Chuyện sau ngày thống nhất
"Ghé dô... ghé dô..." - cậu lơ xe đu người ra hẳn ngoài cửa xe hét toáng lên, rồi quay vô trong xe: “Dạ, tới cây xăng Phú Quý rồi chú Hai...”. Miệng nói, tay cậu xách cái ba lô của ông Bảy nhảy xuống khi xe còn chưa dừng. Trời mới mờ mờ sáng, chiếc xe đò của hãng Phi Long xuất phát từ Huế chở ông và cậu con trai cũng đã về tới quê ở Ninh Thuận.
Sau hiệp định Genève năm 1954, ông Trần Thanh Đề tập kết ra Bắc học tập văn hóa tại Hà Nội. Ông lập gia đình chuyển công tác về tại Ty Thương binh và xã hội tỉnh Nam Định. Nhớ cái thời khắc trưa ngày 30/4 cả đất nước vỡ òa niềm vui khi Sài Gòn hoàn toàn giải phóng, cả nhóm anh chị em đồng hương Liên khu 6 rủ nhau đạp xe gần trăm km lên Ban Thống nhất Trung ương xin chuyển công tác về Nam, rồi trở lại Nam Định sắp xếp công việc đưa cậu con trai cùng đoàn cán bộ tập kết về thăm quê.

Sau hơn một ngày đi đường, chiếc xe Hải Âu dừng lại bên cầu Hiền Lương sơn hai màu vàng xanh. Nhiều người đã bật khóc. Vĩ tuyến 17, con sông Bến Hải là cái ranh giới ước lệ ngăn chia 2 miền Nam - Bắc, ông và các đồng đội của mình đã đổ bao xương máu, để mòn mỏi suốt mấy chục năm đằng đẵng "ngày Bắc, đêm Nam", không tin tức gì của gia đình, để có thể tự do bước qua cái vạch sơn giữa cầu. Gia đình ông có 9 anh chị em, trong số những người ruột thịt thì ba và 2 anh em của ông mất trước khi ông đi tập kết, ở lại trong Nam còn má và 6 anh chị em. Đến lúc đó ông cũng không biết ai còn ai mất...
Chiếc xe đò chạy từ hồi nào rồi, ông Bảy và người con trai vẫn tần ngần đứng bên đường. Cảnh vật đổi thay quá, chỉ tên làng Phú Quý thì không lẫn vào đâu được. Năm 1950 khi cùng đơn vị đánh đồn Pháp, ông bị thương ở cánh tay được đưa về đây rồi chuyển lên chiến khu CK7…
Dòng ký ức của ông bị cắt ngang bởi tiếng nổ lạch bạch của mấy chiếc xe lam phía bên kia đường vừa chở rau từ Phan Rang xuống đang bốc hàng. "Anh Bảy Đề phải không? Trời ơi, mấy chục năm rồi, nếu không có cánh tay bị mất kia chắc em không nhận ra...". Phía bên kia đường, người đàn bà trạc 40 tuổi từ quán café cóc vừa nói vừa tất tả chạy qua. Sau giây lát ngỡ ngàng, ông cũng nhận ra người phụ nữ đối diện. Đấy là cô Ba Trinh một thời làm du kích tham gia chống Pháp. Khi ông bị thương, chính cô ấy là người dìu ông về hậu cứ.
Sau một hồi hỏi thăm ríu rít, người phụ nữ sai cậu con trai đưa cha con ông Bảy đến căn nhà cách đó chưa đầy 100 mét. Kéo cánh cửa đã mở hé, cậu gọi với vào: "Bà Ba ơi, có ai tìm nè". Trong nhà một người phụ nữ cầm chiếc đèn dầu đi ra. Sau vài giây bỡ ngỡ, chị quay ngược vào nhà nói lớn: "Má ơi má, cậu Bảy về...!". Rồi chị lật đật chạy ra đỡ cái ba lô trên tay ông Bảy đưa vào nhà. Bà Ba nghe con gái gọi, không kịp xỏ dép, từ phía sau chạy ra miệng lập bập: "Trời Phật ơi, mày còn sống hả Bảy...". Ôm lấy em, đôi mắt bà nhòe đi, run run rờ vào bên cánh tay bị mất của ông Bảy, như thể khẳng định đây là đứa em bằng xương bằng thịt của mình chứ không phải trong giấc mơ. Đứa em duy nhất trong nhà, sau giải phóng hơn một tháng vẫn biệt tăm.
Trời dần sáng, khu phố chợ bắt đầu nhộn nhịp. Căn nhà bà Ba trở nên chật hẹp khi anh em, con cháu nghe tin tới ngày càng đông. Ông Năm chạy xe đạp từ quê xuống, bà Tư và hai người em trai thứ tám, chín và cô em út thứ mười ở khu trên cũng lật đật chạy qua... Xen những nụ cười là nước mắt mừng tủi của thời khắc sum họp.
Bà Tư nắm bàn tay độc nhất của em trai gọi với ra ngoài: “Ủa mấy đứa đứng chi ngoài đó, vô chào cậu Bảy chưa?”. Rồi bà xuống giọng nói với em: “Mấy đứa bị bắt đi lính ngụy, chắc ngại khi gặp cậu đấy”. Nhìn mấy người thanh niên nem nép tới chào, ông Bảy cười xòa nói: “Hòa bình, hòa hợp dân tộc rồi chẳng lẽ gia đình mình còn phân biệt sao. Giải phóng được tự do làm ăn, nhà mình ruộng đất còn vài mẫu, mấy anh em biểu nhau chịu khó làm ăn nhen…”.

Quê ông làng La Chử, nay thuộc xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận. Ông cụ tổ họ Trần từ ngoài Huế theo nghĩa quân Phan Lành đánh Pháp. Năm 1889 phong trào Cần Vương thất bại, ông giấu súng và đưa hơn trăm người tới đây khai hoang lập làng rồi lấy tên quê cũ đặt cho tên làng.
Suốt những năm kháng chiến, người dân đây thường nói đây là "làng cách mạng gộc", "ngày Quốc gia, đêm theo Cộng sản"; hầu như gia đình nào cũng có người theo cách mạng và cũng không ít người theo phía bên kia. Sau 30/4, ông Tám từ chiến khu Lê Hồng Phong ở Bình Thuận đi thẳng về quê. Ngày hôm sau đạp xe lên đón ông Chín là lính Việt Nam Cộng hòa đi “học tập” 7 ngày về. Cả hai ông đều ngót 50 tuổi, không ai có gia đình riêng, giờ về ở chung nhà với cô em út.
Phía ngoài làng vẫn ngổn ngang hàng rào dây kẽm gai của ấp chiến lược, cánh đồng làng vàng chạch gốc rạ bởi mấy tháng rồi khô hạn. Vén cỏ cây tìm lại mộ ông bà, cha mẹ bao năm gia đình ly tán thiếu người chăm sóc. Trong khói nhang lơ thơ, mọi người kể khi ông tập kết được vài năm thì mẹ ông qua đời. Trong đám tang của bà còn 3 chiếc khăn tang không ai đội.
Ông Bảy đi tập kết ra Bắc, hai em kế người “nhảy núi” người bị bắt đi lính Việt Nam Cộng hòa đều ở xa. Đi quanh gốc cây Sộp ở đình làng, ông Bảy như đang tìm lại dấu vết của một thời cha ông khai mở đất lập làng, tuổi thơ ấu ông cũng đã lớn lên và thời thanh niên cùng cha anh treo cờ khởi nghĩa Tháng Tám 1945. Và ngay tại cây này, ông chia tay gia đình đi tập kết…
Ngày hôm sau, ngẫu nhiên trùng hợp là ngày giỗ của mẹ ông Bảy. Đây cũng đồng thời là cuộc đoàn tụ sum họp của cả gia đình ông sau hơn 20 năm. Quanh ly rượu trùng phùng, anh em họ hàng có dịp gặp mặt nhau hàn huyên, tâm sự sau bao năm ly tán, đối đầu. Không chỉ là những câu chuyện về một thời máu lửa của những người theo kháng chiến, mà còn cả những mẩu chuyện của người đã từng cầm súng ở phía bên kia, mỗi lần đi càn khu căn cứ, chỉ giương súng bắn lên trời... Ký ức về một giai đoạn lịch sử gian khổ, anh em họ hàng bao người đã ngã xuống vì độc lập, tự do của Tổ quốc, tất cả đã tạo nên những giá trị bất diệt, mà ai cũng cảm nhận được cần phải trân trọng và gìn giữ.
Đất nước thống nhất là ngày mà bao nhiêu gia đình được đoàn tụ, nhưng cũng có biết bao nhiêu người mãi mãi không thể trở về như chồng bà Ba hy sinh trên căn cứ từ năm 1946. Với ông Bảy, những hy sinh đó là vô giá, cần phải trân trọng từng giây phút, phải sống có ý nghĩa để xứng đáng với những gì cha ông đã để lại.
Câu chuyện trong bữa cơm gia đình trở nên ấm cúng hơn khi mọi người thấy rằng hòa bình không phải là điều tự nhiên mà có, mà phải đánh đổi bằng biết bao xương máu và sự mất mát, sự chia ly. Ông tính vài ngày nữa trở ra Bắc, chuyển công tác và thu xếp đưa cả gia đình về quê. Ngày mai ông sẽ đi bảo lãnh cho người con trai duy nhất của bà Ba vợ liệt sĩ, đang học tập ở trên Đơn Dương. Với ông có lẽ như vậy, niềm vui sum họp sẽ trọn vẹn hơn.
Trời về chiều phía cao nguyên Lâm Viên cơn dông ầm ì kéo tới, năm nay chắc mưa sớm. Bên ấm trà mới pha, mọi người cùng nhau bàn chuyện lên rừng cưa cây về cất nhà, chuẩn bị trỉa bắp, bo bo, lo giống lúa sạ sớm trên xứ "đồng một vụ, ăn nước trời". Dưới gốc cây khế trước sân, hai người em ông Bảy đang rủ nhau đào trùn để tối cắm câu, kiếm vài con cá tràu về nấu canh chua đãi anh.
Những giọt mưa đầu mùa trút xuống hàng dừa trước nhà rào rào, mưa như những ngón tay nhẹ nhàng tưới mát ruộng vườn, cây cỏ. Ngoài sân mấy đứa trẻ giọng Bắc xen giọng Nam tíu tít rủ nhau tắm mưa. Cơn mưa như gieo niềm hy vọng một vụ mùa mới, mở ra khung cảnh thanh bình mùa đoàn tụ gia đình, có lẽ không chỉ riêng với gia đình ông Bảy, mà cả quê hương đất nước… Tất cả khởi nguồn từ sau ngày giải phóng 30/4/1975.