Nhân Hội thảo quốc gia "Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới" diễn ra vào ngày 29/11/2022 tại Hà Nội

Đồng chí Trường Chinh với việc xây dựng nền văn hóa Việt Nam

Thứ Năm, 08/12/2022, 13:19

Những quan điểm về văn hóa của đồng chí Trường Chinh cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Đây là những bài học vô cùng quý báu cho Đảng ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Để chống lại chính sách văn hóa phản động của thực dân Pháp - phát xít Nhật và tay sai của chúng, chống lại trào lưu lãng mạn có khuynh hướng cải lương, bi quan, bế tắc,... năm 1943, Đảng ta đưa ra bản Đề cương văn hóa Việt Nam do đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh soạn thảo và được thông qua trong Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp ở Võng La (Đông Anh, Phúc Yên) vào tháng 2/1943.

anh 1.jpg -0
Bác Hồ và đồng chí Trường Chinh.

Bản Đề cương văn hóa Việt Nam nêu ba nguyên tắc lớn trong cuộc vận động xây dựng nền văn hóa Việt Nam: Dân tộc hóa (chống mọi ảnh hưởng nô dịch và thuộc địa khiến cho văn hóa Việt Nam phát triển độc lập), Đại chúng hóa (chống mọi chủ trương hành động làm cho văn hóa phản lại đông đảo quần chúng hoặc xa đông đảo quần chúng) và Khoa học hóa (chống lại tất cả những cái gì làm cho văn hóa trái khoa học, phản tiến bộ). Bản Đề cương văn hóa Việt Nam đã khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng đối với cách mạng văn hóa.

Đề cương văn hóa Việt Nam là văn kiện chính thức đầu tiên của Đảng về công tác văn hóa. Bản Đề cương văn hóa Việt Nam do đó đã góp phần tập hợp các nhà văn hóa, trí thức để tham gia sự nghiệp giải phóng dân tộc. Trong năm 1943, Hội Văn hóa Cứu quốc cũng đã ra đời và tham gia vào Mặt trận Việt Minh để góp sức vào thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

Ngày 24/11/1946, Đại hội Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất được khai mạc trọng thể tại Nhà hát Lớn (Hà Nội). Hơn 200 nhà hoạt động văn hóa đại diện cho phong trào văn hóa toàn quốc khắp ba miền Bắc, Trung, Nam và đại diện Chính phủ, Ủy ban Thường trực Quốc hội đã đến dự. Trong diễn văn khai mạc Hội nghị, Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra luận điểm: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”. Người chỉ rõ: Nhiệm vụ của văn hóa mới là phải lấy hạnh phúc của đồng bào, sự nghiệp đấu tranh của dân tộc làm nội dung phản ánh, đồng thời phải tiếp thu những kinh nghiệm của văn hóa xưa và nay để xây dựng nền văn hóa mới Việt Nam với ba tính chất: Dân tộc, Khoa học, Đại chúng. Người nêu rõ vị trí, ảnh hưởng của văn hóa nghệ thuật trong việc giáo dục thế hệ trẻ, xây dựng con người Việt Nam yêu nước, độc lập, tự cường, tự chủ.

Hai năm sau Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ nhất, Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ hai do Đảng ta triệu tập, đã diễn ra từ ngày 16 đến 20/7/1948 tại xã Đào Giã, huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ, khi cả nước đang trường kỳ kháng chiến chống Pháp. Hội nghị đã tập trung hầu hết các nhà lãnh đạo, các nhà văn hóa, các văn nghệ sĩ nổi tiếng trong toàn quốc về dự. Các đồng chí: Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Lê Văn Lương chủ trì Hội nghị.

Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ hai, Tổng Bí thư Trường Chinh đã đọc bản báo cáo quan trọng "Chủ nghĩa Mác và văn hóa Việt Nam", chỉ rõ lập trường văn hóa cách mạng trên thế giới và ở nước ta. Đó là: “Về xã hội, lấy giai cấp công nhân làm gốc. Về chính trị, lấy độc lập dân tộc, dân chủ nhân dân và chủ nghĩa xã hội làm gốc. Về tư tưởng, lấy học thuyết duy vật biện chứng và duy vật lịch sử làm gốc. Về sáng tác văn nghệ, lấy chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa làm gốc”.

Báo cáo Chủ nghĩa Mác và văn hóa Việt Nam phân tích tính chất và nhiệm vụ của nền văn hóa mới Việt Nam: “Mục đích của những người làm công tác văn hóa chúng ta là thắng địch, giữ nước, làm cho dân mạnh, dân tiến, dân tin, dân vui, là chống văn hóa nô dịch, ngu dân của thực dân Pháp, khắc phục những tư tưởng phong kiến, lạc hậu trong văn hóa nước nhà, là xây dựng một nền văn hóa dân chủ mới Việt Nam và góp phần văn hóa Việt Nam vào kho tàng văn hóa thế giới”.

Báo cáo Chủ nghĩa Mác và văn hóa Việt Nam chỉ ra trách nhiệm của những chiến sĩ văn hóa lúc đó là: “Tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với kháng chiến; không thỏa hiệp với tư tưởng và văn hóa phản động, không trung lập, không giữ thái độ bàng quan; Yêu khoa học, lấy khoa học Mác xít làm kim chỉ nam cho hành động, biết và làm đi đôi, lý luận và thực tiễn kết hợp; Một lòng một dạ phục vụ nhân dân; gần gũi quần chúng công, nông, binh, cảm thông với quần chúng, học hỏi nhân dân, nhưng giáo dục, dìu dắt nhân dân. “Đó là thái độ chân chính của các chiến sĩ văn hóa mới chúng ta, và cũng là bí quyết thành công của chúng ta” - Tổng Bí thư Trường Chinh nhấn mạnh. “Cuộc sống không đứng ngừng một chỗ. Cần phát triển Đề cương văn hóa theo hướng đúng trong điều kiện cách mạng xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Đồng thời, cần tích cực đấu tranh bảo vệ đường lối văn hóa của Đảng, phê phán kịp thời những biểu hiện tiêu cực, hoang mang, xa rời chủ nghĩa Mác - Lênin, xa rời sự lãnh đạo của Đảng, xa rời quần chúng, những biểu hiện của tư tưởng tự do tư sản trong lý luận, phê bình và sáng tác”.

Về bản chất tốt đẹp của chế độ chủ nghĩa xã hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Chủ nghĩa xã hội là làm sao cho nhân dân đủ ăn, đủ mặc, ngày càng sung sướng, ai nấy được đi học, ốm đau có thuốc, già không lao động được thì nghỉ, những phong tục tập quán không tốt dần dần được xóa bỏ… Tóm lại, xã hội ngày càng tiến, vật chất ngày càng tăng, tinh thần ngày càng tốt, đó là chủ nghĩa xã hội”. Tiếp đó, Người cũng nhấn mạnh: “Chế độ cộng sản là ai cũng no ấm, sung sướng, tự do; ai cũng thông thái và có đạo đức. Đó là một xã hội tốt đẹp vẻ vang”.

Sau hơn 35 năm đổi mới và hội nhập (1986-nay), nhiều giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể Việt Nam đã được công nhận là di sản thế giới, di sản ký ức thế giới. Các loại hình của văn hóa Việt Nam ngày càng được cộng đồng thế giới biết đến và đánh giá tích cực. Và, đời sống văn hóa của đại đa số cư dân đều có những chuyển biến theo chiều tốt lên, kể cả những người ở vùng sâu, vùng xa.

Việt Nam hiện là thành viên tích cực của Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN (ASCC) với mục tiêu góp phần xây dựng một cộng đồng ASEAN “cam kết nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân thông qua các hoạt động hợp tác hướng tới con người, nhằm đạt được tình đoàn kết và thống nhất lâu bền giữa các quốc gia, người dân ASEAN thông qua việc tạo dựng một bản sắc chung và một xã hội chia sẻ, đùm bọc, hòa thuận và rộng mở, nơi có cuộc sống và phúc lợi của người dân được nâng cao”.

Năm 2020, Trưởng đại diện Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) tại Việt Nam Michael Croft đã đánh giá: “Năm 1976 khi mới gia nhập UNESCO, Việt Nam vừa thoát khỏi chiến tranh và giành được độc lập. Các bạn đã giành chiến thắng và đó là chiến thắng của văn hóa hòa bình. Tự bản thân Việt Nam đã đại diện cho những giá trị của UNESCO là đoàn kết, khoan dung, đa dạng và hài hòa. Đây là những giá trị nền tảng tạo nên bản sắc Việt Nam”.

Trong bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” vào năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: “Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.

Bởi vậy, những quan điểm về văn hóa của đồng chí Trường Chinh cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Đây là những bài học vô cùng quý báu cho Đảng ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Huế, ngày 29/11/2022

Nguyễn Văn Toàn
.
.