Danh cầm Trần Văn Phú: Điệu flamenco buồn

Thứ Hai, 05/02/2024, 11:01

Như một ngôi sao băng ghé qua bầu trời âm nhạc, ông cất chiếc guitar vào góc tối khi ngón đàn flamenco mê hoặc thuở nào đã lỗi tiếng tơ. Hơn 20 năm buông đàn, vậy mà sóng gió cuộc đời cứ bủa vây lấy người được mệnh danh là “đệ nhất danh cầm” trong giới guitar thập niên 1970 Trần Văn Phú.

Đã tròn 10 năm danh cầm về với cát bụi cố hương. Nơi ông yên nghỉ là ngọn đồi nhìn ra bốn bề cây reo lá hát giữa xứ Huế mộng mơ. Quê hương là nơi ông tìm về sau bao vinh quang và đắng đót ở phố thị nhộn nhịp phương Nam. Thuở Trần Văn Phú còn ở TP Hồ Chí Minh, năm 2012, đã mấy lần tôi vinh hạnh được hầu chuyện cha đẻ cuốn “Trémolo - Kỹ thuật reo dây”.

Ngày ấy, để gặp được danh cầm, tôi không dám giới thiệu mình là nhà báo. Bởi nhớ lời chị Hồng Liên - người vợ sau của ông, dặn: “Ổng ghét cánh báo chí lắm. Hồi trước có mấy người viết bài xuyên tạc đời tư, nói Trần Văn Phú lận đận vì flamenco, ổng giận đến mất ăn mất ngủ”. Tôi đến thăm ông với tấm lòng của một người trẻ yêu guitar, yêu ngón đàn mê hoặc của đệ nhất danh cầm thuở nào. Dù đã không còn biểu diễn, lui về ở ẩn nhiều năm, nhưng hễ ai muốn thọ giáo hay xin gặp gỡ để mạn đàm về guitar, ông không quản ngại đường xá xa xôi.

tran van phu.jpg -0
Danh cầm Trần Văn Phú.

Buổi gặp đầu, ông bảo tôi ở quận 10 thì gặp nhau ở quán ăn nào đó ở quận 10 cho tiện, sẵn ông mời ăn trưa. Trưa Sài Thành nóng như đổ lửa, vậy mà người nhạc sĩ 66 tuổi mồ hôi nhễ nhại cưỡi chiếc xe máy cà tàng lặn lội từ Nhà Bè lên gặp con bé lạ huơ lạ hoắc. Thật, tôi thấy mình lỗi ngập đầu. Ông phẩy tay: “Cô đừng ngại. Học trò tui còn ở xa hơn cô nữa. Mà ngày mô cũng chạy tới chạy lui dạy tụi nó miết nên quen”. Như một học trò nhỏ, tôi ngồi nghe ông say sưa kể về guitar, về thời vàng son năm nào. Đôi mắt ông lấp lánh niềm vui, bừng bừng phấn khích như nhịp flamenco hoang dại.

Trần Văn Phú là một trong những thế hệ tiên phong đem dòng nhạc guitar flamenco vào Việt Nam. Ông là học trò xuất sắc của các Giáo sư, nhạc sĩ: Đỗ Đình Phương, Trương Huệ Mẫn, Dương Thiệu Tước. Thuở còn là cậu bé cắp sách đến trường, Phú đã mê tít cây Tây Ban Cầm của người anh họ. Học lóm vài buổi, nhân lúc ông anh đi vắng, cậu bé lén mang đàn ra gảy. Đánh trật lên trật xuống tùm lum, vậy mà không hiểu sao ông anh nghe được, cốc một cái đau điếng: “Thằng này được. Mai mốt không chừng mày thành nghệ sĩ”. Được anh khích lệ, từ đó Phú quyết tâm tập tành bài bản rồi thi vào khoa guitar, Trường Quốc gia Âm nhạc Huế. Năm 1969, Phú tốt nghiệp thủ khoa.

Cây guitar trên vai, chàng trai trẻ đất cố đô ôm giấc mộng phiêu du về miền đất hứa Sài Gòn. Những buổi độc tấu của Trần Văn Phú ở các tụ điểm, nhà văn hóa, trường đại học dần đông nghịt khán giả, đặc biệt khi anh trình diễn loạt dạo khúc lãng mạn, trữ tình của các nhà soạn nhạc Nam Mỹ Galas, F.Sor, F.Tarrega…. Trong các chương trình độc tấu guitar, anh thường chơi một mình 15 bản nhạc xuyên suốt đêm diễn chứ không bao giờ biểu diễn cùng nghệ sĩ khác. Buổi biểu diễn luôn hài hòa giữa dòng nhạc guitar classic trữ tình và khúc flamenco cháy bỏng, hoang dã pha chút u uẩn đậm chất dân gian Tây Ban Nha. Cung đàn như nàng công chúa ngủ yên trong rừng sâu, được chàng hoàng tử hào hoa đánh thức với muôn nốt nhạc thần diệu quyến rũ lòng người.

Nhắc đến guitar Việt Nam, người ta sẽ nhớ đến tên tuổi của nhiều nghệ sĩ nổi tiếng. Nhưng với guitar flamenco, số nhạc sĩ Việt Nam gắn bó và thành danh đếm chưa quá bàn tay. Ba tên tuổi nổi bật của flamenco chỉ có Hoàng Bửu, Trần Văn Phú và Phan Văn Cam Sành. Trong đó, Trần Văn Phú là danh cầm có ngón đàn điêu luyện, thần sầu nhất, trở thành một trong những bậc thầy của flamenco guitar đầu thập niên 70 thế kỷ XX. Không chỉ biểu diễn, ông còn sáng tác các tấu khúc theo nhạc điệu Malaguea, Soleares… cho guitar flamenco như: Alegrias, Granadinas, Danza Oriental; chuyển soạn một số tác phẩm Việt Nam cho guitar classic: “Tuổi đá buồn” (Trịnh Công Sơn), “Nghìn trùng xa cách” (Phạm Duy), “Cửu khúc” (dân ca quan họ Bắc Ninh)...

Đỉnh cao của “đệ nhất danh cầm” chính là sự ra đời của cuốn “Trémolo - Kỹ thuật reo dây - Tây Ban Cầm độc tấu” vào năm 1971. Đây là kỹ thuật rất khó, hiếm người chơi và soạn được. Trần Văn Phú cho biết cuốn sách được hoàn thành trong vòng ba tháng, bán cho nhà xuất bản Khai Trí với nhuận bút tương đương sáu cây vàng. Chỉ sau thời gian ngắn, một vạn quyển bán hết sạch. Đến nay cuốn sách này vẫn là giáo trình gối đầu giường của người chơi guitar chuyên nghiệp.

Nhạc sĩ Trần Văn Phú cho biết: “Thời đó, flamenco không được dạy trong nhạc viện nên tôi và những người bạn cùng thời phải tìm tòi băng đĩa của các nhạc sĩ tên tuổi như: Sabicas, Juan Serrano, Luis Maravilla… và sách báo viết về flamenco rồi mày mò tự học. Kỹ thuật đánh flamenco rất khó. Ngoài kiến thức của guitar cổ điển, người chơi phải có kỹ thuật điêu luyện được rèn giũa bằng những ngày kiên trì luyện tập. Nếu buông đàn một thời gian, tay cứng sẽ rất khó đánh.

Ngoài ra, người nghệ sĩ phải có thể lực tốt vì đánh flamenco rất mất sức do nhịp điệu nhanh, mạnh và dài hơi. Móng tay phải cứng, mặc dù nhiều người dùng móng giả nhưng tiếng đàn sẽ ít nhiều bị ảnh hưởng, âm điệu không trong trẻo như chơi móng thật. Chơi flamenco, người ôm đàn phải “máu” vì dòng nhạc này chủ yếu mang tính ngẫu hứng, cuồng nhiệt. Bởi vậy, đam mê cũng là một yếu tố quyết định họ có thành công với dòng nhạc này hay không”.

Bữa gặp gỡ trưa ấy, lão nghệ sĩ ngồi trước mặt tôi khi cười khi khóc. Đời ông đâu có rộn rã như khúc flamenco năm nào. Năm 1985, đang trên đỉnh vinh quang, ông đột ngột lui về ẩn dật trong sự ngỡ ngàng, nuối tiếc của người đời. Bầu show có mời mọc, năn nỉ đến mấy, ông cũng nhất quyết chối từ. Cuộc vui có thân mật tới đâu, tuyệt nhiên ông không đánh guitar cho bạn bè thưởng thức nữa.

“Sau buổi biểu diễn có một bài đánh lỗi, dù chỉ là lỗi nhẹ nhưng tôi xấu hổ vô cùng. Nhìn cây đàn mà thẹn. Người ngoài nghề không ai biết chứ sao qua được đôi tai người trong nghề. Tôi không muốn người ta nhớ đến mình với lòng khinh khi, thương hại vì ngón đàn lỗi nhịp như thế. “Thà một phút huy hoàng rồi chợt tối” cô à”. Ông cúi xuống, tay bóp thái dương. Tôi lo lắng hỏi, ông phẩy tay bảo không sao. Nhưng ngước lên, đôi mắt danh cầm hoe đỏ, ầng ậc nước.

Giã từ guitar, ông và vợ mở tiệm vàng gần ngã tư An Sương. Người vợ cho vay ăn lời, cái việc mà ông cho là thất đức. Khuyên răn mãi nhưng bà không nghe, vợ chồng cãi vã. Rồi người ta giật nợ. Số tiền gần 700 triệu đồng đổ ập xuống cuốn phăng đi tất cả. Tiệm vàng, nhà cửa, đất đai đều lần lượt cuốn gói ra đi để cứu người đàn bà tham lam khỏi vòng tù tội. Vậy mà sóng gió vừa lắng, người đàn bà ấy nỡ phụ bạc chạy theo tình nhân. Trắng tay, đau đớn nhục nhã, ông dìm đời mình vào rượu. Bốn năm ròng làm bạn với thần lưu linh trong căn nhà trọ tồi tàn. Uống cho ngất ngư quên đời, quên người. Uống cho say, say đến chết cũng được. Vậy mà cuộc đời đọa đày đâu có buông tha.

Những người bạn như Cường Luthier, nhạc sĩ Trần Hoài Phương, nhạc sĩ Võ Tá Hân, Dương Kim Dũng … người ít kẻ nhiều gom góp xây cho ông căn nhà cấp bốn ở vùng sình lầy um tùm dừa nước huyện Nhà Bè. Gần 20 năm giã từ guitar, ông gượng dậy cầm lại cây đàn đi dạy cho lũ trẻ kiếm cơm qua ngày. Thương ông đi dạy bằng xe bus vất vả, một phụ huynh tặng cho ông chiếc xe máy cũ. Tưởng hạnh phúc đã nở hoa bên bến đỗ mới, thế nhưng ông và người vợ sau lại tan vỡ. Căn nhà cấp bốn tuềnh toàng còn chưa kịp quét vôi lại bị giải tỏa do vướng quy hoạch. Về thăm nhà ông, chợt chạnh lòng khi cậu con trai 4 tuổi ôm chặt lấy cổ ba: “Ba ơi, người ta lấy nhà thì mình ở đâu?”. Ông ôm con trai xoa đầu mà nghẹn lời không nói. Nơi góc bàn, những kỷ vật, bức ảnh, sách âm nhạc ông đang viết dang dở đã xếp gọn ghẽ bên cây đàn.

Vài tháng sau, tôi hay tin cha con ông dìu nhau trở về nơi chôn rau cắt rốn. Thương người em gà trống nuôi con, anh trai ông dựng một căn nhà nhỏ trên đường Trần Văn Kỷ, TP Huế để em tá túc và làm chỗ dạy đàn. Nhưng bình yên chẳng tày gang. Năm 2014, cơn đau tim đột ngột đã cướp đi người nhạc sĩ tài hoa. Bây giờ mỗi lần ghé lại Nhà Bè, trong tôi vẫn ngân vang bản Alegrias- bản flamenco làm nên tên tuổi Trần Văn Phú mà ông dành tặng hôm chia tay. Danh cầm chơi một đoạn rất ngắn nhưng đó cũng là ngoại lệ hiếm hoi ông dành cho người ái mộ. Trong gian nhà trống trải, điệu nhạc rộn ràng, tươi vui mà phảng phất u uẩn như lời tạ từ của danh cầm với Sài Gòn phồn hoa ăm ắp kỷ niệm.

Mai Quỳnh Nga
.
.