Địa đạo Vịnh Mốc - một thế giới sống kiên cường dưới lòng đất

Thứ Sáu, 18/07/2025, 10:45

Giữa mảnh đất lửa Quảng Trị, nơi từng là ranh giới khốc liệt giữa hai miền Nam - Bắc trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, có một công trình ngầm đặc biệt trong lòng đất mang đậm dấu ấn trí tuệ, lòng dũng cảm và khát vọng sống mãnh liệt của con người: địa đạo Vịnh Mốc.

Địa đạo Vịnh Mốc thuộc thôn Vịnh Mốc, xã Kim Thạch, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị (cũ) và là di tích tiêu biểu trong hệ thống 114 địa đạo, làng hầm Vĩnh Linh. Nếu địa đạo Củ Chi là minh chứng cho sự sáng tạo trong chiến tranh ở vùng Nam Bộ thì địa đạo Vịnh Mốc lại là biểu tượng của ý chí sinh tồn mãnh liệt giữa khói lửa chiến tranh tại vùng đất khói lửa miền Trung.

Không chỉ là nơi ẩn náu tránh bom đạn, nơi nuôi giấu lực lượng cách mạng, mà còn là một "thế giới sống dưới lòng đất" - nơi con người vẫn sinh hoạt, học tập, sinh con, giữ gìn truyền thống giữa địa tầng tăm tối và tiếng bom gầm rền trên mặt đất.

Pháo đài dưới lòng đất giữa vùng giới tuyến

Vĩnh Linh là huyện phía Bắc tỉnh Quảng Trị, năm 1954 bị chia cắt làm đôi bởi vĩ tuyến 17 theo Hiệp định Giơnevơ. Năm 1965, đế quốc Mỹ mở đầu cuộc chiến tranh phá hoại ở miền Bắc Việt Nam bằng không lực, mảnh đất Vĩnh Linh phía Bắc sông Bến Hải trở thành túi bom, tuyến lửa của cuộc chiến.

Địa đạo Vịnh Mốc - một thế giới sống kiên cường dưới lòng đất -1
Địa đạo Vịnh Mốc - một thế giới sống kiên cường dưới lòng đất.

Trong khoảng thời gian từ năm 1965-1972, trước khi Quảng Trị được giải phóng, mảnh đất khoảng 800km2 của Vĩnh Linh phải chịu hơn nửa triệu tấn bom đạn dội xuống, tính trung bình mỗi người dân phải chịu 7 tấn. Hệ thống làng hầm - địa đạo Vĩnh Linh đã ra đời để người dân có thể sống và chiến đấu trong hoàn cảnh mưa bom bão đạn và Vịnh Mốc là tiêu biểu nhất.

Trong những năm tháng chiến tranh chống Mỹ với tinh thần kiên cường, "một tấc không đi, một ly không rời", nơi đây là tiền đồn của miền Bắc và là điểm tập trung chi viện cho đảo Cồn Cỏ - hòn đảo có vị trí chiến lược quan trọng trong việc án giữ vùng biển Vĩnh Linh.

Địa đạo Vịnh Mốc là hệ thống hầm ngầm sâu trong lòng đất, gồm 3 địa đạo chính nối thông với nhau thành hệ thống liên hoàn với tổng chiều dài 2.000m. Địa đạo được cấu trúc 3 tầng, trong đó tầng trên cùng sâu cách mặt đất 8-10m có chiều dài 421,82m (nơi chiến đấu và trú ẩn tạm thời), tầng thứ 2 sâu cách mặt đất 12-15m dài 508,08m (nơi sống và sinh hoạt của nhân dân, đóng trụ sở của Đảng ủy, UBND và Bộ Chỉ huy Quân sự), tầng thứ 3 sâu cách mặt đất 20-23m dài 130,35m (dùng làm kho chứa hậu cần cung cấp cho đảo Cồn Cỏ và phục vụ chiến đấu của quân dân Vịnh Mốc); các tầng này và các nhánh được kết nối với nhau qua trục chính dài 780m.

Thời điểm cao nhất có 600 người ở trong lòng địa đạo. Toàn bộ hệ thống có 13 cửa ra vào, gồm 7 cửa thông ra hướng biển, 6 cửa được thông lên đồi. Các cửa hầm có cột gỗ để chống sập và sụt lở, được ngụy trang kín đáo, chếch theo hướng gió, đảm bảo thông thoáng. Hai bên trục đường, cứ khoảng cách từ 3m - 5m thì khoét lõm sâu vào thành từng ô nhỏ, mỗi ô là một hộ gia đình ăn ở và sinh hoạt.

Không khí trong địa đạo được lưu thông bằng hệ thống lỗ thông hơi khéo léo, chống được hơi độc và tránh được sự phát hiện của kẻ địch. Những bức tường đất đỏ bazan được nện chắc đến mức bom tấn không thể phá vỡ.

Chứng tích của ý chí, trí tuệ và lòng quả cảm của người dân Vịnh Mốc

Hệ thống địa đạo Vịnh Mốc được đào từ 1965-1967 với những công cụ thô sơ như: cuốc, xẻng, xà beng và ánh sáng của những chiếc đèn dầu leo lét, hàng trăm con người đã miệt mài khoét từng mét đất, gạt từng phiến đá suốt gần hai năm, trong điều kiện thiếu thốn, hiểm nguy luôn rình rập. Đây là công trình được tạo dựng bằng sức lực, trí tuệ của quân và dân Vịnh Mốc, với trên 18.000 ngày công. Trong mưa bom bão đạn, họ đã đào và vận chuyển khoảng 6.000m3 đất, đá để hoàn thành công trình kỳ vĩ và đặc biệt này.

Hơn thế, người dân nơi đây còn sống và chiến đấu, đánh giặc ngay trên mảnh đất quê hương; tập kết vận chuyển vũ khí lương thực, cấp cứu thương binh, chi viện cho đảo Cồn Cỏ... Điều đặc biệt khiến địa đạo Vịnh Mốc khác biệt chính là tính "sống" trong thiết kế. Không chỉ là nơi trú ẩn, địa đạo được xây dựng như một ngôi làng thực sự có không gian sinh sống của người dân, kho đựng vũ khí đạn dược - lương thực, cơ quan của Đảng và chính quyền, quân sự, các công trình công cộng (hội trường, nhà hộ sinh, trạm phẫu thuật, trạm thông tin...).

Trong những năm tháng chiến tranh khốc liệt đó, mầm sống vẫn sinh sôi dưới hàng chục mét âm lòng đất khi 17 cháu bé đã ra đời ở dưới làng hầm địa đạo Vịnh Mốc. Còn tính 114 địa đạo trên địa bàn huyện Vĩnh Linh đã có 63 đứa trẻ cất tiếng khóc chào đời giữa tiếng bom rơi, đạn nổ.

Địa đạo Vịnh Mốc - một thế giới sống kiên cường dưới lòng đất -0
Du khách tham quan Địa đạo Vịnh Mốc.

Chính yếu tố đảm bảo thông hơi, thông khí một cách an toàn tuyệt đối, đảm bảo cho hàng trăm người sinh hoạt và chiến đấu trong lòng địa đạo là một yếu tố quan trọng nhất của địa đạo. Đi sâu vào lòng địa đạo, dưới ánh đèn chiếu đủ sáng, du khách nhìn thấy rõ màu đất đỏ của vùng đất huyền thoại cũng như nơi ở và sinh hoạt trong địa đạo. Trong gần 2.000 ngày đêm trong lòng địa đạo, quân và dân Vịnh Mốc cũng như Vĩnh Linh đã tạo nên một huyền thoại. Đó là huyền thoại về sức sống kỳ diệu và ý chí quả cảm của con người.

Câu chuyện của quá khứ sống động

Địa đạo Vịnh Mốc không chỉ là công trình quân sự mà còn là biểu tượng của tinh thần đoàn kết, sáng tạo và ý chí quật cường của nhân dân Quảng Trị nói riêng và dân tộc Việt Nam nói chung. Trong điều kiện thiếu thốn, nguy hiểm, người dân vẫn kiên trì bám đất, sống và chiến đấu như những cây phong ba bám chặt vào vách đá giữa đại ngàn bão tố.

Khi hòa bình lập lại, những ký ức đau thương đã dần lùi xa, nhưng câu chuyện về Vịnh Mốc vẫn sống mãi trong lòng mỗi người dân, là minh chứng cho sự kiên cường và khát vọng sống không bao giờ tắt. Hành trình khám phá địa đạo Vịnh Mốc không chỉ mang đến trải nghiệm du lịch độc đáo mà còn là cơ hội để hiểu rõ hơn về lịch sử, văn hóa và con người Việt Nam. Địa đạo Vịnh Mốc là nơi kết nối quá khứ với hiện tại, nơi mà mỗi du khách đều có thể cảm nhận được sức mạnh của tinh thần dân tộc, lòng dũng cảm và khát vọng tự do.

Đến thăm địa đạo Vịnh Mốc, du khách sẽ cảm nhận được sự chịu đựng gian khổ, sức sáng tạo không ngừng và tinh thần chiến đấu quả cảm của quân và dân Quảng Trị trong những năm chiến tranh, nơi mà mỗi bậc cầu thang, mỗi vách đất, mỗi gian phòng đều kể lại câu chuyện thầm lặng nhưng oai hùng về một thời "sống trong lòng đất để bảo vệ bầu trời". Làng hầm địa đạo Vịnh Mốc đã được Đảng, Nhà nước tuyên dương 2 lần anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Với những giá trị lịch sử to lớn đó, ngày 1/7/2015, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có Quyết định công nhận Di tích quốc gia đặc biệt đối với Hệ thống làng hầm Vĩnh Linh và địa đạo Vịnh Mốc.

Với tất cả những giá trị lịch sử và văn hóa mà địa đạo Vịnh Mốc mang lại, nơi đây là một điểm đến du lịch để mỗi người sống chậm lại, suy ngẫm và trân trọng những gì mà thế hệ cha anh đã hy sinh để bảo vệ quê hương, đất nước. Và hôm nay, giữa thanh bình, khi đứng trong lòng địa đạo, chúng ta cúi đầu tri ân và tự nhắc mình: sự sống, tự do và độc lập mà ta đang có được hôm nay, là nhờ bao người đã sống, đã chiến đấu - từ trong lòng đất.

Nguyễn Văn Nhật Thành
.
.