Dương - họa sĩ Trịnh Lữ).

Với chiếc xe đạp mà con gái mua tặng, cụ đạp xe đi vẽ nhiều nơi. Những năm 1989-1990 là thời gian cụ đi vẽ tranh nhiều nhất, những bức tranh sơn dầu với bút pháp ngày càng mỏng nhẹ, cô đọng. Cuối năm 1990, gần 300 bức phong cảnh và tĩnh vật của cụ được sang trưng bày tại Paris theo lời mời của tổ chức trao đổi văn hóa Pháp Việt, nhưng không ký và không bán.

Cụ sống những tháng ngày giản dị, lặng lẽ đi về trên “Lều Vịt Hồ Tây”. Những năm cuối đời, con trai cả chuyển về sống cạnh để bố yên tâm tuổi già. Qua tuổi 80, cụ không còn đủ sức đạp xe đi vẽ, những người bạn chí cốt cuối cùng đều đã qua đời... Cụ mất vào ngày 7/7/1997, ở tuổi 85. Mộ chí của cụ nằm trên đồi cao ở công viên tưởng niệm Thiên Đức, có dòng chữ: “Thiết kế nội thất là để thúc đẩy một nếp sống. Mắt nhìn tay vẽ là một lối Thiền ai cũng có thể theo được”.

Và những di sản tinh thần đặc biệt

Cụ đã sống một cuộc đời tận hiến cho nghệ thuật, nhưng có lẽ, di sản lớn nhất cụ để lại là di sản tinh thần. Sự nghiệp của cụ đặc biệt được dẫn dắt bởi tư tưởng Chân-Thiện-Mỹ xuyên suốt, mà tiêu biểu là cách thực hành Thiền Họa “mắt nhìn tay vẽ”. Trong cuốn sách mới xuất bản “Họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc - Di sản đặc biệt của Mỹ thuật Đông Dương”, con trai cụ, họa sĩ Trịnh Lữ chia sẻ: “Cụ là người không lưu vong, cụ vẽ những gì xung quanh, những gì cụ yêu quý trong cuộc sống bình dị, đó là chủ đề nghệ thuật. Quan điểm nghệ thuật của cụ cũng rất rõ ràng, một nghệ sĩ không thiết phải như ta nghĩ mà rất độc lập, đàng hoàng, rất tự do, không phụ thuộc vào ai cả. Họ sinh ra để phục vụ đời sống, làm đẹp cho cuộc sống”.

cuốn sách về cuộc đời và những đóng góp của họa sĩ trịnh hữu ngọc.jpg -0
Cuốn sách về cuộc đời và những đóng góp của họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc.

Nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế đánh giá rất cao vai trò của cụ Trịnh Hữu Ngọc không chỉ với tư cách là một họa sĩ, mà hơn thế, là một nhà văn hóa. Anh nói: “Đánh giá vai trò của họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc nên nhìn cụ ở góc độ là một người thực hành văn hóa, đưa nghệ thuật gắn liền với cuộc sống. Đây là điểm tôi thấy có sự chia sẻ giữa Nguyễn Cát Tường và Trịnh Hữu Ngọc. Họ vốn học về hội họa nhưng lại gắn bó với thời trang và nội thất, mang một làn gió mới, một cuộc chấn hưng về lối sống, ăn ở cho người Việt (lối sống của người Việt thời đó khá sơ sài, tuềnh toàng). Khi đặt họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc trong nền công nghiệp sáng tạo hôm nay mới đánh giá hết vai trò của cụ, đó là sự kết hợp tinh hoa của văn hóa Á Đông với nét hiện đại của phương Tây. Những tư tưởng mới mẻ, mang tinh thần tự do, khai phóng khiến cho các tác phẩm của cụ không bị cầm tù trong khuôn mẫu. Tốt nghiệp là họa sĩ nhưng cụ lại làm nhiều lĩnh vực khác nhau, tự định hướng con đường của mình”.

Nhà nghiên cứu độc lập, Tiến sĩ Phạm Long, người cung cấp nhiều tư liệu cho họa sĩ Trịnh Lữ để hoàn thành cuốn sách về cha mình nhấn mạnh: “Cụ để lại nhiều tác phẩm đủ các lĩnh vực, từ hội họa, thiết kế nội thất, minh họa đến các đài tưởng niệm... Những tư tưởng của hội họa châu Âu thời bấy giờ qua tư duy của cụ có sự tiếp biến của Á Đông. Đồ gỗ MÉMO là một thương hiệu nổi tiếng, ngay những năm 1938-1939 đã đạt Huy chương Bạc tại triển lãm Đông Dương. Nhưng có lẽ di sản lớn nhất cụ để lại chính là di sản tinh thần, là triết lý làm nghệ thuật không phải là cái gì cao sang hay tháp ngà. Nghệ thuật rất gần gụi với đời sống, đi vào đời sống. Đồ gỗ nội thất của cụ có thiết kế cho người bình dân, tầng lớp lao động, những gia đình có diện tích chỉ 10m2. Triết lý giáo dục của cụ cũng rất nhân văn, dạy học sinh quan tâm đến môi trường, con người, nghệ thuật vì con người chứ không phải vì bản thân tác giả. Vì thế, các tác phẩm của cụ có chất lượng nghệ thuật cao nhưng công chúng bình dân vẫn thấy gần gũi”.

Họa sĩ Lương Xuân Đoàn chia sẻ góc nhìn về hội họa của cụ Trịnh Hữu Ngọc, ông nói: “Hội họa của cụ Trịnh Hữu Ngọc quyến rũ trong sự thầm lặng, ông đặt ra sự hòa hợp với thiên nhiên, đời sống tâm hồn ông và đời sống thiên nhiên là một, ông rũ bỏ, buông bỏ, tạo ra một mỹ cảm mới gắn liền với thiên nhiên, bức tranh thiên nhiên cũng là bức tranh tâm hồn ông. Thế hệ các ông im lặng cống hiến, là một dấu ấn đặc biệt của nền hội họa Việt, mở ra một khuynh hướng sáng tác mới, khao khát được sống thầm lặng và cống hiến.

V. Hà
.
.