Hà Nội - mạch nguồn cảm xúc của điện ảnh
Hà Nội ngàn năm văn hiến luôn là miền đề tài và nguồn cảm hứng bất tận của văn học nghệ thuật nói chung và nghệ thuật thứ 7 nói riêng. Kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024), những người làm điện ảnh đã và đang thực hiện các bộ phim ở nhiều thể loại với mong muốn khắc họa vẻ đẹp của đất và người Hà Nội trong truyền thống, hiện tại và tương lai.
Nhiều dự án phim...
Một trong những dự án phim hướng tới kỷ niệm 70 năm giải phóng Thủ đô phải kể tới seri phim “Vì tình yêu Hà Nội” của Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội. Phần 1 là phim “Hà Nội trong mắt em” (đạo diễn Đào Thanh Hưng), dự kiến dài 40 tập đã được khởi động từ đầu tháng 7.
Theo ê-kíp sản xuất, “Hà Nội trong mắt em” là câu chuyện sâu sắc về 5 cô gái, mỗi người mang một tính cách, một công việc, một đam mê riêng nhưng đều có chung tình yêu mãnh liệt với Hà Nội. Đó là Nhật Hạ, một nữ kiến trúc sư trẻ tuổi; Tuệ Lâm là du học sinh Mỹ, con gái chủ tịch tập đoàn bất động sản; Hoàng Phương là phóng viên tập sự; Hồng Diễn là vũ công, hot TikToker và Nhã Uyên ca sĩ, nhạc sĩ dòng nhạc indie (dòng nhạc độc lập). Các nhân vật tình cờ quen nhau qua những tình huống bất ngờ, hài hước và lãng mạn.
Lồng ghép với câu chuyện của các nhân vật, bối cảnh phim được quay tại những địa danh nổi tiếng của Hà Nội như hồ Hoàn Kiếm, cầu Long Biên, hồ Tây... Đoàn phim kỳ vọng sẽ tạo nên những thước phim lãng mạn và đầy cảm xúc để mang đến cho khán giả hình ảnh một Hà Nội vừa cổ kính, vừa hiện đại. Qua câu chuyện công việc, tình yêu, cuộc sống của những người trẻ và dưới góc nhìn chân thực, bộ phim mang đến hình ảnh một Hà Nội mới mẻ, đa sắc màu, đang không ngừng đổi thay và phát triển. Đặc biệt, trong đó, nổi bật là tình yêu Hà Nội tha thiết, cháy bỏng của nhiều thế hệ người Hà Nội. Họ đã cùng làm nên nét đẹp thanh lịch của con người, vùng đất Tràng An.
Cùng nằm trong dự án “Vì tình yêu Hà Nội”, bộ phim “Mật lệnh hoa sữa” (đạo diễn Nguyễn Tất Kiên, dài 40 tập) lại thuộc dòng phim hình sự. Bộ phim đã bắt đầu phát sóng những tập đầu tiên trên sóng Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội, đang thu hút sự quan tâm của đông đảo công chúng. Phim có sự tham gia của những nghệ sĩ, diễn viên tên tuổi như NSND: Lan Hương, Việt Thắng, các NSƯT: Đức Khuê, Nguyệt Hằng, Phùng Tiến Minh, Minh Thảo, Kiều Anh và nghệ sĩ Anh Tuấn, Minh Cúc, Huy Hoàng...
Khai thác hình tượng người chiến sĩ Công an Thủ đô, bộ phim phản ánh cuộc chiến đấu chống tội phạm không mệt mỏi với nhiều hy sinh thầm lặng phía sau mỗi chiến công hiển hách. Để Hà Nội luôn bình yên và có được những danh hiệu vinh quang như “Thành phố vì hòa bình”, là điểm đến yêu thích của nhiều du khách trong và ngoài nước... thì có sự góp công rất lớn của lực lượng CAND. Là một bộ phim hình sự nhưng như đạo diễn Nguyễn Tất Kiên chia sẻ, hình ảnh người chiến sĩ Công an sẽ được khai thác ở góc độ đời thường và gần gũi nhất, bao trùm là câu chuyện về người Hà Nội. Ngoài ra, ê-kíp nỗ lực có được những góc máy, khuôn hình đậm nét về Hà Nội hiện đại, phát triển nhưng vẫn giữ được nét cổ kính, thanh lịch.
Không hẹn mà gặp, ở dòng phim hình sự, “Đội điều tra số 7” mùa 2 (đạo diễn Đinh Tuấn Vũ) có lẽ là món quà ý nghĩa mà những người làm điện ảnh CAND dành tặng công chúng, đặc biệt là khán giả Thủ đô. Khai thác một thương hiệu đã trở thành huyền thoại là Phòng Cảnh sát hình sự, Công an TP Hà Nội (có trụ sở tại số 7 Thiền Quang) - nơi đã phá nhiều chuyên án, góp phần làm nên những chiến công rực rỡ trong lịch sử Công an Thủ đô.
Bộ phim có sự tham gia của các nghệ sĩ như NSƯT Chiều Xuân, Bá Anh, Quang Sự, Liên “tít”, Xuân Tùng, Thanh Hương, Trung “Ruồi”, Thụy Hòa, Tùng Minh... Được hứa hẹn là bộ phim hình sự kết hợp giữa nội dung tâm lý sâu sắc và những thước quay hành động bắt mắt, “Đội điều tra số 7” mùa 2 đang bước vào giai đoạn hậu kỳ và dự kiến sẽ ra mắt khán giả vào quý 4/2024 trên các kênh ANTV, Truyền hình Quốc hội, Truyền hình Nhân dân, SCTV...
Ngoài ra, còn một số bộ phim mới về Hà Nội ở nhiều thể loại như “Ngày mai có nắng” (đạo diễn Đỗ Huyền Trang), “Ký ức tháng 12 năm 1972” (đạo diễn Hoàng Dũng), “Món nợ ân tình” (đạo diễn Nguyễn Tài Văn), “Bản hùng ca Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” (đạo diễn Lê Thi), “Cái nhìn” (đạo diễn Nguyễn Phương Hoa). Các bộ phim được chiếu trên kênh sóng truyền hình và nền tảng mạng xã hội để lan tỏa tới khán giả.
Sức hấp dẫn của một đề tài
Với lĩnh vực văn học nghệ thuật nói chung và phim ảnh nói riêng, Hà Nội là đề tài lớn, mạch nguồn cảm xúc chưa bao giờ vơi cạn với các nghệ sĩ. Lịch sử Hà Nội - Đông Đô - Thăng Long hơn 1.000 năm với nhiều thăng trầm đã đi vào những tác phẩm điện ảnh nổi tiếng. Nhiều bộ phim về Hà Nội đã trở thành những tác phẩm điện ảnh kinh điển như “Sao tháng Tám” (đạo diễn NSND Trần Đắc), “Em bé Hà Nội” (đạo diễn, NSND Hải Ninh, 1974), “Hà Nội mùa đông năm 46” (đạo diễn NSND Đặng Nhật Minh, 1997), “Hà Nội 12 ngày đêm” (đạo diễn NSND Bùi Đình Hạc, 2002), “Hà Nội mùa chim làm tổ” (đạo diễn NSƯT Đức Hoàn)...
Những bộ phim này đã tái hiện tinh thần anh dũng, ý chí kiên cường bất khuất của người Hà Nội trong cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Sau này, Hà Nội còn là bối cảnh chính trong những bộ phim như “Người Hà Nội”, “Hà Nội, Hà Nội”, “Người Mỹ trầm lặng”...
Tuy nhiên, gần đây, có một thực tế là đời sống điện ảnh trong nước sôi động nhưng không khí sản xuất phim truyện của Hà Nội lại khá trầm lắng, chưa xứng với tiềm năng và kỳ vọng. Hoạt động giao lưu điện ảnh tại Hà Nội gần đây cũng thưa vắng. Có lẽ vì thế, sự ra đời của “Liên hoan phim ngắn Hà Nội” lần thứ nhất, năm 2024 (giải “Sao Khuê”) vừa được Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Hà Nội phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao TP Hà Nội, Hội Điện ảnh Hà Nội tổ chức là cần thiết để khởi động hoạt động điện ảnh Thủ đô. Ban tổ chức khuyến khích các tác phẩm về Hà Nội với các tiêu chí: ý tưởng độc đáo, có sự tìm tòi và khám phá cách thể hiện mới về Thăng Long - Hà Nội, nội dung phim mang tính nhân văn sâu sắc, tôn vinh vẻ đẹp và giá trị văn hóa, con người Hà Nội, thể hiện tính chuyên nghiệp trong cách làm phim.
Khai thác đề tài hậu chiến, bộ phim “Hóa giải” kể về nỗ lực hàn gắn mối quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam sau gần 3 thập niên, thông qua các cuộc gặp giữa các cựu phi công của hai nước đã giành được giải cao nhất. Từ các câu chuyện của hai phía trong “Hóa giải”, khán giả thấy được sự khốc liệt của chiến tranh nhưng cũng chính từ đó, càng cảm nhận được giá trị của hòa bình cũng như lòng nhân ái của con người Việt Nam.
Một tín hiệu vui là mới đây, ở lĩnh vực phim điện ảnh, bộ phim do Nhà nước đặt hàng là “Đào, phở và piano” (đạo diễn NSƯT Phi Tiến Sơn) đã tái hiện Hà Nội gần 80 năm trước. Thông qua câu chuyện xảy ra trên chiến lũy ở một khu phố cổ mùa đông 1946, bộ phim khắc họa những khoảnh khắc dữ dội mà cũng vô cùng hào hùng, lãng mạn trong cuộc chiến 60 ngày đêm của quân và dân Thủ đô. Bộ phim ca ngợi tinh thần quả cảm, lòng yêu nước và cốt cách, phẩm chất của người Hà Nội ngay cả trong hoàn cảnh khốc liệt nhất.
Đáng mừng, khi ra mắt, bộ phim đã tạo được cơn sốt phòng vé - một điều khá hiếm gặp với những bộ phim về chiến tranh, cách mạng. Điều đó cho thấy một thế hệ trẻ luôn biết trân trọng, tự hào về quá khứ của cha ông. Ngoài ra, dù đã ở tuổi ngoài 80, đạo diễn NSND Đặng Nhật Minh vẫn dành tâm sức hoàn thành bộ phim “Hoa nhài”, một góc nhìn về Hà Nội ngày nay đã cho thấy, làm phim về Thủ đô, về con người Hà Nội vẫn luôn là điều đau đáu trong tâm hồn đạo diễn tài năng này
Theo ý kiến của các chuyên gia thì những người làm điện ảnh ngày nay đã không chỉ khai thác câu chuyện lịch sử, truyền thống, còn có nhiều tìm tòi, phản ánh con người của thời đại mới, dáng vóc công dân của Thủ đô hòa bình và anh hùng. Hy vọng rằng, một Hà Nội nhiều màu sắc, chứa đựng trong đó vẻ đẹp thiên nhiên, con người, di sản văn hóa sẽ là tiền đề để có thêm nhiều tác phẩm điện ảnh xứng tầm. Điều này cũng phù hợp với nghị quyết của Thành ủy Hà Nội về phát triển văn hóa trên địa bàn Thủ đô (giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030), trong đó ngành công nghiệp điện ảnh là một lĩnh vực giàu tiềm năng được tập trung đầu tư phát triển để không chỉ phục vụ nhu cầu của nhân dân mà còn thúc đẩy du lịch và xuất khẩu văn hóa.