Kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 - 30-4-2015).

Đường về quê mẹ

Thứ Hai, 27/04/2015, 08:34
Nung nấu ý chí muốn gặp lại mẹ sau ngót ba mươi năm trời xa cách, tôi theo đặc công về tận làng cũ ở Chợ Cạn. Làng thành bãi cát hoang, người làng một nửa chạy ra Vĩnh Linh, một phần bị giặc xua theo vào phía Thừa Thiên. Mẹ và các em tôi chẳng biết lưu lạc đến đâu hay đã ngã gục dưới làn bom đạn Mỹ...

Tôi vào chiến trường B5, sinh hoạt Đảng với bác Thanh (mật danh của Khu ủy Trị - Thiên - Huế), hy vọng đến ngày giải phóng Quảng Trị sẽ được về làng Thượng Trạch quê cha, để được gặp mẹ. Thua đau ở Thành cổ Quảng Trị, giặc rút vào phía Nam, xây dựng thị xã Diên Sanh làm thủ phủ, lập căn cứ phòng thủ, đưa quân đoàn 1 ra đóng khắp nơi trên mảnh đất còn lại của Quảng Trị.

Nung nấu ý chí muốn gặp lại mẹ sau ngót ba mươi năm trời xa cách, tôi theo đặc công về tận làng cũ ở Chợ Cạn. Làng thành bãi cát hoang, người làng một nửa chạy ra Vĩnh Linh, một phần bị giặc xua theo vào phía Thừa Thiên. Mẹ và các em tôi chẳng biết lưu lạc đến đâu hay đã ngã gục dưới làn bom đạn Mỹ.

Một buổi sáng đầu tháng 3/1975, tôi đang ngủ trong hang đá H1, Sở Chỉ huy của Mặt trận B5, nghe tiếng vượn hú inh ỏi. Tôi giật mình vùng dậy đã thấy anh Lê Đình Sô tuyên huấn nai nịt súng đạn, mang ba lô như chuẩn bị hành quân. Anh Sô là đồng đội cùng Trung đoàn 101, Sư đoàn 325 với tôi thời đánh Pháp. Anh báo tin: Quân đoàn 2 vào phối hợp với Quân khu Trị Thiên sắp đánh vào Huế. Sư đoàn 325 của ta đã vào phía Đông và Tây Quảng Trị. Tôi nói muốn về tìm Trung đoàn 101 để đi cùng đơn vị cũ vào Huế. "Vậy thì cậu về ngay Đông Hà liên lạc với anh Hạp ở trạm hậu cần, sẽ đón được 101".

Tôi về Khu ủy gặp anh Nguyễn Huề, Bí thư chi bộ xin giấy giới thiệu và xin phép đi tìm đơn vị cũ để thâm nhập, tham gia chiến đấu và sáng tác. Huề dặn: "Nhớ qua hậu cần nhận kinh phí, lương thực và thuốc men"…

Về Đông Hà mới biết Trung đoàn 101 của tôi hành quân đi vào đã mấy hôm rồi. Tôi sốt ruột muốn đuổi theo. Vào Thừa Thiên, tôi sẽ có dịp về quê mẹ ở làng Hiền Sĩ, huyện Phong Điền. Dù chẳng được gặp mẹ thì cũng có tin của mẹ. Gặp Trưởng ty Văn hóa tỉnh Quảng Trị Hoàng Phủ Ngọc Tường, nhờ Tường tìm cách. Tường nói: "Nhà thơ Thu Bồn vào thâm nhập Quảng Trị để viết về Anh hùng Trần Thị Tâm, cũng đang tìm cách vào Huế, đang chờ ở Thành cổ".

Tác giả (thứ hai từ phải qua) cùng tướng Lê Đình Sô và các sĩ quan ở cửa hang H1 - Sở Chỉ huy Mặt trận B5.

Tường đưa tôi vào Thành cổ gặp Thu Bồn. Thu Bồn cũng sốt ruột nói muốn vào gấp để cùng đơn vị cũ ở Quân khu 5 đánh vào Quảng Nam - Đà Nẵng.

Hôm ấy, xe chở tôi cùng nhà thơ Thu Bồn băng qua thị xã Diên Sanh. Từ xa nhìn ra đường số 1, thấy một dãy ánh sáng đèn pha như trời rạng. Thì ra cả một đoàn xe tải quân sự nối đuôi nhau như rùa bò. Đường tắc, xe dồn lại đứng một chỗ. Tôi và Thu Bồn xuống xe lên phía trước, thấy công binh đang sửa chữa một chiếc cầu nhỏ do địch phá. Gặp mấy người đi xe comăngca là cán bộ của binh đoàn 559 và Tổng cục Hậu cần, chúng tôi mới biết tin hôm qua, lúc 13h ngày 25/3, ta đã giải phóng Huế. Đơn vị đầu tiên đánh thẳng vào nội thành Huế, treo lá cờ chiến thắng lên cột cờ Phu Văn Lâu lại chính là Trung đoàn 101 của tôi.

Tôi buồn và tiếc là không kịp cùng trở lại Huế với đơn vị cũ của mình.

Đến Văn Xá thì trời rạng, một trận mưa rào ào xuống rồi tạnh ngay. Phía cửa biển Thuận An rực hồng, mặt trời đã lên. Đường nhựa sạch bóng như vừa được lau chùi. Xe qua khỏi cầu An Hòa chạy ngoài cửa Hữu, tôi đã thấy lá cờ đỏ sao vàng bay phấp phới trong thành nội Huế. Sông Hương như tấm lụa trải dài trước mắt. Tôi cho xe rẽ trái theo bờ sông Hương về phía cầu Tràng Tiền và kêu lên: "Cờ của ta kìa, sông Hương kìa". Tôi cho xe chạy chậm rồi dừng lại bên gốc cây phượng vĩ già. Tự nhiên có cái gì chẹn nghẹn họng, tôi gục xuống ôm tay lái và nước mắt trào ra.

Thu Bồn đến vỗ lưng: "Sao? Mày khóc à?". Tai tôi nghe loáng thoáng giọng Thu Bồn an ủi mà như đang đọc thơ: "Ôi đẹp vô cùng cái nắng tháng ba. Mở mắt ra bạn ơi! Hãy ngẩng đầu lên mà lau khô nước mắt. Huế của ta giặc chạy hết rồi".

Bố Pheo đã ngồi lại vào tay lái. Đến đầu dốc cầu Tràng Tiền, Thu Bồn bảo tôi xuống xe.

Chúng tôi bước theo đường Trần Hưng Đạo cạnh chợ Đông Ba và bến Thượng Bạc. Cả dãy phố vắng ngắt, có gia đình vội di tản không kịp khóa. Chúng tôi mở một cánh cửa căn hộ hai tầng. Trong tủ lạnh còn thức ăn, nước uống và rượu. Thu Bồn nói: "Cái gì của dân để đâu, cứ để yên ở đấy. Ta không nên đụng vào".

Hai đứa đang loay hoay tìm cái tủ rỗng để bỏ ba lô xuống thì một anh giải phóng đứng sau lưng cất tiếng chào và tự giới thiệu tên là Kiểm, người của Ban An ninh Huế đang bảo vệ khu phố này. Biết chúng tôi là nhà báo đang nghỉ lại chờ đoàn để theo đại quân tiến vào Sài Gòn, Kiểm nói: "Hai anh ngủ lại mấy đêm cho tôi biết để báo cơm và tiện bảo vệ. Hai anh cần đi đâu, làm việc với ai, xin cho biết để cử người đến hướng dẫn, đưa đi".

Thu Bồn chỉ vào tôi và nói: "Anh Tấn có mẹ quê làng Hiền Sĩ, nhưng lên ở Huế với người em ruột, làm thợ vàng ở Gia Hội tên là…"

Tôi nói chen vào: "Sáu Nọi"

- Ông Sáu thợ vàng tôi biết nhưng đã bỏ nghề, hiện ở đường Cao Bá Quát. Cả phố Gia Hội bị giặc xua di tản vào Đà Nẵng nửa tháng nay rồi. Các anh cần gặp ai, tôi đưa đi.

- Hãy cho tôi vào căn cứ Mang Cá. Nghe Trung đoàn 101 còn trong đó.

Kiểm vẻ thành thạo nói:

- Cùng với các đơn vị của Sư đoàn 325, một cánh quân 101 xuống cửa Thuận An, theo phá Tam Giang vào cửa Tư Hiền chặn địch rút chạy ra biển. Một cánh lên dãy núi Kim Sắt chặn địch chạy theo đường số 1 vào Đà Nẵng, họ đang ở Phú Lộc, Bắc đèo Hải Vân.

Kiểm gọi thêm một đội viên đèo Thu Bồn vào Thành Nội, rồi đưa tôi về Hiền Sĩ tìm mẹ. Hai mươi phút sau, chúng tôi đã đến cầu An Lỗ, qua sông Bồ. Đây là con sông đầy kỷ niệm của tuổi thơ tôi. Con sông đẹp, nước xanh ngăn ngắt với đôi bờ cây trái xum xuê. Gần cuối dòng sông là làng Phù Lai của ông Tố Hữu và Niêm Phò của ông Nguyễn Chí Thanh. Chúng tôi rẽ tay trái thêm năm phút xe đã thấy làng Hiền Sĩ. Nhà bà ngoại và bà con của tôi đều vắng. Ở đây người không đi di tản ở lại còn đông. Họ cho biết mẹ tôi nằm trong số gia đình Việt cộng bị ông Thiệu quây dây kẽm gai nhốt trong núi Non Nước đã mấy năm nay rồi…

Người Hiền Sĩ chẳng biết tôi là ai. Thương nhớ mẹ, tôi đứng ngẩn ngơ buồn.

Kiểm đèo tôi qua Đập Đá, Vỹ Dạ. Đã có mùi thối thoảng theo gió biển. Càng đến gần Thuận An thì mùi ô uế càng nặng hơn. Kiểm nói đó là mùi người và cá chết.

Trước cánh đồng cửa Thuận An đầy một bãi xe khổng lồ đủ loại. Xe tăng chồm lên xe Jeep, Jeep chồm lên đè nát xe máy. Có những chiếc xe còn nổ máy. GMC, Đốt, Cát còn nguyên trên xe những rương hòm, vali sang trọng. Kiểm nói giặc chết do pháo ta bắn và cả do chúng nó bắn lẫn nhau, giành nhau chen lên tàu thủy của Mỹ. Cùng đường, quân ông Thiệu bắn cả dân để cướp của, cướp gái, hãm hiếp đàn bà, con gái ngay dưới gầm xe, trên rơ moóc chở hàng. Xe của đại tá Liên Thành, Trưởng an ninh, cảnh sát và tướng Ngô Quang Trưởng cùng nằm trong đống xe này.

Trên đường trở về phố Trần Hưng Đạo, tôi gặp anh Hà Phong, Ban An ninh Huế mới biết tin các anh Nguyễn Trung Chính, Tống Hoàng Nguyên, Phan Nam và Hoàng Lanh, Bí thư Thành ủy đã có mặt trong thành phố. Mừng quá! Những người quen thân đã gặp nhau ở Khu ủy Trị -Thiên - Huế trong rừng Hương Trà, Phong Điền thì nay đã tề tựu đông đủ ở Huế.

Đêm 29 tháng 3 năm 1975, nằm ở Huế, chúng tôi không ngủ được vì tiếng đại bác của ta vẫn ì ầm phía đèo Hải Vân. Trời rạng sáng 30 tháng 3, Đài Tiếng nói Việt Nam đưa tin quân ta đã hoàn toàn giải phóng Đà Nẵng lúc 11h30’ ngày 29/3.

Tôi lại lỡ dịp nữa rồi, Sư đoàn 325, Trung đoàn 101 của tôi và các sư đoàn khác sau khi giải phóng Đà Nẵng đã tiến vào phía Nam. Tôi giục Thu Bồn nhanh chân tìm xe quá giang. Huế - Đà Nẵng chỉ một trăm ki lô mét mà xe bò suốt ngày vì phải tránh hàng trăm xe của bà con Huế di tản quay trở về. Nhá nhem tối mới đến được ngã ba Huế. Chúng tôi xuống xe, hỏi tin anh em văn nghệ Khu 5, lại được các chiến sĩ an ninh và quân quản Đà Nẵng đèo đến trụ sở Tòa án tỉnh Quảng Nam đóng giữa thành phố Đà Nẵng. Không gì vui sướng bằng gặp lại đồng nghiệp, bạn bè. Các văn, thi sĩ… đã ôm lấy tôi và Thu Bồn.

Đêm đó chúng tôi chuyện trò tới khuya. Anh em quân quản thu xếp cho tôi, Thu Bồn và Võ Trần Nhã trải bạt giữa sàn nhà Tòa án Quảng Nam làm chỗ ngủ. Thu Bồn nói với Nhã: "Mày có chân trong Ban quân quản, giúp tìm mẹ Tấn ở bên trại tập trung Non Nước". Nhã nói: "Bên đó chẳng còn ai. Dân đã phá trại tập trung, dỡ cả tôn, tấm ri, lột cả dây kẽm gai đem về quê hết rồi". Tôi nằm lắng nghe, chỉ im lặng, buồn. Không biết lúc này mẹ và các em tôi lưu lạc tới đâu. "Được, để mình và anh em An ninh, Quân quản Đà Nẵng tìm giúp - Nhã an ủi - Bây giờ thì cố mà ngủ cho đỡ mệt cái đã".

Sáng hôm sau chúng tôi được anh em Khu 5 hướng dẫn vào sân bay rồi ra quân cảng Đà Nẵng. Trong sân bay vẫn còn xác lính chết chưa chôn hết. Hàng chục máy bay phản lực và C.130, AD6 bị trúng đạn pháo quân ta từ Thượng Đức bắn về đang nằm ngổn ngang. Công binh và Quân quản Khu 5 đang thu dọn chiến trường. Đường ra Quân cảng đầy áo quần và giày, mũ của binh lính giặc trút lại.

Xác xe, xác tàu cũng như cảnh ở cửa Thuận An. Ta nắm được quân số địch ở Đà Nẵng có chừng 75.000 tên đủ các sắc lính và cảnh sát. Khổ cho lực lượng An ninh và Quân quản thành phố phải lập ra hàng trăm bàn để tiếp nhận quan quân ra trình diện. Các nhà văn Quân khu 5 cũng được huy động ra lập bàn.

Đêm về mệt phờ, chúng tôi ngủ say như chết. Nửa đêm, Võ Trần Nhã đánh thức tôi dậy hỏi: "Thu Bồn đi đâu?". Không ai biết. Tin Thu Bồn "mất tích" đã được Ban An ninh phát trên loa như tìm trẻ lạc! Nửa đêm, Thu Bồn xuất hiện, đánh thức chúng tôi dậy bảo Nhã đi đun nước pha trà. Giọng Thu Bồn như reo vui: "Tớ về Thanh Quýt, đã gặp mẹ tớ rồi. Bà cụ mừng lắm, có quà Quảng Nam cho các cậu đây - Thu Bồn móc trong túi dết ra mấy cục đường phèn và cái bánh tráng kẹp bánh ướt bốc mùi ruốc, đưa gói trà cho Nhã pha - Các cậu chén đi rồi ngủ". Quay lại với tôi, Thu Bồn nói: "Cậu đừng buồn. Tớ đã hỏi kỹ rồi, người ta nói dân Quảng Trị và Huế đang nán lại đầy bên chợ Cồn, đường Trưng Nữ Vương chờ về quê. Sáng mai tớ sẽ đưa cậu đi tìm má".

Gặp lại mẹ (tác giả mặc quân phục đứng phía sau mẹ) cùng các em và các cháu.

Trời vừa rạng sáng, Thu Bồn kéo tôi dậy bắt thay bộ quân phục mới, đầu đội mũ tai bèo và hông đeo súng lục K59. Chúng tôi cuốc bộ đến chợ Cồn, gọi hai tô mì Quảng. Thu Bồn móc ra một xấp giấy bạc tiền ngụy và bảo: "Ăn đi. Muốn gì cứ ăn. Tiền má mình cho đấy".

No nê rồi, hai đứa cuốc bộ qua đường Trưng Nữ Vương, nơi có nhiều quán ăn của người Huế. Trên đường đi gặp nhiều người chặn chúng tôi hỏi tin thân nhân. Một bà cụ mặc bộ lụa trắng chặn chúng tôi hỏi thi sĩ Thanh Tịnh, là em của bà. Tôi chỉ vào Thu Bồn và nói: "Anh này ở một chỗ với ông Thanh Tịnh".

Bà ôm lấy Thu Bồn òa khóc, cảm ơn chúng tôi đã mang tin đến cho bà. Cứ như thế, chúng tôi hỏi mẹ Trần Thị Phấn thì không ai biết, nhưng người hỏi chúng tôi thì nhiều. Nắng đầu tháng tư gay gắt, đã giữa trưa, hai đứa thất vọng định bỏ về thì một ông lão che ô đến dừng lại nói ông có đứa cháu ruột đi từ 30 năm nay chưa thấy về. "Xin hỏi hai ông giải phóng ở Bắc Việt vào có biết thằng cháu tôi không?".

Thu Bồn sốt ruột hỏi lại đứa cháu tên gì. Ông già nói: "Khi đi tên là Cu Anh, con bà chị tôi là Trần Thị Phấn". Tôi giật mình run lên hỏi ông già: "Thế bác tên chi?". "Tui là Sáu Nọi". Đúng cậu ruột tôi rồi. Tôi run run nói: "Chào cậu. Cháu là Cu Anh đây". Cậu Sáu kêu "Trời ơi", rồi kéo hai đứa quay trở lại cái quán cháo lòng tiết canh mà chúng tôi vừa đi qua. "Chị Phấn ơi! Thằng Cu Anh về đây nè!". Tôi cũng hướng vào quán kêu: "Má ơi! Con đã về với má đây".

Má tôi, một bà cụ già trên bảy mươi bước ra ôm lấy tôi. Bà không khóc, còn tôi thì ôm lấy má khóc òa. Má tôi sờ lên tóc, lên mặt tôi, rồi quay vào nhà gọi "Bay ơi!". Em gái tôi chạy ra cũng ôm lấy tôi mà khóc. Má bình tĩnh nói với em tôi: "Con đi nấu cho má nồi nước lá thơm để má tắm gội. Rồi lấy bộ áo quần mới cho má thay". Quay lại với tôi, má nói: "Chờ con đã ba mươi năm. Nay con đã trở về. Tối nay má chết cũng nhắm mắt được rồi"…

Sau khi được gặp má, chúng tôi trở về báo tin mừng cho đồng nghiệp, bạn bè. Nhã nói: "Nghe người ta đồn Quân đoàn 2 và Sư đoàn 325, Trung đoàn 101 đang gặp khó khăn ở phòng tuyến tử thủ của giặc ở Phan Rang. Tư lệnh Quân đoàn, tướng Nguyễn Hữu An tức tốc tự lái xe comăngca cùng người cận vệ chạy suốt đêm vào Phan Rang. Xe bị tàn quân ngụy bắn thủng lốp, tư lệnh vẫn lái xe hỏng một bánh chạy tiếp vào kịp chỉ huy bộ đội giành thắng lợi".

Tôi đành chia tay bạn bè và anh em văn nghệ Khu 5. Thu Bồn và Nhã cũng tìm về đơn vị cũ để được tham dự trận đánh cuối cùng.

Hôm sau tôi ra gặp má. Má đòi chết, các em tôi lo lắng nhưng đêm qua má không chết mà ngủ ngon lành. Nhớ lại khi tôi cùng cậu Sáu bước vào quán của em tôi các cháu đều đi… ẩn nấp. Nay cậu ra thăm, các cháu lấm lét nhìn thấy cậu cười cười vẻ hiền khô. Bé Vinh ôm bà ngoại và hỏi bao giờ cậu Việt cộng cầm dao găm ra… chọc huyết ngoại. Bé Vân cũng đến hỏi má nó: Bao giờ cậu đốt nhà mình? Tôi cười và ôm lấy bé Vân, vậy là cả bọn ùa đến ôm lấy cậu. Ngọc là chị cả nói: "Con Vân ca cải lương hay lắm cậu ơi". Tôi hôn cháu và nói: "Vân ra ca cho cậu nghe đi cháu".

Vân bước ra tằng hắng mấy lần mới cất giọng rên rỉ như tiếng mèo ca một bài gì dài lắm nói về tình yêu. Tôi nhớ có câu: "Yêu em! Yêu em. Anh thề chết bên em có đôi vú cứng với làn môi mềm"… Tôi hỏi Vân, ai dạy cho cháu bài ca này? Cả bọn nhao nhao trả lời: "Đài Sài Gòn đó cậu". Tôi buồn, cay đắng nghĩ: Đại quân ta mau mau tiến nhanh vào bóp họng cái đài chuyên gieo rắc vào tâm hồn trẻ thơ những lời nhảm nhí nguy hiểm đó.

Hôn các cháu, chia tay cả nhà để đuổi theo cho kịp Trung đoàn 101 của tôi đang như cơn lốc tiến vào Sài Gòn... Tôi ôm lấy má và nói: "Má để cho con đi kịp đơn vị. Chừng nào quân mình đánh thắng giặc, giải phóng Sài Gòn xong, con sẽ trở lại đón má về Trị - Thiên - Huế quê mình"…

Trần Công Tấn
.
.