Chuyện với người em gái Giáo sư Hoàng Xuân Hãn

Thứ Hai, 23/01/2023, 11:51

Những ngôi biệt thự. Những cư dân quanh hồ HaLe (hồ Thiền Quang) bây giờ gần nơi cơ quan tôi tòng sự, nhớ nhiều những năm xa ấy có nhiều mối quan hệ. Tôi đang nhớ lại cuộc ngồi vợi cả một buổi chiều ở căn nhà gần hồ Thiền Quang. Nhà bà Hoàng Thị Cúc, người em gái ruột của Giáo sư Hoàng Xuân Hãn.

Bà Hoàng Thị Cúc người manh mảnh, đi đứng có chút lập cập nhưng cung cách tiếp chuyện, nhất là trí nhớ cứ rạch ròi, vanh vách cùng chất giọng vang và thanh.

Căn buồng hẹp, chiếc giường con kề liền với bàn nước… Cụ thân sinh bà Cúc và ông Hãn học Nho. Thuở nhỏ nhà nghèo, phải lấy lá chuối khô ép ngồi trên lưng trâu mà học. Hai cụ sinh được 8 người con cả thẩy.

320985175_469636738705789_1579382482862474409_n.jpg -0
Cố Giáo sư Hoàng Xuân Hãn.

Thứ tự là Hoàng Xuân Vân, Hoàng Xuân Hồng, Hoàng Thị Hảo, Hoàng Xuân Hãn, Hoàng Xuân Mẫn, Hoàng Xuân Hà, Hoàng Thị Cúc và út là Hoàng Xuân Bình.

Hai người con trai đầu là Hoàng Xuân Vân, Hoàng Xuân Hồng bị bắn oan trong cải cách ruộng đất (sự kiện này có ít nhiều ảnh hưởng tới người con trai thứ Hoàng Xuân Hãn, chuyện đó xin được nói sau). Bà con gái thứ Hoàng Thị Hảo có một người con trai duy nhất, sau này là liệt sĩ. Người con thứ năm là Hoàng Xuân Mẫn.

Ông Mẫn sang Pháp trước Cách mạng Tháng Tám khá lâu. Từng là bạn thân của Ngô Đình Diệm lẫn Ngô Đình Nhu. Năm 1946, Hồ Chủ tịch sang Paris với tư cách là thượng khách của Chính phủ Pháp, Hoàng Xuân Mẫn dẫn đầu khối trí thức Việt Nam nghênh đón Cụ Hồ tại sân bay Lơ Buốc-giê.

Ngay ngày hôm sau, Thủ đô Paris của nước Pháp bất ngờ, xôn xao bởi cái tin Quốc kỳ của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đang phấp phới bay trên gác chuông Nhà thờ Đức Bà. Người ta bất ngờ bởi nơi ấy gần như là biểu tượng của nước Pháp xưa nay, không có bất kỳ thứ gì có thể “ngự trên đó cả...

“Thủ phạm” là bác sĩ Hoàng Xuân Mẫn!

Sau  này, “thủ phạm bác sĩ Hoàng Xuân Mẫn đã bị trách cứ và nhận khuyết điểm ''manh động'' của mình. Bác sĩ phân trần là do thích quá, sướng quá bởi lần đầu tiên chứng kiến Lễ đón Hồ Chủ tịch, các nhân vật hàng đầu của nước Đại Pháp đã phải cúi đầu trước quốc kỳ của một nước thuộc địa Pháp thì hà cớ chi lại không trưng sắc cờ đỏ sao vàng ấy lên cho thiên hạ một phen... lác mắt!

Thời gian Bác Hồ lưu tại Pháp, bác sĩ Mẫn đã góp nhiều công sức nhiệt thành giúp đỡ phái đoàn ta. Một việc mà chắc bác sĩ Hoàng Xuân Mẫn mãi ngậm cười nơi chín suối là ông đã tiến cử người bạn thân của mình là Phạm Quang Lễ với Bác Hồ. Sau này người bạn kỹ sư ấy đã trở thành niềm tự hào của giới trí thức lẫn mọi lương dân nước Việt: Giáo sư Trần Đại Nghĩa.

…Năm xa ấy, bà Cúc đã sang Pháp thăm người anh ruột Hoàng Xuân Hãn. bác sĩ Mẫn có dặn lại em gái mình là hồi năm 1946, ông có biếu Cụ Hồ một số cặp kính dùng cho người cao tuổi. Bây giờ Cụ Hồ không còn nữa nhưng một Bảo tàng về Bác nay mai nếu có thì nên làm cái việc sưu tầm. Nếu không đủ thì tìm lấy một cặp kính ấy để làm kỷ niệm (chẳng hay thời điểm này, Bảo tàng Hồ Chí Minh ở Hà Nội có còn may mắn lưu lại cặp kính nào của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở thời điểm ấy?).

Sau này, Hội nghị Paris về Việt Nam, gia đình bác sĩ Mẫn đã nhiệt tâm giúp đỡ phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nhiều việc. Cố vấn Lê Đức Thọ, Bộ trưởng Xuân Thuỷ đã có dịp ghé qua nhà ông bà... Bác sĩ có 5 người con, hầu hết thành đạt. Có mấy người con đều nối được nghiệp bố.

Bác sĩ nhãn khoa Hoàng Xuân Thanh, ngoài 30 tuổi đã được Đài truyền hình TF1 của Pháp bình chọn là 10 ngôi sao khoa học nổi tiếng của nước Pháp kèm một chương trình tường thuật trực tiếp trên tivi ca mổ mắt mang lại ánh sáng cho một cụ bà 85 tuổi. Còn bác sĩ nhãn khoa Hoàng Xuân Mai lấy nhà báo La Bê, một đảng viên cộng sản Pháp có thời gian hoạt động hợp pháp dưới chế độ chính quyền Sài Gòn với những bài báo nổi tiếng trên các tờ Lumanité, Le Nouvel observateur.

Một người con trai thứ, anh ruột bà Cúc là bác sĩ Hoàng Xuân Hà. Bác sĩ Hà đã nhiều năm là cộng sự đắc lực của bác sĩ Vũ Văn Cẩn, sau này là Bộ trưởng Bộ Y tế.

Người con trai út Hoàng Xuân Bình từng được lựa chọn kỹ càng để làm công tác đặc biệt. Năm 1945, ông được chọn làm vệ sĩ cho Cố vấn Vĩnh Thuỵ (Bảo Đại) trong những ngày ngắn ngủi được Bác Hồ mời ra Hà Nội.

Câu chuyện lúc đứt lúc nối...

Bà Cúc là cháu nội một quan Tuần phủ, bạn với Tuần phủ Vi Văn Định. Ông nội bà lấy vợ Lạng Sơn. Sau đó ông đổi về mạn xuôi và qua đời sau một cơn bạo bệnh tại quê nhà... Khi ấy do kẹt về kinh tế lại được tấm thịnh tình của bạn đồng liêu giúp đỡ, hai người trong số đàn con của quan Tuần được Vi Văn Định đưa về nuôi...

Về chuyện này, nhà sử học Đào Duy Anh, chỗ đi lại thân tình với gia đình Hoàng Xuân Hãn trong một chuyến điền dã lên mạn Lạng Sơn đã tình cờ phát hiện trên bàn thờ nhà nọ có hình quan Tuần - ông nội của bà Cúc mà ông Đào Duy Anh có biết. Thế là ông Đào Duy Anh về kể lại cho bà Cúc...

Rồi gió thổi mây bay những là yên hàn, tao loạn... Chốc đà mấy chục năm có dư, đã những da mồi tóc bạc. Năm 1977, bà mới sang Pháp gặp lại chồng và anh trai mình, nhà sử học Hoàng Xuân Hãn. Vợ Giáo sư Hãn là Nguyễn Thị Bính, con gái ông ký ga Hàng Cỏ quê ở Thường Tín. Bà Bính là dược sĩ và ông Hãn cũng có một hiệu thuốc tây to từ trước Cách mạng Tháng Tám ở Hà Nội.

 Buôn có bạn, bán có phường. Sự hợp sức làm ăn của ông bà Cúc cùng ông bà Hãn trong nhiều năm đã mang lại nhiều mối lợi lớn... Có như vậy họ mới có thể san sẻ thuốc men ra vùng chiến sự những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp. Bà Cúc còn nhớ khi đó nhà báo U.Bơcset đã tìm đến cuộc kháng chiến của chúng ta và có một thời gian dài ở Hà Nội và thường qua lại, có khi ăn ở tại nhà ông bà Hoàng Xuân Hãn. Không biết họ quen biết nhau từ khi nào. Khi Giáo sư Hoàng Xuân Hãn qua Pháp, bà Bính cũng đi theo...

Có lẽ suốt 8 năm, từ năm 1977 đến năm 1983, quãng thời gian này bà mới có điều kiện để gần gũi người anh trai của mình, bởi từ nhỏ đến khi sang Pháp, như bà nói lúc nào cũng thấy ông ấy miệt mài bấn bíu với sách vở, với việc viết lách... Nhưng cũng chỉ ngồi với bà em chốc lát thôi, ông anh trai lại quày quả trở lên phòng làm việc.

Giáo sư Hãn tiếp khách ít lắm. Họa hoằn thôi. Cánh cửa buồng làm việc của ông đóng suốt ngày, thi thoảng lại vang lên âm thanh tiếng máy chữ. Phụ tá của ông nhiều năm là ông Tạ Trọng Hiệp, một trí thức người Việt ở Paris và cũng là học trò của Giáo sư Hãn. Ông Hiệp rành chữ Hán lẫn chữ Nôm, suốt ngày cùng Giáo sư Hãn rì rầm bàn bạc, biên biên chép chép...

 Bà Cúc nhớ lần đó ông dặn người nhà bữa nay có khách từ Việt Nam sang mà khách quí, còn cẩn thận dặn người nhà chớ làm phiền và chuẩn bị mấy thức để tiếp khách.

Rồi khách tới... Chủ, khách làm việc miệt mài cả ngày. Sau này khách về, bà mới hay đó là những cán bộ của Nhà nước sang nhờ Giáo sư Hoàng Xuân Hãn giúp cho một số tài liệu phục vụ cho việc bảo vệ chủ quyền quốc gia Biển Đảo.

Qua ông Hiệp, bà cũng được biết những tài liệu ấy quí hiếm đến mức chỉ có ông Hãn và mối quan hệ đặc biệt của ông với một số cơ quan lưu trữ của Pháp và Toà Thánh Va-ti-căng mới có được! Và nhiều cán bộ, nhà khoa học từ bên nước sang cũng tìm đến tận nhà Giáo sư Hãn bàn soạn trao đổi...

Ông Hãn sức khoẻ không được tốt, có mỡ trong máu nên chị người làm kiêng khem cẩn thận cho ông lắm. Chế độ ăn uống ngặt nghèo. Mỗi bữa chỉ mấy con cá nục rim khô... Ông anh trai cười, trỏ vào đĩa cá nói với người em ruột “Tôi chỉ khoái món ni thôi O à...”.

Bữa sáng thì mấy lát bánh nhạt. Những đêm khó ngủ có bận sắp sáng tới nơi rồi mà bà Cúc vẫn mồn một nghe âm thanh lóc cóc của cái máy chữ cổ lỗ dưới những ngón tay gầy guộc của ông anh. Bà rưng rưng nghĩ tới cảnh ở đất khách quê người, không thiếu gì những của ngon vật lạ mà anh mình sống có khác chi một thầy tu?

Hai ông bà vò võ mỗi một mình không con cái mà lúc nào cũng ham công tiếc việc... Rồi có một bận, chỉ hai anh em ngồi với nhau, bà ngập ngừng rồi hỏi thẳng:

- Anh chị có định về xứ không...

Bà thấy ông anh lặng đi một hồi, rồi thủng thẳng... Cái thủng thẳng ấy không phải qua quýt cho xong việc mà bà thấy lộ ra vẻ day dứt đau đớn.

- Lỡ rồi O ạ... Không hiểu sao nhớ lại chuyện của hai ông anh, tui lại cứ giật mình...

Lan man bà lại chợt nhớ đến lá số mà ông cụ thân sinh “bốc" cho ông anh mình từ thuở còn bé tí rằng ''thằng này có sao Bắc đẩu chiếu mệnh. Tài giỏi. Nhưng đường con cái thì lận đận''.

Bà không tin những chuyện ấy, nhưng giờ đến cái tuổi này chợt nghĩ lại, chợt giật mình!

Nỗi phiền muộn cứ tiếp nối cho tới khi về nước, bên nỗi đau được tin anh mình trút hơi thở cuối cùng nơi xứ lạ, lại thêm cái nỗi người con nuôi của anh chị mình không hiểu sao cứ lừng khừng chậm thực hiện di chúc của ông là hiến toàn bộ thư viện của Giáo sư Hoàng Xuân Hãn cho Nhà nước?

Bà Cúc mất đã lâu, thọ 86 tuổi.

Xuân Ba
.
.