Chó sói - Những đối cực biểu tượng!

Thứ Sáu, 20/10/2023, 08:27

Những năm cuối thế kỷ trước, khi rừng Tây Nguyên còn hoang dã, mỗi đêm rằm trăng sáng, ai ở rừng đều nghe thấy tiếng đàn sói tru. Những tiếng tru dài, thảm thiết, ghê rợn sẽ làm rùng mình, dựng tóc gáy những ai lần đầu đến vùng đất này. Tại sao sói tru vào đêm trăng? Đến nay khoa học cũng chưa trả lời được... Nhưng chắc chắn giữa đêm trăng sáng và loài sói có mối liên hệ bí hiểm nào đó!

cap-nhat-50-hinh-nen-cho-soi-dep-ngau-hoang-da-doc-dao_19.jpg -0
Sói tru đêm trăng!

Ở thời trung đại phương Tây và châu Mỹ loài sói luôn bị coi là kẻ thù tự nhiên của con người nên chúng bị xua đuổi, tàn sát không thương tiếc. Vì chủ yếu sống bằng nghề chăn nuôi (cừu, dê, ngựa, gà tây,…) trên thảo nguyên thường xuyên bị sói đến phá hoại nên con người rất ghét sói. Nhiều thành ngữ châu Âu đồng nhất sói với những kẻ xảo quyệt, nham hiểm, tàn bạo… Sói còn bị coi là biểu tượng cho sự khốn cùng, đói rét với thành ngữ “Chó sói ở cửa”. Vì có bản tính hung hãn, liều lĩnh nên sói biểu trưng cho tính cách “đầu gấu” của những kẻ mày râu ít học, thậm chí còn để chỉ những gã đàn ông đểu cáng chuyên “tấn công tình dục”…

Có một vài truyền thuyết kể những đêm trăng sáng những gã đàn ông “máu dê” tự nhiên biến thành sói… Chắc là chuyện giả nhưng nó “răn đe” thật những cô gái “con nhà lành” mải chơi ban đêm… Ngụ ngôn La Phôngten lấy sói làm nhân vật xấu xí, độc ác, tráo trở để giáo dục trẻ em phải biết cảnh giác và luôn biết tu dưỡng phẩm chất để vươn tới những đối cực tính cách của sói, tức phải thật thà, hiền lành, biết thương người, vị tha, nhân hậu… Hầu hết các cộng đồng châu Âu và Mỹ đều coi những phẩm chất trái ngược với tính cách của sói như là một mỹ học đạo đức…!

Với người Việt (Kinh) cũng tương tự, sống bằng nghề làm ruộng chăn nuôi, con gà con vịt là tài sản thế mà bị sói vồ nên ghét cay ghét đắng loài sói. Chúng không dám tấn công người nhưng chuyên bắt gà, bắt chó, bắt lợn... nên người rất cảnh giác, với cả những gì bên ngoài là “cừu” hiền lành tử tế nhưng bên trong là “sói” ác độc: “Sói khoác da cừu”. Họ chắc chắn rằng: “Sói vào nhà không mất gà cũng mất vịt”…

Nhưng với người Mông Cổ thì ngược lại, sói là vật tổ (tôtem) và luôn nhìn sói ở mặt tích cực: khôn ngoan, kiên quyết, can đảm, không bao giờ bỏ cuộc, bản lĩnh đến tàn bạo, trung thành với bản thân, nhất quán đến cùng với mục tiêu đã định sẵn, quyết tâm đến cùng truy đuổi mục tiêu nên không có con mồi nào là không thể bắt được... Nói đến hình tượng này không thể không bàn đến tiểu thuyết nổi tiếng “Tôtem Sói” của Khương Nhung. Ngay tên gọi tác phẩm đã hấp dẫn, hình tượng sói vốn đầy đối nghịch trong văn hóa nhân loại, lại bàn đến “vật linh” từ xa xưa, nên càng mời gọi…

Quả vậy, từ khi ra đời (2004) “Tô tem Sói” là một trong những tiểu thuyết bán chạy nhất trên thế giới, dĩ nhiên cũng gây nhiều tranh luận, nhưng càng về sau khi văn học sinh thái lên ngôi thì lại càng được khẳng định. Tiểu thuyết dài 600 trang lấy sói làm biểu tượng để ký gửi các lớp mã ý nghĩa. Thế nên danh từ “sói” được nhắc đi nhắc lại, tới hàng ngàn lần, có trang nhắc lại hàng chục lần. Cụm từ nhận xét “sói tài giỏi hơn con người”, “binh pháp con người có được là học từ sói”… cứ nhấn đi nhấn lại.

“Sói” trước hết là biểu tượng cho sức mạnh của sự đoàn kết. Cơn bão tuyết bất ngờ ập về, đàn sói liền lợi dụng để tấn công đàn ngựa chiến để trả thù con người đã đào hang bắt sói con. Trận chiến được miêu tả như của con người chứ không phải của loài sói, cũng hiệu lệnh, cũng có phân công nhiệm vụ rõ ràng, có mục tiêu… Và “Sói” đã chiến thắng để minh họa cho lời người dẫn chuyện: “Sói biết thời tiết, biết đánh gần, biết chọn thời cơ, biết địch biết ta, biết chiến lược chiến thuật, biết đánh đêm, biết đánh du kích, biết đánh cơ động, biết đánh lén,... Sói rất giỏi binh pháp”.

Phương ngữ Mông Cổ có câu: muốn hiểu Thành Cát Tư Hãn thì phải hiểu sói. Lịch sử nhân loại, nhất là lịch sử châu Âu không khỏi rùng mình khi nhắc tới Thành Cát Tư Hãn - một thiên tài quân sự, một bạo chúa khét tiếng. Đoàn quân của ông ta tung vó ngựa chinh phục gần hết châu Á, châu Âu, đã làm tổn hại biết bao sinh linh, đã hạ nhục bao triều đình phong kiến từ uy nghi hào nhoáng rơi xuống hàng thảm hại thấp kém…

Thế mà lại nói muốn hiểu Thành Cát Tư Hãn phải hiểu sói, tức sói được đề cao hơn cả vị vua nổi tiếng. Ngược dòng phong tục thì đúng “sói” là sứ giả giữa người Mông Cổ với Tăngcơli (Trời). Trong quan niệm cổ truyền thì loài sói là biểu tượng thiêng của cư dân thảo nguyên. Quan niệm thấm vào cuộc sống sâu sắc đến mức người ta lấy tấm da sói làm lá cờ biểu hiện cho lòng tôn kính và niềm tin bất diệt về đấng tối cao. Đấy là cơ sở cho tục thiên táng - để xác người chết trên thảo nguyên cho sói ăn thịt. Có như vậy mới có thể “đến được với Tăngcơli”!

image003.jpg -1
Chiến binh Viking và trang phục da sói!

Sói là biểu tượng cho trí khôn. Đi săn mồi sói luôn có đàn, biết tuân lệnh và thực thi nhiệm vụ như một chiến binh đích thực. Biết lợi dụng địa hình, địa vật, thời tiết để bao vây, biết phục kích chờ đón con mồi… Sói còn biết nghi binh, tiếng tru điểm này nhưng “trận địa” chính lại ở chỗ khác… Thiên địch của sói, chẳng phải loài nào khác, là chính con người. Con người nghĩ mãi mới ra lý do vì sao ở thảo nguyên sói chỉ đẻ con vào mùa xuân? Vì thời điểm đó người phải chăm sóc cừu đang mùa sinh sản nên ít có thời gian đào hang bắt sói con. Sói bố mẹ cũng dễ bắt cừu non mang về để sói con tập săn mồi…

Sói tình nghĩa. Đi săn về sói luôn mang “chiến lợi phẩm” - những con mồi tươi ngon nhất cho sói già, sói non. Gia đình sói là hình mẫu để con người học tập về tình yêu thương, đoàn kết, chở che lẫn nhau. Vợ chồng sói chung thủy với nhau suốt đời. Khi bị người đuổi bắt, sói chồng sẽ làm “mồi nhử” để người tránh xa hang ổ gia đình nó…

Sói là biểu tượng cho khát vọng tự do. Nếu bắt sói con về nuôi, một đặc điểm dễ nhận ra là dù chưa mở mắt nó vẫn cứ bò về phía thảo nguyên, cứ như cố tránh xa mùi người, mùi súc vật, mùi bếp cháy… Khi lớn lên sói con sẽ không bao giờ chịu để bị dắt đi cùng con người như chó nhà. Nó chống đối đến cùng cũng như nó không thèm ăn miếng ăn nó không thích… Cư dân thảo nguyên khẳng định không bao giờ thuần hóa được sói. Còn tự ngày xưa chó nhà thuần hóa từ loài nào, thì họ khẳng định chắc chắn không phải từ sói!

Tác phẩm văn học là hình thức của biểu tượng, rộng hơn, là cái vỏ của cổ mẫu, mà nếu lột những lớp vỏ hình thức sẽ nhìn thấy nội dung thông điệp từ ngàn xưa. “Tô Tem Sói” hấp dẫn vì nói về cổ mẫu vùng thảo nguyên. Cơ bản hơn, nó xuất hiện đúng dịp văn minh vật chất lên ngôi gián tiếp tạo ra môi trường tự nhiên khủng hoảng, con người mơ trở về ngày xưa với trật tự vốn có. Nội dung tác phẩm đã “đánh” đúng với thị hiếu ấy. Người ta mới thấy người Mông Cổ lại là những nhà bảo vệ môi trường tích cực, cần mẫn nhất. Cái vỏ quan niệm là mê tín nhưng cái lõi lại là hạt nhân duy vật: “sói là do trời sai xuống để bảo vệ đồng cỏ, sói không còn thì thảo nguyên cũng mất…”.

Ở đây lại xuất hiện một biểu tượng mới: “thảo nguyên” chính là môi trường trong lành, là cái nôi nuôi dưỡng con người và vạn vật. “Sói” chính là biểu trưng cho muôn loài. Con người tàn sát muôn loài tức là tàn sát chính môi trường sống của mình. Quả thật “Đàn sói bị tuyệt diệt là điềm báo trước thảo nguyên sẽ tàn lụi, sự lụi tàn của cái đẹp…”. Vì lẽ đơn giản là cái mối cân bằng sinh thái ngàn đời bị phá vỡ, nay sói bị tiêu diệt, thì những đàn cừu mập mạp, những đàn ngựa cường tráng, vạm vỡ cũng thay hình đổi dạng, gầy gò, tiều tụy vì “thiên địch” của chúng là sói biến mất, chúng chẳng còn tự phải rèn luyện thể chất, trí tuệ để cạnh tranh…

Nhằm cứu vãn môi trường, con người quay về thời tối cổ để học lại bài học sinh thái của người xưa, mới vỡ lẽ rằng, ngoài “Tôtem Sói” của người Mông Cổ thì trong thần thoại Bắc Âu các chiến binh Viking cũng luôn coi loài sói là vị thần bảo trợ giúp họ tăng thêm sức mạnh. Người Mỹ bản địa cũng từng coi sói là sứ giả giữa họ và Thượng đế. Người da đỏ Cherokee còn tự gọi mình là “Những người lính sói” thường quấn mình bằng da sói vừa để bảo vệ vừa được truyền thêm sức mạnh… Tóm lại là con người hôm nay phải trở về với quan niệm hôm qua, phải coi không chỉ sói, mà phải coi loài vật nói chung, tự nhiên nói chung là “tôtem”… Một khi coi mọi loài là “vật tổ” thì con người sẽ tốt hơn chăng?

Nguyễn Thanh Tú
.
.