Hồ Minh Thông - người thơ “chưng cất” tình yêu

Thứ Bảy, 05/10/2024, 18:18

Cầm tập thơ mới "Gọi hoàng hôn" còn thơm mùi lo lắng trên tay, nhà thơ Hồ Minh Thông nói với tôi: “Em làm sách đúng vào ngày có bão số 3 Yagi, không biết xuôi chèo mát mái không?”. Tôi nói, “thông đồng bén giọt rồi còn gì?!”, dù hiểu chị nói về nghĩa khác.

Nhà thơ Hồ Minh Thông “bước vào thơ” từ ngày còn phổ thông, hiện chị là Chánh văn phòng Hội Văn học nghệ thuật Hà Tĩnh, kiêm nhiệm biên tập viên thơ của Tạp chí Hồng Lĩnh. “Gia tài” văn học đến nay chị đã có: "Những cánh rêu", năm 2007; "Miền tĩnh lặng dịu dàng", năm 2013; "Mùa về trên ngói", năm 2014; "Đêm trở dạ", năm 2019, "Ngồi tựa vào trăng", năm 2020. Hồ Minh Thông cũng đã “gặt hái” được một số giải thưởng như: Giải thưởng của Liên hiệp các Hội VHNT toàn quốc năm 2021; Giải thưởng VHNT Nguyễn Du lần thứ V, VI, VII.

nhà thơ hồ minh thông..jpg -0
Nhà thơ Hồ Minh Thông

"Gọi hoàng hôn" (NXB Hội Nhà văn, tháng 9/2024) của nhà thơ Hồ Minh Thông là tập thơ thứ 4, trong 6 tác phẩm đã công bố của chị. Tập thơ gồm 55 bài, được sắp xếp trong 3 đề mục thơ: Phần I có tên "Cạn" - 23 bài, Phần II - "Gọi hoàng hôn"- 18 bài; Phần III - "Những cánh chim lành" - 14 bài. Ngoài thơ về đề tài tình yêu, chị sáng tác nhiều bài có dấu ấn về quê hương Hà Tĩnh, về những miền đất mà chị có cơ hội đi qua. Về thi pháp, 41 bài thơ tự do, 13 bài thể thơ 5 chữ, 1 bài lục bát.

Từ các tập thơ đã xuất bản cho đến "Gọi hoàng hôn", về hình thức, Hồ Minh Thông đã là người kỹ lưỡng với bản thảo, dụng công sắp xếp, nói lên rằng, chị nâng niu chữ nghĩa, trân trọng bạn đọc của mình. "Gọi hoàng hôn" dày hơn 120 trang, đủ độ cần thiết, tinh tế với bìa và 5 phụ bản của họa sĩ Văn Sáng. Đọc "Gọi hoàng hôn", bạn đọc thấy Hồ Minh Thông đã có những bước tiến, chuyển tiếp mới, dẫu vẫn là “tiếng lòng” ấy, trên con đường thơ nhọc nhằn, vốn chỉ dành cho những ai không sợ “chồn chân, mỏi gối”. Đây là tập thơ trữ tình đáng đọc.

Tôi đọc khá nhiều thơ về đề tài tình yêu, từ thơ của “Ông hoàng thơ tình” Xuân Diệu (định danh của Hoài Thanh - Hoài Chân) thế hệ trước, cho đến các nhà thơ đương đại, kể cả thế hệ 9X, 2X. Tất nhiên, tôi đọc cả thơ nước ngoài. Những lúc ấy, trong tôi luôn vang lên câu hỏi: Tình yêu là gì? Có ai hiểu về tình yêu cặn kẽ và giải mã được nó trong cuộc đời?

Trong khi chưa tìm được câu trả lời, tôi tự trấn an rằng: Từ cổ chí kim, người ta cứ viết, cứ tìm kiếm để đọc thơ tình, chứng tỏ rằng, chưa ai hiểu hết các cung bậc của tình yêu; nếu chưa muốn nói, tình yêu mãi mãi vẫn là một trong những mục đích kiếm tìm, hy vọng được sở hữu nó trong cuộc đời không dài của kiếp người.

....
nàng tặng tôi một đóa vô thường
tôi chưng cất thành mật ngọt
tôi chưng cất từ sự thật
về tình yêu…

Đọc đến khổ cuối này trong bài thơ "Đêm vô thường" của chị, tôi lại phải suy nghĩ, liệu “người thơ” của nhà thơ Hồ Minh Thông có “chưng cất” được sự thật về tình yêu? Thường những người giỏi về hóa học, kết quả “chưng cất” chỉ có thể chính xác khi các nguyên tố đưa vào tham gia phản ứng phải chuẩn xác, đúng liều lượng. Tất nhiên phải có cả dung môi.

“Bạn không thể tắm hai lần trong một dòng sông”. Câu nói này của nhà triết học cổ Heraclitus hoàn toàn đúng; nhưng không phải ai cũng quán chiếu triết học. Điều này luôn mới, ngay trong “thế giới tinh thần”, trong miền cảm xúc: “tôi của bây giờ/ có phải tôi như những ngày xưa” (Vì sao đi lạc). “Mới đêm qua, sen đã rụng tơi bời/ Hạ lả tả rơi đầy trong ký ức/ Anh khép cửa cũng là vừa lúc/ Em mở mùa đem nỗi nhớ ra phơi” (Hạ).

tập thơ mới của nhà thơ hồ minh thông.jpg -1
Tập thơ mới của nhà thơ Hồ Minh Thông.

Cuộc sống của con người vốn là một giấc mộng, thoáng vụt qua rồi lại biến mất vào hư vô. Sinh mạng con người cũng thế, muôn vật đều thế, mọi thứ sinh ra không thể đứng yên hoặc trường tồn mãi mãi. Tình yêu hẳn nhiên cũng vậy. “Đêm vô thường” là đêm không có thật, đêm của ý niệm. Việc nhà thơ Hồ Minh Thông cho “người thơ” của mình “chưng cất” sự thật tình yêu trong đêm ấy, chắc chỉ ra một kết quả huyễn hoặc, mơ hồ? Bài thơ có một câu trả lời “ẩn”, tác giả để người đọc thơ tự ngẫm.

Hồ Minh Thông là nhà thơ có tâm hồn mong manh, run rẩy trước tình yêu; nhưng cũng đầy độ lượng. Trong sự soi chiếu của chị, vạn vật đều có tình yêu, khao khát, thổn thức về tình yêu, ngay cả cánh buồm. “Những cánh buồm hát về tình yêu/ khi gió thổi căng/ ngực nõn mềm phồn thực/ mơ giam cầm mắt người nơi ngực mềm tù ngục/ sau đêm lỡ làng/ người vội vàng bỏ lại cánh buồm/ đi hái mảnh sao rơi” (Những cánh buồm hát). Ngoài tình yêu, cánh buồm ấy phải chăng còn là biểu tượng cho những khát vọng mãnh liệt nhất của con người về tự do, về cái đẹp…?

"Rót" là bài thơ gồm 8 khổ, thể thơ 5 chữ, thi pháp gần gũi. Nếu theo “tư duy hình thức” thì có thể nghĩ rằng bài thơ dài. Nhưng đọc kỹ, tôi nhận ra, bài thơ có nhiều cung bậc đan vào nhau, vang lên lúc tâm hồn khắc khoải với những câu hỏi về tình yêu:

Ai rót vào đáy mắt
Chút bóng chiều đang trôi
Người đi ngày tê tái
Môi tìm rót vào môi

...

Rót trôi ngày hoang dại
Rót tàn đêm dở dang
Cuối đáy cốc…ngỡ ngàng
Ngàn năm còn đọng lại

Đây là khổ đầu và khổ cuối của bài thơ. “Người đi ngày tê tái/ Môi tìm rót vào môi”, ở đây “người đi” là đi như thế nào? Có thể “người” là ẩn dụ của một cuộc tình vừa tan vỡ lắm chứ? Có thể vì thế mà ngày trở thành “ngày hoang dại”, đêm trở thành “đêm dở dang”. “Cuối đáy cốc… ngỡ ngàng/ Ngàn năm còn đọng lại”. Câu thơ làm tôi nhớ đến Trịnh Thanh Sơn với câu “Anh ngồi rót biển vào chai” (Biển vắng). “Người thơ” trong bài thơ "Rót" của Hồ Minh Thông thì rót, rót mãi, cuối cùng chỉ thấy “ngàn năm” đọng lại. “Ngàn năm” là biểu tượng nghệ thuật về thời gian hay là một điều gì khác nữa? Có thể một câu thần chú nào đó về tình yêu đã trở thành thư tịch, có thể đã hóa thạch hiện lên thay câu trả lời?

Ngôn ngữ tình yêu trong thơ vốn “phi giới tính”. Đọc mảng thơ tình yêu của Hồ Minh Thông, tôi nhận ra thơ xác tính “thiên tính nữ” nổi bật, đây cũng là một phần của tiếng nói nữ quyền mà chị tham gia trong sáng tác của mình. Ngoài đời, Hồ Minh Thông mỏng mảnh, sương khói nên không có gì ngạc nhiên khi thơ tình yêu của chị đầy tinh tế, cất lên từ cảm xúc đã ngập tràn, từ giấc mơ đã đầy lên trong tâm hồn nhà thơ.

Em gấp gáp cơn mưa hữu hạn/ chạm biển anh vô tận muôn trùng /biển còn nhớ/ cơn mưa chiều trống rỗng/ cuốn về phía cầu vồng/ muôn sắc thinh không” (Mưa biển).

Nếu như thơ là những giấc mơ, là lời giải về những giấc mơ đó thì Hồ Minh Thông là nhà thơ giàu có giấc mơ về tình yêu. Chị đã và đang tìm “từ khóa” của tình yêu. Tuy nhiên, theo chủ quan của tôi, chị đang trong quá trình “giải mã” về nó. Tâm hồn thơ của Hồ Minh Thông đầy những “ăng ten” cảm xúc. Chị luôn run rẩy, bất ngờ và ngạc nhiên: “Bất ngờ hoa ứa mật/ Gọi ong bướm ghé qua/ Bất ngờ trước hiên nhà/ Bóng một người đang đợi” (Xuân bất ngờ). Đây là hai lý do để quả quyết rằng, chắc chắn chị còn viết thơ về đề tài tình yêu; và chúng ta chỉ có một “quyền” duy nhất là chờ đợi những tác phẩm của chị, dẫu chị vừa “"Gọi hoàng hôn"”.

Khi tôi hỏi về quan điểm với công việc sáng tác, chị chia sẻ: “Với tôi, thơ là hành trình gom nhặt và khám phá vẻ đẹp của cuộc đời, đặc biệt khi vẻ đẹp đó ẩn khuất sau những nỗi buồn, nỗi đơn độc mang tên thân phận con người. Tôi nhặt nhạnh những mảnh vỡ trong tâm hồn mình để tái tạo nên những gì nguyên lành và thánh thiện trong tác phẩm. Thơ với tôi là chốn trú ngụ linh thiêng và đẹp đẽ, là “cuộc đuổi bắt” đầy thăng hoa, hấp dẫn với những ma lực của ngôn từ…”.

Thơ là những giấc mơ từ cảm xúc; tuy nhiên, những giấc mơ ấy được bật lên từ cuộc sống. Thơ đi ra từ cuộc sống, đến lượt nó, mang lại vẻ đẹp, làm đẹp hơn cho cuộc sống. Tôi nghĩ những “giấc mơ thơ” của Hồ Minh Thông đã thực hiện đúng thiên chức của thi ca. Thời gian thì hữu hạn một cách nghiệt ngã, oái oăm thay cuộc đời không chỉ có hạnh phúc, ngọt lành mà còn song hành những khổ đau, đắng đót... Phải chăng hành trình thơ của Hồ Minh Thông đi từ cái hữu hạn đến cái vô hạn; từ hiện sinh đến vô thường; từ nhận thức đến giác ngộ?

Thơ Hồ Minh Thông thấp thoáng tư duy triết học, vừa biện chứng vừa tâm linh, hư thực. Đó là vẻ đẹp triết mỹ, bước tiến mới của thơ chị. Đối với người yêu thơ, nếu giải mã được “mật ngữ” của tình yêu được tác giả giấu kín trên văn bản, hẳn sẽ thêm nhiều điều thú vị.

Ngô Đức Hành
.
.