Chử Văn Long - Nhà thơ của nỗi trăn trở và yêu thương con người
Giọng nói nhỏ nhẹ và trầm buồn, nhà thơ Chử Văn Long khi trò chuyện thi ca với bạn bè thường tỏ rõ sự ưu tư hướng nội với nhiều trăn trở về nỗi đời, nỗi người, nỗi văn.
Đọc kỹ “Tuyển thơ văn chọn lọc Chử Văn Long” dày hơn 500 trang do NXB Hội Nhà văn ấn hành mới thấy ông là người văn cẩn trọng, thiết tha với chữ nghĩa nhiều lắm. Nhà thơ Chử Văn Long sinh năm 1942, quê Thanh Trì, Hà Nội, là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Năm 1963, ông tốt nghiệp trung học cơ điện, rồi xung phong đi xây dựng kinh tế Quảng Ninh. Năm 1979, ông về công tác ở Hội Văn nghệ Hà Nội, làm Báo Người Hà Nội. Ông từng học Trường viết văn Nguyễn Du khóa I, đã in 15 tập thơ, tiểu luận văn chương và được trao nhiều giải thưởng.
“Tôi sống giữa những người chân đất”
Với niềm tin rất nhân bản, khi suy nghĩ về nghề văn ông cho biết: “Cuộc sống trở nên có ý nghĩa khi con người luôn nhầm lẫn chọn lựa vẻ đẹp của mình. Chỉ có trái tim mới dò dẫm được hướng đi cho thơ. Hạnh phúc của người cầm bút là làm cho con người sống hòa thuận thương yêu lẫn nhau. Và cuối cùng thơ không có chỗ để căm thù”. Như vậy, thi ca chính là nguồn cội của yêu thương, chia sẻ với con người và đồng nghĩa với tình nhân ái, nhân văn để cái đẹp cứu rỗi mọi bất hạnh, buồn đau trên thế gian này.
Dường như thấm sâu triết lý ấy, nên Chử Văn Long rất tự tại, thanh thản trong bài thơ “Tôi sống giữa những người chân đất” với những câu thơ giản dị: “Tôi sống giữa những người chân đất/ Những người của nắng mưa thấm đẫm vui buồn/ Cả khi có dép rồi họ vẫn thích đi chân đất/ Chân đất đã quen, chân đất tự do hơn/ Họ là những thứ cây làm nên rậm rì cuộc sống/ Trái đất chẳng cằn đi vì mồ hôi họ đổ vào/ Không đọc sách và không mơ mộng/ Dễ tin người cả những chuyện tào lao/ Họ có thể ngồi bên cỗ quan tài nghe thổi kèn và uống rượu/ Uống thật tự nhiên, uống đến say mèm/ Trong cơn say nhìn vào dễ hiểu/ Họ cũng cần đôi lúc để lãng quên/ Nhờ được sống giữa những người như vậy/ Tôi ngủ những giấc thật sâu, những giấc thật yên lòng/ Trong cơn mơ có mùi hương cỏ mật/ Và sớm ra tôi đã gặp hoa hồng”.
Tôi thấy đây là một trong những bài thơ hay nhất của ông. Trong thơ Chử Văn Long, những cảm xúc về cuộc đời, về con người với những hình ảnh, âm thanh, diện mạo cuộc sống cứ đi vào thơ anh một cách dung dị, hồn nhiên, lấm chất đời, chất người như vậy để nói lên một cách sâu xa nhất những ngẫm nghĩ nhân sinh về cõi người.
Nhà thơ Xuân Diệu khi còn sống đã coi Chử Văn Long như một người em thân thiết. Anh nhiều lần đến chơi và được người anh lớn trên thi đàn Việt trao đổi về nghề, về đời khá sâu sắc. Trong đó có chuyện Xuân Diệu khi dịch thơ Tố Hữu ra tiếng nước ngoài, có một chị chuyên gia nước ngoài về ngôn ngữ chỉ chọn được trong hàng chục đoạn thơ có một khổ thơ và bảo: “Anh Xuân Diệu ơi, ở Paris người Pháp người ta chỉ đọc, chỉ mua bốn câu này là đủ!”. Xuân Diệu nói: “Em thấy không, thơ anh Tố Hữu mà còn thế đấy, huống chi các “cây bút trẻ” các em, liệu mà rèn luyện, chứ cứ viết tự nhiên như là thứ kể lể dài dài, thiếu cấu tứ chặt chẽ thì…”, anh thè lưỡi lắc đầu quầy quậy “…thì mong sao mà tiến lên được”.
Chử Văn Long ngồi ngây ra, nghĩ trận đồ bát quái của thơ khó đến thế thì lớp đàn em làm sao mà vượt được lên? Chắc đoán được tâm trạng của người em, Xuân Diệu đưa cho Chử Văn Long chiếc kẹo sôcôla (quà anh đi nước ngoài mua về, ngày ấy rất hiếm), rồi anh ôn tồn: “Nói vậy thôi chứ chúng ta làm thơ bây giờ dễ lắm, cả anh nữa cứ mỗi lần đi thực tế lại làm được vài bài thơ gửi các báo đăng… thơ chúng mình có mậu dịch thu mua, không lo ế…”, Xuân Diệu cười. Qua những bài học thiết thực như vậy, các nhà thơ trẻ chắc sẽ ngộ ra nhiều điều.
Sáng tác cả ngàn câu ca dao “bị ế”
Sau này, Chử Văn Long cảm nhận: “Bây giờ thêm tuổi cầm bút, tôi càng thấy rõ khẩu vị thơ Ta và thơ Tây thật khác xa, do hoàn cảnh địa lý, lịch sử, trình độ, văn hóa mỗi dân tộc, qua nếp sống hàng nghìn đời đã tiếp nối thay đổi, kế thừa mà nên. Trước xu hướng “hòa nhập toàn cầu”, người nóng vội tưởng thơ Tây hay hơn, muốn nhanh chóng vượt qua biên giới bằng thứ thơ “Tây hóa” như cách chuyển giao công nghệ khoa học kỹ thuật… chắc không đi đến bến bờ nào. Ngược lại, người lấy “tiêu chuẩn ngàn năm thơ Việt” để đo đạc sáng tác cũng dẫn đến bế tắc. Để viết thơ, có thành thơ và thơ có hay hay không phải là do cái hồn của người cầm bút hiện lên trang giấy, rung động, tỏa sáng được hay không là do cái hồn ấy…”.
Tâm sự thấu đáo này của Chử Văn Long đã khơi gợi cho những người cầm bút chúng ta những cân nhắc, lựa chọn trong mỗi cách viết, để làm sao chạm được vào cõi thơ hay, thơ mới cùng với những tinh hoa của thi ca truyền thống và hiện đại.
Được biết, có thời gian Hội Văn nghệ Hà Nội “bất ngờ” giao nhiệm vụ cho nhà thơ Chử Văn Long đi sưu tầm ca dao, tục ngữ bốn huyện ngoại thành thuộc vùng châu thổ sông Hồng có liên quan đến trầm tích văn hóa Thăng Long xưa và Hà Nội ngày nay. Lúc ấy ông nghĩ rằng: “Việc này như nhát búa vào gáy vì có câu ca dao, tục ngữ nào hay thì nhà văn Vũ Ngọc Phan đã tuyển chọn trong “Tục ngữ, ca dao, dân ca Việt Nam” rồi, còn đâu mà sưu tầm. Còn những câu ca dao chất lượng làng nhàng về làng nghề, địa danh thì đã được gom vào những tập riêng cho từng vùng đất của các tác giả Chu Hà, Giang Quân của Hà Thành thì còn gì mà tìm?”.
Nghĩ vậy, nhưng ông vẫn phải gói ghém việc gia tư để “khoác bị” lên đường đi điền dã. Và, sau ba tháng đi thực tế không sưu tầm được câu ca dao nào, nhà thơ đành tự sáng tác gần 1.000 câu ca dao và cuối năm mang về báo cáo cơ quan Hội, trong đó có những câu: “Gió đồng chẳng thổi hương đồng/ Thổi vào trong phố cho lòng ngổn ngang”; “Khói rơm ai đốt lên trời/ Để người xa cách lặng ngồi nhớ quê”; “Yêu chồng sao lại không ghen/ Để chồng đi sớm về đêm mất chồng”; “Tình tang mình hát mình nghe/ Cớ sao ai đấy lại mê tiếng mình”; “Tình yêu như thể bùa mê/ Dính vào quên cả lối về đường đi”; “Đã toan một bận bán giời/ Chỉ hiềm chưa có ai người tới mua”; “Ngồi buồn giở áo ra khâu/ Vai sờn, tay rách thương nhau bội phần”; “Buồn không nói được nên lời/ Hệt như sương khói tạnh rồi lại tuôn”…
Khi đọc xong cả loạt câu ca dao “sưu tầm” như trên, thủ trưởng Hội Văn nghệ gọi nhà thơ Chử Văn Long lên tuyên dương và nói: “Vậy là vẫn còn những câu ca dao tuyệt vời còn sót lại trong nhân dân cần phải sưu tầm. Giả thử trong đó có câu nào anh tự viết ra thì tôi vẫn coi đây là tập sưu tầm có giá trị. Tôi sẽ đưa vào kế hoạch xuất bản cho anh năm sau. Đây cũng là thành tích hoạt động của văn phòng Hội”. Sau đó, thủ trưởng Hội thuê xe con đưa đại diện công đoàn về thăm vợ nhà thơ bị ốm đã nhiều năm, và cho 400 đồng, lúc ấy có thể đong được mấy tạ gạo. Không may, cuối năm bầu Ban Chấp hành mới, thủ trưởng cũ không trúng cử, sếp mới về thay, không có trách nhiệm in tập ca dao này nữa, nên Chử Văn Long đành “nhét bị treo xà nhà”, mặc cho con nhện chăng tơ cuốn bản thảo với 1.000 câu ca dao “bị ế”.
Không hiểu có phải vì gặp những chuyện không hay trong thời gian công tác mà nhà thơ Chử Văn Long đã ngẫu hứng viết bài “Hội văn nghệ phố Hàng Buồm” với những câu thơ nửa hài, nửa bi như sau: “Hội văn nghệ phố Hàng Buồm/ Bạn đùa gọi chệch “Hàng Buồn” cho vui/ Ngoài kia phố xá ngược xuôi/ Người buôn bán, kẻ chào mời mánh mung/ Góc trời riêng một bên trong/ Đam mê toàn chuyện mơ mòng văn chương/ Có người trốn nợ áo cơm/ Râu quên cạo, tóc để buồn chấm vai/ Người theo giấc mộng thiên tài/ Vung cây bút muốn thu trời vào tay/ Người như lạc kiếp lưu đày/ Quên mình túi lép tháng ngày lang thang/ Rằng sang nghĩ cũng thật sang/ Khối anh quyền bính bạc vàng còn mơ/ Mơ mình làm được câu thơ/ Một lần xuất hiện trên tờ báo con/ Nhưng buồn nghĩ cũng thật buồn/ Áo cơm không đủ sao còn mộng mơ!”. Khi Chử Văn Long in bài thơ này trên một tờ báo và đọc cho bạn bè văn chương cùng nghe, ai cũng khen anh là người tài hoa nhất phố “Hàng Buồn” và xứng danh là người viết cả ngàn câu ca dao “bị ế”!
Trong lời tác giả mở đầu “Tuyển thơ văn chọn lọc”, nhà thơ Chử Văn Long chia sẻ: “Năm tháng qua đi, ngồi chọn lựa lại thơ và những trang tiểu luận văn chương của mình trong tập sách, tôi lại thấy được an ủi bởi những câu thơ đã viết 30 năm có lẻ lại có thể đem ru hát để an ủi sẻ chia khi tình đời, tình người, những yêu thương gắn bó đang rạn vỡ nhạt phai: “Anh hát em nghe khúc hát đồng quê/ Cho lắng lại buồn vui muôn thuở/ Cho mẹ thương con, cho chồng thương vợ/ Người không thương nhau có rất ít ở trên đời!”.