Con trai nhà thơ Thâm Tâm: Nỗ lực tìm lại di sản văn chương của cha

Chủ Nhật, 16/07/2023, 09:40

Nhà thơ - liệt sĩ Thâm Tâm (tên thật là Nguyễn Tuấn Trình) hy sinh trong kháng chiến chống Pháp tại Cao Bằng khi mới 33 tuổi (năm 1950). Ông gửi lại nhân gian một người con trai duy nhất là Nguyễn Tuấn Khoa, sinh cuối năm 1946 - ngay trước ngày toàn quốc kháng chiến bùng nổ.

Trong những năm qua, với sự nỗ lực của gia đình và các nhà nghiên cứu, yêu thích thơ ca Thâm Tâm, một di sản văn chương to lớn của tác giả "Tống biệt hành" đã được xuất bản và giới thiệu đến đông đảo công chúng...

Tháng 5 vừa qua, nhân kỷ niệm 106 năm ngày sinh của nhà thơ Thâm Tâm, Hội Nhà văn Việt Nam và gia đình đã tổ chức giới thiệu đến công chúng các tác phẩm văn xuôi của Thâm Tâm sau một thời gian sưu tầm, tuyển chọn.

Các tác phẩm văn xuôi gồm: "Truyện ngắn Thâm Tâm", 4 truyện cổ tích và Tập truyện ngắn chọn lọc "Tháng ba sấm động" (NXB Văn học ấn hành); "Thâm Tâm truyện vừa" (NXB Quân đội Nhân dân); NXB Lao động và Công ty Linh Lan liên kết ấn hành bộ ba Tuyển truyện ngắn "Gió thu hoa cúc gầy rồi" cùng 2 tiểu thuyết "Thuốc mê", "Nỗi ân hận dài"; NXB Kim Đồng ấn hành bộ truyện thiếu nhi gồm 3 cuốn "Hai cây hoa nhài" (tập truyện cổ tích), "Thuồng luồng ở nước" (tập truyện dã sử) và "Con rùa đội vẹt" (tập truyện đồng thoại).

3.jpg -0
Ông Nguyễn Tuấn Khoa nâng niu những tập sách báo xuất bản trước năm 1945 mà gia đình có được trong quá trình sưu tầm các tác phẩm đã xuất bản của cha.

Với sự xuất hiện của một loạt tác phẩm văn xuôi đã kể trên, chân dung văn học về cuộc đời, sự nghiệp cũng như những sáng tác đa dạng của Thâm Tâm dường như đã được khắc họa rõ nét. Rằng Thâm Tâm không chỉ có "Tống biệt hành", "Chiều mưa đường số 5" hay những bài thơ trong nghi án văn chương "Hai sắc hoa ti-gôn" mà còn có một gia tài văn xuôi độc đáo gồm có đủ các thể loại: truyện ngắn, truyện vừa, tiểu thuyết, kịch. Bên cạnh đó là các tác phẩm viết cho thiếu nhi vốn là thể loại ít xuất hiện trong đời sống văn học những năm 1930-1945.

Không giấu được bất ngờ trước gia tài văn chương mà nhà thơ Thâm Tâm để lại, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đã nói: "Nhà thơ Thâm Tâm mất khi còn rất trẻ. Tôi muốn đặt câu hỏi rằng, những năm tháng đó, cái thời đại đó, nhà thơ Thâm Tâm cùng rất nhiều các nhà văn, nhà thơ khác họ viết khi còn rất trẻ, trên dưới 30 tuổi. Nhưng tại sao họ để lại những tác phẩm lớn như vậy, mạnh mẽ, ấn tượng như vậy, cho đến giờ chúng ta đọc vẫn nể phục và đôi khi kinh ngạc…".

Thực ra, các tác phẩm của Thâm Tâm được giới thiệu đến công chúng lần này đều không phải là lần đầu tiên được xuất bản. Các tác phẩm ấy đã lần lượt xuất hiện trên các ấn phẩm "thời thượng" cách đây gần trăm năm như: "Tiểu thuyết thứ Bảy", "Tiểu thuyết thứ Năm", "Ngày nay", "Truyền bá quốc ngữ"… Tuy nhiên, với sự biến thiên của lịch sử, chiến tranh loạn lạc cùng với việc nhà thơ Thâm Tâm mất khi còn quá trẻ, có một thời gian dài dường như người ta chỉ biết đến Thâm Tâm với bài thơ nổi tiếng "Tống biệt hành" được Hoài Thanh - Hoài Chân tuyển vào "Thi nhân Việt Nam". Còn tập "Thơ Thâm Tâm" trong đó có bài "Tống biệt hành" cũng trôi nổi, lưu lạc nên nhiều người còn không biết đến sự tồn tại của tập thơ này.

Theo lời kể của ông Nguyễn Tuấn Khoa - con trai nhà thơ Thâm Tâm: "Từ ngày lên đường theo kháng chiến đầu tháng 12/1946, cha tôi chỉ ghé về thăm nhà duy nhất 1 lần khi gia đình tôi đang tản cư về quê nội ở Hải Dương và để lại cho đời bài thơ "Chiều mưa đường số 5" vẫn được nhiều người nhắc nhớ. Lúc đó tôi còn quá nhỏ không nhớ mặt cha nhưng còn lưu lại được 2 tấm ảnh do bố tôi chụp tôi và ông nội. Sau đó, vào cuối năm 1950, gia đình tôi nhận được một chiếc ba lô của bố có tấm giấy báo tử báo tin ông đã hi sinh vào ngày 18/8/1950, được an táng tại một bản nhỏ dưới chân đèo Mã Phục (Cao Bằng) cùng với 2 bộ quần áo, 1 con dao nhíp đa năng và 6 bức ảnh chụp đám tang bố. Đó là toàn bộ gia tài nhà thơ, nhà báo chiến sĩ Thâm Tâm để lại cho vợ con…

Sau khi cha mất, mẹ tôi mới 30 tuổi và tôi lên 4, được đơn vị của bố chỉ dẫn lên sống tại ATK Thái Nguyên cho đến khi hòa bình lập lại thì trở về Hà Nội. Chính vì thế, những sách vở, tài liệu, di cảo văn chương của cha chúng tôi chẳng giữ được gì. Hồi đó, những người bạn của cha tôi như Trần Huyền Trân, Thanh Châu, Tô Hoài… vẫn đến nhà chơi thăm mẹ con tôi, họ vẫn gọi mẹ tôi là "Chị Thâm Tâm". Nhưng di sản văn chương của cha có những gì thì thú thật là tôi không biết gì ngoài bài thơ "Tống biệt hành" và nghi án văn chương với bài thơ "Hai sắc hoa Ti-gôn" mà bạn bè bố tôi thường kể…".

Ông Nguyễn Tuấn Khoa cho biết thêm, đến khi tập "Thâm Tâm truyện ngắn" do nhà phê bình Văn Giá và chị Thanh Hương sưu tầm, xuất bản năm 2000, ông mới biết ngoài thơ cha ông còn viết rất nhiều văn xuôi. Tập truyện đó đã trở thành nguồn động viên to lớn đối với gia đình, trở thành động lực để ông Khoa cùng các con cháu cất công lặn lội tìm lại những di sản văn chương đã từng xuất bản của cha nhưng đã bị "mất dấu" theo thời gian. Ông Nguyễn Tuấn Khoa cũng thú thực rằng, mãi tới khi về hưu ông mới có thời gian chuyên tâm tìm kiếm các tác phẩm của cha. Nhờ sự bùng nổ, trợ giúp của Internet cũng như các công cụ hỗ trợ khác, việc tìm kiếm các tác phẩm của cha ông rất hiệu quả và đem lại những bất ngờ hơn cả mong đợi.

Kể về hành trình đầy khó khăn nhưng cũng hết sức thú vị trong quá trình tìm lại, hệ thống những tác phẩm của cha, ông Nguyễn Tuấn Khoa nhận được tình cảm, sự giúp đỡ tận tình của nhiều đơn vị, cá nhân. Nhiều tác phẩm ông tìm được từ những sách báo đã ra đời trước năm 1945 được con cháu, bạn bè, người hâm mộ "chỉ điểm" chủ yếu từ các thư viện, nhà sách, nhà sưu tầm ở khu vực phía Nam. Một số tài liệu, sách báo có tác phẩm của Thâm Tâm được tìm thấy ở thư viện tại Pháp. Đến nay, trong quá trình tìm kiếm, gia đình đã sưu tầm được khoảng 200 số báo "Tiểu thuyết thứ Bảy" để từ đó tìm được nhiều các tác phẩm văn chương được in trên ấn phẩm này.

Ông chia sẻ: "Ba năm qua, được sự giới thiệu của nhiều anh chị em nhà văn, gia đình đã tiếp cận được cơ sở dữ liệu số hóa ảnh bộ "Tiểu thuyết thứ Bảy" hiện có tại Thư viện quốc gia Việt Nam và bộ "Phổ thông bán nguyệt san Truyền bá", "Tuổi trẻ" của Thư viện quốc gia Pháp và tải được bản ảnh của nhiều số "Tiểu thuyết thứ Bảy" và "Truyền bá". Qua các sách báo bản gốc sưu tầm được của các ấn phẩm ấy, cho tới nay chúng tôi đã sưu tầm được 83 truyện ngắn và 29 kịch ngắn trên "Tiểu thuyết thứ Bảy" xuất bản từ năm 1939 đến 1945, 27 truyện vừa đăng trên "Truyền bá" và 2 tiểu thuyết "Thuốc mê" và "Nỗi ân hận dài" do Tân Dân xuất bản…".

Trong buổi ra mắt các tác phẩm của Thâm Tâm tại Hội Nhà văn Việt Nam, ông Nguyễn Tuấn Khoa từng xúc động chia sẻ: "Trong những ngày sưu tầm và đọc các tác phẩm của cha mình, tôi vẫn tưởng tượng thấy ông ngồi bên ngọn đèn vàng viết trong đêm. Thật tình cờ, khi lật giở đến tờ "Tiểu thuyết thứ Bảy" số 488, ra ngày 20/11/1943, tôi đã gặp hình minh họa đúng như cha tôi trong tưởng tượng, bên một bài thơ có tên "Viết đêm" với 2 câu thơ cuối: "Hoa đèn không hiểu lòng trang giấy/ Soi mãi trên bàn cái vắng teo". Nhưng tôi tin rằng, giờ đây chúng tôi và những độc giả yêu mến Thâm Tâm đã tìm được những trang giấy ngày xưa, đã đọc và hiểu lòng những trang giấy đó".

Với sự ra mắt của hàng loạt tác phẩm văn xuôi của Thâm Tâm, ông Nguyễn Tuấn Khoa khẳng định sẽ vẫn tiếp tục nỗ lực tìm kiếm, sưu tầm các tác phẩm của cha mình trong thời gian tới. Không chỉ dừng ở các tác phẩm giai đoạn 1939-1945, ông mong muốn tìm được những tác phẩm của cha mình ra đời sau Cách mạng tháng Tám.

Đặc biệt là thời gian Thâm Tâm theo kháng chiến lên chiến khu Việt Bắc, vẫn tiếp tục sáng tác truyện ngắn, kịch và thơ được in trên các ấn phẩm như "Báo Vệ quốc quân" (tiền thân của Báo Quân đội Nhân dân nơi ông là phóng viên), "Văn hóa cứu quốc", ấn phẩm "Quốc hội" (chỉ xuất bản 12 số hướng đến ngày bầu cử Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam non trẻ vừa giành được độc lập). Ông Khoa cho biết thêm, nguyện vọng của gia đình là sẽ xuất bản một tập sách sưu tầm các vở kịch của Thâm Tâm.

Theo tìm hiểu của ông Khoa, cha ông có trên 20 vở kịch đã xuất bản và vở kịch "Lá cờ máu" in trên ấn phẩm "Văn hóa cứu quốc" đã từng được dàn dựng, biểu diễn tại Hà Nội vào dịp 19/8/1946. Ông cũng vui mừng thông tin rằng, vừa qua UBND TP Hà Nội đã thông qua nghị quyết đặt tên các con phố mới, trong đó có tên nhà thơ Thâm Tâm. Trước đó, tên cố nhà thơ đã được đặt cho một con phố tại TP Hải Dương.

Nguyệt Hà
.
.