Cụ… nhà thơ trẻ có duyên cùng lục bát

Thứ Bảy, 27/04/2024, 10:11

"Cụ" là nói tuổi đời, nhà thơ trẻ là nói về tuổi làm thơ. Mỗi người đến với thi ca bằng một con đường, một thời điểm. Có người còn trẻ, thậm chí còn bé đã làm thơ như nhà thơ thần đồng Trần Đăng Khoa chẳng hạn. Thế nhưng có người tuổi rất cao rồi mới bị "nàng thơ" cho ăn bùa mê, thuốc lú. Cao Trần Nguyên hơi khác một chút. Ông làm thơ từ khi còn trẻ rồi buông bỏ cho đến khi đã ở tuổi "cổ lai hy", ông mới cầm bút trở lại.

Cuộc "ly hôn" dài hơn nửa thế kỷ

Cách đây gần 70 năm, khi 16 tuổi, Cao Trần Nguyên từng say đắm với thơ qua bóng hình một thiếu nữ: "Một chiều rồi lại một chiều/ Ta ra đứng ở bên lều ngóng trông/ Trông lên những áng mây hồng/ Chờ người thiếu nữ mà lòng xôn xao". Thế nhưng người thiếu nữ làm nhà thơ trẻ "xôn xao" ấy đi lấy chồng, để chàng ở lại với "Tấm hình": "Em còn ta một tấm hình/ để nhớ, để mong/ Để còn hy vọng. Ta còn em một cái nhìn/ Từ trong đáy mắt/ Còn in ảnh chờ… Em còn ta một gã khờ/ Mấy câu thơ vụn/ cũng chờ gió giông. Ta còn em/ đến một chiều mùa Đông/ Em đi lấy chồng/ lạnh lùng/ khoảnh khắc/ mênh mông…".

Ngỡ rằng với tâm hồn đa cảm ấy, Cao Trần Nguyên sẽ gắn chặt cuộc đời mình với thơ ca nhưng rồi việc học hành, công cuộc mưu sinh, nỗi lo cơm áo và rất nhiều yếu tố khác đã khiến Cao Trần Nguyên "ly hôn" với nàng thơ kiều diễm suốt 60 năm.

Cuộc "tái hôn" bùng nổ những dồn nén

Từ khi nghỉ hưu, Cao Trần Nguyên cầm bút trở lại. Cuộc "tái hôn" này khiến Cao Trần Nguyên như bùng nổ sau những dồn nén. Chỉ trong vòng hơn một thập niên, ông đã cho ra mắt 5 tập thơ trong đó có một tuyển tập với tổng số khoảng 800 bài, hơn 1.000 trang viết. Hãy tưởng tượng với một ngàn trang được in thành sách, có lẽ nhà thơ phải viết không dưới 3.000 trang bản thảo.

Để dễ hình dung, bạn hãy lấy ra 300 trang giấy và phủ kín lên đó bất cứ chữ gì, không cần xét đến nội dung hay hình thức đủ để tôi nể phục bạn. Một khối lượng khổng lồ với bất cứ ai, huống chi đây là một cụ già ở tuổi U80, U90. Và điều đó cũng cho thấy con đường lao động của một nhà thơ lớn đến mức nào. Tuy tuổi cao, sức khỏe yếu nhưng thơ của Cao Trần Nguyên vẫn dạt dào cảm xúc mãnh liệt nên không chỉ bạn đọc yêu thích mà nhiều nhà thơ cũng dành cho ông những lời trân trọng, nhiều tác phẩm của ông đã được các nhạc sĩ phổ nhạc và đoạt giải thưởng.

Cụ… nhà thơ trẻ có duyên cùng lục bát -0
Nhà thơ Trần Nguyên.

Nhà thơ, họa sĩ Trần Nhương, người bạn già "ông bảy chín, lão tám mươi" từng nhận xét Cao Trần Nguyên là nhà thơ "có đai, có đẳng", nhất là thể thơ lục bát: "Lục bát của Cao Trần Nguyên rất có nghề, chín và thân gần. Cứ tưởng câu chữ chân quê mà óng ánh làm nên vẻ đẹp của lục bát rất Cao Trần Nguyên. Lục bát luôn kén người làm, chỉ sa sảy một chút là thành ca dao hò vè. Thơ Cao Trần Nguyên như làm xiếc leo dây đi vững vàng giữa dân gian và bác học. Thơ anh như một cô gái chân quê duyên nồng bên láng giềng làm ta sáng nào cũng phải đánh mắt qua bờ dậu cúc tần…".

Nhà thơ Kim Chuông, một người bạn thân thiết của Cao Trần Nguyên đã dành cho ông những lời ngọt ngào, hoa mỹ và "chữ nghĩa": "Dáng người thơ an nhiên, tự tại với "nhật nhật đối cảnh sinh tình". Với túi thơ, bầu rượu. Với cảm hoài. Với mang mang thương nhớ... Thật chẳng còn nghi ngờ gì nữa, thơ với Cao Trần Nguyên luôn là "lễ cưới nhau" giữa cảnh sự và hồn người. Hồn người mà ông trời sinh ra Cao Trần Nguyên dễ đa cảm, đa sầu, dễ chênh chao, dễ cất lên thi hứng. Thơ với ông không tự gồng mình để "cố viết ra", để điểm trang, cầu lụy một lộc tài, danh vị cao sang nào mà thơ tự nó hát lên, tự nó vọng vang. Ngõ hầu dẫn cuộc đời ông, dẫn cõi lòng ông luôn tới được miền trong xanh, siêu thoát nào đấy".

Nhà thơ Trần Quang Quý, người sáng lập thể thơ "Namcau", một tên tuổi trong làng thơ Việt Nam từng nhiều năm làm Phó Giám đốc NXB Hội Nhà văn Việt Nam đã viết về phần "lục bát thì thầm" trong tập thơ "Lục bát đời thường" xuất bản cách đây 5 năm: "Thử xem nhà thơ "thì thầm" cái gì, nghe có vẻ bí hiểm. Cái sự thì thầm cũng có thể là ngôn ngữ của tình yêu, người ta "thì thầm" với nhau, cũng có thể là ngôn ngữ của thiên nhiên trong yên ả, thanh bình, cây cối mùa xuân đâm chồi nảy lá, cũng có thể là phường "buôn bạc giả" hay chốn thư phòng cơ mật phượng loan, chốn triều chính, cả chuyện mánh mung trong cuộc đời, đi đêm với nhau…

Thì ra, đây là phần thơ mà tác giả nói nhiều về thế sự, về thời cuộc, về vận nước, điều mà người ta hay quan tâm, nhất là lúc xã hội có nhiều biến động, nhiều nhiễu nhương, đạo đức tha hóa, phe nhóm lợi ích đục khoét ngân khố quốc gia trong vài thập niên gần đây mà Tổng Bí thư đang nhóm lên ngọn lửa "đốt lò", lấy lại niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước. Nỗi niềm thế sự của ông không thể thì thầm nữa…".

Người chinh phục trái tim nhiều nhạc sĩ

Có lẽ Cao Trần Nguyên là một trong số những trường hợp khá hiếm hoi thành công trong việc chinh phục trái tim nhạc sĩ. Cho đến thời điểm này, đã có 7 nhạc sĩ phổ 45 tác phẩm của ông trong đó 3 ca khúc đoạt giải thưởng.

Đó là nhạc sĩ Xuân Nhật với tác phẩm "Yên Tử", Lê Nguyên Thêm - "Với cô lái đò", Đỗ Hòa An với "Người đàn bà hát"... Đặc biệt, thơ Cao Trần Nguyên rất có duyên với nhạc Hoàng Văn Thành khi có tới 3 tác phẩm nhạc sĩ Hoàng Văn Thành phổ thơ Cao Trần Nguyên được giải thưởng. Đó là: "Cây cầu kỳ diệu"- Giải B (không có giải A) của Hội Nhạc sĩ Việt Nam 2022; "Quảng Ninh, thành phố niềm tin" - Giải nhì ca khúc viết về Quảng Ninh nhân kỷ niệm 60 năm ngày thành lập tỉnh; "Ký ức Hải Phòng" - Giải thưởng của Thành ủy, UBND TP Hải Phòng 2023.

Tôi biết Cao Trần Nguyên khoảng hơn một thập kỷ. Một hôm, nhà báo Trương Thu Hiền khi ấy là Phó tổng biên tập báo Công thương (hiện nay là Giám đốc NXB Công thương) đưa cho tôi tập thơ với lời nhắn gửi: "Đây là bố nuôi em, anh đọc xem rồi nhận xét giúp cụ nhé". Tôi đọc thấy khá hay nhưng để thêm phần khách quan, tôi đẩy "quả bóng trách nhiệm" cho nhà thơ Trần Quang Quý lúc ấy là Phó giám đốc, Tổng biên tập NXB Hội Nhà văn. Mấy hôm sau, Trần Quang Quý nói với tôi: "Thơ cụ ổn, nói với cụ để anh viết lời giới thiệu rồi in nhé". Tôi rất mừng vì Trần Quang Quý đã có lời khen, lại còn chủ động đề xuất cho cả lời giới thiệu nữa.

Khi tập thơ ra đời, cụ lôi anh em tôi xuống Quảng Ninh dự ra mắt và kể từ đó, tôi coi cụ như cha chú, còn cụ coi tôi như người bạn vong niên. Có lần tôi hỏi, bác có định gia nhập Hội Văn học Nghệ thuật Quảng Ninh hay Hội Nhà văn Việt Nam chẳng hạn. Cụ cười, bảo: "Mình làm thơ là để giải tỏa cho mình, như một cuộc chơi thôi. Già rồi…". Tôi biết ở tuổi này, ông không ham hố sẽ là nhà này, nhà nọ bởi quá hiểu sự phù du của danh hiệu.

Người ta nói "văn là người". Những trang văn của Cao Trần Nguyên luôn ấm áp và đôn hậu như khuôn mặt và nụ cười nhân ái trên "gương mặt Phật", theo lời của thi sĩ Kim Chuông.

Thơ Cao Trần Nguyên

CÂY CẦU KỲ DIỆU

Đường cao tốc nối miền quê
Cây cầu như thả bùa mê ngọt ngào
Quê hương rất đỗi tự hào
Nỗi niềm cảm kích dâng trào bờ mi

Cây cầu vượt biển diệu kỳ
Em về thăm mẹ khỏi đi đường vòng
Ơn Người đã thấu nỗi lòng
Cây cầu Kỳ Diệu. Hằng mong tháng ngày

Hai miền quê đã đổi thay
Vân Đồn có cả bề dày nước non
Tiên Yên đã chạm mốc son
Cây cầu Kỳ Diệu vẫn còn ước mơ

Như là dấu vết "Thiên Cơ"
Cây cầu sắp đặt cuộc cờ vươn xa...
Lâu đài "Kinh tế" thăng hoa
Em về thăm mẹ... Cầu là quê hương!

                         Ngày 30/10/2022

CÔ LÁI ĐÒ

Bến đò chiều bữa nay vắng khách
Cô lái đò đọc sách ngâm thơ
Mấy câu lục bát vu vơ
Làm say lòng gã khù khờ thả câu.

Cá rỉa mồi đã lâu không biết
Phao nổi chìm chả thiết trông theo
Bến chiều đò đã thả neo
Mấy câu lục bát trong veo hớp hồn

Cô lái đò bồn chồn vội bước
Gã thả câu nối cước dò theo
Mới hay làng mở hội chèo
Câu thơ trên bến sông nghèo í - a...

Bến đò chiều khách lân la đợi
Cô lái đò vời vợi xa trông
Cây cầu đã bắc qua sông
Nhớ con đò nhỏ chiều chông chênh chiều!

MỘT THOÁNG HẠ LONG

                           (Tặng TNC và KH)

Đứng trên thềm núi bên anh
Soi mình xuống mặt biển xanh tìm hình
Đá reo trong nước tự tình
Hoàng hôn rơi chạm môi mình mỏng manh

Em về với biển quê anh
Chiều tim tím núi, sáng xanh biển trời
Đêm nghe tiếng vọng ru hời
Có trong giấc ngủ từ thời hồng hoang.

Bao phen thắng giặc huy hoàng
Thuyền ra khơi với từng khoang cá đầy
Dấu xưa còn lại nơi đây
Từng trang sử có bề dày Thiên cơ...

Em về viết nhạc, làm thơ
Nhớ là còn nợ giấc mơ tang bồng!

Bùi Hoàng Tám
.
.