Chao liệng cánh diều khát vọng...!

Thứ Sáu, 26/04/2024, 09:29

Truyền thuyết về cái diều kể một người nông dân ngồi nghỉ, gió thổi mạnh làm bay cả chiếc mũ rơm. Anh bèn lấy sợi dây buộc một đầu vào mũ, đầu kia vào gốc cây. Gió thổi đưa chiếc mũ lên cao, chao liệng… Đó là mô hình sơ khai đầu tiên của cái diều.

Theo sử sách Trung Quốc, diều có ở nước họ vào thời Xuân Thu (cách nay hơn 2.000 năm), người sáng chế là Lỗ Ban, làm diều bằng gỗ, bằng trúc. Đến thời nhà Hán, diều được làm bằng giấy, được gọi là "chỉ diên" (hình chim diều hâu). Nhưng theo những công bố của các Hiệp hội Diều trên thế giới thì chiếc diều đầu tiên xuất hiện cách đây hơn 3.000 năm được làm từ lá cây. Đến nay chiếc diều được công nhận có vận tốc nhanh nhất đạt mức 193km/h. Diều có diện tích lớn nhất là 630m2. Thời lượng lâu nhất của chiếc diều bay lượn là 180 giờ…

image001.jpg -0
Chiếc diều truyền thống làng Bá Dương Nội (Hà Nội).

Theo thời gian, dần dần diều "bay" vào đời sống, thành phong tục thả diều. Nhưng buổi đầu, diều không là thú chơi mà dùng vào nghi lễ, ma thuật. Vào tết Thanh Minh, sau khi làm lễ cúng bái tổ tiên, người dân mang diều (đã được ghi/vẽ những điều xúi, những loại bệnh… trên thân diều) ra thả với mục đích xua đuổi tà khí và những điều rủi ro, xúi quẩy. Khi diều ở độ cao nhất sẽ cắt dây cho diều bay mang đi những điều chẳng may… Thế là từ đó, cũng hình thành quan niệm (đến nay ở ta vẫn còn) diều đứt dây rơi vào nhà ai sẽ mang lại điều không may, nên thường đem đốt đi… Diều còn được coi là vật nối con người với thần thánh trên trời, trong những đêm trăng sáng, trước khi thả diều người ta làm lễ cầu mong những điều tốt lành…

Về sau, nghề giấy phát triển thì diều phổ biến hơn, được sử dụng vào nhiều mục đích, có cả quân sự. Trong sách "Hán Sở tranh hùng" kể, tướng quân Trương Lương nhà Hán dùng diều gắn sáo trúc thả lên trời, sáo véo von điệu khúc quê hương nước Sở để khơi gợi, kích động lòng nhớ nhà, khiến quân Sở rệu rã, mất ý chí mà thua. Đến thời nhà Tống, diều trở thành trò chơi phổ biến của trẻ con. Vào thời Minh - Thanh, hình tượng diều đi vào nghệ thuật, nhiều hơn trong hội họa tạo hình. Có danh họa Từ Vị (1521-1593) chuyên vẽ diều, còn để lại 30 bức giá trị.

Ở ta có truyền thuyết núi Cánh Diều (Ninh Bình) kể, khi sang Giao Châu, thấy long mạch nước Nam rất vượng, sẽ phát đế vương, Cao Biền (821 - 887) bèn mặc áo phù thủy, cưỡi diều giấy xem địa thế tìm cách trấn yểm. Một lần bay đến Hoa Lư thì bị dân chúng dùng tên bắn. Diều gãy cánh rơi xuống một hòn núi, từ đó núi mang tên Cánh Diều. Lý giải tên một địa danh nhưng câu chuyện còn là niềm tự hào về cơ ngơi đất nước vẻ vang, hùng mạnh. Còn cho thấy thời đó ở ta diều cũng đã có trong sinh hoạt cộng đồng.

Là vật thể bay trong không gian, diều đòi hỏi sự tạo hình theo nguyên lý thăng bằng và vận dụng nguyên lý động lực học để không chỉ bay cao mà còn tạo ra những đường chao lượn đẹp mắt. Do đó khung diều phải cứng, nhẹ, lại có thể mềm mại để đàn hồi…  Diều được thả bởi một hoặc hai người, nhiều người (nếu diều to). Thường một người cầm diều đứng ngược chiều gió, hướng mũi diều chếch khoảng 45 độ, một người cầm cuộn dây. Gặp gió người thả cầm diều phóng lên, người cầm dây giật nhẹ, chạy lùi rồi thả dây... Ở nhà quê thời trước, với trẻ em, nhất là trẻ chăn trâu, chơi diều đến quên ăn, quên học, quên cả trâu… Lại còn thi diều, thi sáo… Mỗi khi diều đứt dây thì náo loạn cả lên. Sợ mất diều thì ít, sợ diều rơi vào nhà người ta thì nhiều. Mất đồ chơi, đã đành, còn bị mách cha mẹ, mách cả nhà trường…

Ở nước ta chơi diều là một phong tục thanh tao mà dân dã, ai cũng có thể chơi, dễ tìm không gian để chơi nên phổ biến ở miền đồng bằng Bắc Bộ. Nhưng nổi tiếng nhất phải kể đến Hội diều làng Bá Dương Nội (xã Hồng Hà, Đan Phượng, Hà Nội), được đưa vào danh mục "Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia". Làng còn có cả hệ thống tín ngưỡng, truyền thuyết, đền thờ, lễ hội gắn với cánh diều.

Dã sử của làng kể, thời trời đất, âm dương còn giao hòa, người và tiên ở cùng nhau. Nhưng rồi một ngày nọ, trời và đất bị chia cắt. Bầu trời cứ cao lên mãi. Không gặp được tiên, người bèn nghĩ ra làm cánh diều để nối trời với đất, cũng là nối tiên với người. Thế nên diều phải mang theo tiếng sáo nói hộ tấm lòng của người trần với cõi trên.

Một truyền thuyết đầy thi vị, "thơ hóa" tập quán chơi diều, đẩy cánh diều từ nơi phàm trần bay lên cõi tiên cao sang. Thần tích của làng còn giữ văn bản do Hàn lâm Đại học sĩ Nguyễn Bính soạn năm 1572 tả lễ hội thả diều của làng (vào ngày Rằm tháng ba) tưởng nhớ Nguyễn Cả, vị tướng giỏi giúp Đinh Tiên Hoàng dẹp loạn 12 sứ quân... Thắng giặc trở về, Nguyễn Cả mở hội khao quân, có trò thả diều. Phần "lễ" được tổ chức ở Miếu Diều (thờ thần Diều). Mở đầu phần "hội" là lễ rước bánh dày sau đó là thi thả diều ở ngay trước cửa miếu.

image003.jpg -1
Một lễ hội thả diều ở Nhật Bản.

Ngoài Đan Phượng (Hà Nội), còn có ở Bắc Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Huế, Hội An… có phong tục chơi diều. Ngày nay có rất nhiều kiểu dáng mẫu mã, to nhỏ, màu sắc khác nhau nhưng phổ biến là mẫu diều truyền thống của Việt Nam có hình con thuyền, hai đầu cánh cong vút như mái đao đình chùa. Theo các nghệ nhân, diều truyền thống đeo sáo thường dài hơn 2 mét, rộng hơn 0,5m. Khung diều làm bằng tre đực già, phơi nắng cho khô, khung diều dẻo, vót thật tròn, nhẵn. Cánh diều được "phất" (dán) bằng vải lụa mềm, bền, dai, chắc và nhẹ. Keo dán là quả cậy giã mịn đun lên cho chảy thành nhựa…

Sáo diều cũng nhiều loại: sáo chim tiếng kêu nhẹ, có lúc rít lên như tiếng còi; sáo còi như sáo chim nhưng to hơn; sáo đẩu kêu vo ve từng tiếng, ngân vang; sáo cồng kêu to như hồi cồng. Thân sáo làm từ những cây tre già đã chết khô, bên trong ống có kiến làm tổ càng tốt (độ sần sùi tạo ra sự phản xạ âm thanh). Miệng sáo được làm bằng gỗ mít già trên 30 năm (đủ dai, rắn, không nứt). Âm thanh của một bộ sáo "chuẩn" phải có âm của tiếng chiêng, tiếng cồng, tiếng ốc. Nguyên lý của "hợp âm" là "mẹ gọi con đáp", tiếng to nhất (mẹ) vang lên thì những âm sáo nhỏ (con) cùng hô ứng vang theo.

Đến nay "kỷ lục" ghi nhận chiếc diều của làng Đại Trà (Hải Phòng) có "Bộ sáo ầm có nhiều sáo nhất Việt Nam". Chiếc diều này sải cánh dài 7,2m, rộng 4,4m, có 13 cây sáo (nặng 7kg). Khi diều bay, ở xa hàng chục cây số vẫn nghe thấy tiếng sáo. Theo các nghệ nhân, hợp âm của bộ sáo này được xếp từ to đến nhỏ (Ầm, ì, bi, bu, bô, xô, do, de, dí, dị, dì, di), gọi là "sáo đàn", "mẹ gọi các con thưa"… Rất kỳ công và cũng rất thú vị…

Những cánh diều bay nhiều hơn ở bầu trời văn hóa châu Á. Ngày nay Nhật Bản có cả "Hiệp hội thả diều Nhật Bản" thường tổ chức chơi diều vào dịp Tết cổ truyền mừng xuân mới trong tiết trời ấm áp. Ở Thái Lan, thả diều là một bộ môn thể thao, được coi là một di sản văn hóa. Diều Thái Lan được phân loại theo "giới tính": đực (Chula); cái (Pakpao) được tổ chức thành lễ hội với đặc trưng là diều đuổi bắt nhau. Lạ mắt và vui nhộn. Ở Malaysia, diều truyền thống nổi tiếng nhất là "Wau Bulan" (diều mặt trăng) khung tre "phất giấy", trang trí bằng các họa tiết hoa, lá rực rỡ. "Wau Bulan" được coi là một biểu tượng văn hóa, là logo của hãng Hàng không Malaysia Airlines…

Bay lượn ở nhiều lớp thời gian và không gian khác nhau nhưng các cánh diều đều gặp nhau ở "hằng số" văn hóa mang tính hai chiều: bay lên thật cao những ước mong, những khát khao may mắn, tốt lành; đem đi thật xa những cái xấu, cái rủi, cái không may... Ngày xưa là "sứ giả" của con người với cõi tiên, ngày nay diều là sứ giả của con người đến với con người. Các dịp lễ hội thả diều trên thế giới, bạn bè đều thích thú, chiêm ngưỡng cánh diều Việt Nam bay lên chao lượn cùng bạn bè thể hiện một thông điệp chung con người hài hòa, gắn bó với thiên nhiên, cùng nhau bảo vệ môi trường, giữ gìn hòa bình, giữ gìn, phát triển truyền thống văn hóa…

Là một hình tượng nghệ thuật, tất nhiên diều cất cánh bay vào không gian âm nhạc: "Quê hương là con diều biếc/ Tuổi thơ con thả trên đồng" (thơ Đỗ Trung Quân). Thi vị, trữ tình nhiều hơn cả là trong thơ: "Diều hay chiếc thuyền/ Trôi trên sông Ngân/ Cánh diều no gió/ Tiếng nó chơi vơi/ Diều là hạt cau/ Phơi trên nong trời" (Trần Đăng Khoa); "Tưởng chừng đã chạm vào mây/ Cánh diều là nốt nhạc dài chung chiêng" (Lê Minh Quốc); "Bé thầm mong ước/ Được như cánh diều/ Bay vào vũ trụ/ Khám phá bao điều" (Nguyễn Lãm Thắng)… Là một "hiện thực hóa" của những khát khao, ước vọng, thế nên diều sẽ bay mãi, bay mãi… 

Nguyễn Thanh Tú
.
.