GS Nguyễn Văn Huyên trên con đường sự nghiệp

Thứ Sáu, 30/09/2022, 15:36

GS Nguyễn Văn Huyên sinh ngày 16/11/1905 tại Lai Xá - Làng nhiếp ảnh - Đất danh nhân, thuộc xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Đông (nay là Hà Nội). Cha ông là cụ Nguyễn Văn Vượng, làm công chức Sở Kho bạc Hà Nội và mất từ khi Nguyễn Văn Huyên mới 8 tuổi. Mẹ ông là cụ Phạm Thị Tý (người cùng thôn) làm nội trợ.

Ông có người chị gái, bà Nguyễn Thị Mão là người có học thức cao, tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Đông Dương từ niên khóa 1924-1927. Bà thuộc thế hệ giáo viên nữ đầu tiên của Việt Nam. Thương các em mồ côi cha từ nhỏ, bà Mão đỡ đần mẹ, lĩnh trách nhiệm và nuôi hai em ăn học, ở đó cho đến khi học hết đại học cho đi du học tại Pháp quốc. Chồng bà Mão là quan Khâm sai đại thần Bắc bộ Phan Kế Toại, đến năm 1948 được Cụ Hồ Chí Minh tin cậy vời ra làm Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Ủy viên Hội đồng Quốc phòng rồi Phó Thủ Tướng nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cho đến khi qua đời.

Biết ơn và thương mẹ, chị nuôi mình ăn học, Nguyễn Văn Huyên cố gắng học hành và thành đạt sự nghiệp từ rất sớm. Năm 18 tuổi đã học xong Ban Tú tài toàn phần rồi đậu Cử nhân Văn khoa ưu tú năm 1929 (khi mới tròn 24 tuổi). Hai năm sau (1931) lại đậu Cử nhân Luật tại Trường Đại học danh tiếng thế giới thời bấy giờ - Trường Đại học Tổng hợp Sorbonne (Pháp). Thời kỳ làm nghiên cứu sinh Tiến sĩ ở Pháp, để có kinh phí tự nuôi mình, ông dạy tiếng Việt tại Trường Ngôn ngữ Đông Phương.

Giáo sư Nguyễn Văn Huyên -0
GS Nguyễn Văn Huyên .

Năm 29 tuổi (1934) Nguyễn Văn Huyên là người Việt Nam đầu tiên bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ Văn khoa xuất sắc tại Đại học Sorbonne (Paris - Pháp). Thời đó để bảo vệ luận án nghiên cứu sinh phải trình 2 luận văn. Cả hai luận văn này đều được xếp loại xuất sắc. Sự kiện này làm cho vị Chủ tịch Hội đồng giám khảo, Giáo sư Vendryes phải thốt lên: “Đây là sự kiện lớn lao đáng ghi nhớ trong lịch sử Trường Đại học Sorbonne!”. Điều đó chứng tỏ rằng người Việt Nam là cực kỳ thông minh, có nền văn hóa thực sự. Hai bản luận án này được in ngay thành sách do Nhà xuất bản Paul Guethner ở Paris xuất bản với sự đánh giá rất cao của các nhà chuyên môn Pháp, Đức, Hà Lan thời bấy giờ.

Trong khoảng 10 năm sau đó, ông đã nghiên cứu và liên tục công bố bằng tiếng Pháp thêm 46 công trình nghiên cứu khoa học về văn hóa và văn minh Việt Nam.

Sinh thời, nhà Sử học nổi tiếng Trần Quốc Vượng (Giải thưởng Hồ Chí Minh) đã viết về GS.TS Nguyễn Văn Huyên: “Ông là một nhà khoa học nhân văn lớn và hiện đại ở nửa đầu thế kỷ XX này. Giới nghiên cứu trẻ, già hôm nay còn được học và phải học ở ông nhiều về phương pháp luận và các phương pháp tiếp cận những sự kiện nhân văn”.

Giáo sư Hà Văn Tấn trong lời đề dẫn công trình dịch và xuất bản lần đầu các tác phẩm của ông Huyên bằng tiếng Việt: “Nhà Bác học Nguyễn Văn Huyên với Văn hóa Việt Nam”, đã viết: “Người ta thường coi Nguyễn Văn Huyên là một nhà dân tộc học lớn, điều đó đúng. Nhưng đọc ông, nghiền ngẫm các tác phẩm của ông, tôi lại thấy trội vượt lên với tư cách của một nhà Xã hội học. Có thể nói rằng phần lớn các công trình nghiên cứu của ông đều nhằm hướng tới những phân tích và kết luận xã hội học”, “Tất nhiên, là để hiểu những gì Nguyễn Văn Huyên nói với chúng ta, chúng ta cần có thì giờ để nghiền ngẫm, để nghiên cứu những công trình đồ sộ hiện đã được dịch tất cả của nhà bác học này”.

Khi cuộc Cách mạng Tháng Tám diễn ra, chiều ngày 22/8/1945, Tiến sĩ Nguyễn Văn Huyên cùng ba nhà trí thức nổi tiếng ở Hà Nội là Nguyễn Xiển, Ngụy Như Kon Tum và Hồ Hữu Tường cùng ký tên dưới một bức điện thư gửi Hoàng đế Bảo Đại. Trong bức điện có đoạn viết: “…Một Chính phủ nhân dân lâm thời đã thành lập. Chủ tịch là Cụ Hồ Chí Minh. Yêu cầu vua thoái vị ngay để củng cố và thống nhất nền độc lập nước nhà!”.

Sau ngày độc lập, ông đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh tin cậy giao cho trọng trách Tổng Giám đốc Đại học Vụ kiêm Giám đốc Viện Viễn Đông Bác Cổ. Năm 1946 ông là Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục.

Ông còn được Hội đồng Chính phủ tiến cử tham gia hai cuộc hội nghị lịch sử có quan hệ đến vận mệnh đất nước. Ông là thành viên trong Ban cố vấn Hội nghị Đà Lạt và là thành viên trong phái đoàn ta năm 1946 dự Hội nghị Fontaineblaus tại Paris-Pháp. Trong những ngày ở Pháp ông thường được làm việc trực tiếp với Hồ Chủ tịch.

Sau chuyến đi Pháp trở về, đầu tháng 11/1946, GS.TS Nguyễn Văn Huyên nhận được tấm danh thiếp của Chủ tịch Hồ Chí Minh mời đến Phủ Chủ tịch bàn công việc và ông được đích thân Cụ Hồ tiến cử giữ chức Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục (nay là Bộ Giáo dục và Đào tạo) và giữ chức vụ này liên tục 28 năm 350 ngày cho đến khi ông qua đời ngày 19/10/1975, hưởng thọ 70 tuổi.

Một gia đình trí thức mẫu mực, giàu lòng nhân ái

Giáo sư Nguyễn Văn Huyên -0
Vợ chồng cố Giáo sư Nguyễn Văn Huyên trong tuần trăng mật.

Nguyễn Văn Huyên học vì nhà, vì nước, tạm gác tình riêng, mãi đến năm 31 tuổi (1936) mới cưới vợ. Phu nhân là tiểu thư họ Vi-Vi Kim Ngọc, con gái Tổng đốc Thái Bình Vi Văn Định. Là cô gái xinh đẹp sống trong nhung lụa, lại có học thức nên có biết bao công tử con nhà giàu mê đắm nhưng chỉ lọt vào “mắt xanh” của nàng một tài năng trẻ nghèo nhưng giàu kiến thức, đó là Giáo sư Tiến sĩ tài danh Nguyễn Văn Huyên.

Bà Kim Ngọc biết đặt lợi ích của đất nước lên trên lợi ích của gia đình, hết lòng ngưỡng mộ và chăm sóc vị trí thức lớn trong tương lai của đất nước. Khi ông đã là Bộ trưởng, bà thường giúp ông giao tiếp trong công tác ngoại giao của chồng. Ông làm việc căng thẳng, thấy ông đứng lên mở nhạc là bà biết ý đi pha trà hoặc cà phê rồi im lặng cùng ông thưởng thức.

Ông bà có với nhau bốn người con, ba gái và một con trai út. Nguyễn Kim Nữ Hạnh là con gái đầu (1937-2010) hay Nguyễn Nữ Hạnh, nguyên là kỹ sư Thông tin của Tổng cục Đường sắt Việt Nam, tác giả cuốn hồi ký: “Tiếp bước chân cha”. Con gái thứ hai là Nguyễn Kim Bích Hà (hay Nguyễn Bích Hà) là PGS.TS, Hiệu trưởng Trường dân lập Nguyễn Văn Huyên - Hà Nội. Con gái thứ ba là Nguyễn Kim Nữ Hiếu (hay Nguyễn Nữ Hiếu) là Đại tá, PGS-TS, Thầy thuốc Nhân dân, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Chồng là GS. TS, Nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân Dũng. Thứ tư là con trai út Nguyễn Văn Huy, GS.TS, nguyên Giám đốc-Người sáng lập Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam. Về hưu, hiện nay là người sáng lập và trực tiếp làm Giám đốc Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên trên quê hương ông - Thôn Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội.

Ông chia sẻ: "Gia đình sống trong cuộc sống kháng chiến, đất nước có chiến tranh và thời kỳ bao cấp kéo dài nên không ít khó khăn trong sinh hoạt nhưng ông bà Nguyễn Văn Huyên-Vi Kim Ngọc biết chăm sóc, tằn tiện để nuôi các con ăn học và trưởng thành như ngày nay là một cố gắng phi thường".

Tháng 8 năm 1975, lần đầu tiên bà được cùng ông sống những ngày hạnh phúc trong chuyến đi nước ngoài chữa bệnh cho ông ở Cộng hòa dân chủ Đức. Tấm ảnh kỷ niệm được chụp vào 8/1975 khi đang trên đường từ Liên Xô, không ngờ đó lại là tấm ảnh cuối cùng của đời bà với người chồng yêu kính khi ông sang Đức để phẫu thuật. Ba tuần lễ trước khi lên bàn mổ, bà cùng ông đi thăm bạn bè người thân.

GS. Huy tâm sự: Mẹ tôi cho rằng đó là tuần trăng mật muộn màng của đời mình. Khi ấy bà chưa đến tuổi 60. Sau ca mổ, bố tôi ra đi vĩnh viễn! Mẹ tôi tưởng chừng không thế sống tiếp được nữa vì nỗi đau và mất mát quá lớn. Mẹ tôi viết di chúc cho các con với những lời thật thê lương, tan nát tận cõi lòng khi nói về ba tuần sống cùng chồng trước khi ông qua đời: “Sung sướng trong hạnh phúc/Đau thương khi vĩnh biệt!”.

Cuốn di chúc viết vào ngày thứ 58 sau khi chồng qua đời, được bà cất kín trong chiếc hộp sắt nhỏ. Mãi 13 năm sau, lúc bà tạ thế gia đình mới tìm thấy. Ông Huy chia sẻ: chúng tôi vừa đọc vừa khóc, xót thương cho mẹ - một trái tim người mẹ vĩ đại. Bố tôi ra đi, mẹ khóc cạn nước mắt, bỏ ăn uống, thức trắng đêm. Cả ngày bà chỉ lần giở từng trang viết, từng kỷ vật của chồng để ngắm nghía, ôm ấp. Có lần mẹ tôi còn cầm di ảnh chồng, thủ thỉ “tâm sự” như lúc ông còn sống. Mỗi buổi tối, như một thói quen, bà pha sẵn cốc chè hay tách cà phê, bật bản nhạc mà ông thích, ngồi nghe hàng giờ liền để hồi tưởng về ông.

Mọi đồ vật bố tôi thường dùng, bà giữ nguyên. Ngay cả chiếc va li ông dùng trong chuyến đi cuối cùng, mẹ nhắc tôi phải bảo quản cẩn thận. Trong Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên chúng tôi sắp dựng, 2 chiếc va li như muốn gửi thông điệp: bố mẹ như đang đi công tác xa thôi. Chúng tôi rất lo lắng việc bố tôi ra đi sẽ khiến cho mẹ tôi suy sụp, cứ thế mà hao mòn sức khỏe. Thế nhưng, may mắn thay, bà đã lấy lại được thăng bằng về tinh thần, tiếp tục sống thêm với con cháu 13 năm nữa (1975 - 1988).

Hà Nội, năm Nhâm Dần - 2022

Hoàng Kim Đáng
.
.