Chuyện về nữ học sư Đoàn Lệnh Khương

Chủ Nhật, 28/01/2024, 12:55

Cũng như người cô ruột của mình là Hồng Hà nữ sĩ Đoàn Thị Điểm, Đoàn Lệnh Khương có một cuộc đời tài hoa nhưng lắm nỗi truân chuyên. Người đời lúc thì gọi bà là nữ sĩ, khi thì lại gọi bà là Nữ học sư. Thôi thì gọi bà là gì thì cũng nói lên một điều: Đoàn Lệnh Khương tài sắc vẹn toàn.

Theo gia phả họ Đoàn làng Giai Phạm, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên, mà ông Đoàn Doãn Lực, hậu duệ đời thứ 18, người trông coi Từ đường dòng họ Đoàn và ông Đoàn Doãn Nam, hậu duệ đời thứ 17, đưa cho tôi đọc, thì Đoàn Lệnh Khương là một trong hai người con của ông Đoàn Doãn Luân. Hai người hậu duệ họ Đoàn còn nói thêm: "Bà Đoàn Lệnh Khương sinh ra ở quê nhà tức là sinh ra ở làng Giai Phạm này đấy ông ạ".

4.jpg -0
Từ đường họ Đoàn.

Theo đó, ông Đoàn Doãn Luân, cha của Đoàn Lệnh Khương tuy thi đỗ Hương cống nhưng cũng noi gương người cha của mình, tức Hương Cống Đoàn Doãn Nghi, nên ông không nhận một chức quan nào mà về quê dạy học. Chính ở ngôi nhà nhỏ nơi quê lúa ấy hai anh em Đoàn Doãn Luân và Đoàn Thị Điểm thường cùng nhau luận bàn hoặc đối đáp văn chương. Câu chuyện chữ nghĩa của cha và cô ruột đã sớm gieo vào lòng cô bé Đoàn Lệnh Khương, ông Đoàn Doãn Lực cho tôi hay: "Cụ Đoàn Lệnh Khương ngay từ thuở nhỏ đã tỏ ra hơn người, thông minh lanh lợi, chăm chỉ học hành, có chí nối nghiệp dạy học của cha và ông nội".

Nhưng cuộc đời của bà Đoàn Lệnh Khương cũng sớm không may mắn, năm bà mới lên 9 tuổi thì phụ thân qua đời. Người mẹ của Đoàn Lệnh Khương tuy là con gái nhà gia giáo nhưng lại bị tàn tật do biến chứng của bệnh đậu mùa. Về chuyện này gia phả họ Đoàn làng Giai Phạm có ghi: Ông Lê Hữu Hỷ là bạn học với ông Đoàn Doãn Nghi nên hai ông kết thông gia. Cô Lê Thị Vy được hỏi cho cậu Đoàn Doãn Luân. Nhưng sau lễ ăn hỏi thì không may cô Lê Thị Vy bị mắc bệnh đậu mùa, tuy chữa khỏi bệnh nhưng mặt mày rỗ chằng rỗ chịt, chân tay lại lóng ngóng.

Ông Lê Hữu Hỷ bèn cho người sang bên nhà trai xin hủy hôn nhưng ông Đoàn Doãn Nghi và người con trai là Đoàn Doãn Luân không chịu, cả hai nhất quyết giữ hạnh quân tử, một dạ thủy chung. Hai vợ chồng trẻ sinh hạ được hai người con, Đoàn Lệnh Khương là con gái đầu lòng còn em trai là Đoàn Doãn Y. Hành động ấy được người đời ca ngợi. Cha mất, mẹ yếu, Đoàn Lệnh Khương sống trong sự cưu mang và đùm bọc của người cô ruột. Có lẽ vì phải lo chuyện chăm chị dâu tàn tật và nuôi hai cháu, con của người anh trai nên bà Đoàn Thị Điểm cứ lần chân mãi chuyện chồng con?

Đoàn Lệnh Khương cùng mẹ và em trai được Đoàn Thị Điểm đón lên Kinh thành Thăng Long để tiện chăm sóc và dạy học. Cô gái mồ côi cha Đoàn Lệnh Khương vốn ham học lại có chí học hành để những mong nối nghiệp nhà. Năm Đoàn Lệnh Khương 16 tuổi đã nổi tiếng tài sắc, là người có chữ nghĩa.

Ông Đoàn Doãn Nam cho hay: "Hồi trẻ, Đoàn Lệnh Khương đang đi chợ về thì có một ông lão chạy ra đón đường, ông mời cô Khương vào hàng nước để thưa chuyện. Ông lão nói: "Thưa cô, tôi là người làng bên, nghe tiếng cô là người hay chữ nên nhờ cô giúp cho một việc. Tôi nay già yếu, nhà nghèo lại không con, không nơi nương tựa, cô hãy làm phúc, cho đôi câu đối, để với đôi câu đối ấy tôi có thể kiếm miếng ăn. Gặp bất kì đám hiếu hay đám hỷ tôi có thể dùng được vào viếng hay mừng". Ông lão nói xong thì ngước mắt chờ đợi".

Cô Đoàn Lệnh Khương nhíu mày nghĩ ngợi: "Chỉ một đôi câu đối thôi mà gặp vui có thể chia vui, gặp dịp buồn lại chia buồn thì khó thật, ông lão này thử mình chăng?". Nhưng khi nhìn vẻ mặt ông lão và sự mong mỏi của ông lão nên cô Khương biết ông lão này nói rất thật. Sau một lát suy nghĩ bà đọc: "Nhất đức tại thiên tùy sở phú/ Thất tình ư ngã khởi vô tâm". Cô Đoàn Lệnh Khương đã giảng giải cho ông lão hay về cái ý của câu đối, cô bảo: "Người ta ở đời gặp may hay rủi, vui hay buồn tất cả là tùy ở cái đức. Vậy mà cái đức ấy là do trời phú cho. Phàm lấy vợ, lấy chồng, làm nhà, làm cửa hoặc mất người, mất của, tốt xấu, lành dữ đều là do cái đức mà ra".

Theo đó thì: Vế thứ nhất đối với việc vui hay buồn đều hợp cả, còn vế thứ hai nghĩa là: Con người có 7 tính là: Hỷ, nộ, ai, lạc, ái, ố, dục (mừng, giận, buồn, vui, yêu, ghét, muốn). Cho nên khi gặp việc vui thì lòng cũng vui được, mà gặp việc buồn thì ta cũng buồn được, đâu có vô tâm. Do đó, vế thứ hai có thể là lời chúc mừng mà cũng có thể là chia buồn.

Tài sắc của cô Đoàn Lệnh Khương lại thêm vang xa, chuyện xưa kể lại rằng: Một cung phi ở làng Bảo Vực muốn đưa bà vào cung, song bà từ chối. Có thuyết còn nói chắc rằng: Người cung phi này còn muốn tiến cử cô vào cung làm vợ hoàng tử Duy Kỳ (tức vua Lê Cảnh Hưng sau này) nhưng Đoàn Lệnh Khương một mực cảm ơn rồi từ chối.

Vậy nên, cũng có thể do gia đình còn nhiều vướng mắc nên năm 31 tuổi bà Đoàn Lệnh Khương mới lấy chồng, bà cũng như người cô ruột Đoàn Thị Điểm làm vợ kế, bà làm lẽ của ông Nguyễn Xuân Huy, quan Đốc đồng trấn Sơn Nam (vùng đất phía nam Thăng Long), sinh hạ được một người con gái.

Nhưng cuộc nhân duyên cũng lại ngắn ngủi, làm vợ được 7 năm thì ông Nguyễn Xuân Huy qua đời. Bà Đoàn Lệnh Khương vừa nuôi con riêng của chồng vừa chăm con gái nhỏ của mình. Khó khăn bi đát là vậy nhưng bà Đoàn Lệnh Khương đâu có chấp nhận số phận. Bà rời Trấn phủ Sơn Nam (Phố Hiến nay là TP Hưng Yên) để về Thăng Long mở lớp dạy học, âu cũng là quyết nối nghiệp gia đình. Bà ngụ ở phường Hà Khẩu. Theo diện mạo phố xá hiện nay thì trường của bà Đoàn Lệnh Khương ở vào khu vực Hàng Buồm thuộc quận Hoàn Kiếm? Học trò theo học rất đông, xa gần đều gọi bà là Nữ học sư.

6.jpg -1
Tác giả hỏi chuyện hai hậu duệ họ Đoàn là ông Đoàn Doãn Lực (phải) và ông Đoàn Doãn Nam (giữa) tại vườn nhà họ Đoàn.

Nói về lý do vì sao bà Đoàn Lệnh Khương lại chọn phường Hà Khẩu để mở lớp? Cả hai người hậu duệ họ Đoàn đều khẳng định: "Cụ Đoàn Doãn Nghi khi còn trẻ có lên kinh đô học, cụ Nghi đã ở trọ ở phường Hà Khẩu. Cạnh nhà cụ Nghi trọ là biệt phủ của tước bá Thái Lĩnh họ Vũ. Ông Vũ Thái Lĩnh có cô con gái rượu, đủ cả công dung ngôn hạnh. Ông muốn kén người tài trai làm rể nên chú ý tới cậu khoá xứ Đông. Ít lâu sau, Đoàn Doãn Nghi đỗ Hương cống và trở thành chàng rể phường Hà Khẩu. Cụ Đoàn Lệnh Khương về Hà Khẩu tức là tìm về nơi bà nội đã từng ở để dạy học.

Sự nghiệp dạy học của Đoàn Lệnh Khương hiện rất ít thông tin. Tài liệu không ghi chép gì nhiều, nhưng trong cuốn sách "Danh nhân Hà Nội" do GS Vũ Khiêu chủ biên có nhận định: "Nữ học sư Đoàn Lệnh Khương là nhà giáo dục nổi tiếng nhất của Thăng Long từ thời dựng nước đến thế kỷ 19, bên cạnh các danh nhân Chu Văn An, Lương Thế Vinh, Nguyễn Văn Siêu". Với nhận định như vậy thì chúng ta có thể biết rằng: Đã có một nữ học sư chuyên tâm với sự nghiệp dạy học trên đất Thăng Long. Và bà đã góp phần đào tạo nên nhiều học trò vừa có đức vừa có tài.

Sự nghiệp thơ văn của bà Đoàn Lệnh Khương không nhiều, lại do thất truyền nên ngày nay chỉ lưu lại trong nhân gian bài thơ tên là "Thất đằng". Bài này Đoàn Lệnh Khương làm từ khi còn đi học. Hôm đó, nhân lúc bà Điểm giảng sách về nước Đằng, theo đó thì Đằng là một nước nhỏ, ở giữa hai nước Tề và Sở, rất khó khăn trong việc bang giao. Vừa lúc đó nhà hàng xóm có hai bà vợ cãi nhau om xòm, bà Điểm vui miệng bảo học trò vịnh thử và Đoàn Lệnh Khương đã làm bài thơ tứ tuyệt này: "Đằng quốc xưa nay vốn nhỏ nhen/ Lại thêm Tề, Sở ép hai bên/ Quay đầu với Sở e Tề giận/ Ngoảnh mặt với Tề sợ Sở ghen".

Nữ học sư Đoàn Lệnh Khương mất năm 1800, hưởng thọ 75 tuổi. Bà được tỉnh Hưng Yên đánh giá cao và tôn vinh bà là nữ danh nhân của quê hương nhãn lồng.

Nguyễn Trọng Văn
.
.