Đôi chuyện ấm lòng từ Nobel văn học 2021

Thứ Sáu, 07/01/2022, 18:12

Trong 118 nhà văn được trao Nobel văn học từ 1901 tới nay, chỉ có 16 cây bút nữ. Vậy nên, phái đẹp năm nay được cư dân mạng bình chọn dày đặc. Đấy ví như nữ trưởng lão Mỹ Joyce Carol Oates, 83 tuổi, Anne Carson, 71 tuổi, Canada, Lioudmila Oulitskaia, 78 tuổi, Nga, Annie Ernaux, 81 tuổi, Pháp…

Người được giải xin lỗi người trượt giải

Trong 118 nhà văn được trao Nobel văn học từ 1901 tới nay, chỉ có 16 cây bút nữ. Vậy nên, phái đẹp năm nay được cư dân mạng bình chọn dày đặc. Đấy ví như nữ trưởng lão Mỹ Joyce Carol Oates, 83 tuổi, Anne Carson, 71 tuổi, Canada, Lioudmila Oulitskaia, 78 tuổi, Nga, Annie Ernaux, 81 tuổi, Pháp… Nổi bật là ngòi bút vàng Canada gạo cội Margaret Atwood, 82 tuổi. Tiếng tăm văn học và “chiến sỹ nữ quyền lỗi lạc” của bà vượt biên giới Canada đã lâu.

Đặc biệt, bà được hưởng vinh dự hi hữu. Ấy là, tháng mười 2017, được hãng truyền thông Anh quốc Globe and Mail phỏng vấn ngay sau khi trúng Nobel văn chương năm đó, Kazuo Ishiguro, sinh 1955, cây bút Anh gốc Nhật, bày tỏ: “Tôi xin lỗi nữ nhà văn Margaret Atwood rằng năm nay, bà không được trao giải. Từ lâu, tôi vẫn đinh ninh 2017 là năm Nobel văn học Margaret Atwood.…”.

Ông còn thêm: “Chưa bao giờ, dù chỉ thoáng qua, tôi cho rằng mình sẽ được Nobel văn học. Tôi luôn luôn khẳng định với mình, Margaret Atwood quá xứng đáng…”. Song, được Nobel hay không, Margaret Atwood không mấy bận lòng.  

Đôi chuyện ấm lòng từ Nobel văn học 2021 -0
Nữ thi sĩ Louise Elisabeth Glỳck và cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama. 

Quý hồ tinh, bất quý hồ đa

Một “ứng viên” mới toanh của Nobel văn học 2021 là Mia Couto, 66 tuổi, cây bút Mozambique được dịch nhiều hơn cả. Viết bằng tiếng Bồ Đào Nha, ngôn ngữ chính thức của Mozambique, Mia Couto đang chinh phục công chúng văn học thế giới bằng một tiếng lòng khác biệt của lục địa đen.

Tiểu thuyết đầu tay của ông, “Đất mộng du”, 1992, được bình chọn là một trong 12 bộ sách châu Phi hay nhất thế kỷ XX, được cảm nhận như một ẩn dụ đắt giá cho thân phận châu lục này: Châu Phi khao khát đổi đời, nhưng ước mơ đó rất khó thực hiện, thậm chí ảo tưởng. Với Nobel văn học, “Đất mộng du” có giá trị điểm nhấn, như “Silja hay số phận mỏng manh”, của F.E.Sillapaa (1888 – 1964), Nobel văn chương duy nhất của Phần Lan, 1939, cho tới giờ; hoặc “Ông già và biển cả” của E.Hemingway (1899 – 1961), Mỹ, Nobel 1954.

Văn chương không lệ thuộc vào chậm tiến hay nhược tiểu

Nếu châu Á được Nobel văn học từ 1913, với R.Tagore (1861 – 1941), Ấn Độ, thì châu Phi mãi năm 1986 mới được nhận vinh dự ấy – Wole Soynka, sinh năm 1934, Nigeria. Thế mà những Nobel văn học của lục địa đen lại thật đáng nể. Sau Soynka, là Naguib Mahfouz (1911 – 2006), Ai Cập, giải 1988; Nadine Gordimer (1923 – 2014), nữ, Nam Phi, giải 1991; J.M.Coetzee, sinh năm 1940, Nam Phi, giải 2003. Họ lưu dấu ấn đẹp đẽ trên hành tinh về khát vọng sống và niềm lạc quan vào tương lai của đồng bào mình.

Cảm động hơn cả là Naguib Mahfouz, hiện tượng được nhắc tới nhiều mùa Nobel 2021. Ông hiểu biết sâu rộng văn học thế giới, gắn bó gan ruột với quê hương và Tổ quốc, thấm nhuần những phép xử thế căn cốt của thời đại và của nhân loại. Do đó, ông luôn ủng hộ các giải pháp hòa bình cho các cuộc xung đột, chú trọng chung sống hòa bình, không tán thành độc quyền tư tưởng hoặc cực đoan tôn giáo. Một nhóm cực đoan tôn giáo đã ám sát ông, nhưng ông thoát nạn. Về sau, ông tha thứ cho những kẻ định giết mình.

Văn chương Naguib Mahfouz khẳng định một lần nữa luật của muôn đời: Linh hồn của xã hội là yêu thương chuẩn mực; động lực của yêu thương ấy là tư tưởng chuẩn mực (hòa bình, bao dung, vị tha, bình đẳng); năng lượng của yêu thương là khát vọng, kiểm soát và điều chỉnh chung của cộng đồng; công thức hoạt động của yêu thương là quả cảm, kiên định, hợp tác, bền bỉ…

Khi qua đời, ông là nhà văn hiếm hoi được nhiều chính khách, như Bộ trưởng Văn hóa Pháp Renaud Donnedieu de Vabres, nhiều nguyên thủ quốc gia, như vợ chồng Tổng thống Mỹ George Bush… bày tỏ tri ân và chia buồn cùng gia đình.

Tiêu biểu là lời của Tổng thống Pháp bấy giờ Jacques Chirac (1932 – 2019): “Biết tin Naguib Mahfouz đi xa, tôi vô cùng xúc động… Cùng với ông, một gương mặt ngời sáng của văn học thế giới, một con người của hòa bình, của bao dung và của đối thoại đã vĩnh biệt chúng ta… Qua tác phẩm của mình, ông đã miêu tả xã hội Ai Cập với tấm lòng, sự tinh tế và chủ nghĩa hiện thực… Là nhà văn Ai Cập đầu tiên nhận giải Nobel văn học năm 1988, ông đã làm cho văn học Ai Cập và thành phố Cairo cổ kính của tuổi thơ ông nổi danh trên toàn cầu”.

Trật mãi Nobel vì tung hô kẻ ủng hộ phát xít ?

Ngugi wa Thiongo, 83 tuổi, người Kenya, hội tụ nhiều nét căn bản của những Nobel sáng giá bậc nhất: 1. cái riêng độc đáo; 2. lý tưởng (văn chương) hùng mạnh; 3. dấn thân hết mình. Sau thành công vang dội của nhiều tác phẩm viết bằng tiếng Anh, từ 1983, ông chuyển hẳn sang viết bằng tiếng mẹ đẻ, thổ ngữ kikuyu, để đối thoại trực diện với dân tộc mình, mảng độc giả ông ưu tiên số một.

Tính chiến đấu cho ấm no, tự do, công bằng, nhân phẩm và dân chủ trong sáng tác của ông đạt tới tột đỉnh. Vì vậy, ông từng bị chính quyền bỏ tù, không ít tác phẩm bị cấm, một nhà hát dựng một vở kịch “nhạy cảm” của ông bị san trụi… Ông phải tha hương gần như vĩnh viễn. Năm 2004, ông cùng vợ trở về tổ quốc, sau 22 năm xa xứ. Mấy hôm thôi, một đêm khuya, ông bà bừng tỉnh vì nhà bị bốn kẻ lăm lăm vũ khí đột nhập. Chúng hãm hiếp vợ ông ngay trước mắt ông. Chúng đánh đập và đốt mặt ông, khi ông định tự vệ…

Chuyện hy hữu, năm nào cũng vậy, Nobel văn chương vừa được công bố, thế nào cũng có nhà báo tới buồn rầu cho ông biết là ông vẫn trượt giải… Năm 2012, trong Hồi ký của mình, ông bày tỏ lòng ngưỡng vọng vô bờ bến đối với văn học Pháp, nhất là với Louis – Ferdinad Céline (1894 - 1961), - “Đi xuyên đêm tận sáng” - người ủng hộ phát xít Hitler ! Céline bị loại khỏi Nobel văn học. Đã thành thông lệ, Nobel văn chương không vinh danh những cây bút thân gần hoặc tán thành các nhà độc tài. 

Nobel 2019 càng bị chỉ trích kịch liệt

Dịp này, người ta công kích dữ dội Peter Handke, nhà văn Áo, giải 2019. Ấy là vì năm 2006, ông đã tới viếng cựu Tổng thống Séc Sloboda Milosevic (1941 – 2006), kẻ chủ mưu cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn, khi nước Nam Tư cũ phân rã. Tại đám tang đó, Peter Handke công khai phủ nhận tội ác của nhà độc tài. Năm nay, hồi tháng năm, ông đã tới thăm thủ đô của Séc, rồi tới Visegrad, nơi từng có 200.000 dân vô tội bị các lực lượng của Milosevic sát hại năm 1992, để nhận “Giải thưởng văn học Ivo Andric” của nước này.

Ivo Andric (1892 – 1975) là cây bút lừng lẫy của Nam Tư cũ, Nobel văn học 1961, với tiểu thuyết “Cầu trên sông Drina”. Việc Handke không từ chối giải Ivo Andric chứng tỏ ông vẫn ủng hộ mưu đồ tái lập Nam Tư với chế độ độc tài như Milosevic và một số người hiện nay ấp ủ. Điều đó trái với ý tưởng của Nobel văn học…

Người đoạt giải không hề có tên trên các trang mạng cá cược

Thoạt đầu, Aldulrazak Gurnah, 73 tuổi, Tanzania, nghĩ Nobel 2021 dành cho ông là một trò đùa (?!). Trước đó, tên ông không được nhắc tới trên hàng chục trang “Đỏ đen Nobel”, sừng sỏ nhất là Ladbrokes của Anh! Viện Hàn lâm Thụy Điển không lầm!...Thực ra, trung tâm sự nghiệp văn học và dấn thân của Aldulrazak Gurnah là chế độ thực dân và vấn nạn di cư, vấn đề toàn cầu nóng bỏng bậc nhất!

Đôi chuyện ấm lòng từ Nobel văn học 2021 -0
Nhà văn Abdulrazak Gurnah, 73 tuổi đã giành giải thưởng Nobel văn học 2021. 

Công bố 1994, tiểu thuyết “Thiên đường” là tiêu biểu cho văn chương Gurnah. Tiểu thuyết đề cập đến chuyện một thanh niên da đen bị bố mẹ gán nợ (dưới vỏ bọc con nuôi) cho một tay trùm buôn đường dài (dưới danh nghĩa cậu ruột). Cậu bị biến thành một nô lệ trá hình: chở hàng, thường là hàng lậu, dấn thân vào rừng rậm đầy rủi ro nguy hiểm; làm trò trêu chọc giải trí cho cánh lớn tuổi hơn cùng làm – thường cũng là con tin gá nợ; thành nô lệ tình dục căng thẳng cho bà chủ, vốn góa chồng – nhờ khối của cải đồ sộ thành vợ của ông trùm… Cậu tìm lối thoát bằng cách làm lính đánh thuê cho người Đức, bấy giờ tranh giành thuộc địa với người Anh…

Cuốn sách khắc họa chính xác chân dung một lớp trẻ châu Phi thường xuyên bị đe dọa bởi lợi ích luôn thay đổi của các ông to bà lớn, bởi những thăng trầm của các chế độ chính trị, bởi những đảo lộn của thời cuộc. Xã hội biến thành địa ngục. Người dân tị nạn ngay trên quê hương mình. Ấy là nguyên nhân chủ yếu của di dân và tị nạn. Thảm họa ấy cần bị loại bỏ bởi cả điểm xuất phát lẫn điểm đến. … Gurnah nhiều lần đề nghị các nước Âu Mỹ đón nhận dân tị nạn. Họ là một tài nguyên quý báu cần được khai thác khoa học. Có lẽ, đã có người nghe lời ông. Như vậy, “suy nghĩ đúng mới hành động đúng”, Abdulrazak Gurnah đã và đang dấn thân xứng tầm.

Lê Trung Nhân
.
.