Giai điệu mới của trường ca Việt Nam

Thứ Bảy, 27/04/2024, 17:57

Sáng 17/4/2024, Hội Nhà văn Việt Nam đã tổ chức ra mắt tập trường ca "Giao hưởng Điện Biên" của nhà thơ Hữu Thỉnh, nguyên Chủ tịch Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật Việt Nam, nguyên Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, do Nhà xuất bản Quân đội nhân dân ấn hành.

Đây là lần đầu tiên một bản trường ca viết trên nền sử liệu và tham khảo tư liệu từ sách, báo viết về Điện Biên Phủ (cả trong và ngoài nước) xuất bản từ nhiều năm trước đây, cho thấy một hướng mới trong cách viết trường ca hôm nay.

Từ sử liệu, tư liệu chuyển hóa thành thi liệu

Nhà thơ Hữu Thỉnh cho biết, ông viết trường ca này trong gần một năm, khởi bút từ ngày 7/5/2023 và hoàn thành vào ngày 20/3/2024. Tập thơ dày hơn 300 trang với minh họa tuyệt đẹp của họa sĩ Ngô Xuân Khôi, gồm 21 chương với các tựa đề: Người ra trận đầu tiên; Điện Biên Phủ; Đâu có giặc là ta cứ đi; Những cây số người; Dưới tán rừng Việt Bắc; Đêm trắng; Tiếng hát Mường Phăng; Nhà thơ chiến sĩ; Con đường ngắn nhất; Thư Bác; Bóc vỏ; Trận địa bầu trời; Người đóng cối xay bên đường 41; Tiến vào trung tâm; Giá từng thước đất; Làng phản chiến bên bờ sông Nậm Rốm; Những bí mật trên đồi A1; Bài học đầu tiên; Gặp gỡ giữa rừng; Binh chủng tinh thần; Tổng công kích; Khúc tưởng niệm.

Giai điệu mới của trường ca Việt Nam -1
       Nhà thơ Hữu Thỉnh.

Trường ca này có thể coi là những trang nhật ký về Điện Biên Phủ mở đầu bằng hình ảnh Bác Hồ, rồi Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các văn nghệ sĩ như: họa sĩ Tô Ngọc Vân, nhà văn Nguyễn Đình Thi, họa sĩ Nguyễn Sáng, nhà thơ Tố Hữu, nhạc sĩ Đỗ Nhuận, nhạc sĩ Hoàng Vân, nhạc sĩ Lương Ngọc Trác, nhà thơ Chính Hữu, nhà văn Hữu Mai, Trần Dần, Hồ Phương... Trường ca cũng dựng tiếp chân dung các anh hùng: Bế Văn Đàn, Phan Đình Giót, Tô Vĩnh Diện, Trần Can... và nhiều anh hùng, liệt sĩ khác. Sau 70 năm, đây là trường ca đầu tiên về Điện Biên Phủ và cũng có thể coi như giai điệu mới của trường ca Việt Nam khi tính thời sự và tính thi ca hòa quyện vào nhau trong một bản giao-hưởng-chữ với những phát hiện, khám phá mới về ngôn ngữ thơ.

Chia sẻ với bạn đọc, nhà thơ Hữu Thỉnh cho biết: "Tác phẩm "Điện Biên Phủ - điểm hẹn lịch sử" của Đại tướng Võ Nguyên Giáp (do nhà văn Hữu Mai thể hiện) đã truyền cảm hứng mạnh mẽ cho tôi. Sau nhiều năm suy nghĩ, tôi đi đến quyết định phải viết một cái gì đó về Điện Biên Phủ. Trước khi bắt tay vào công việc khó khăn này, tôi đã nhiều lần lên Điện Biên, đến các địa danh lịch sử, gặp gỡ một số cán bộ, chiến sĩ từng tham gia chiến đấu ở Điện Biên, đọc rất nhiều sách báo trong và ngoài nước viết về chiến công oanh liệt này của quân và dân ta trong thời đại Hồ Chí Minh. Để tôn trọng tính chân thực của lịch sử, trong tập trường ca này, tôi đã sử dụng một số chi tiết trong cuốn sách của Đại tướng với hy vọng làm tăng thêm tính sử thi của tác phẩm".

Trường ca "Giao hưởng Điện Biên" mở đầu bằng chương "Người ra trận đầu tiên", trong đó tác giả đã xây dựng hình tượng Bác Hồ vô cùng giản dị với áo nâu, túi vải, cơm nắm luôn ung dung tự tại giữa non ngàn Việt Bắc trong những năm đầu kháng chiến đầy gian khổ, khó khăn: "Núi khều xuống một rừng mây trắng/ năm mới vừa sang Bác xuất hành/ suối đến dạo đàn nơi thác đổ/ áo chàm, gậy chống, Bác vào tranh/ Bác lẫn vào mây, mây lẫn núi/ dốc dài dép mỏng bước du xuân/ Việt Bắc tiễn Người chim náo nức/ biên giới ngày qua lại xích gần/ bốn năm kháng chiến đường muôn dặm/ chống càn, nhổ bốt, phá vòng vây/ "Tự do" hai tiếng thành thêm vững/ Độc lập bừng lên mỗi mắt cười/ mỗi bước nặng thêm tình đất nước/ nắm đèo cao hửng nắng phơi/ quán nhỏ dừng chân thành thân thiết/ cây cỏ hồn nhiên cũng cất lời".

Hình ảnh lãnh tụ gần gũi, thân thiết, chân thực, mộc mạc đã động viên tinh thần yêu nước, phơi phới xung phong của các chiến sĩ nơi sa trường khi thấy Bác cùng ra trận: "Bác vui trở lại quê nhà/ cây cao đợi bóng tin xa báo mừng/ lán khuya thao thiết hương rừng/ lúa chiêm được vụ tưng bừng chiến khu/ tòng quân nô nức diệt thù/ sao Hôm phục kích, trăng lu lật tàu/ rèn quân luyện cán đã lâu/ xốn xang được lệnh luồn sâu đồng bằng/ bốn bề lưới lửa bủa giăng/ phá cầu, diệt bốt, kho xăng giật mình/ giành dân, nhân rộng niềm tin/ liên khu mở đất ba miền lập công".

Ta có thể thấy trong nhiều chương hồi của trường ca "Giao hưởng Điện Biên", nhà thơ Hữu Thỉnh đã chuyển hóa khá nhuần nhuyễn tư liệu lịch sử về các trận đánh, các sự kiện, các câu chuyện được kể trong các trang văn, trang báo, bài thơ, điệu nhạc trước đó... thành thi liệu cho thơ ca. Làm được như vậy, mạch thơ trường ca vẫn bám sát hơi thở nóng bỏng của đời sống lịch sử, của sự kiện, của đời sống chiến trường mà chất thơ lãng mạn vẫn trào lên say đắm như trong chương “Đâu có giặc là ta cứ đi”: "Sông Lô thương lính thu bờ hẹp/ ta đỡ cùng em đẩy mái chèo/ ta nhờ nước về xuôi nhắn hộ/ bóng mẹ cùng ta vượt núi đèo/ ngoái lại sao thấy lòng lưu luyến/ sau lưng bề bộn nhớ Bình Ca/ vừa mới Tuyên Quang giờ Phú Thọ/ đường lên Yên Bái chẳng còn xa/ khiêng pháo bầm vai ta leo dốc/ chiến dịch bao lần ta đã quen/ ta bấm chân lên từng bậc gió/ ngôi sao đột ngột đỡ ta lên/ ta lên với nghĩa tình Tây Bắc/ tre nứa thân thương những bản nghèo/ tuýp xôi dúi vội hơi còn ấm/ nhờ ai tìm hộ chiếc khăn piêu/ ta lên với điệu xòe tình tứ/ rượu cần say từng búp ngón tay/ cọn nước quay những vòng bền bỉ/ quay cạn ngày đêm gạo trắng đầy".

"Viết về lịch sử phải làm xúc động người đọc"

Để viết trường ca này, tác giả đã thấy rõ những thách thức, khó khăn đối với người cầm bút khi nhà thơ cho biết: "Tình cảm thì rất sâu nặng, nhưng khi thực sự bắt tay vào công việc thì tôi gặp phải nhiều khó khăn. Đó là viết về một chiến dịch lịch sử, phải làm xúc động tâm hồn người đọc. Khó hơn nữa là đã qua 70 năm, sự kiện lịch sử chiến thắng Điện Biên Phủ đã được các nhà quân sự, các sử gia, các nhà văn, nhà báo và nhất là những người trong cuộc nói tới rất nhiều, khai thác dưới mọi khía cạnh rồi, đến lượt mình, liệu tôi còn có thể đem tới một cái gì mới? Đó là những vấn đề đặt ra mang tính thách thức đối với người viết. Trong trường ca này, tôi muốn đặt chiến thắng Điện Biên Phủ đúng với hoàn cảnh lịch sử của nó và những suy cảm của một người làm thơ sau độ lùi 70 năm. Suy nghĩ là như vậy nhưng làm được đến đâu còn phụ thuộc vào yếu tố chủ quan của người viết".

Giai điệu mới của trường ca Việt Nam -0
Bìa Trường ca “Giao hưởng Điện Biên”.

Trong 21 chương của trường ca "Giao hưởng Điện Biên", có một chương đặc biệt được đặt tên là "Binh chủng tinh thần" với chân dung các văn nghệ sĩ, các nhà báo từng tham gia chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ được tác giả thể hiện khá sinh động trong khúc thức trữ tình: "Văn công đến chiến hào mở hội/ người đâu ra múa đẹp như tiên/ Lương Ngọc Trác ôm đàn trước ngực/ tiếng hát ngân cao vút tiếng kèn/ Đỗ Nhuận kể gặp Phan Đình Giót/ trước đêm ta nổ súng đánh Him Lam/ hành quân xa đến trận đầu thắng giặc/ giải phóng Điện Biên khí thế ngút ngàn/ "Hò kéo pháo" những ngày gian khổ/ Hoàng Vân còn rất trẻ lại tài hoa/ mình ngắm mãi chàng trai Hà Nội/ tự vệ thành Hoàng Diệu chưa xa/ Trần Kư kể: khiêng nhà in leo dốc/ dốc mưa trơn, vập mặt mấy lần/ những bài nóng của Thái Duy, Thép Mới/ những bài thơ của Vũ Cao, Văn Phác, Phác Văn/ những cán bộ Mạc Ninh, Trần Độ/ viết đều tay đúng lúc đang cần/ Nguyễn Bích vẽ lính ta rất sống/ Mai Văn Hiến vẽ Tây mặc váy, lính cười lăn... Nguyễn Sáng công phu phác thảo trong hầm/ ai cũng thấy giống mình một ít/ kỷ niệm vui theo suốt tháng năm/ Tố Hữu theo quân ta từng bước/ trái tim anh đập giữa chiến hào/ anh cất lên những lời đẹp nhất/ "lừng lẫy Điện Biên chấn động địa cầu"/ Hữu Mai sống với từng mũi nhọn/ giành giật từng giây giữ cao điểm phía Đông/ những trang chữ trong chiến hào ghi vội/ mở đầu cho "Cao điểm cuối cùng"/ Trần Dần đến từ Him Lam, Độc Lập/ theo chủ công đến phút cuối cùng/ anh ngồi viết "Người người lớp lớp"/ trong căn hầm từng đợt bom rung/ Một binh chủng không hề mang súng/ tác phẩm hay xúc động lòng người/ Điện Biên Phủ đi vào văn vào nhạc/ đi vào tranh truyền mãi muôn đời…".

Bản trường ca nói trên thực sự là một bản giao hưởng lớn của thi ca đương đại viết về chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ sau 70 năm. Với độ lùi như vậy, tác giả đã dày công thu thập, tham khảo các tư liệu cả về mặt lịch sử, về mặt văn học và báo chí để có thể khắc họa bằng ngôn ngữ thi ca một cách khách quan nhất, chân thực nhất, cảm xúc nhất, sâu đậm nhất về trang sử hào hùng "Chấn động năm châu, vang vọng địa cầu" của dân tộc Việt Nam trong chiến dịch Điện Biên giải phóng đất nước sau 80 năm dài bị thực dân Pháp đô hộ.

Nhà thơ Hữu Thỉnh là một tác giả thành công và được trao nhiều giải thưởng văn học về thể loại trường ca. Sau “Trường ca Biển” (1994), trường ca "Sức bền của đất" (2004), trường ca "Trăng Tân Trào" (2016) đến trường ca "Giao hưởng Điện Biên" (2024), cho thấy sức sáng tạo bền bỉ và phẩm chất tài năng của thi ca ông. Tác giả rất khiêm tốn khi nói về tập trường ca vừa ra mắt của mình: "Với tất cả sự thành tâm của mình, tôi chỉ dám xem "Giao hưởng Điện Biên" như một nén nhang tinh thần tri ân những người đã làm nên một trong những chiến công oanh liệt nhất trong thời đại Hồ Chí Minh".

Nguyễn Việt Chiến
.
.