Chính ủy Anh hùng Hoàng Thế Thiện

Thứ Bảy, 10/05/2025, 12:08

Hoàng Thế Thiện (1922 - 1995) sinh trưởng ở Hải Phòng là một trong những vị tướng gắn bó chiến trường suốt ba cuộc chiến tranh vệ quốc, được giao nhiều trọng trách: Chính ủy Ban Nghiên cứu Sân bay, Chính uỷ Bộ Tư lệnh Trường Sơn, Chính ủy Quân đoàn 4, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng kiêm Trưởng ban B.68 Trung ương Đảng, Phó Tư lệnh Chính trị Quân tình nguyện kiêm Trưởng đoàn Chuyên gia quân sự Việt Nam tại Campuchia,…

Vừa qua, Chủ tịch nước đã truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện vào tháng 4/2025. Trước đó, một bộ tem nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông cũng được phát hành vào tháng 10/2022.

"Muỗi Sài Gòn ghê quá anh ơi!"

Vào tháng 3/1975, khi đang là Chính ủy Bộ Tư lệnh Trường Sơn, Thiếu Tướng Hoàng Thế Thiện được Bộ Tổng tư lệnh điều vào Nam Bộ làm Chính ủy kiêm Bí thư Đảng ủy Quân đoàn 4. Ông đã sát cánh cùng Tư lệnh Hoàng Cầm chỉ huy quân đoàn phối hợp với các lực lượng vũ trang địa phương tiến công địch trên hai hướng chiến lược quan trọng là Dầu Tiếng - Chơn Thành và Định Quán - Lâm Đồng.

Cuộc tấn công 30 ngày đêm này của Quân đoàn 4 đã tiêu diệt nhiều sinh lực địch, giải phóng một vùng rộng lớn, tạo thế đứng chân vững chắc, thuận lợi cho các binh đoàn chủ lực từ phía Bắc theo các Quốc lộ 13, 14 và 20 tiến về Sài Gòn.

hoang the thien - pham van dong.jpg -0
Chính ủy Hoàng Thế Thiện trình bày với Thủ tướng Phạm Văn Đồng về một loại vũ khí mới thu được của địch năm 1970.

Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện còn kiêm nhiệm Phó chính ủy Mặt trận phía Đông, góp phần chỉ huy Quân đoàn 4 phá "cánh cửa thép" Xuân Lộc trong cuộc chiến đấu 12 ngày đêm vô cùng ác liệt, mở toang cửa ngõ đông bắc Sài Gòn cho đại quân hành tiến. Sau đó, ông cùng Quân đoàn 4 tiếp tục tiêu diệt, đánh chiếm yếu khu Trảng Bom, Biên Hòa và đánh thẳng vào Sài Gòn.

Vào đêm 30/4/1975, Tư lệnh Hoàng Cầm cùng Chính ủy Hoàng Thế Thiện nằm bên nhau trò chuyện ngoài hiên Dinh Độc Lập. Không mùng mền chiếu gối. Hai ông cũng không thể ngủ được trong niềm vui chiến thắng. Muỗi bay vo ve đốt đỏ cả người. Tư lệnh đùa với Chính ủy: "Muỗi Sài Gòn ghê quá anh ơi!". Rồi cả hai cười vang.

Hoàng Thế Thiện vốn là bạn chiến đấu với Hoàng Cầm từ thời ở chiến khu Việt Bắc, cùng tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ. Về sau hai ông sát cánh thành lập và chỉ huy Sư đoàn 9 chủ lực đầu tiên của Nam Bộ, mà Hoàng Cầm là Tư lệnh còn Hoàng Thế Thiện là phó chính uỷ kiêm Chủ nhiệm Chính trị. Giữa hai chiến tướng có rất nhiều kỷ niệm của những năm tháng vào sinh ra tử ở hai đầu đất nước. Đặc biệt, cả hai ông đều rất yêu thích văn chương và thỉnh thoảng cũng "xuất khẩu thành thơ".

Quân đoàn 4 được giao nhiệm vụ quân quản thành phố Sài Gòn - Gia Định. Tướng Hoàng Cầm được cử làm Phó chủ tịch Ủy ban Quân quản Thành phố do Tướng Trần Văn Trà làm Chủ tịch. Còn Tướng Hoàng Thế Thiện được cử làm Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy. Hai ông tiếp tục chỉ huy Quân đoàn 4 phối hợp với các ban ngành trung ương và thành phố làm tốt công việc tiếp quản, xây dựng chính quyền mới, góp phần đưa thành phố trở lại hoạt động bình thường.

Tháng 3/1977, Tướng Hoàng Thế Thiện được điều động ra Hà Nội làm Thứ trưởng Bộ Quốc phòng kiêm Chủ nhiệm Tổng cục Xây dựng kinh tế, trong sự chia tay lưu luyến của cán bộ chiến sĩ Quân đoàn 4. Đại tá Hoàng Minh Phương, nguyên Phó tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Quân đoàn 4 cho hay: "Thời gian công tác ở quân đoàn tuy ngắn ngủi nhưng đồng chí Hoàng Thế Thiện đã để lại trong lòng mọi người những ấn tượng sâu đậm về phẩm chất, đức độ và tài năng của một Chính ủy, một Bí thư Đảng ủy Quân đoàn mẫu mực".

Ngang dọc chỉ huy bảo vệ tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn

Trước khi về làm Chính ủy Quân đoàn 4, Tướng Hoàng Thế Thiện có thời gian gắn bó với đường Trường Sơn huyền thoại. Vào tháng 7/1970, ông được Bộ Tổng tư lệnh điều vào làm Phó chính ủy Mặt trận 968 Nam Lào. Nhằm bổ sung cán bộ chủ chốt cho tuyến vận tải chiến lược Trường Sơn, tháng 6/1971, ông lại được cử làm Phó chính ủy Bộ Tư lệnh 559, rồi kiêm Chính ủy - Bí thư Đảng ủy Bộ Tư lệnh khu vực 470 (có quyền hạn như một Bộ Tư lệnh Sư đoàn), phụ trách phần cuối đường Trường Sơn gắn liền với Nam Bộ. Đến tháng 5/1973, ông được đề bạt làm Chính ủy - Phó bí thư, rồi Bí thư Đảng ủy Bộ Tư lệnh Trường Sơn.

Quân lực Mỹ và Việt Nam Cộng hòa âm mưu mở cuộc tấn công lớn vào Đường 9 - Nam Lào hòng cắt đứt tuyến chi viện chiến lược từ miền Bắc cho cách mạng miền Nam. Phát hiện điều này, Bộ Tổng tư lệnh đã chỉ thị cho Bộ Tư lệnh Trường Sơn tổ chức lực lượng phối hợp với quân chủ lực để đánh bại âm mưu của đối phương. Phó chính ủy Hoàng Thế Thiện và Phó tư lệnh Hoàng Kiện được giao phụ trách Sở Chỉ huy Tiền phương, đảm nhiệm cánh tây của Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào.

hoang the thien-1a.jpg -1
Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện (1922 - 1995).

Trước lúc Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào diễn ra, Hoàng Thế Thiện đã cùng Bộ Tư lệnh Tiền phương 559 chỉ huy Sư đoàn 968 và Trung đoàn 29 đẩy lui quân ngụy Lào về Đồng Hến khi chúng đánh ra Mường Phìn. Tiếng súng chiến dịch bắt đầu, hai chiến tướng Hoàng Thế Thiện và Hoàng Kiện đã sát cánh chỉ huy bộ đội Trường Sơn đánh bại chiến thuật trực thăng vận của quân ngụy Lào và Thái Lan, giải phóng Mường Pha Lan, không cho chúng hợp điểm với quân Việt Nam Cộng hòa.

Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào kết thúc thắng lợi, Hoàng Thế Thiện cùng Hoàng Kiện tiếp tục tổ chức chỉ huy bộ đội bước vào những trận đánh mới để gây tiêu hao các chiến đoàn chủ lực quân ngụy Lào và quân Thái, giải phóng Đồng Hến, nhằm bảo đảm an toàn cho hành lang phía tây của tuyến vận tải Trường Sơn.

Đến tháng 10/1971, Phó chính ủy Hoàng Thế Thiện được phân công kiêm Chính ủy Sư đoàn 470, thay Chính ủy Bùi Đức Tạm bị thương nặng phải ra Bắc điều trị, trực tiếp phục vụ chiến trường Nam Bộ, Tây Nguyên và Đông Bắc Campuchia. Đây là thời gian đối phương bắt đầu đánh phá ác liệt khu vực này, có lúc đường bị tắc nghẽn, đơn vị thiếu thốn trăm bề.

Ông đã cùng Bộ Tư lệnh Sư đoàn 470 nghiên cứu đánh trả địch, làm nhiều đường vòng, đường tránh, có những sáng tạo về vận chuyển, thu mua tại chỗ… Nhờ đó, đơn vị đã vượt qua khó khăn, thực hiện vượt mức kế hoạch chi viện chiến trường mùa khô 1971-1972. Sau đó, Hoàng Thế Thiện được gọi trở về Bộ Tư lệnh 559, nhận nhiệm vụ chỉ đạo cụm Hạ Lào. Ông chỉ huy bộ đội tình nguyện phối hợp với lực lượng Pa-thét Lào tấn công địch, mở rộng vùng giải phóng Nam Lào.

Bấy giờ, Chính uỷ Đặng Tính trên đường ra Bắc công tác đã hy sinh vì bom Mỹ. Cái chết của vị chỉ huy tài năng gây chấn động, đau xót toàn quân. Vào tháng 5/1973, Bộ Tổng tư lệnh quyết định bổ nhiệm Hoàng Thế Thiện làm Chính ủy kiêm Bí thư Đảng ủy Bộ Tư lệnh Trường Sơn. Nhận trọng trách mới giữa lúc chiến trường đầy khó khăn thử thách, ông tiếp tục thể hiện bản lĩnh của một vị chỉ huy dày dạn trận mạc, luôn sâu sát cơ sở để trực tiếp nắm tình hình, đến những trọng điểm ác liệt như ATP trên đường 20 của Binh trạm 14, Chà Là của Binh trạm 12…

Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên, nguyên Tư lệnh Bộ Tư lệnh Trường Sơn, hồi tưởng về Chính ủy Hoàng Thế Thiện rằng: "Có lần, trước khi chia tay tôi để ra trận, anh nói: "Tôi đã từng chiến đấu ở miền Nam. Tôi hiểu thế nào là sự trường tồn của tuyến chi viện". Anh là cán bộ chỉ huy chiến đấu giỏi, đã có công trong việc tiêu diệt sinh lực địch, mở rộng và bảo vệ vững chắc tuyến hành lang đường Hồ Chí Minh ở Tây Trường Sơn".

Vào tháng 8/1982, ba cán bộ cao cấp của quân đội được điều động sang làm Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội: Hoàng Thế Thiện, Nguyễn Văn Quảng, Huỳnh Đắc Hương, do Thượng Tướng Song Hào làm Bộ trưởng. Trên cương vị Thứ trưởng thứ nhất, Tướng Hoàng Thế Thiện toàn tâm toàn ý lao vào nhiệm vụ mới mang tính chất nhân đạo, đền ơn đáp nghĩa, khắc phục hậu quả chiến tranh.

Ông thường xuyên động viên cán bộ trong ngành: "Lấy việc làm mang lại niềm vui, hạnh phúc cho thương binh, gia đình liệt sĩ là phần thưởng cao quý của mình". Ông cũng bay ra nước ngoài tranh thủ các nước, tổ chức quốc tế viện trợ nhân đạo cho Việt Nam. Ông còn dành sự quan tâm cho trẻ em mồ côi, bất hạnh, khởi động xây dựng các làng trẻ em SOS. Viện Hàn lâm Hermann Gmeiner thuộc Tổ chức Làng trẻ em SOS quốc tế đã trao tặng Giải thưởng Kim vàng danh dự cho ông.

Phan Phú Yên
.
.