Gò Tháp - nơi lưu giữ những trầm tích văn hóa
Những ngày kỷ niệm 50 năm hòa bình thống nhất đất nước, không khí vùng Đồng Tháp Mười thật tươi vui, nhất là ở Gò Tháp, một địa chỉ lịch sử, văn hóa thiêng liêng, nơi từng là trung tâm của “Thủ đô kháng chiến miền Nam”.
Lịch sử Gò Tháp chứng kiến rất nhiều trận đánh ác liệt từ thời chống thực dân Pháp đến chống đế quốc Mỹ, trong đó có trận đánh lớn của lực lượng đặc công làm đổ sập Viễn Vọng Đài, tức Tháp Mười Tầng của chính quyền Ngô Đình Diệm. Gò Tháp còn là nơi lưu giữ trầm tích văn hóa Óc Eo quý giá hàng ngàn năm…
Điểm hội tụ văn hóa Đồng bằng sông Cửu Long
Từ TP. Hồ Chí Minh chúng tôi vượt gần 120km theo tuyến Quốc lộ 1 về thành phố Tân An, tỉnh Long An rồi chuyển sang Quốc lộ 62 về thẳng Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Gò Tháp thuộc địa phận hai xã Mỹ Hòa, Tân Kiệu của huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp.

Gò Tháp là trung tâm của Đồng Tháp Mười và cái rốn của Đồng bằng sông Cửu Long. Từ khi đất nước bị thực dân Pháp xâm chiếm cuối thế kỷ XIX, Gò Tháp là đại bản doanh cuộc khởi nghĩa oai hùng của hai lãnh tụ Thiên hộ Võ Duy Dương và Đốc binh Nguyễn Tấn Kiều. Đến khi quân Pháp tái xâm lược, Gò Tháp lại trở thành hạt nhân căn cứ địa kháng chiến của Nam Bộ, với cơ quan đầu não gồm những nhà lãnh đạo nổi tiếng: Tôn Đức Thắng, Lê Duẩn, Lê Đức Thọ, Phạm Văn Bạch, Ung Văn Khiêm, Trần Văn Trà, Hà Huy Giáp, Nguyễn Văn Vịnh,…
Ngoài chính trị và quân sự, Gò Tháp còn là di chỉ khảo cổ học quan trọng về nền văn hóa Óc Eo của Vương quốc Phù Nam hàng ngàn năm trước, đồng thời là địa chỉ văn hóa du lịch tâm linh, sinh thái thu hút đông đảo du khách bốn phương đến chiêm bái miếu Bà Chúa Xứ, miếu Hoàng Cô, chùa Tháp Linh, đền thờ Thiên Hộ Dương và Đốc Binh Kiều. Làng sen hương thơm ngát bốn mùa với những đặc sản miền sông nước thật quyến rũ.
Di tích Gò Tháp đã được xếp hạng Di tích Quốc gia năm 1998 và Thủ tướng Chính phủ công nhận Di tích Quốc gia đặc biệt từ năm 2012, đang hướng đến danh hiệu Di sản Văn hóa thế giới của Tổ chức Giáo dục - Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO).
Gò Tháp gồm nhiều gò nhỏ cùng nằm trên một vùng đất pha cát thuộc khu vực Đồng Tháp Mười, có độ cao gần 8m so với mực nước biển. Tư liệu khảo cổ cho thấy Gò Tháp không phải là gò tự nhiên mà là gò đất đắp rất công phu. Mang hình ảnh tiêu biểu sắc thái cảnh quan miền Tây Nam Bộ, không gian Gò Tháp bao gồm hệ thống kênh rạch chằng chịt cùng hệ sinh thái rừng phát triển mạnh, lưu giữ nhiều trầm tích văn hóa. Các nhà khoa học đánh giá rằng, Di tích Quốc gia đặc biệt Gò Tháp cùng với Hoàng thành Thăng Long là hai di tích lịch sử và khảo cổ quan trọng nhất hiện nay của Việt Nam.
Từ di sản quá khứ, Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Gò Tháp ngày nay hội tụ ba loại hình: di tích kiến trúc, di tích cư trú và di tích mộ táng. Những kết quả khảo cổ học đã trở thành chỉ dấu vô cùng quan trọng về các phương diện lịch sử, chính trị, xã hội, tôn giáo, kinh tế, nghệ thuật của nền văn minh rực rỡ Vương quốc Phù Nam từ hàng ngàn năm.
Nhận thấy được tầm vóc của di tích Gò Tháp, từ năm 2005 lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp đã cho khoanh vùng bảo vệ, lập phương án quy hoạch tổng thể với tổng diện tích khoảng 300ha, về sau mở rộng diện tích 320ha, gồm nhiều khu vực. Khu trung tâm Gò Tháp là nơi bảo tồn văn hóa Óc Eo đã được khai quật, bao gồm các di tích kiến trúc, mộ táng, di tích trưng bày ngoài trời có mái che.
Khu văn hóa lễ hội và dịch vụ du lịch có tháp sen, nhà hàng, nhà nghỉ, sân khấu, đua thuyền và các công trình vui chơi giải trí khác. Khu du lịch sinh thái kéo dài từ phía bắc và tây nam, tái tạo bảo tồn hệ sinh thái động vật vùng ngập nước, xây dựng nơi nghỉ dưỡng cùng các trò chơi dân gian. Khu du lịch văn hóa lịch sử tái hiện hình ảnh xưa và nay của Gò Tháp. Hàng năm có hai kỳ lễ hội truyền thống dân gian vào rằm tháng 3 âm lịch là vía Bà Chúa Xứ và rằm tháng 11 âm lịch là tưởng niệm hai vị Anh hùng dân tộc Thiên hộ Võ Duy Dương và Đốc binh Nguyễn Tấn Kiều cùng nghĩa quân…
Cây trôm di sản và dấu tích một thời
Trong số những ngôi gò ở khu Gò Tháp thì Gò Tháp Mười là gò lớn và cao nhất, nơi khởi đầu cho việc thăm dò, khai quật di chỉ văn hóa Óc Eo, đặc biệt trong đó có hai pho tượng thần Vishnu đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Bảo vật quốc gia.
Ngày 15/7/1998, các nhà khảo cổ đã tìm thấy hai pho tượng còn nguyên vẹn này khi khai quật di tích Gò Tháp Mười. Vishnu là thần bảo tồn, một trong ba vị thần quan trọng nhất của Hindu giáo, được ví là “vị thần bao trùm tất cả”.
Hai pho tượng là hiện vật có giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa và là cơ sở khoa học thuyết phục nhất để các nhà khảo cổ học xác định di tích kiến trúc cổ Gò Tháp Mười là đền của thần Vishnu thuộc nền văn hóa Óc Eo của Vương quốc Phù Nam xưa chứ không phải chỉ là mộ táng như từng có ý kiến nhận định từ trước.

Đền thần Vishnu được cư dân cổ Phù Nam xây dựng, trùng tu, tôn tạo và sử dụng vào đời sống tín ngưỡng, lễ hội trong một thời gian dài, từ thế kỷ thứ II đến thế kỷ XII. Xung quanh ngôi đền Vishnu Gò Tháp Mười các nhà khảo cổ còn tìm thấy nhiều di tích khác, như Ao thần, sân lễ hội trước đền và các con đường quanh đền. Trong số bốn kiến trúc Ao thần được phát hiện ở Gò Tháp thì có đến ba Ao thần nằm xung quanh Gò Tháp Mười.
Theo nhà nghiên cứu Võ Thị Huỳnh Như, Ao thần là công trình thường thấy trong các kiến trúc Hindu giáo, để chứa nước sinh hoạt và phục vụ nghi lễ tôn giáo. Ở nước ta, Ao thần từng được phát hiện tại Long An, Tây Ninh nhưng là dạng bàu nước đào sâu xuống đất chứ chưa có công trình nào được xây bằng gạch, kết cấu chắc chắn như các Ao thần ở Gò Tháp.
“Đối với những người theo Hindu giáo, nước mà cụ thể là nước thiêng là một yếu tố quan trọng giúp họ có thể tiếp xúc với thế giới thần linh. Trước khi làm lễ, các tín đồ cần nước để tẩy đi những dơ bẩn của trần tục, để con người có thể bước qua những hàng rào đến với vùng đất của các thánh thần”, nhà nghiên cứu Võ Thị Huỳnh Như cho biết.
Từ thời vua Thiệu Trị nhà Nguyễn, trên đỉnh Gò Tháp Mười có ngôi Tháp Cổ Tự do lưu dân khẩn hoang xây dựng thờ Phật để cầu nguyện cuộc sống bình yên, mùa màng tươi tốt. Tuy nhiên đến năm 1956, sau khi nắm chính quyền ở miền Nam, ông Ngô Đình Diệm đã cho dời chùa đi nơi khác để xây Viễn Vọng Đài, còn gọi Tháp Mười Tầng cao 36m sừng sững giữa đồng bằng bao la, nhằm quan sát khống chế mọi hoạt động của căn cứ địa Đồng Tháp Mười, gây nhiều tổn thất cho các lực lượng cách mạng.
Đứng trước tình hình ấy, quân giải phóng tìm mọi cách phá hủy Viễn Vọng Đài. Vào đêm 4/1/1960, giữa vòng vây bảo vệ chặt chẽ của địch, tổ đặc công Tiểu đoàn 502 anh hùng đã nghiên cứu kỹ địa hình và bí mật đột nhập, dùng 7kg thuốc nổ TNT đánh sập cái tháp 10 tầng Viễn Vọng Đài. Nhờ đó, chiến khu Đồng Tháp Mười mới trở lại nằm trong quyền kiểm soát của cách mạng. Đến nay, những khối bê tông cốt thép còn lại trên Gò Tháp Mười chính là dấu tích của Viễn Vọng Đài một thời.
Ngoài dấu tích lịch sử Tháp Mười Tầng và di chỉ khảo cổ văn hóa Óc Eo thì Gò Tháp Mười còn có nhiều cổ thụ hàng trăm tuổi, trong đó có cây trôm được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam vinh danh là Cây Di sản Việt Nam năm 2016. Cây cao khoảng 25m, chu vi thân đo ở độ cao 1,3m so với mặt đất là 6,5m. Đây là cổ thụ chứng kiến bao thăng trầm khổ nhục và vinh quang, bi thương và hào hùng của Đồng Tháp Mười.
Có lẽ khi cây trôm vừa lớn lên thì ở đây đã diễn ra cuộc khởi nghĩa oanh liệt của Thiên Hộ Dương - Đốc Binh Kiều những năm đầu chống thực dân Pháp xâm lược. Một cuộc khởi nghĩa của “dân ấp dân lân” nồng nàn yêu nước kháng lệnh triều đình nhà Nguyễn nhu nhược để quyết giữ từng tấc đất cha ông trước kẻ thù mạnh hơn mình gấp nhiều lần.
Rồi đến khi quân Pháp tái xâm lược, cây trôm đã chứng kiến những bước chân của chiến tướng Trần Văn Trà cùng Nguyễn Văn Vịnh nhận lệnh về đây xây dựng căn cứ địa cho Khu 8 và sau đó trở thành “Thủ đô kháng chiến” cho cả Nam Bộ giai đoạn năm 1946 - 1949, với các cơ quan đầu não là Xứ ủy, Ủy ban Kháng chiến Hành chính và Bộ Tư lệnh Nam Bộ.
Tên tuổi và sự nghiệp danh tướng Trần Văn Trà bây giờ được trong và ngoài nước biết đến, nhưng có lẽ một trong những nơi ông được quý trọng nhất chính là Đồng Tháp Mười, nơi ông chỉ huy những trận đánh lẫy lừng đầu tiên và cũng là nơi ông khai sinh điện ảnh và nhiếp ảnh Khu 8 vốn được xem là tiên phong của nền điện ảnh và nhiếp ảnh cách mạng Việt Nam.
Đến những năm 1956-1959, cây trôm Gò Tháp Mười lại chứng kiến chính quyền Ngô Đình Diệm của Việt Nam Cộng hòa xây dựng Viễn Vọng Đài, tức Tháp Mười Tầng và bị Tiểu đoàn 502 quân giải phóng đánh sập. Suốt cuộc chiến tranh chống Mỹ, cây trôm còn chứng kiến nhiều sự kiện, trận đánh ác liệt ở chiến khu, nhưng mặc mưa bom bão đạn, cổ thụ vẫn sừng sững hiên ngang vươn giữa trời xanh.
Đất nước thống nhất, cây trôm lại chứng kiến những cuộc thăm dò, khai quật đầu tiên ngay quanh chân mình, để rồi từ lòng đất sâu phát lộ cả nền văn hóa Óc Eo rực rỡ của Vương quốc Phù Nam từ gần 1.500 năm trước. Cây trôm di sản trong đức tin của những người về Gò Tháp dâng hương thực sự là cây thần vững bền qua mưa nắng gió giông!