Chuyến thăm Sài Gòn của thi hào Tagore

Thứ Bảy, 25/11/2023, 11:36

Năm 1913, thi hào Ấn Độ Rabindranath Tagore được giải Nobel văn chương với tập thơ “Tâm tình hiến dâng”, quen thuộc với người đọc Việt Nam là bản dịch với tựa “Thơ Dâng”. Thi ca của ông được toàn thế giới quan tâm và tìm đọc. Ông là người Á châu đầu tiên đoạt giải Nobel văn chương.

Ông là niềm tự hào chung của châu Á. Với người Việt Nam, sự tự hào đó còn đi cùng một mối đồng cảm, vì thi hào Tagore khi đó cũng đang sống trong một xứ thuộc địa. Thơ ông tha thiết với quốc gia, dân tộc, thương yêu dân nghèo.

Nhận giải Nobel Văn chương danh giá, nhưng Tagore đã bày tỏ cách ứng xử rất hiền triết phương Đông, bình thản và lặng lẽ. Ông không đến thủ đô Stockhom nhận giải mà chỉ gửi thư cảm ơn Viện Hàn lâm Thụy Điển đã trao giải đó cho ông.

tagore chụp năm 1929 tại sài gòn.jpeg -0
Thi hào Tagore - ảnh chụp năm 1929 tại Sài Gòn.

Hai năm sau, năm 1915, Hoàng Gia Anh đứng đầu là Vua George III tặng ông danh hiệu Hiệp sĩ. Ông nhận, nhưng 4 năm sau, vào 1919 ông đã trả lại danh hiệu để phản đối cuộc tàn sát ở Jallianwala Bagh thuộc thành phố Amritsar của Ấn Độ, Tổ quốc quê hương ông. Chỉ 10 phút nổ súng, lính Anh đã giết hơn 1.000 người và làm bị thương hơn 2.000 người không vũ khí.

Năm 1921, thi hào Tagore cùng với ông Leonard K. Elmhirt lập Viện Xây dựng nông thôn tại làng Surul với mục đích dùng giáo dục để giải thoát vùng thôn quê ra khỏi cuộc sống tăm tối. Từ đó tới 1941, khi ông qua đời, Tagore luôn bày tỏ sự quan tâm sâu sắc tới việc phá bỏ định kiến và kỳ thị giai cấp nặng nề ở Ấn Độ. Ông cũng luôn quan tâm tới sinh mạng và đời sống dân nghèo.

Thi hào Tagore có một sự nghiệp đáng nể trên mọi lĩnh vực như dịch thuật, tiểu thuyết, truyện ngắn, ký, kịch, tranh, âm nhạc và thi ca. Ông là tác giả của 50 tập thơ với hơn 1.000 bài thơ và đồng thời soạn ra hơn 2.000 bài hát. “Jana Gana Mana” quốc ca của Ấn Độ và “Amar sonar Bangla”, quốc ca của Bangladesh (vốn là một phần tách ra từ Ấn Độ) đều là ca từ của Tagore soạn ra. Còn quốc ca Sri Lanca thì lấy cảm hứng từ tác phẩm của ông.

Danh tiếng thi hào Tagore còn vang vọng hoàn cầu khi ông bỏ nhiều công sức và thời gian đi thăm viếng và diễn thuyết tại các quốc gia trên thế giới. Từ năm 1878 đến năm 1932, Tagore đã đặt chân đến hơn ba mươi quốc gia trên năm châu lục. Ở Á châu ông từng đi tới Nhật, Bali, đảo Java, Kualalumpur, Malacca, Penang, Siam, Irag, Singapore và Việt Nam.

Ở Việt Nam, thi hào Tagore được biết tới lần đầu qua sự giới thiệu của chí sĩ Nguyễn An Ninh, một luật sư tốt nghiệp Sorbone của Pháp về. Theo tài liệu của tiến sĩ Dương Thanh Bình tại Úc thì “Năm 1923, Nguyễn An Ninh diễn thuyết về “Lý tưởng thanh niên” ở Hội Khuyến học Nam Kỳ, ca ngợi đường lối của Tagore trong sự tranh đấu cho độc lập tự do dân tộc. Sau đó ông viết nhiều bài báo đăng trong tờ La Cloche Fêlée (Chuông Rè) vào những năm 1923, 1924 về những chuyến đi thuyết giảng của Tagore, dịch các bài tham luận “My school” (Trường học của tôi) của thi hào Tagore về sự ủng hộ của giới trí thức Pháp đối với phong trào độc lập dân tộc của người Ấn Độ. Và từ đó, tư tưởng Tagore đã trở thành một trong những đường hướng dân tộc để trí thức Việt suy ngẫm, trăn trở. Báo chí đã dịch nhiều thơ và tác phẩm văn xuôi của ông. Tên Rabindranath Tagore vang danh trong giới trí thức, chính khách, được nhắc nhiều trong các lãnh vực khác như văn chương, giáo dục…

Việt Nam đã từng một lần đón hụt thi hào Tagore vào năm 1924, khi Tagore ghé thăm Hong Kong và có ý định tới thăm Việt Nam. Lúc đó báo chí trong nước đã đưa tin báo và thậm chí các ban bệ chuẩn bị đón tiếp thi hào đã được thành lập. Tuy nhiên sau đó Tagore không tới được như dự tính, vì sức khỏe không tốt. Năm đó ông đã 64 tuổi.

Các báo ở ta lúc đó vẫn tiếp tục đưa tin về hoạt động của ông trên thế giới cũng như in thơ ca của ông. Một buổi thuyết trình riêng về thi hào Tagore đã được tổ chức tại Sài Gòn do Giáo sư Kalidas Nag đảm nhiệm, nói về thi ca và về lý tưởng giáo dục của Tagore, cổ vũ cho dự tính thành lập một trường đại học quốc tế trên quê hương của Tagore.

Năm 1927, một cơ may tới. Một nhà báo xuất sắc của Việt Nam thời đó là ông Hoàng Tích Chu, ban đầu làm cho Nam Phong tuần báo của Phạm Quỳnh, sau làm chủ bút của Hà Thành Ngọ Báo và Đông Tây Nhật Báo. Ông Hoàng Tích Chu từng qua Pháp học cách làm báo và đi qua đi lại vài lần. Trong lần này tàu chở ông Hoàng Tích Chu từ Pháp về Việt Nam có ghé Colombo đón đại thi hào Tagore.

Cơ hội bằng vàng. Rất nhanh nhạy, ông Hoàng Tích Chu cùng trên một chuyến tàu, đã xin diện kiến và phỏng vấn Tagore.

Ông về viết ngay một bài đăng trên tờ Éco Annamite ngày 2 tháng 8 năm 1927. “Linterview de Rabindranath Tagore, à bord de lAmboise” (Bài phỏng vấn Rabindranath Tagore trên tàu Amnoise). Nội dung bài trao đổi về chủ nghĩa đế quốc - thực dân và quyền tự do của con người.

Ông Hoàng Tích Chu lần này cũng đã cho một thông tin quý báu là thi hào Tagore sẽ tới Đông Dương để thăm thú những di tích lịch sử, tìm hiểu văn hóa và đời sống của người dân ở đây. Phải loan báo trước, vì hồi đó đi từ châu lục này qua châu lục khác bằng tàu biển, thường cặp các hải cảng lớn ở lại vài ngày, một chuyến đi kéo dài hàng vài tháng là bình thường.

Năm 1929, Tagore đi dự hội nghị các Hội đồng giáo dục Quốc gia ở Vancouver, Canada. Trở về ông ghé thăm Nhật một tháng ròng. Hay tin ông tới Nhật, tòa đại sứ Pháp ở đó mới tới xin gặp và trân trọng mời thi hào ghé thăm Đông Dương. Thi hào nhận lời và cũng nói thêm ý định của ông là muốn ghé thăm Angkor Wat.

Báo chí ta lại được một phen đưa tin rầm rộ, dồn vào việc chuẩn bị đón thi hào tới Việt Nam qua ngả Sài Gòn trên tàu Angers hãng Compagnie des Messageries Maritimes từ Nhật qua Việt Nam. Thi hào sẽ ở lại chỉ 3 ngày.

Ban đầu Tagore được bố trí ở tại khách sạn Continental (trên đường Đồng Khởi hiện nay). Nhưng sau đó nơi ông ở được dời tới căn nhà rất đẹp tại tại góc đường Legrand de la Liraye và rue Barbet (nay là Điện Biên Phủ – Lê Quý Đôn). Đây là nhà của ông Diệp Văn Giáp, Ủy viên Hội đồng Quản hạt Sài Gòn. Ông Giáp hồi ấy giàu lắm, tài sản ruộng đất trải khắp miền Nam.

Thành viên của Ban đón tiếp thi hào gồm đại diện chính quyền thuộc địa tại Nam Kỳ, Hội đồng quản hạt thành phố Sài Gòn và Chợ Lớn, đại diện các phòng Thương mại và phòng Canh nông, chủ bút, hay ký giả đại diện của tất cả các báo. Về các sắc dân thì có đại diện người Việt, người Pháp, người Hoa, người Ấn tại Sài Gòn, Chợ Lớn khi đó cùng có mặt trong ban bệ. Vì thi hào dùng tiếng Anh và tiếng Bengal nên có riêng một ban phiên dịch.

Báo chí rầm rộ loan tin. Ngày 21/6/1929, thi hào Tagore chính thức tới Sài Gòn.

Thị trưởng Sài Gòn là ông Bziat và đại diện Thống đốc Nam Kỳ lên tàu chào đón Tagore rồi mời ông về nhà ông Giáp nghỉ ngơi. Có một đám đông lớn của dân Sài Gòn - Chợ Lớn thời đó đã đi đón ông. Báo La Tribune Indochinoise còn tổ chức một buổi mít tinh ở bến cảng để chào mừng thi sĩ Tagore. Tờ Hà Thành Ngọ Báo của ông Hoàng Tích Chu cập nhật thông tin về chuyến đi của Tagore trong từng ngày.

Ngày 22/6/1929, thi sĩ Tagore có buổi nói chuyện ra mắt công chúng tại Nhà hát Lớn. Sau đó, ông ghé thăm Lăng Lê Văn Duyệt, Tổng trấn Gia Định. Trước đó ông có ghé thăm Trường Mỹ thuật Biên Hòa. Chiều thì Tagore đến nhà in của ông Nguyễn Văn Của và dự tiệc. Thay vì uống rượu champagne, ông xin được uống nước dừa và tò mò xem bộ sưu tập đồ cổ của Nguyễn Văn Của.

Sau đó thi hào ghé thăm Báo Phụ nữ Tân văn, dự buổi tiếp tân của Phòng Thương mại người Hoa ở chùa Bà của người Quảng Đông tại Chợ Lớn trên đường Cây Mai (nay là đường Nguyễn Trãi). Trước khi lên đường về nước, Tagore dự buổi đàm đạo uống trà với Thống đốc Pierre Pasquier và các ủy viên trong ủy ban Pháp, Việt, Ấn Độ vừa lập ra để tiếp đón thi hào. Ông có bài nói chuyện về thi văn và cảnh thanh tịnh ở các ngôi chùa Phật giáo.

Tới Sài Gòn, thi sĩ không mặc quốc phục Ấn hay đồ tây mà mặc một bộ cánh Việt Nam thời đó đi bát phố. Ổng bận áo dài đen, quần trắng, đầu đội mũ nhung đen, mắt đeo kiếng. Khi đó đại thi hào đã 68 tuổi. Tagore không đi Angkor Watt được vì sức khỏe không cho phép.

Sau thi hào Tagore ta còn đón 2 văn hào nhận giải Nobel văn chương tới thăm nữa là ngài John Steinbeck và García Márquez. Các báo trên cả nước năm ấy được dịp tha hồ đăng bài tường thuật chuyến thăm và in thơ cũng như truyện ngắn dịch ra tiếng Việt của thi sĩ Tagore. Càng về sau này, các tác phẩm của thi hào Tagore lại càng phổ biến rộng rãi ở Việt Nam.

Nguyễn Thị Bích Hậu
.
.