Chuyện Bác Hồ làm sách
Chúng ta đã biết nhiều đến việc Bác Hồ làm báo, viết báo, mà còn sáng lập tờ “Người cùng khổ”, “Thanh niên”, “Việt Nam độc lập”... Có thể nói, Bác Hồ là người thầy của báo chí Cách mạng Việt Nam. Nhưng còn chuyện về Bác Hồ làm sách cũng là bậc đáng nể, thì còn ít người biết. Đặc biệt là sách nêu gương những cá nhân, tập thể điển hình tiên tiến trong lao động sản xuất, chiến đấu.
Theo tài liệu của nhà báo Quân đội Trần Cư (in trên Tạp chí Sự kiện & Nhân chứng số 54 tháng 6/1998): Trong 8 năm từ 1959-1967, Bác Hồ đã đọc hàng ngàn bài báo đăng trên Báo Quân đội nhân dân, Nhân dân, Đại đoàn kết, Phụ nữ, Tiền phong... từ các mục “Người tốt, việc tốt”, “Cháu ngoan Bác Hồ”, “Gương sáng soi chung”, và báo của các bộ, ngành, các tỉnh, thành phố... Tất cả các gương tốt ấy đăng trên báo đều được Bác sưu tầm lại, đóng thành 18 tập, bọc bìa cứng rồi đem để vào trong một chiếc hòm gỗ, gần chỗ nghỉ của Bác, kèm theo 4 tờ giấy khổ A4 đánh máy giới thiệu tóm tắt 18 tập tư liệu này.
Đây là 4.000 gương người tốt, việc tốt đã được Bác thưởng huy hiệu, đủ các thành phần: Cụ già, các cháu thiếu nhi, trí thức, bộ đội, dân quân... trên mọi lĩnh vực: có thành tích dũng cảm chiến đấu, sáng tạo, cần cù trong lao động sản xuất, thương yêu giúp đỡ đồng bào, đồng đội... Sau khi tập hợp số người được Bác thưởng huy hiệu, thấy đã nhiều nhiều, Bác có ý tưởng - từ các bài báo đó Bác sẽ in thành sách Người tốt việc tốt, khổ nhỏ để mọi người dễ truyền tay nhau đọc, mà học tập các tấm gương đó.
Một buổi sáng tháng 5/1968, đồng chí Lê Văn Lương (khi đó trong Ban Bí thư có việc sang báo cáo với Bác), lúc này Bác đang cặm cụi sửa và đọc lại chồng tài liệu kể trên. Thấy đồng chí Lương đến, Bác nói ngay: “Bác thấy có lẽ nên viết lại những tấm gương này in thành sách, để giáo dục đạo đức mới cho nhân dân ta. Mấy bữa nay, Bác đã chọn, ngồi đọc và viết lại đây...”. Đồng chí Lê Văn Lương xúc động nhìn Bác, chợt nghĩ: Bác bận trăm công nghìn việc thế mà vẫn dành thời giờ quí báu để làm việc này. Đồng chí Lê Văn Lương thưa: “Xin phép Bác giao cho Nhà xuất bản việc này ạ!”. Bác vui vẻ đáp: “Vậy những ai làm việc này thì xin mời lại đây để Bác giao trực tiếp, còn dặn dò cho rõ”. Bác nói và có kế hoạch làm ngay, Bác hẹn hôm sau sẽ tiếp các đồng chí phụ trách xuất bản.
Trở về, đồng chí Lê Văn Lương giao trọng trách này cho đồng chí Hà Huy Giáp (khi đó là Thứ trưởng Bộ Văn hóa) cùng lãnh đạo chủ chốt các Nhà xuất bản đến làm việc với Bác. Khi mọi người đến, Bác chỉ vào chồng báo đã đóng sẵn để ở trên bàn tiếp khách, nói: “Đây là những tập bài báo nói về gương Người tốt, việc tốt mà Bác đã khen tặng huy hiệu bấy lâu nay. Các chú hãy đem về chọn lọc và thẩm tra lại cho chính xác, viết lại cho ngắn gọn, trong sáng, hấp dẫn, nhưng không hoa hòe, hoa sói. Bài báo nào viết dài thì rút ngắn lại, viết sao cho dễ đọc, dễ nhớ và thấy mình cũng có thể làm được việc tốt ấy. Sách soạn ra cần có đủ mọi thành phần trong nhân dân, như một vườn hoa nhiều hương sắc, phản ánh cả dân tộc ta là một vườn hoa thuần phong, mỹ tục, muôn sắc, muôn hương. Một vườn hoa mà toàn hoa hồng cả, dù rất đẹp, nhưng đơn điệu phải không? ...”.
Về trình bày sách Bác lưu ý: “Sách nên khổ nhỏ 10cmx15cm, bìa có in hình huy hiệu Bác vẫn tặng và đề dòng chữ “Loại sách người tốt việc tốt”, bên trong sắp chữ cỡ 10. Cần vẽ thêm tranh, nếu thấy không tốn kém quá, tranh đẹp sẽ hấp dẫn người xem, phải in đẹp, bán rẻ. Sau khi sách in ra, phải có người hưởng ứng, gây thành phong trào đọc sách và nhận xét sách và nhất là biến thành hành động. Phải chọn người biên tập có đạo đức, có trình độ. Sau này sẽ có chỉ thị của Ban bí thư về việc này...”.
Nói xong Bác trao 18 tập bài viết này cho đại diện các Nhà xuất bản. Có lẽ những người làm công tác xuất bản hôm đó không thể quên được những lời chỉ dạy cặn kẽ, tỉ mỉ và vô cùng bổ ích của Bác về việc làm sách. Tất cả mọi người cứ ngỡ như Bác đã có nhiều thâm niên làm sách mới có được kinh nghiệm quí báu đó. Vậy là Bác không chỉ là người làm báo bậc thầy, mà còn am hiểu nghề làm sách cũng đâu kém nghề báo.
Từ đó và tiếp đến nhiều năm sau, các nhà xuất bản đã in ra hàng triệu bản sách Người tốt, việc tốt, và đều phát hành hết nhanh. Ngay sau đó, ngành văn hóa khởi xướng phong trào đọc sách người tốt việc tốt, các nhà tuyên giáo, nhà văn đi xuống các cơ sở nói chuyện và tuyên truyền sách Người tốt, việc tốt, tổ chức thi “kể chuyện sách Người tốt, việc tốt”. Những việc làm này đã tác động không nhỏ đến việc giáo dục truyền thống yêu nước, yêu lao động, cần cù, thông minh của dân tộc ta. Nhiều cơ quan, nhà máy, xí nghiệp xây dựng tủ sách Người tốt, việc tốt, nhiều nhân tố mới xuất hiện, mọi người cùng thi đua nhau như lời Bác dạy “Yêu nước là thi đua, những người thi đua là những người yêu nước”,“Mỗi người tốt là một bông hoa đẹp, cả dân tộc Việt Nam là một rừng hoa đẹp”.