Chuyện nhỏ mà không nhỏ về một nhà thơ lớn
Là một trong những cây đại thụ của thơ ca Việt Nam từ trước Cách mạng tháng Tám đến nay, nhà thơ Huy Cận (31/5/1919 - 1/9/2005) đã giữ nhiều cương vị quan trọng trong ngành văn hóa. Ông từng là Bộ trưởng đặc trách văn hóa - thông tin, đại biểu quốc hội một số nhiệm kỳ, Viện sĩ hàn lâm thơ thế giới.
Diệu phải nghe Cận chứ
Một lần khoảng năm 1969. Bữa ấy tôi có mặt ở phòng nhà thơ Xuân Diệu, hôm đó nhà thơ Xuân Diệu bị yếu, Huy Cận gọi điện thoại mời bác sĩ đến khám cho Xuân Diệu, khám xong bác sĩ bảo cần phải tiêm, nhưng Xuân Diệu giãy nảy, cương quyết không tiêm, Huy Cận "dỗ" mãi bạn không được. Nhà thơ Huy Cận nhìn Xuân Diệu, nét mặt Huy Cận lúc này nghiêm nghị nói như ra lệnh cho bạn: "Không được, không được, Cận yêu cầu Diệu phải tiêm, tiêm mới khỏi bệnh. Diệu phải nghe Cận chứ". Lúc ấy Xuân Diệu mới nghe, ông nhíu mày chịu đau, vì bệnh và cũng vì nghe lời bạn.
Đúng là đôi bạn nhà thơ lớn sống vì nhau, sống cho nhau và viết cho nhau. Chả có thế mà Huy Cận đã viết tập thơ ký "Song đôi" - viết cả hồi ký cho Xuân Diệu đó sao? (Xuân Diệu mất trước Huy Cận gần 20 năm).
Huy Cận sống xuề xòa, khiêm tốn như thế, nhưng có nhiều điều không thể xuề xòa được, nhất là trong lễ nghi giao tiếp thì ông đàng hoàng cẩn trọng hết mực.
Tôi đề nghị các đồng chí đứng nghiêm chỉnh
Tôi nhớ năm 1998 sau khi chia tách tỉnh Hải Hưng thành tỉnh Hưng Yên và Hải Dương. Năm đó tỉnh Hải Dương đến kỳ Đại hội Văn nghệ, nhà văn Đỗ Hữu Tấn, Phó Chủ tịch Hội văn nghệ Hưng Yên và tôi ra dự. Trước khi khai mạc, Hội Văn nghệ Hải Dương tổ chức trao "Huy chương vì sự nghiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam" cho 40 hội viên. Nhà thơ Huy Cận được Ban tổ chức mời lên trao. Vì số người được trao đông, ai cũng muốn được đứng hàng đầu nên rất lộn xộn.
Trong lúc đó nhà văn Đỗ Thị Hiền Hòa trên đoàn chủ tịch giới thiệu nhà thơ Huy Cận tiến hành trao huy chương. Nhà thơ Huy Cận bước lên bục cầm micro, ai cũng tưởng ông lên đọc lời chào mừng rồi sẽ trao luôn. Nhưng mà không, ông nói: "Tôi đề nghị các đồng chí đứng cho nghiêm chỉnh, chỉnh trang y phục chỉnh tề đã. Trao huy chương Vì sự nghiệp Văn học nghệ thuật mà mất trật tự lộn xộn như thế là không được. Các đồng chí không thể coi thường vinh dự và vinh quang của mình trong lúc này đâu: Phải trọng thể nghiêm trang…".
Ông vừa dứt lời, mọi người nhanh chóng vào vị trí trong hàng thẳng tắp. Mọi người thực hiện như ý ông, lúc bấy giờ nhà thơ Huy Cận mới trao cho từng hội viên. Trao xong, ông bắt tay lần lượt từng người. Chừng như mãn nguyện khi họ đã làm theo ý ông, ông cười tươi rồi nói: "Phải thế chứ!".
Huy Cận là như vậy, nghiêm túc với công việc, nghiêm túc với lao động thơ, đơn giản trong đời thường, nhưng không đơn giản, úi xùi trong nghi thức, nghi lễ của những vinh quang.
Nhà thơ Huy Cận với Hưng Yên
Là một trong những cây đại thụ của thơ ca Việt Nam từ trước Cách mạng tháng Tám đến nay, nhà thơ Huy Cận (31/5/1919 - 1/9/2005) đã giữ nhiều cương vị quan trọng trong ngành văn hóa. Ông từng là Bộ trưởng đặc trách văn hóa - thông tin, đại biểu quốc hội một số nhiệm kỳ, Viện sĩ hàn lâm thơ thế giới.
Nhà thơ Huy Cận đã nhiều lần về công tác ở Hưng Yên. Với ông đi công tác cũng là đi sáng tác luôn. Năm 1958 ra vùng mỏ đi thực tế từ 3-6 tháng ông có tập thơ "Trời mỗi ngày lại sáng". Những năm sáu mươi của thế kỷ trước, về Hưng Yên ông có tập: "Những năm sáu mươi". Những bài thơ viết về Hưng Yên của ông đã in sâu trong lòng bạn đọc. Đến nay nhiều người vẫn còn nhớ, như những bài "Gái Bãi Sậy sông Hồng". Viết về chị Tám (nữ du kích Hoàng Ngân) (11/1966), ông có những câu:
Đơn giản có gì đâu
Con gái vùng du kích
Tuổi bẻ gãy sừng trâu
Đòn gánh dồn đánh địch...
Hoặc:
Con bà Trưng, bà Triệu
Gái Bãi Sậy, sông Hồng
Trăm chị, nghìn chị Tám
Vai đảm gánh non sông
Trong bài "Cô gái Hưng Yên đi khai hoang Tây Bắc":
Mắt đen hạt nhãn cười tinh nghịch
Tóc quấn trần trông rất có duyên.
Người ta thường nói con gái mắt đen huyền, chỉ có Huy Cận mới phát hiện ra mắt đen hạt nhãn - vừa sáng tạo độc đáo, vừa rất "Hưng Yên". Nhà thơ đã lấy hạt nhãn, một thành phần chủ thể trong quả nhãn để tả màu sắc của mắt - con gái Hưng Yên. Mắt đen như hạt nhãn thì còn gì đen hơn, đẹp hơn. Mắt đen như hạt nhãn là một trong những tiêu chuẩn người đẹp của đất Hưng Yên rồi. Đã thế các cô còn "cười tinh nghịch" nữa mới vui nhộn, đỏng đảnh, đáng yêu của con gái Hưng Yên xứ nhãn lồng.
Tháng 11/1966, lúc bấy giờ nhà thơ Huy Cận còn là Thứ trưởng Bộ Văn hóa (sau này là Bộ trưởng), ông về công tác ở Ty Văn hóa - thông tin tỉnh Hưng Yên. Nhân chuyến đi này, ông kết hợp thăm một số cơ sở kinh tế nông nghiệp. Lúc về nhà khách nghỉ, Huy Cận viết bài thơ "Đàn ong di động Hưng Yên". Viết xong, ông mời đồng chí Hoàng Trị là Phó trưởng ty Văn hóa - Thông tin phụ trách văn nghệ sang nghe bản thảo của bài thơ. Huy Cận đọc đến câu:
Đàn ong di động Hưng Yên
Mùa hoa dời tổ trăm miền tìm hoa
Phó trưởng ty mạnh dạn mạn phép Thứ trưởng, chữa ngay chữ "tổ" thành chữ "đõ". Huy Cận tỏ vẻ ngạc nhiên hỏi lại: "Sao ông lại chữa như vậy". Ông Hoàng Trị lý giải: "Thưa Thứ trưởng, tổ ong là con ong trực tiếp làm tổ ở trên cây, chứ ong đàn người ta nuôi trong hòm gỗ, nó làm sáp trên cầu ong thì gọi là đõ ong".
Huy Cận còn phân vân, chiều hôm sau ông Hoàng Trị dẫn nhà thơ ra thăm quan một xí nghiệp nuôi ong gần đấy. Lúc này Huy Cận mới phân biệt đõ ong và tổ ong. Nhà thơ tâm đắc, gật đầu nói với phó trưởng ty:
- Cả đời vẫn cứ phải học, học đến lúc chết phải không đồng chí?
Cả hai cùng cười.
Bài thơ đó, sau này Huy Cận cho in trong tập "Những năm sáu mươi" do Nhà xuất bản Văn học ấn hàng năm 1968, ông vẫn để y như đồng chí Phó trưởng ty Văn hóa - Thông tin đã chữa.
Ai cũng biết tác giả "Lửa thiêng" nổi danh từ những năm bốn mươi của thế kỷ trước là Huy Cận, tài thơ đến như thế, lại là thủ trưởng cao cấp của vị phó trưởng ty kia mà vẫn cứ khiêm tốn học hỏi cấp dưới. Dù Huy Cận từng tốt nghiệp Trường Canh nông thời Pháp thuộc, một trong những cây đại thụ của phong trào Thơ mới 1930-1945, nhưng với cấp dưới tuy không được tài thơ như ông, ông vẫn khiêm tốn học hỏi, tiếp thu ở họ điều đúng, để cốt có thơ hay, sử dụng ngôn ngữ chuẩn mực.
Nhà thơ Huy Cận đồng ý cho Phạm Tiến Duật sửa thơ
Chuyện có một nhà thơ là bậc con cháu lại dám sửa thơ của các bậc tiền bối.
Năm 2005, khi đó nhà thơ Phạm Tiến Duật đang là Tổng biên tập Tạp chí Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam. Tết năm đó, nhà thơ Huy Cận có gửi một bài thơ với tựa đề "Gối tay đêm xuân" cho tạp chí này. Bài thơ 12 dòng, bản thảo nguyên văn có 4 câu đầu là:
Tay người ta gối thâu đêm
Mộng về theo mộng, tình êm với tình
Một tay ôm lấy hai mình
Một quai quấn lấy hai bình thanh xuân.
"Một quai quấn lấy hai bình thanh xuân", ý nói cánh tay ông ôm người bạn đời và cũng ôm cả chính mình nữa. Nhà thơ Phạm Tiến Duật đến gặp Huy Cận thưa rằng: "Anh ơi! Viết thế nghĩa bóng thì hay, nhưng nghĩa đen thì hơi buồn cười. Chả ai làm "bình đôi" chung quai thế, kể cả hai loại bình thông nhau. Huy Cận cười, đồng ý để Phạm Tiến Duật sửa "Hai tay quấn lấy một bình thanh xuân". Bài thơ này được in trên Tạp chí Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam số Tết 2005.
Sau này Phạm Tiến Duật kể lại với bạn bè rằng, ý đồ anh chữa thơ cho cụ Huy Cận như vậy cũng thấy run run và rất mạo hiểm. Chỉ lo Huy Cận không nghe mà còn mắng cho thì khốn. Bởi Huy Cận là bậc đại thụ trong phong trào Thơ mới, là Viện sĩ Hàn lâm thơ thế giới, từng giữ các chức vụ cao trong Chính phủ như: Bộ trưởng Bộ Canh nông, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Chủ tịch Ủy ban TW Hội liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam... Huy Cận được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật đợt I năm 1996.
Nhưng trái với những lo lắng của Phạm Tiến Duật, Huy Cận khi nghe xong đóng góp từ "hậu bối" của mình thì không những không "giận dữ" mà còn gật gù cười tỏ vẻ tâm đắc lắm.
Chỉ cần một chi tiết nhỏ trên đây, ta hiểu thêm đức tính khiêm tốn của nhà thơ Huy Cận. Là một nhà thơ lớn, tài cao, chức cao nhưng vẫn học hỏi những điều nhỏ nhất từ cấp dưới của mình, những chuyện liên quan đến chữ nghĩa, văn chương, cốt chỉ để thơ hay, văn hay!
Ngày 18/6/2012, Phạm Tiến Duật - người sửa câu thơ trên của Huy Cận, cũng vinh dự nhận được Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật.