Họa sĩ Ngô Mạnh Lân: Trọn đời hội họa vì trẻ thơ

Thứ Năm, 21/10/2021, 15:09

Năm 1989, ông Nguyễn Thắng Vu, Giám đốc NXB Kim Đồng đưa ra sáng kiến xuất bản tác phẩm “Dế mèn phiêu lưu ký” của nhà văn Tô Hoài dưới dạng sách nhỏ “như bao diêm”! NXB Kim Đồng mời họa sĩ Ngô Mạnh Lân vẽ bìa và mình họa cho cuốn sách cỡ mini này. Họa sĩ Nguyễn Phú Kim, người được giao nhiệm vụ liên hệ với họa sĩ Ngô Mạnh Lân tỏ ra lo lắng: Việc này rất khó, mà họa sĩ Ngô Mạnh Lân đang bân rộn với những công việc của Xưởng Phim hoạt hình.

Thật không ngờ, họa sĩ Ngô Mạnh Lân đã vui vẻ nhận công việc khó khăn ấy trong khoảng thời gian eo hẹp của một người luôn bận rộn như ông. Thế rồi tôi được gặp họa sĩ Ngô Mạnh Lân đến NXB Kim Đồng trao đổi công việc. Ông tươi cười chào hỏi, trò chuyện chan hòa, dáng điệu nhẹ nhàng thanh thoát, khiến cho người ta có cảm giác công việc của ông không có gì vất vả cả. Đúng hẹn, ông mang đến NXB những bức vẽ tuyệt đẹp cho cuốn “Dế mèn phiêu lưu ký” khổ nhỏ cỡ 6x8cm. Giao bản vẽ xong, ông khoát tay thoải mái như một nghệ sĩ vừa trình bày thành công một màn trình diễn điêu luyện.

image002.jpg -0
NSND Ngô Mạnh Lân qua đời ở tuổi 87 trong sự tiếc thương của người yêu nghệ thuật.

Quả là ít người biết ông đã phải lao động hết mình trong từng bức minh họa. Sau này ông đã có dịp tâm sự: “Năm 1989, bản vẽ do NXB Kim Đồng ấn hành đặt ra một yêu cầu khác: Tranh minh họa được thực hiện trên trang khổ sách 6x8cm nên các hình ảnh đuợc thể hiện cận cảnh và giữa cận cảnh. Đối với tôi, người họa sĩ đã khá quen thuộc với các nhân vật và các địa điểm cảnh vật nên có thể làm chủ được bức vẽ của mình mà không bận tâm về tỷ lệ. Tôi chú ý hơn đến sự sống động của đường nét và cảm xúc của nhân vật. Nói như vậy không có nghĩa là coi thường thẩm mỹ tạo hình, các tiêu chuẩn của quy luật bố cục, sự hài hòa, quyến rũ  và lạ mắt của bức vẽ”.

Năm ấy, việc phát hành cuốn sách xinh xắn vừa hay về nội dung vừa đẹp về hình thức đã thành công ngoạn mục trên thị trường. Suy nghĩ về sự thành công ấy, tôi cảm thấy rằng, họa sĩ Ngô Mạnh Lân chắc hẳn đã có một sự gắn bó sâu sắc với cuốn “Dế mèn phiêu lưu ký” và là một người bạn tri kỷ với nhà văn Tô Hoài.

Được học tập tại một trường đại học uy tín của Liên xô, họa sĩ Ngô Mạnh Lân chăm chỉ học tập lý thuyết hội họa. Năm 1959, khi đang học năm thứ ba, một cơ duyên thực tập vẽ cho trẻ em đã đến, sinh viên Ngô Mạnh Lân được họa sĩ Lê Thanh Đức giới thiệu với NXB Cận vệ Trẻ (Liên Xô). NXB này đặt hàng họa sĩ Ngô Mạnh Lân vẽ bìa và minh họa bản dịch tiếng Nga tác phẩm “Dế mèn phiêu lưu ký” của nhà văn Tô Hoài sẽ xuất bản tại Liên Xô. Lần đầu tiên vẽ minh họa một cuốn sách cho trẻ em được xuất bản ở nước ngoài, họa sĩ Ngô Mạnh Lân đã rất trăn trở và đem hết khả năng sức lực thực hiện công việc tinh tế và khó khăn này.

Ông đã gặp nhà văn Tô Hoài trên từng trang “Dế mèn phiêu lưu ký” như một bạn đọc tri âm tri kỷ và những trang văn ấy đã gợi mở sức sáng tạo của ông: “…Cuốn sách rất thú vị với tôi vì những gì được kể trong đó rất quen thuộc như đã có trong ký ức của tôi. Một thế giới nhỏ bé của côn trùng, chim chóc và những sinh vật sống giữa thế giới xanh tươi với thảm cỏ xanh, đường mòn, mương rãnh, gò đất… Thật là hồn nhiên thơ mộng chan chứa khát vọng tự do và hòa bình mà sâu sắc tinh thần chủ nghĩa nhân văn. Sau khi đọc xong cuốn sách tôi quyết định đi tìm tư liệu cần thiết. Tôi thường xuyên vào thư viện tìm đọc các sách sinh học, ghi chép lại đời sống tập tính của những sinh vật được nhắc đến trong tác phẩm của Tô Hoài. Tôi đi thăm vườn thú, vẽ phác thảo các loài ếch, cóc, cá và tôm khác nhau… không quên thu thập những thông tin hình ảnh sinh trưởng của rau củ cỏ cây, đó là những gợi ý các mẫu trang trí”.

Tôi được biết những lời này từ mùa thu năm 1991. Đây là những lời tâm sự của họa sĩ Ngô Mạnh Lân khi ông trình bày bài thuyết trình trong cuộc tập huấn “Xuất bản sách trẻ em ở Việt Nam” do NXB Kim Đồng, Trung tâm văn hóa Châu Á thuộc UNESCO  và Ủy ban UNESCO quốc gia Việt Nam tổ chức. Thật may mắn là tôi đã giữ gìn tài liệu của cuộc tập huấn đó tới hôm nay.

 
Họa sĩ Ngô Mạnh Lân: Trọn đời hội họa vì trẻ thơ -0
Tranh minh hoạ "Dế mèn phiêu lưu ký" bản in tiếng Nga của hoạ sĩ - NSND Ngô Mạnh Lân.

Họa sĩ Ngô Mạnh Lân đã gắn bó với nhà văn Tô Hoài từ năm 1959 ấy. Không chỉ vì công việc minh họa một cuốn sách mà còn một lẽ lớn hơn, họa sĩ Ngô Mạnh Lân là một người có khả năng cảm thụ văn học tinh tế và là người yêu thích văn học, đặc biệt là văn học cho trẻ em. Ông đã vẽ tranh minh họa sách cho trẻ em bằng cả tâm hồn văn học của mình.

Với khả năng cảm thụ văn học nhạy bén, họa sĩ Ngô Mạnh Lân đã thấy được hồn cốt của các tác phẩm văn học thiếu nhi xuất sắc như “Cái Tết của Mèo con” của nhà văn Nguyễn Đình Thi, “Những chiếc áo ấm” của nhà văn Võ Quảng. Nhờ thế mà ở vị trí đạo diễn phim hoạt hình, ông đã tổ chức sáng tạo được những bộ phim đặc sắc để đời như “Mèo Con” (1965) và “Những chiếc áo ấm” (1968).

Trên cương vị Giám đốc Hãng phim hoạt hình Việt Nam với tình cảm gắn bó với văn học, ông đã khích lệ các nhà văn viết cho thiếu nhi viết kịch bản cho phim hoạt hình như các ông Phạm Hổ, Phong Thu, Trần Hoài Dương… đã có những kịch bản hay, đóng góp phong phú phim hoạt hình Việt Nam.

Họa sĩ Ngô Mạnh Lân quê ở làng Tả Thanh Oai, Thanh Trì, Hà Nội, một làng cổ có họ Ngô với dòng Ngô gia văn phái tiêu biểu là các danh nhân Ngô Thì Sĩ (1726-1780), Ngô Thì Nhậm (1746-1802)… Nguồn cội văn hóa dân tộc đã vốn có trong tâm hồn họa sĩ tự thuở ấu thơ, vì vậy khi trở thành một người làm phim hoạt hình cho trẻ em, ông đã đặc biệt chú ý đến khai thác vốn cổ từ truyền thuyết lịch sử và truyện cổ tích, dân gian.

Nhà văn Tô Hoài đã là người đồng hành tâm đắc với họa sĩ Ngô Mạnh Lân trong đề tài này, hai ông đã tiếp tục cộng tác thành công với bộ phim “Ông Gióng” (kịch bản của nhà văn Tô Hoài) đã đạt giải “Bồ Câu vàng” Liên hoan phim quốc tế Leizig (Cộng hòa dân chủ Đức) năm 1970. Sau đó là “Trê Cóc” (năm 1993) được dựng phim hoạt hình từ cuốn sách tranh truyện “Trê Cóc” (NXB Kim Đồng) do nhà văn Tô Hoài viết lời. Với đề tài truyện cổ tích, dân gian, họa sĩ Ngô Mạnh Lân còn tiếp tục cộng tác với các tác giả trẻ trong các cuốn truyện tranh “Mụ Lường” (NXB Kim Đồng); “Hai ông Tiến sĩ” (NXB Kim Đồng).

Họa sĩ Ngô Mạnh Lân đã vẽ bìa, minh họa cho hàng chục cuốn sách và tranh truyện cho trẻ em, là đạo diễn 17 bộ phim hoạt hình cho trẻ em, trong đó có nhiều tác phẩm được giải quốc tế, Ông đã được trao tặng Giải thưởng Nhà nước năm 2007. Trong suy nghĩ của họa sĩ Ngô Mạnh Lân, ông rất trân trọng công việc hội họa cho trẻ em và coi đó là sự nghiệp của cả đời mình. Ông đã tâm sự: “Có thể nào coi việc minh họa sách cho trẻ em là tác phẩm đơn giản, là tác phẩm loại hai được không? Không, hoàn toàn không! Đối với tôi cũng như một số họa sĩ khác, đây là một công việc vất vả, tốn nhiều công sức nghiên cứu và đôi khi cay đắng vì kết quả không phải lúc nào cũng như ý…

Theo tôi, hội họa cho trẻ em là một lĩnh vực nghệ thuật khó mà người ta phải nỗ lực rất nhiều trong cả cuộc đời”.

Những lời tâm sự của họa sĩ Ngô Mạnh Lân là những lời tâm huyết để lại cho những thế hệ sau. Tôi nghĩ rằng những lời ấy không chỉ dành riêng cho hội họa mà có ý nghĩa chung cho văn học, âm nhạc và các ngành nghệ thuật dành cho trẻ em. Đối với tôi, họa sĩ Ngô Mạnh Lân là người thầy của tất cả những người làm công việc văn học nghệ thuật cho trẻ em. Tôi đã được gặp họa sĩ Ngô Mạnh Lân đến NXB Kim Đồng lần cuối cùng vào dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà văn Tô Hoài (năm 2020). Dù đã ở tuổi ngoài 80, ông vẫn có phong độ tươi vui thanh lịch, chan hòa khi gặp gỡ giao tiếp với các bạn đồng nghiệp già cũng như trẻ. Nhân dịp kỷ niệm đó, NXB Kim Đồng đã in lại bản vẽ của họa sĩ Ngô Mạnh Lân với cuốn “Dế mèn phiêu lưu ký” từ năm 1959. Họa sĩ Ngô Mạnh Lân đã về cõi vĩnh hằng, những tác phẩm hội họa cho trẻ em của ông sẽ đồng hành với trẻ em Việt Nam mãi mãi.

Lê Phương Liên
.
.